Tin tức về cơn bão trên chính trường Hàn Quốc

Thông tin Hàn Quốc

5-12-2024

LTG: Sự kiện Tổng thống Yoon Suk Yeol của Hàn Quốc ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc lúc 10h37 phút, đêm 3/12 vừa qua, rồi phải dỡ bỏ chỉ sau sáu tiếng, đã gây chấn động không chỉ trên đất nước Hàn, mà cả thế giới đều theo dõi. Sau đây là một số thông tin quan trọng từ trang Thông tin Hàn Quốc, cập nhật tình hình tại nước này:

Biểu tình thắp nến ở Gwanghwamun, diễu hành đến Yongsan

Tối ngày 4/12, tại khu vực Gwanghwamun, Seoul, đã diễn ra cuộc biểu tình kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức, sau khi ông tuyên bố thiết quân luật nhưng buộc phải hủy bỏ theo nghị quyết của Quốc hội

Đây là lần đầu tiên sau 7 năm kể từ phong trào biểu tình nến năm 2016-2017 yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức, người dân Hàn Quốc lại cầm nến xuống đường.

Phong trào Nhân dân Toàn quốc và Liên đoàn Công đoàn Dân chủ (민주노총) đã tổ chức cuộc biểu tình thắp nến vào lúc 18h tại khu vực trước cửa hàng miễn thuế Donghwa, quận Jongno, Seoul. Theo cảnh sát, cuộc biểu tình có khoảng 2.000 người tham gia, trong khi ban tổ chức ước tính con số lên đến 10.000 người.

Người dân tham gia biểu tình cầm trong tay những cây nến và các biển hiệu ghi khẩu hiệu như “윤석열을 탄핵하라” (Hãy luận tội Yoon Suk Yeol), “내란죄 윤석열 퇴진” (Yoon Suk Yeol phạm tội phản quốc, hãy từ chức).

Họ đồng thanh hô vang: “윤석열은 퇴진하라” (Yoon Suk Yeol hãy từ chức), “대통령을 체포하라” (Hãy bắt giữ tổng thống), và “국민주권 실현하자” (Hãy thực hiện quyền chủ quyền của nhân dân).

Sau khi kết thúc biểu tình vào khoảng 19h15, người tham gia bắt đầu diễu hành về phía Văn phòng Tổng thống tại Yongsan, Seoul. Trên đường đi, họ chiếm 4 làn xe bên phải của đường Sejong-daero và hô vang các khẩu hiệu như “윤석열 구속” (Bắt giữ Yoon Suk Yeol) và “윤석열 퇴진” (Yoon Suk Yeol từ chức).

Lãnh đạo các tổ chức lên án mạnh mẽ hành động của tổng thống

Ông Yang Kyung Soo, Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Dân chủ (민주노총), phát biểu: “Dù lực lượng thiết quân luật cấm các cuộc tụ tập và biểu tình, chúng ta vẫn tập trung ở đây để yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức. Từ hôm nay, Yoon Suk Yeol không còn là tổng thống nữa. Ông ta chỉ là một kẻ vi phạm pháp luật đang mạo danh tổng thống. Hãy bắt giữ Yoon Suk Yeol vì tội phản quốc ngay lập tức!

Ông Han Sang Hee, đồng đại diện của Liên minh Dân sự Tham gia (참여연대), chỉ trích: “Tổng thống Yoon đúng là một người tàn nhẫn. Những hành động sai trái của ông ta đã quá đủ, giờ lại còn thiết quân luật. Đây chỉ là cách ông ta tránh né điều tra và che giấu những cáo buộc xung quanh mình bằng cách xâm phạm quyền cơ bản của người dân và làm suy yếu quyền lực của Quốc hội“. Ông Han khẳng định: “Yoon Suk Yeol phải từ chức ngay lập tức“.

Biểu tình tiếp tục lan rộng khắp các khu vực

Bên cạnh Seoul, các cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức tại Busan, Daegu, Gwangju, Daejeon và Jeju.

Tại Daegu, nơi được coi là pháo đài bảo thủ, người dân cũng xuống đường yêu cầu Tổng thống từ chức. Sáng 4/12, tại quảng trường Ga Dongdaegu, đại diện Liên đoàn Lao động Dân chủ (민노총) và nhóm Yoon Suk Yeol Cảnh tỉnh Daegu tổ chức họp báo chỉ trích: “Những gì Tổng thống Yoon làm không thể kết thúc chỉ bằng câu nói ‘hủy bỏ thiết quân luật.’ Đây là hành động bạo lực phản quốc rõ ràng.”

Tại tỉnh Gyeongbuk, các nhóm dân sự tổ chức họp khẩn tại chợ Jukdo ở Pohang, với sự tham gia của khoảng 50 người. Ở thành phố Changwon, một trong những trung tâm của phong trào dân chủ Bu-Ma (Busan-Masan), các tổ chức xã hội tổ chức biểu tình khẩn cấp với khẩu hiệu: “불법계엄 원천무효 윤석열 체포” (Thiết quân luật bất hợp pháp, bắt giữ Yoon Suk Yeol).

Tại Busan, các nhóm dân sự và công đoàn cũng thông báo sẽ tổ chức biểu tình hàng ngày vào lúc 19h trước khu vực cửa hàng Judy’s Taehwa, với khẩu hiệu “군사반란 계엄 폭거 내란범죄자 윤석열 즉각 퇴진” (Phản loạn quân sự, tội phạm phản quốc Yoon Suk Yeol từ chức ngay lập tức).

Trường đại học, giới báo chí và lao động cùng lên tiếng

Tại các trường đại học, nhiều tuyên bố khẩn cấp đã được đưa ra. Hiệp hội Giáo sư Đại học Quốc gia Seoul (SNU) bày tỏ quan ngại sâu sắc về “biến cố chính trị nghiêm trọng xảy ra vào đêm ngày 3/12.”

559 giáo sư và nhà nghiên cứu từ Đại học Korea cũng ra tuyên bố khẩn, kêu gọi đình chỉ chức vụ và luận tội Tổng thống, nói rằng: “Chúng tôi cảm thấy xấu hổ và đau lòng khi không ngăn chặn được những sự việc phi lý như thế này.”

Các hội sinh viên tại nhiều trường đại học, như Đại học Korea và Đại học Yonsei, đã tổ chức họp khẩn để thảo luận về các biện pháp đối phó. Một số người dân cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước nội dung lệnh giới nghiêm của quân đội: “포고령 위반자는 처단한다” (Người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị trừng trị). Một nhân viên văn phòng 50 tuổi bình luận: “Họ dùng từ ‘trừng trị’ với người dân. Thật điên rồ!”

Giới báo chí cũng lên tiếng phản đối sự xâm phạm tự do ngôn luận. Hiệp hội Biên tập Báo chí và Phát thanh Hàn Quốc tuyên bố: “Việc tuyên bố thiết quân luật, điều chưa từng xảy ra trong suốt 45 năm qua kể từ sự kiện 10/26, là sự thụt lùi dân chủ không thể chấp nhận được.”

Hai liên đoàn lao động lớn nhất Hàn Quốc cũng tham gia phong trào yêu cầu chính quyền từ chức. Liên đoàn Lao động Hàn Quốc (한국노총) tuyên bố ngừng mọi đối thoại xã hội với chính phủ, trong khi Liên đoàn Lao động Dân chủ (민노총) phát động một cuộc tổng đình công vô thời hạn.

Cuộc biểu tình toàn quốc lần thứ 3 với khẩu hiệu “윤석열 정권 퇴진” (Yoon Suk Yeol hãy từ chức) dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 15h ngày 7/12 tại quảng trường Gwanghwamun, Seoul.

Ảnh: Người dân Hàn Quốc biểu tình kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức. Nguồn: TTHQ

***

Cơn bão thiết quân luật tại Hàn Quốc qua góc nhìn quốc tế

Cuộc khủng hoảng thiết quân luật kéo dài 6 giờ do Tổng thống Yoon Suk Yeol khởi xướng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ báo chí quốc tế. Hàng loạt các tờ báo lớn, từ Foreign Policy, BBC đến New York Times, đã phân tích sự kiện này như một thử thách lớn đối với nền dân chủ của Hàn Quốc và vai trò lãnh đạo của Tổng thống Yoon.

Một “cuộc tự đảo chính” thất bại thảm hại

Tờ Foreign Policy nhận định lệnh thiết quân luật là “nỗ lực tự đảo chính” (self-coup) của Tổng thống Yoon để củng cố quyền lực trong bối cảnh bị dồn vào chân tường.

Tuy nhiên, việc Quốc hội nhanh chóng bác bỏ và thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ đã biến nỗ lực này thành một thất bại đáng xấu hổ. Bài viết còn cảnh báo, “khả năng Tổng thống Yoon bị luận tội sau sự kiện này là rất cao.”

So sánh với cuộc bạo động tại Điện Capitol Mỹ

Tờ BBC so sánh sự kiện tại Hàn Quốc với cuộc bạo động chiếm đóng Điện Capitol tại Mỹ vào ngày 6/1/2021, nhưng cho rằng tình hình ở Hàn Quốc có thể gây tổn hại nghiêm trọng hơn đến danh tiếng dân chủ của nước này. Giáo sư Leif-Eric Easley từ Đại học Ewha nhận định: “Việc ban bố thiết quân luật là sự lạm dụng quyền lực pháp lý và một sai lầm chính trị nghiêm trọng, đẩy Hàn Quốc vào tình thế nguy hiểm cả về kinh tế lẫn an ninh.”

Sự ngỡ ngàng từ cộng đồng quốc tế

Tại Nhật Bản, ông Minegishi Hiroshi, một biên tập viên của Nihon Keizai Shimbun, đặt câu hỏi: “Liệu Tổng thống Yoon có nghĩ rằng lệnh thiết quân luật sẽ nhận được sự đồng tình từ phe bảo thủ hay không?”

Thay vào đó, ngay cả trong phe bảo thủ, nhiều người đã tỏ ra bất bình và không thể đồng tình với hành động này. Một số ý kiến thậm chí mỉa mai rằng “Tổng thống bị ảnh hưởng bởi một thầy bói nào đó.”

Tại Mỹ, New York Times dẫn lời một kiều bào tại bang Virginia, ông Kim Jong Jun, nói rằng ông bị sốc và nhớ lại thời kỳ bất ổn dưới chế độ độc tài quân sự những năm 1980. Ông gọi tình hình hiện tại là “đáng xấu hổ” nhưng tin rằng “Hàn Quốc sẽ vượt qua được thử thách này.”

Hệ lụy đối với quan hệ quốc tế

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này không chỉ làm tổn hại đến danh tiếng dân chủ của Hàn Quốc mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế.

– Bloomberg lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng sự kiện này để tuyên truyền rằng hệ thống chính trị của họ vượt trội so với phương Tây.

– New York Times cũng nhận định rằng, động thái này đã đặt chính quyền Biden vào thế khó, khi Hàn Quốc là đồng minh quan trọng trong chiến lược đối đầu với Bắc Hàn, Trung Quốc và Nga.

Dân chủ Hàn Quốc qua thử thách lớn

Tuy nhiên, một số bài viết cũng ca ngợi sự kiên cường của nền dân chủ Hàn Quốc. Giáo sư Celeste Arrington từ Đại học George Washington nhận xét: “Mặc dù sự kiện này gây ra một vết nứt nhỏ trong nền dân chủ, nhưng phản ứng nhanh chóng của Quốc hội và người dân đã chứng minh sức mạnh và sự bền bỉ của hệ thống này.”

Cơn bão thiết quân luật đã qua đi, nhưng những dư chấn mà nó để lại vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị và xã hội Hàn Quốc trong thời gian dài.

Ảnh: Người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình trước đây. Nguồn: TTHQ

***

Động cơ gì khiến bạn đi ra ngoài đường lúc 3 giờ sáng?

Lệnh thiết quân luật được Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố vào lúc 10 giờ 25 phút tối ngày 3, biến một buổi tối yên bình của mùa đông Seoul thành cơn chấn động.

Một giờ sau, Tướng Park Ahn Soo, được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh thiết quân luật, đã tuyên bố cấm toàn bộ các hoạt động chính trị và tụ tập. Tình hình ngay lập tức trở nên căng thẳng tột độ.

“Thật không thể tin được chuyện này xảy ra trong thời đại này. Dù đã khuya, tôi lập tức bắt taxi để tới đây.”

2 giờ sáng ngày 4, một giờ sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ, tại trước cổng chính Quốc hội ở Yeouido, Seoul. Kim Chan Woo và Kim Rae Myung (cả hai 18 tuổi) không thể giấu được vẻ phấn khích dù đang run rẩy trong cái lạnh âm độ. Hai học sinh trường trung học Wabu ở Namyangju, tỉnh Gyeonggi, đã ngay lập tức đến Quốc hội sau khi nghe tin về lệnh thiết quân luật chưa từng có trong thời của họ.

Họ không phải là những người duy nhất đến Quốc hội. Từ thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi, từ học sinh đến nhân viên văn phòng, đông đảo người dân đã đổ về nơi này, khuôn mặt họ pha trộn giữa sự kinh ngạc, phẫn nộ và căng thẳng. Đêm đó, khu vực trước Quốc hội không thể chìm vào giấc ngủ.

Khu vực quanh ga tàu điện ngầm gần Quốc hội nhanh chóng chật kín người. Dù tuyết rơi và nhiệt độ xuống dưới âm độ, hàng trăm người vẫn tụ tập tại lối ra số 6 của ga Quốc hội.

Căng thẳng leo thang

Đến 11 giờ 30 phút tối, những chiếc xe bus lớn với dòng chữ “Xe tác chiến chống khủng bố” “Xe bus quân đội Hàn Quốc” xuất hiện.

Người dân lập tức bao vây và hô to: “Ngăn chặn quân đội!” Ba chiếc trực thăng bay lượn quanh khu vực, khiến bầu không khí càng thêm căng thẳng.

Khi đồng hồ điểm 12 giờ, hàng trăm người đã lấp đầy khu vực trước cổng Quốc hội. Người dân mặc áo khoác dày, giơ cao khẩu hiệu như “Yoon Suk Yeol phải từ chức”, trong khi những người khác vẫy quốc kỳ hoặc tác nghiệp truyền thông.

Trên bức tường đá trước cổng Quốc hội, bốn người thanh niên dẫn đầu đám đông hô vang: “Thiết quân!” và nhận được hồi đáp “Hủy bỏ!” từ hàng trăm người. Các bài hát như “Quốc ca Hàn Quốc” “Bài ca hành khúc của nhân dân” vang lên, làm tăng thêm tinh thần của đám đông.

Niềm vui khi lệnh thiết quân được dỡ bỏ

Lúc 1 giờ 5 phút sáng ngày 4, thông tin toàn bộ 190 nghị sĩ tham dự phiên họp đã biểu quyết đồng ý dỡ bỏ lệnh thiết quân luật được công bố. Quốc hội lập tức trở thành một lễ hội. Người dân reo hò, ôm chầm lấy nhau và hô vang: “Chúng ta đã thắng!”

Từng đợt sóng người được thực hiện theo hiệu lệnh “Wow!” của một người dân. Những âm thanh từ kèn vuvuzela vang vọng khắp nơi, trong khi nhiều người khác nhảy lên đầy phấn khích như đang tham gia cổ vũ World Cup.

Một phụ nữ cầm loa phát thanh kêu gọi: “Các cuộc thảo luận tiếp theo vẫn đang diễn ra, hãy tiếp tục hô khẩu hiệu cho đến khi những người bên trong bước ra.” Người dân đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Bãi nhiệm” và kiên nhẫn đứng chờ.

“Tôi cảm thấy mình phải làm điều gì đó” – Những người dân vội vã đến Quốc hội giữa đêm

Kim Ye Deok, sinh viên năm hai ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Yonsei (25 tuổi), chia sẻ: “Tôi đang ôn thi trong thư viện thì thấy giá Bitcoin giảm mạnh và tự hỏi có chuyện gì. Khi nghe tin lệnh thiết quân luật được ban bố, tôi lập tức ra ngoài. Ban đầu, tôi rất sợ khi thấy quân đội, nhưng sau khi nghe tin lệnh này bị hủy bỏ, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm.”

Park Ji Eun (30 tuổi), một nhân viên văn phòng ở Hongdae, đã cùng hai đồng nghiệp bắt chuyến tàu cuối đến Quốc hội. Cô kể: “Tôi xem YouTube thấy quân đội tiến vào Quốc hội, và nghĩ mình phải làm điều gì đó. Trên đường đi, bố của một người bạn đã gọi và dặn cẩn thận, điều đó khiến tôi nhận ra tình hình thực sự nghiêm trọng.”

Ông Jung Choong Gyu (60 tuổi) đến từ quận Songpa đã cùng vợ bắt tàu điện ngầm ngay sau khi nghe tin về lệnh thiết quân luật. Ông hồi tưởng: “Tôi từng trải qua lệnh thiết quân luật khi còn nhỏ, khi ấy không ai được phép ra đường vào ban đêm, không khí rất căng thẳng. Nhưng so với bây giờ, điều này giống như một màn kịch hài vậy.”

Vợ ông, bà Hwang (59 tuổi), lắc đầu đầy thất vọng và nói: “Đất nước này sao lại đến nông nỗi này. Thật xấu hổ.”

***

Chúng tôi xin lỗi người dân

Lệnh thiết quân luật được Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố vào tối ngày 3, sau đó được được dỡ bỏ vào rạng sáng ngày 4, chỉ sau 150 phút.

Tổng thống nắm trong tay quân đội, nên xe tăng thiết giáp, trực thăng được huy động để bao vây Quốc hội, và sau đó khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ thì những người lính này cũng nhanh chóng rút lui.

Hình ảnh một binh sĩ cúi đầu xin lỗi người dân gây chú ý trên mạng xã hội.

Phóng viên Heo Jae Hyun của tờ ReFact đã đăng tải một bức ảnh về một binh lính thiết quân luật cúi đầu và xin lỗi người dân tập trung tại trước cổng Quốc hội. Phóng viên chia sẻ: “Có một người lính thiết quân luật vô danh đã cúi đầu nói lời ‘xin lỗi’ với người dân đến phản đối tại Quốc hội.”

Ảnh: Một người lính thiết quân luật cúi đầu nói ‘xin lỗi’ với người dân. Nguồn: TTHQ

Ông mô tả: “Người lính trẻ với gương mặt sáng sủa và ánh mắt trong trẻo qua cặp kính đã khiến tôi cảm thấy mọi phẫn nộ trong lòng tan biến, thay vào đó là cảm giác xót xa và biết ơn.”

Người lính liên tục cúi chào và nói “Xin lỗi” nhiều lần với thái độ chân thành. Phóng viên nhận xét: “Khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được sự thật lòng như muốn nói rằng, ‘Chúng ta đều đứng về phía dân chủ’.”

Related posts