Nền kinh tế Đức vốn suy thoái kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, giờ đây cơ hồ như suy sụp khi liên tục có doanh nghiệp phá sản và giảm tải lao động, thậm chí cả những tập đoàn hàng đầu như Volkswagen, Bosch, Thyssenkrupp… cũng tuyên bố giảm lao động với số lượng lớn. Số vụ phá sản trong năm nay của các doanh nghiệp Đức cao nhất trong 14 năm qua.
Làn sóng mất việc làm tại Đức
Gần đây đã nổ ra làn sóng mới các công ty lớn của Đức giảm lao động với số lượng lớn.
Tập đoàn công nghiệp nặng khổng lồ Thyssenkrupp của Đức là công ty thép lớn thứ hai châu Âu, gần đây đã công bố kế hoạch trong vòng 6 năm cắt giảm 11.000 lao động, chiếm khoảng 40% tổng số lao động.
Tập đoàn Volkswagen của Đức vào tháng trước đã có động thái ‘gây sốc’ với kế hoạch giảm 10% lương nhân viên, đóng cửa ít nhất 3 nhà máy ở Đức và cắt giảm hàng chục ngàn người. Động thái này như đập vỡ ‘chén cơm sắt’ mà ban lãnh đạo công ty đã hứa với nhân viên trong hơn 30 năm, việc đóng cửa các nhà máy ngay tại bản địa của Volkswagen này là chưa từng xảy ra đối với tập đoàn.
Tương tự, tập đoàn công nghệ và dịch vụ Đức Bosch có kế hoạch trong vài năm tới giảm 5.500 việc làm trong bộ phận ô tô, khoảng một nửa trong số đó ở Đức; ngoài ra Bosch cũng có kế hoạch giảm chi phí bằng cách giảm giờ làm việc hàng tuần của một số nhân viên ở Đức – một quyết định sẽ ảnh hưởng đến khoảng 10.000 nhân viên.
Động thái khác, nhà cung cấp phụ tùng ô tô Schaffler của Đức tuyên bố sẽ cắt giảm 4.700 việc làm ở châu Âu, trong đó 2.800 việc làm tại Đức, tương đương khoảng 3,1% lực lượng lao động toàn cầu của Schaffler.
Nhà cung cấp ô tô ZF của Đức cho biết, trong vòng 4 năm tới họ sẽ cắt giảm từ 11.000 đến 14.000 nhân viên tại Đức, tổng số lao động của ZF hiện tại là 54.000.
Một tập đoàn ô tô lớn khác của Đức là Audi vào đầu tháng 11 cũng nêu khả năng cắt giảm lao động. Được biết, việc cắt giảm này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất gián tiếp, chỉ riêng bộ phận nghiên cứu và phát triển đã liên quan đến hơn 2.000 việc làm. Audi xác nhận rằng ban lãnh đạo hiện đang đàm phán với công đoàn.
Ngoài ra, làn sóng giảm lao động còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác tại Đức.
Tập đoàn nông nghiệp khổng lồ Baywa của Đức gần đây tuyên bố sẽ cắt giảm 1.300 vị trí toàn thời gian trong số gần 8.000 vị trí vào cuối năm 2027, như một phần trong quá trình tái cấu trúc của tập đoàn. Khoảng 40% vị trí cắt giảm sẽ diễn ra ở các đơn vị hành chính trung tâm. Ngoài ra, công ty cho biết họ sẽ đóng cửa 26 trong số 400 cơ sở vào cuối năm 2027.
Chuỗi khách sạn Achat của Đức từng là một trong những chuỗi khách sạn phát triển nhanh nhất ở Đức cùng với B & B Hotels, đã đệ đơn vào cuối tháng 11 xin khởi động kế hoạch tự quản lý phá sản.
Đầu năm nay, tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF đã thông báo, đến cuối năm 2024 tập đoàn sẽ cắt giảm gần 3.300 nhân viên trên toàn thế giới; công ty hóa chất và dược phẩm Bayer cũng thông báo cắt giảm 1.500 nhân viên; công ty hóa chất Evonik (EVKA) có kế hoạch cắt giảm 260 nhân viên.
Hãng hàng xa xỉ Miele có kế hoạch cho đến năm 2028 cắt giảm khoảng 1.300 việc làm tại Đức.
Tập đoàn phần mềm khổng lồ SAP của Đức tuyên bố sẽ cắt giảm tới 10.000 việc làm trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 2.600 việc làm ở Đức.
Đường sắt Đức (DB) cũng thông báo, do gánh khoản nợ khổng lồ 33 tỷ euro, trong 5 năm tới có kế hoạch cắt giảm tới 30.000 nhân viên, chiếm khoảng 9% tổng số nhân viên tập đoàn này.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia Đức cũng trong tình hình ‘không kém phần ấn tượng’, lần lượt thông báo kế hoạch cắt giảm. Gần đây Ford Motor của Mỹ thông báo sẽ cắt giảm 14% nhân viên trên toàn châu Âu, đến cuối năm 2027 sẽ cắt giảm 2.900 việc làm ở Đức, hầu hết đều ở Cologne.
Ngay cả Tesla đang mạnh mẽ cũng có kế hoạch cắt giảm ít nhất khoảng 400 nhân viên tại nhà máy Gigafactory ở Đức – nơi Tesla có khoảng 12.500 nhân viên. Musk cũng tuyên bố rằng Tesla sẽ cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động trên toàn thế giới.
Công ty đồ gia dụng lâu đời Tupperware của Mỹ vào tháng 9 đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ, hiện tại công ty con của Tupperware ở Đức cũng đã nộp đơn xin phá sản.
Amazon và Google cũng có kế hoạch cắt giảm hàng ngàn nhân viên tại Đức, đặc biệt là trong các lĩnh vực như phần cứng và trí tuệ nhân tạo. Coca-Cola sẽ đóng cửa 5 cơ sở sản xuất và vận chuyển của Đức, đồng nghĩa với việc mất 505 việc làm.
Số doanh nghiệp Đức phá sản cao nhất trong 14 năm
Theo đài truyền hình ZDF của Đức, số vụ phá sản của các công ty Đức đã cao hơn mức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010, đây là kết quả nghiên cứu xu hướng phá sản mới của Viện nghiên cứu kinh tế Halle-Leibnitz (IWH).
Trong quý 3/2024, nghiên cứu của IWH đã ghi nhận tổng cộng 3.991 vụ phá sản doanh nghiệp, viện này cho biết đây là số vụ phá sản hàng quý lớn nhất trong 14 năm qua tại Đức. Lần gần nhất trước đó có 4.071 vụ phá sản doanh nghiệp là vào quý 2/2010, khi đó vẫn còn ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2008.
Lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng đặc biệt với số vụ phá sản công ty tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ phá sản doanh nghiệp lớn gần đây nhất là vụ phá sản của công ty dệt may Soex được công bố vào ngày 3/12, ảnh hưởng đến 400 nhân viên. Một vụ phá sản lớn khác trước đó là vụ phá sản của tập đoàn du lịch FTI Tourismik được công bố vào tháng 9 – trước đó vào đợt bùng phát COVID-19 họ đã được Chính phủ Đức trợ cấp 600 triệu euro, nhưng nay COVID-19 đã qua vẫn không thể cứu vãn doanh nghiệp.
Cơ quan Việc làm Liên bang Đức (BA) công bố chỉ số việc làm trong tháng 11 giảm 2 điểm phần trăm so với tháng trước, và giảm 10 điểm so với tháng 11 năm ngoái. Viện Kinh tế Ifo cũng cho biết, ngày càng có nhiều công ty ngừng tuyển dụng nhân viên mới. Klaus Wohlrabe, nhà nghiên cứu của Ifo giải thích: “Các công ty đang cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng bằng cách kết hợp chính sách công việc thời vụ và cắt giảm lao động, do đó ngày càng nhiều công ty ngừng tuyển dụng nhân viên mới, và thường xuyên có thảo luận về việc cắt giảm hơn”.
Theo Ifo, việc làm dạng thời vụ đang gia tăng tại Đức. Trong khảo sát các doanh nghiệp tháng 11 có 17,8% dùng hình thức công việc thời vụ, trước đó khảo sát vào tháng 8 còn là 14,3%; nhưng tỷ lệ có thể sẽ tiếp tục tăng, dự kiến trong 3 tháng tới tăng lên 28%. Lĩnh vực bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề là sản xuất kim loại, nhà sản xuất đồ nội thất và ngành công nghiệp ô tô.
Giám đốc điều hành Oliver Zander của hiệp hội các nhà tuyển dụng Đức là Gesamtmetal cho biết: “Trong trường hợp không có đủ đơn hàng, không có công ty nào trên thế giới có thể duy trì hình thức hợp đồng công việc lâu dài nổi”.
Theo thông tin của Cục Thống kê Liên bang Đức, số vụ phá sản thông thường do Đức nộp đơn trong tháng 10 năm nay tăng 22,9% so với cùng tháng năm ngoái; con số này trong các tháng trước đó lần lượt là: tháng 9 tăng 13,7% so với cùng tháng năm ngoái; tháng 8 tăng 13,4%, tháng 7 tăng 22,1%. Tần suất phá sản cao nhất là các ngành vận tải và kho bãi.
Dữ liệu từ đơn xin phá sản của các tòa án Đức trong nửa đầu năm 2024 là 10.702 công ty nộp đơn, tăng 24,9% so với nửa đầu năm 2023, ước tính số tiền yêu cầu bồi thường của chủ nợ phá sản doanh nghiệp được báo cáo trong nửa đầu năm 2024 là khoảng 32,4 tỷ euro. Khảo sát trên số liệu thống kê này chỉ tính sau khi hồ sơ phá sản được tòa đưa ra phán quyết đầu tiên, vì vậy có thể trong nhiều trường hợp thì ngày thực tế của hồ sơ phá sản là gần 3 tháng trước đó.
Danh sách cắt giảm và phá sản của các công ty Đức có thể nói ‘gây sốc’, nhưng điều đáng sợ hơn là danh sách này còn lâu mới kết thúc. Đức từng là động cơ kinh tế châu Âu, nhưng hiện không chỉ đang vật lộn để tồn tại mà còn có khả năng rơi vào mùa đông lạnh giá và thực sự thành ‘vùng bệnh của châu Âu’. Người Đức có thể đã nhận ra vấn đề họ phải đối mặt, câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể tìm ra nguyên nhân gốc rễ và hành động cứu vãn ‘kịp thời’ hay không.
Theo Vương Diệc Tiếu, Epoch Times