AI là tin xấu cho phương Nam toàn cầu

Nguồn: Rachel Adams, “AI Is Bad News for the Global South,” Foreign Policy, 17/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Làn sóng công nghệ sắp tới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cấu trúc nền kinh tế toàn cầu của chúng ta, nhưng không nhất thiết là tất cả mọi người đều sẽ được hưởng lợi. Những người ủng hộ AI ca ngợi tiềm năng của nó trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu khó khăn và thậm chí xóa đói giảm nghèo, nhưng thành tựu của nó trong lĩnh vực đó vẫn rất ít ỏi. Thay vào đó, bất bình đẳng toàn cầu hiện đang gia tăng. Những quốc gia là nơi phát triển AI và có khả năng dễ dàng đưa những công nghệ này vào ngành công nghiệp sẽ chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng phần còn lại của thế giới, nơi phải đối mặt với những rào cản quan trọng trong việc áp dụng AI, sẽ ngày càng tụt hậu.

Trong lịch sử, việc áp dụng công nghệ mới vào xã hội đã mang lại sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Công nghệ thường được thiết kế để thúc đẩy tăng trưởng bằng cách làm tăng năng suất: Ví dụ, máy khâu hoặc máy kéo cho phép sản xuất hàng dệt may hoặc thu hoạch mùa màng nhanh hơn. Kể từ đầu thế kỷ này, công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một lực lượng kinh tế đặc biệt mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu năm 2021, đóng góp của internet vào GDP của Mỹ đã tăng 22% mỗi năm kể từ năm 2016. Nền kinh tế kỹ thuật số của Mỹ hiện có giá trị hơn 4 nghìn tỷ đô la.

AI là một động lực mới và mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2017, PwC đã cố gắng định giá giá trị mà AI sẽ mang lại cho nền kinh tế quốc gia và GDP toàn cầu. Trong một báo cáo có tính bước ngoặt có tên “Đánh giá Phần thưởng” (Sizing the Prize), công ty tư vấn này cho rằng đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc, Bắc Mỹ, và Châu Âu sẽ giành được 84% phần thưởng này. Phần còn lại sẽ được chia rải rác trên khắp thế giới, được dự đoán là 3% cho Mỹ Latinh, 6% cho các nước Châu Á phát triển, và 8% cho toàn bộ khối “Châu Phi, Châu Đại Dương, và các thị trường Châu Á khác,” như cách gọi của PwC.

Theo sau sự ra đời của các công nghệ AI tạo sinh như loạt sản phẩm GPT của OpenAI, McKinsey ước tính rằng thế hệ AI mới này sẽ làm tăng năng suất của AI trên khắp các ngành công nghiệp từ 15 đến 40%, theo đó đóng góp thêm 4,4 nghìn tỷ đô la một năm cho nền kinh tế toàn cầu. Đây được cho là những ước tính thận trọng. Khả năng của bộ mô hình ngôn ngữ lớn mới, với ví dụ là ChatGPT, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với khả năng nâng cao mức năng suất, đặc biệt là tại các nền kinh tế tri thức, nơi các nhiệm vụ dựa trên ngôn ngữ là nền tảng cho đầu ra hiệu quả.

Báo cáo của McKinsey cũng bao gồm một phân tích các ngành và chức năng sản xuất được dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất – cụ thể là các ngành công nghệ cao (công nghệ, thám hiểm không gian, quốc phòng), ngân hàng, và bán lẻ. Ngược lại, ngành có khả năng tăng trưởng ít nhất là nông nghiệp, vốn là ngành lớn nhất của Châu Phi, đồng thời cũng là nguồn sinh kế và việc làm chính trên lục địa này.

Hiện nay, các tính toán của McKinsey cho thấy chúng ta đã ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI tạo sinh, dù thông tin về những cách thức mà công nghệ AI có thể cải thiện sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển vẫn còn hạn chế. Ngày nay, ngày càng có nhiều trường hợp chứng minh giá trị của AI trong các ngành công nghiệp nông nghiệp của Châu Phi. Tại Tanzania, một nhà nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Sokoine đang sử dụng các công nghệ AI tạo sinh để tạo ra một ứng dụng cho nông dân địa phương sử dụng, giúp họ nhận lời khuyên về bệnh cây trồng, năng suất, và thị trường địa phương để bán sản phẩm của họ. Tại Ghana, các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm AI Có Trách nhiệm (Responsible AI Lab) đang thiết kế các công nghệ AI để phát hiện thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, các trường hợp như thế này vẫn còn hạn chế về quy mô và tác động. Ở giai đoạn này, vẫn chưa rõ liệu AI có trở thành một công cụ mang tính chuyển đổi trong bối cảnh Châu Phi như lời hứa của nó hay không.

Việc áp dụng AI ở các khu vực đang phát triển cũng bị hạn chế bởi thiết kế của nó. Loại AI được thiết kế tại Thung lũng Silicon, dựa trên dữ liệu chủ yếu bằng tiếng Anh thường không phù hợp với mục đích sử dụng bên ngoài các nước phương Tây giàu có. Việc sử dụng AI hiệu quả đòi hỏi phải có quyền truy cập internet ổn định hoặc công nghệ điện thoại thông minh, nhưng ở Châu Phi cận Sahara, chỉ có 25% người dân có quyền truy cập internet đáng tin cậy và ước tính khả năng phụ nữ Châu Phi sử dụng internet di động là thấp hơn 32% so với nam giới.

Các công nghệ AI tạo sinh cũng chủ yếu được phát triển bằng tiếng Anh, nghĩa là các kết quả đầu ra mà chúng tạo ra cho người dùng và bối cảnh không phải ở phương Tây thường vô dụng, không chính xác, hoặc thiên kiến. Những nhà đổi mới ở phương Nam toàn cầu sẽ phải phải nỗ lực gấp đôi để khiến các ứng dụng AI của họ hoạt động hiệu quả trong bối cảnh địa phương, thường bằng cách đào tạo lại các mô hình này bằng các tập dữ liệu địa phương và thông qua các hoạt động thử sai trên quy mô lớn.

Do AI được thiết kế để tạo ra lợi nhuận và giải trí dành cho những nhóm người có đặc quyền, nó sẽ không hiệu quả trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói và thay đổi cuộc sống của các nhóm bị gạt ra ngoài lề thị trường tiêu dùng của AI. Nếu không có mức độ bão hòa cao trong các ngành công nghiệp lớn, và không có cơ sở hạ tầng tại chỗ để cho phép mọi người tiếp cận AI một cách có ý nghĩa, thì các quốc gia phương Nam toàn cầu khó có thể thấy được những lợi ích kinh tế lớn từ công nghệ này.

Trong lúc AI được áp dụng trên khắp các ngành công nghiệp, lao động con người cũng đang thay đổi. Đối với các quốc gia nghèo hơn, điều này đang tạo ra một cuộc chạy đua mới xuống đáy, nơi máy móc rẻ hơn con người và lao động giá rẻ từng được chuyển đến các nước này giờ đây đang được đưa trở lại các quốc gia giàu có. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người có trình độ học vấn thấp và ít kỹ năng, những người có công việc có thể dễ dàng được tự động hóa. Tóm lại, phần lớn dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể bị ảnh hưởng, gây tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người và đe dọa đến khả năng thịnh vượng của các quốc gia nghèo hơn.

Công nghệ AI tạo sinh đang đe dọa sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tại các nước đang phát triển. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng có tới 5% công việc có nguy cơ bị tự động hóa hoàn toàn bởi AI tạo sinh ở Mỹ Latinh và Caribe, và phụ nữ có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất. Ở những quốc gia mà việc tạo ra việc làm chính thức và nền kinh tế chính thức là ưu tiên phát triển chính, AI sẽ buộc hàng triệu người phải làm các công việc tạm thời hoặc việc làm theo hợp đồng không an toàn.

Trên thực tế, nền kinh tế việc làm tự do (gig economy) đang phát triển nhanh chóng. Hiện tại, các nghiên cứu ước tính giá trị toàn cầu của nền kinh tế việc làm tự do là 500 tỷ đô la, nhưng sẽ tăng lên gần 2 nghìn tỷ đô la vào năm 2032. Hàng triệu người làm việc tự do (ước tính khoảng 30 đến 40 triệu) là những người đến từ khắp các nước phương Nam toàn cầu. Người lao động trong nền kinh tế nền tảng (platform economy), chẳng hạn như tài xế giao hàng, thường phải làm nhiều công việc để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống, và chắc chắn là không đủ để thoát khỏi đói nghèo. Trên toàn cầu, người lao động nền tảng và người lao động tự do chỉ có quyền lao động hạn chế, và Chỉ số Toàn cầu về AI Có trách nhiệm cho thấy chỉ có bảy quốc gia trên toàn cầu sở hữu pháp luật có thể thực thi để bảo vệ những người lao động này.

Trong lúc AI tạo ra sự bất ổn cho người nghèo, chúng ta lại đang chứng kiến sự chuyển giao thu nhập lớn nhất cho những nhóm đứng đầu của xã hội. Theo ước tính của Oxfam, hai phần ba tổng số của cải được tạo ra trên toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2022 được tích lũy bởi 1% người giàu nhất. Và những người giàu nhất trong nhóm này là tầng lớp tỷ phú công nghệ mới, những người nắm trong tay quyền lực, tiền bạc, và ảnh hưởng để tạo ra thế giới mà họ muốn sống. Các công ty công nghệ là một trong số những công ty lớn nhất thế giới. Apple, được xếp hạng trong số năm công ty lớn nhất toàn cầu, có vốn hóa thị trường vượt xa tổng GDP kết hợp của toàn lục địa Châu Phi.

Sự giàu có của các công ty công nghệ không chỉ vẽ nên bức tranh về sự bất bình đẳng rõ rệt của AI; nó còn tạo ra rào cản cho các tác nhân khác trong việc sản xuất công nghệ AI. Gần đây, giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã bắt đầu một chiến dịch huy động 7 nghìn tỷ đô la để chuẩn bị cho tương lai do AI thúc đẩy. Nguồn tiền này là điều kiện để thiết lập loại cơ sở hạ tầng siêu máy tính cần thiết để tạo ra các mô hình AI tiên tiến. Nhưng nó không phải là trò chơi mà tất cả mọi người đều có đủ khả năng tham gia.

Khả năng tính toán – năng lực thiết yếu để tạo ra các công nghệ và ứng dụng AI – là một trong những nguồn tài nguyên đắt đỏ nhất thế giới. Hiện có một sự phân chia lớn trên toàn cầu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên tính toán. Xét trên tổng thể, phương Nam toàn cầu chỉ có hơn 1% máy tính hàng đầu thế giới và Châu Phi chỉ có 0,04%. Hiện tại, với loại năng lực tính toán có sẵn ở Châu Phi hoặc Nam Mỹ, sẽ mất hàng trăm năm để bắt kịp với những tiến bộ đã đạt được với AI tạo ra ở các nước phương Tây và phương Đông phát triển.

Chi phí để các quốc gia nghèo hơn bắt kịp trong cuộc đua AI là quá lớn. Chi tiêu công có thể bị chuyển hướng khỏi các dịch vụ quan trọng như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Dù đúng là các chính phủ phương Nam toàn cầu nên điều chỉnh theo cuộc cách mạng AI, nhưng những người ra quyết định cần đánh giá cẩn trọng những tác động của AI lên nền kinh tế của họ.

Rachel Adams là giám đốc điều hành của Trung tâm Toàn cầu về Quản trị AI và là tác giả của cuốn sách “The New Empire of AI: The Future of Global Inequality.”

Related posts