Những lựa chọn răn đe tồi tệ trên bán đảo Triều Tiên

Nguồn:  Ian Bowers and Henrik Stålhane Hiim, “Lousy Deterrence Options on the Korean Peninsula”, War on the Rocks, 04/11/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Trong một buổi lễ long trọng vào tháng 8 năm nay, Triều Tiên đã tổ chức lễ bàn giao 250 bệ phóng tên lửa có khả năng hạt nhân cho các đơn vị quân đội tiền tuyến. Trước đám đông dân chúng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố rằng Triều Tiên cần tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và các bệ phóng là “vũ khí tấn công chiến thuật hiện đại” do “cá nhân ông thiết kế”.

Một tháng sau, Tổng thống Yoon Suk-yeol hứa rằng vũ khí thông thường của Hàn Quốc, cùng với sự răn đe mở rộng của Mỹ, sẽ có thể răn đe Triều Tiên. Hàn Quốc đã theo đuổi chiến lược phản công thông thường trong gần một thập kỷ, trong đó họ tìm kiếm khả năng nhắm mục tiêu phủ đầu vào vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, chiến lược này đe dọa các nhà lãnh đạo Triều Tiên bằng các hình phạt nặng nề. Tuy nhiên, bất chấp việc giới thiệu các loại vũ khí mới, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5, chiến lược răn đe của Hàn Quốc đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Như việc Triều Tiên triển khai các bệ phóng tên lửa mới đã chứng thực, Hàn Quốc đã thấy mình đang trong một cuộc chạy đua vũ trang bất đối xứng mà không thể giành chiến thắng. Cho dù Hàn Quốc giới thiệu bất kỳ khả năng thông thường nào, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ luôn chiếm ưu thế. Sự bất đối xứng cơ bản này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên. Động lực này, và phản ứng có thể dự đoán được của Bình Nhưỡng đối với chiến lược của Seoul, cung cấp một bài học cảnh tỉnh cho các chủ thể khác quan tâm đến khả năng phản công thông thường, chẳng hạn như Nhật Bản.

Tất cả các lựa chọn chiến lược của Hàn Quốc đều tệ. Trong khi phản công thông thường đang phản tác dụng, thì việc theo đuổi vũ khí hạt nhân là một con đường đầy nguy hiểm. Hơn nữa, trong khi Hàn Quốc có thể cố gắng xoa dịu căng thẳng với miền Bắc, thì việc hướng tới giải giáp có thể là một việc làm ngu ngốc. Do đó, sự răn đe mở rộng là lựa chọn thay thế kém tệ nhất cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, niềm tin vào liên minh đang bị xói mòn. Mỹ sẽ cần phải xây dựng các chính sách quản lý liên minh của mình một cách cẩn thận, trấn an Hàn Quốc đồng thời tránh đẩy nhanh một động lực vũ trang đang xấu đi.

Khoản đầu tư lãng phí?

Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đầu tư một phần đáng kể ngân sách quốc phòng vào khả năng phản công quân sự (counterforce) và phản công phi quân sự (countervalue) của mình. Khi kết hợp, những khả năng này, còn được gọi là hệ thống ba trục, bao gồm các hệ thống chỉ huy và kiểm soát, cảm biến và vũ khí như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhằm vô hiệu hóa khả năng hạt nhân của Triều Tiên đồng thời trừng phạt giới lãnh đạo của nước này. Ngoài ra còn có một thành phần phòng thủ tên lửa nhằm đánh chặn các tên lửa sắp tới của Triều Tiên. Tất cả những khả năng này sẽ sớm được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến lược mới thành lập, cơ quan không chỉ chịu trách nhiệm kiểm soát một số lượng lớn các hệ thống trên khắp các quân binh chủng mà còn thực hiện việc tích hợp nhiều hơn các hệ thống thông thường của Hàn Quốc với khả năng hạt nhân của Mỹ.

Có rất nhiều vấn đề với cách tiếp cận này. Đầu tiên, phản công thông thường cực kỳ khó thực hiện, ngay cả đối với một đối thủ hạt nhân yếu. Trong giai đoạn đầu của chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, khi nước này sở hữu một số lượng nhỏ tên lửa nhiên liệu lỏng cần thời gian để chuẩn bị phóng, Hàn Quốc có thể đã có cơ hội thành công ở một mức độ nào đó trong một cuộc tấn công phản công. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khả năng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể và kho vũ khí, đặc biệt là tên lửa tầm ngắn của họ đã mở rộng nhanh chóng. Do đó, phản công thông thường trên Bán đảo Triều Tiên đã gần như không thể hoạt động được. Để ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ phải tấn công hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn mục tiêu trong một khung thời gian bị hạn chế nghiêm trọng. Có thể cho rằng, Triều Tiên chỉ cần có một đầu đạn hạt nhân vượt qua hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc để một cuộc tấn công như vậy thành công.

Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy chiến lược răn đe thông thường ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định chiến lược. Áp lực chạy đua vũ trang mà nó tạo ra là điều hiển nhiên và có bằng chứng. Thật không may cho các nhà lãnh đạo ở Seoul, việc Triều Tiên mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân dễ dàng hơn nhiều so với việc Hàn Quốc duy trì khả năng thông thường để có thể phản ứng một cách đáng tin cậy. Ngoài ra, trong một cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo Triều Tiên có khả năng có động cơ sử dụng vũ khí hạt nhân sớm, phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan “sử dụng chúng hoặc mất chúng”. Các tín hiệu trong luật hạt nhân năm 2022 của nước này cho thấy rằng “một cuộc tấn công hạt nhân sẽ được phát động tự động và ngay lập tức” nếu quy trình chỉ huy và kiểm soát hạt nhân “bị đặt trong tình trạng nguy hiểm vì một cuộc tấn công của các lực lượng thù địch” là một phản ứng hoàn toàn có thể dự đoán được đối với các mối đe dọa của Hàn Quốc nhắm vào các nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Chắc chắn, hệ thống ba trục đã mang lại cho Hàn Quốc khả năng tác chiến thông thường mà hầu như tất cả các quân đội hiện đại đều thèm muốn. Giờ đây, nó sở hữu chiều sâu đạn dược đáng kể và một loạt các hệ thống vũ khí được liên kết với các hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến cho phép thực hiện các cuộc tấn công cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật chống lại Triều Tiên. Do đó, từ góc độ thông thường, những gì Hàn Quốc đã xây dựng có tiềm năng răn đe đáng kể.

Hơn nữa, trong bất kỳ kịch bản nào trên bán đảo liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, rất khó có khả năng việc sử dụng vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân sẽ bị hạn chế. Khả năng tấn công và phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại Triều Tiên. Do đó, những người ủng hộ chiến lược này cũng có thể lập luận một cách chính đáng rằng nó có thể tạo ra sự không chắc chắn trong giới lãnh đạo Triều Tiên và góp phần hạn chế thiệt hại, từ đó thay đổi phép tính rủi ro ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chiến lược này không mang lại sự ổn định răn đe trên bán đảo.

Những lựa chọn tồi tệ khác: theo đuổi hạt nhân hay hy vọng giải giáp

Những thách thức mà chiến lược phản công thông thường phải đối mặt dường như được thừa nhận một cách ngầm hiểu, nếu không muốn nói là công khai, ở Seoul. Trong giới tinh hoa Hàn Quốc, nhiều người hiện nay ủng hộ việc tăng cường tiềm lực hạt nhân, hoặc tăng cường khả năng của đất nước họ để có được vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng nhưng không chế tạo chúng. Hàn Quốc có một ngành công nghiệp hạt nhân tiên tiến và các phương tiện vận chuyển tinh vi nhưng thiếu khả năng làm giàu và tái chế cần thiết để sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân. Một thách thức của cách tiếp cận này, như Lami Kim gần đây đã nhấn mạnh, là việc công khai kêu gọi tiềm lực hạt nhân mạnh mẽ hơn sẽ làm giảm khả năng Washington chấp thuận nó. Hơn nữa, mặc dù hữu ích như một chính sách bảo hiểm, nhưng việc phòng ngừa rủi ro không giải quyết được những thách thức răn đe trước mắt, vì việc chế tạo vũ khí hạt nhân sẽ mất thời gian, ngay cả khi Hàn Quốc sở hữu công nghệ làm giàu và tái chế.

Những lời kêu gọi một cuộc bứt phá toàn diện và tự phát triển vũ khí hạt nhân cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong công chúng, sự ủng hộ đối với vũ khí hạt nhân luôn ở mức trung bình trên 70% trong nhiều năm. Tuy nhiên, sự bứt phá hạt nhân vẫn đầy rẫy nguy hiểm và do đó là một lựa chọn không hấp dẫn, điều mà giới tinh hoa Hàn Quốc hiện nay dường như thừa nhận. Hàn Quốc sẽ có nguy cơ bị quốc tế phản đối, bị các đối tác thương mại quan trọng (bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc) trừng phạt và khiến liên minh tan vỡ. Hơn nữa, trong khoảng thời gian giữa quyết định bứt phá và tiến hành trang bị, nước này có khả năng dễ bị Triều Tiên tấn công phủ đầu.

Một cách tiếp cận khác sẽ là khôi phục các sáng kiến ngoại giao được chính quyền Hàn Quốc trước đây ủng hộ. Chắc chắn, việc xoa dịu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên có thể đáng giá và có thể làm giảm khả năng xung đột vũ trang. Tuy nhiên, lập trường của Triều Tiên đã cứng rắn hơn đáng kể trong những năm gần đây. Vào tháng 1 năm 2024, Kim Jong-un tuyên bố rằng sự chia cắt giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là vĩnh viễn và Hàn Quốc là kẻ thù chính. Các thỏa thuận quân sự nhằm giảm thiểu các điểm nóng tiềm ẩn cũng đã bị hủy bỏ. Trong ngắn hạn, rất khó có khả năng Triều Tiên sẽ tiếp thu các đề nghị ngoại giao từ Hàn Quốc hoặc Washington. Ngay cả chính quyền Moon Jae-in, người đã nói chuyện nhẹ nhàng hơn nhiều về Triều Tiên, vẫn tìm cách mang theo một cây gậy lớn, điều mà Triều Tiên tất nhiên đã nhận thấy.

Hy vọng về giải giáp dường như cũng phi thực tế không kém, nếu không muốn nói là phi thực tế hơn nhiều. Triều Tiên đã báo hiệu rõ ràng rằng họ là một quốc gia hạt nhân. Hàn Quốc, Mỹ và phần còn lại của thế giới càng chính thức từ chối chấp nhận thực tế này và khăng khăng đòi giải giáp, dần dần hoặc bằng cách khác, như một điều kiện để cải thiện quan hệ, thì tình trạng bế tắc này sẽ càng kéo dài.

Phụ thuộc trở lại vào Mỹ

Việc Hàn Quốc hiện đang tìm kiếm sự hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn với Mỹ, bao gồm cả việc dựa vào sự răn đe mở rộng trong các tuyên bố chính trị và tín hiệu, phản ánh những thiếu sót của các lựa chọn chiến lược khác của họ. Bằng cách liên tục thiết kế xung quanh khả năng của Hàn Quốc, Triều Tiên đã buộc Seoul phải giảm bớt sự chú trọng vào việc tạo ra khả năng phản công có thể hoạt động với sự hỗ trợ ít hơn hoặc không có sự hỗ trợ của Mỹ.

Nhóm tham vấn hạt nhân, được công bố trong Tuyên bố Washington, cung cấp một khuôn khổ bao gồm lập kế hoạch, tập trận và tham vấn cho cái mà bây giờ được gọi là “hợp nhất vũ khí thông thường và hạt nhân” giữa Mỹ và Hàn Quốc. Tất nhiên, khả năng phản công thông thường của Hàn Quốc có thể đóng góp vào việc mở rộng khả năng răn đe. Tuy nhiên, không rõ điều này sẽ thay đổi phép tính răn đe ở Bình Nhưỡng như thế nào. Các khái niệm chiến lược tương đối mới về phản công thông thường và tích hợp thông thường-hạt nhân sẽ không giảm thiểu khả năng mà trong đó tất cả các chủ thể bị mắc kẹt trong vòng lặp răn đe. Về bản chất, sự đảm bảo (an ninh) được liên kết với nhận thức về nhu cầu “tăng cường răn đe” thông qua việc cung cấp hoặc giới thiệu nhiều khả năng hơn tạo ra rủi ro liên tục làm tăng nguy cơ chiến lược trên bán đảo.

Mỹ, vượt trội hơn hẳn Triều Tiên về vũ khí hạt nhân, tiếp tục tránh cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Do đó, về cơ bản, ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ, không có gì thay đổi về quan hệ hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ. Ngoại lệ duy nhất là khả năng Triều Tiên tấn công vào đất liền Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Các thông điệp lẫn lộn liên tiếp từ chính quyền Yoon Suk-yeol liên quan đến mong muốn hạt nhân của Hàn Quốc cho thấy rằng Nhóm Tham vấn Hạt nhân vẫn chưa xoa dịu hoàn toàn những nghi ngờ ở Seoul. Các hoạt động quân sự cấp cao như chuyến thăm của tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Mỹ tới Busan vào tháng 7 năm 2023 cũng vậy. Điều này dẫn đến khả năng là với mỗi bước tiến của Triều Tiên trong khả năng tên lửa và hạt nhân, Mỹ sẽ phải đối mặt với việc Hàn Quốc gia tăng các yêu cầu về các biện pháp đảm bảo hạt nhân. Các biện pháp này có thể bao gồm cho phép Hàn Quốc xây dựng tiềm lực hạt nhân, cam kết đáp trả hạt nhân nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, triển khai các khí tài chiến lược trên Bán đảo Triều Tiên hoặc bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Mặc dù chính quyền Mỹ hiện tại miễn cưỡng đi theo bất kỳ con đường nào trong số này, nhưng những lời kêu gọi thay đổi chính sách có thể sẽ chỉ gia tăng trong tương lai. Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt với thách thức quản lý liên minh khi đối mặt với một đối thủ khó trị.

Quản lý liên minh

Nếu không có một sự thay đổi chiến lược lớn, chính quyền tiếp theo cũng sẽ phải xem xét mức độ mà họ tìm cách hỗ trợ chiến lược phản công thông thường của Hàn Quốc. Về bản chất, Washington có hai lựa chọn rộng.

Lựa chọn đầu tiên là Washington duy trì hiện trạng. Với sự phát triển không ngừng của khả năng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, điều này có thể sẽ tiếp nối mức độ trì trệ chính sách hiện tại, nơi Hàn Quốc dần dần được cung cấp hoặc cho phép phát triển khả năng chiến lược ngày càng lớn hơn. Việc tiếp tục đầu tư như vậy sẽ không giúp tăng cường sự ổn định răn đe trên bán đảo.

Lựa chọn thứ hai là ít chú ý hơn đến các yêu cầu của Hàn Quốc về việc cung cấp năng lực lớn hơn trong khi tiếp tục duy trì khả năng răn đe mở rộng. Do Seoul phụ thuộc vào Mỹ về nhiều loại năng lực, con đường chính sách này có thể có lợi ích, chẳng hạn như giảm bớt áp lực chạy đua vũ trang trên bán đảo. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những rủi ro lâu dài hơn. Nếu Mỹ bị coi là phớt lờ những lo ngại an ninh chính đáng của Hàn Quốc, thì họ có nguy cơ làm tổn hại mối quan hệ vốn rất quan trọng trong cuộc cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.

Chắc chắn, sự khác biệt giữa hai lựa chọn này là nằm ở mức độ. Nhiều khả năng, chính quyền Mỹ trong tương lai sẽ cố gắng kết nối và hỗ trợ một số hoạt động trang bị của Hàn Quốc, đồng thời kìm hãm hoạt động này trong các trường hợp khác. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên lưu ý rằng việc Hàn Quốc theo đuổi không ngừng khả năng phản công thông thường có những rủi ro. Nên tránh chính sách vô ích liên quan tới việc theo đuổi khả năng vượt trội hơn Triều Tiên. Một Triều Tiên hạt nhân không thể bị xóa bỏ, và các nhà hoạch định chính sách ở cả Washington và Seoul nên ưu tiên duy trì sự ổn định chiến lược.

Khả năng phản công thông thường?

Những thách thức phát sinh từ chiến lược phản công thông thường của Hàn Quốc mang đến bài học cho các chủ thể khác, bao gồm cả Nhật Bản. Mặc dù việc Nhật Bản theo đuổi cái mà họ gọi là khả năng “phản công” vẫn chưa tiến xa như Hàn Quốc, nhưng họ đang có được một số lựa chọn tấn công tầm xa mới, bao gồm Tomahawk và tên lửa hành trình do trong nước sản xuất. Mặc dù khả năng “phản công” được chỉ định cho các cuộc tấn công tầm xa chống lại kẻ thù xâm lược Nhật Bản hoặc vùng lãnh hải của họ, nhưng một số vũ khí mà Nhật Bản đang sở hữu được cũng có thể được sử dụng để tấn công phủ đầu Triều Tiên (hoặc thậm chí một số vùng của Trung Quốc). Các nhà phân tích đã kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản phối hợp và trên thực tế tạo ra một chiến lược phản công phủ đầu chung.

Tương tự như trường hợp của Hàn Quốc, việc Nhật Bản phát triển khả năng tấn công tầm xa có ý nghĩa nổi bật từ góc độ răn đe và tác chiến trong bối cảnh thông thường. Có thể hiểu rằng Nhật Bản đang từ bỏ các hạn chế trước đây đối với các lựa chọn tấn công tầm xa. Tuy nhiên, bất kể ý định của Nhật Bản là gì, việc xây dựng lại khả năng tấn công tầm xa khi được liên kết với các mối đe dọa hạt nhân có thể tạo ra một số rủi ro đối với sự ổn định chiến lược giống như những rủi ro do các chương trình của Hàn Quốc tạo ra. Nó sẽ tác động đến lập trường của các đối thủ của Nhật Bản và có thể tạo ra những rủi ro leo thang mới. Thật vậy, các nhà chiến lược Trung Quốc cũng lo ngại về khả năng tấn công chính xác thông thường của cả Mỹ và các đồng minh. Quan trọng nhất, trong bối cảnh này, việc Nhật Bản sở hữu khả năng tấn công chính xác thông thường khó có thể ngăn cản Triều Tiên hoặc Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các nhà lãnh đạo ở những quốc gia đó không thấy lựa chọn nào khác.

Thật không may, quá trình phát triển tên lửa và hạt nhân ở châu Á sẽ cực kỳ khó khăn để ngăn chặn. Tuy nhiên, việc liên kết rõ ràng khả năng chính xác thông thường với khả năng răn đe hạt nhân ngày càng có vẻ là một đề xuất thua cuộc – và là một công thức cho áp lực chạy đua vũ trang ngày càng tồi tệ trong khu vực.

Ian Bowers là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy và là nhà nghiên cứu phụ trợ cho Dự án Hạt nhân Oslo. Henrik Stålhane Hiim là phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy. Ông nghiên cứu về chiến lược hạt nhân, kiểm soát vũ khí và an ninh ở Đông Á.

Related posts