Ta với Trăng cùng trọ mái hiên
“Tôi thích câu thơ ấy,” tôi nói với anh Trần Huy Sao như vậy.
Còn phải kể thêm nữa những bài thơ, những câu thơ trăng nào của anh.
Chân bước đi, lòng còn ngoảnh lại
Trăng mười phương chỉ nhớ phương này
Bầu trời nào cũng chỉ một bầu trời, vầng trăng nào cũng chỉ một vầng trăng, vậy mà Trần Huy Sao, con người nghệ sĩ ấy, những đêm trăng sáng ngước nhìn trời, thấy trăng viễn xứ phương này lại mơ về bóng trăng soi phương nào.
Tôi không rõ có thi sĩ người Việt nào yêu trăng đến độ chỉ làm thơ về trăng, thế nhưng tôi đặc biệt thích những bài thơ trăng của Trần Huy Sao. Kể ra không hết, những bài thơ nói về một quê hương kỷ niệm, về một thời tuổi trẻ, một tình yêu đầu và những ngày vui mơ hồ trong trí tưởng. Trong đó, bao giờ cũng có hình ảnh những đêm trăng lung linh của một mùa trăng cũ.
Hiên trước trăng lên cao
Hiên sau mây trốn núi
Ta giữa trời hư ảo
Nhìn trăng xiết ngậm ngùi
Trước sân hoa cúc nở
Vàng mượt dòng trăng xa
Hỏi ai lòng không nhớ
Mùa trăng xưa, quê nhà
(Trăng Ngũ Ngôn)
Những “hiên trước”, “hiên sau” trong bài thơ đều là những mái hiên trăng thơ mộng của Trần Huy Sao. Ở đâu ra những Hiên Trăng ấy?
Bỏ lửng làm thơ, miệt mài làm thợ
Cưa, đóng suốt ngày mới có Hiên Trăng
(Hiên Trăng)
Ra là vậy! Từ bàn viết dưới Hiên Trăng, anh lại có thêm những bài thơ trăng.
“Chúng ta đi mang theo quê hương”, với Trần Huy Sao là mang theo những mùa trăng kỷ niệm, những thềm cũ bóng trăng xưa.
Người đi, người đã đi rồi đó
Có tìm người, em dõi bóng trăng
Hiên xưa vành vạnh vầng trăng tỏ
Nay đã vàng phai, đã lặng thầm
Đã không là của mùa trăng cũ
Dặm đường xa ngái dặm đường xa
Người đi lòng có còn thương giú
Hay là bỏ rớt lại quê nhà
Rớt lại mùa trăng xưa thềm cũ
Ngó sững vầng trăng nhớ một mình
(Trăng Cô Đơn)
Anh làm bạn với Hiên Trăng, trò chuyện với ánh trăng dõi bên thềm. Vầng trăng khi tròn khi khuyết, khi mờ khi tỏ, người thơ cũng khi vui khi buồn.
Dễ đã chín năm dài gắn bó
Ta với Trăng cùng trọ mái hiên
Ta với Trăng khi tròn, khi khuyết
Khi đầy, vơi theo với dòng đời
Buổi ta ở, Hiên Trăng vời vợi
Buổi ta đi, Hiên lạnh Trăng mờ
Ðèn lụn bấc nhòa câu thơ cổ
Ðường trăng xưa lạc dấu người thơ
(Giã Từ Hiên Trăng Brookhurst)
Không chỉ những bài thơ thôi, từ Hiên Trăng nơi xứ người, Trần Huy Sao còn viết xuống những dòng hồi tưởng về một quê hương xa khuất, những địa danh, những thành phố, những làng quê, những nơi chốn anh đã sống đã yêu, đã hạnhphúc đã khổ đau.Quê hương anh là mảnh vườn thửa ruộng, là luống cày liếp rau, là bụi chuối buồng cau, là bờ tre khóm trúc, là giếng nước trước sân nhà.
“Nha Trang nhà nào mà không có giếng nước. Giếng nước Nha Trang không chỉ chứa nước trong xanh mát rượi mà còn chứa vô vàn kỷ niệm. Nỗi nhớ giếng nước Nha Trang của tôi nghĩ cũng thiệt lạ kỳ như cái lạ kỳ của bao đời người Nha Trang, từ thuở ấu thơ cho tới tuổi già nua quá vãng.
Tắm giặt cũng ra giếng nước, vo gạo nấu cơm, rửa rau, lóc cá, bóc tôm, xả thịt, vặt lông vịt, nhổ lông gà cũng ra giếng nước. Người xa đến thăm nhà cũng ân cần mời ra giếng ấy dội miếng nước cho giạt nóng, mát người trước khi ngồi với nhau bên ly trà ấm giọng, ly rượu ấm lòng nhắc nhở chuyện làng xưa xóm cũ. Chuyện tình yêu trai gái cũng tìm ra giếng nước để thầm thì to nhỏ dưới trăng khuya vằng vặc. Nếu không trăng thì có sao trời, không sao trời thì có tàn cây che khuất, có giếng nước chỉ im nghe mà không hề thóc mách.
Tôi muốn được về tắm mát bên giếng nước ngày xưa ấy. Cái giếng trước sân nhà, cạnh giàn mướp, kế hàng dừa xiêm, chung quanh là những bụi ớt, bụi cà, bụi rau đủ loại chen chúc xanh um.” (Về Tới Nha Trang)
Đấy là chuyện giếng nước “miền quê hương cát trắng” Nha Trang. Từ Hiên Trăng, anh cũng viết về Đà Lạt, về xóm đình Đa Cát, về Cây Số Bốn, mảnh đất anh sinh ra, lớn lên, mảnh đất đầy ắp những kỷ niệm mà một phần đời của anh còn gửi lại nơi chốn ấy.
“Khi còn ở quê hương, muốn thưởng thức hương vị ngọt ngào thanh cảnh của những trái mận vàng hay đỏ tươi thì phải là mận vùng Trại Hầm. Muốn cắn ngập, giòn tan để lắng lòng trong hương thơm chất ngất của những trái hồng no tròn thì không thể quên giống hồng độc nhất vô nhị của ấp Đa Phú. Muốn tìm hương vị chua thanh ngọt lịm hương vị dâu tây thì phải là những trái dâu đẫy đà, no chắc của vùng ấp Hà Đông.” (Mùa Hương Bắp Nếp)
Đà Lạt, thành phố của ngàn thông, thành phố cao nguyên đầy mây trắng và sương mù ấy còn để lại trong anh những bâng khuâng, những ngậm ngùi.
Đêm Thủy Tạ miếng mứt gừng cay ngọt
Trời mù sương bàng bạc hướng Đồi Cù
Chuyến xe lam đưa em về xóm nhỏ
Tôi lại một mình, phố vẫn mù sương
Đà Lạt ơi, tôi có nhiều nỗi nhớ
Cả những bâng khuâng, cả những ngậm ngùi
(Đà Lạt Mùa Xuân, Nỗi Nhớ)
Đà Lạt bây giờ là một thành phố khác trong thơ Trần Huy Sao, sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu vật đổi sao dời.
Thành phố mù sương giờ đây mù bụi
Rừng thông xanh hóa núi đồi trơ trụi…
(Chỉ Còn Trong Hoài Niệm)
Đà Lạt đã thay hình đổi dạng, như hóa thành người nào khác. Trần Huy Sao, sau những háo hức tìm về, đã hụt hẫng, ngỡ ngàng trước những đổi thay của từng góc phố, mỗi con đường.
Người xưa về lại thành người lạ
Đà Lạt giờ đây đã Lạt rồi…
Em về đòi nợ trời Đà Lạt
Trả lại cho anh lụy một thời
(Đà Lạt
[in như]
Đã Lạt)
Từ Hiên Trăng ấy, anh cũng viết về thành phố quê anh, thành phố sông Hương núi Ngự và những đường xưa lối cũ với biết bao niềm thương nỗi nhớ.
“Chợ Vỹ Dạ ngay trước mặt nhà mình chớ đâu. Bước qua đường là gặp tô bún bò Huế cay lừng sóng dập sông Hương. Dĩa bánh bèo nhưn tôm vàng ươm đỏ thắm gác tía lầu son cung đình lộng lẫy. Dĩa bánh ít, bánh ram giòn tan tiếng cười o mô không biết là o mô. Qua cầu Trường Tiền chộ ra được chợ Đông Ba mà mừng cười không kịp nín. Rồi Cồn Hến bên tê qua cầu Đập Đá có nhà cháu Diệu Hiền ghé vô là gặp liền tô cơm hến vô hậu cay, còn cay hơn tô bún bò Huế. May mà có chén chè đậu ngự mát ngọt dỗ dành không thôi cách chi mà chịu thấu.” (Tản Mạn Hiên Trăng)
Khi kể chuyện Huế, giọng văn anh rặc Huế. Khi viết bài thơ Huế, giọng thơ anh còn Huế hơn.
Mạ nói là con phải nghe
Tại răng mà ưng thằng nớ
Hắn tiếng là người làm thơ
Lo chi cho con được hè
Mạ dặn thì con xin nghe
D(nh)ưng mà con thương anh quá
Anh không có răng mô Mạ
Hiền khô mà Mạ lo chi
Bà mẹ khéo lo kim chỉ
Đứa con lo khéo người thương
Hai ngươi uống nước sông Hương
Mới ra nỗi lòng núi Ngự…
Có răng không răng mược kệ
Cứ tìm o nớ mà thương
(Thơ Huế)
Quê hương trong thơ, trong văn Trần Huy Sao là những địa danh, những nơi chốn đầy những “dấu chân kỷ niệm”, là những cảnh đời, những con người thật gần gũi từng đi bên anh suốt những chặng đường đời. Những ôn và mệ, những o Vân, dượng Phú, dì Hương Bình, những chị Hẹ, chị Bưởi, những bác Hai Mộc, chú Tư Đào, thím ba Hồng, anh Tư Quân, đến cả cậu Hai Trí, cô Ba Quyên, cô Bồ Câu Trắng…, là những người thân quý của một mái ấm gia đình thương yêu.
* * *
Viết Dưới Hiên Trăng(*), tuyển tập thơ và truyện Trần Huy Sao, trong đó anh gửi đến người đọc những tâm tình đầy vơi, những nỗi niềm thương quê nhớ cội.
Trần Huy Sao, bất cứ ở nơi đâu, ở phương trời nào anh cũng thu xếp được cho mình một mái hiên trăng. Từ hiên trăng quê nhà đến hiên trăng quê người, từ vầng trăng thơ ấu đến vầng trăng viễn phương.
Trần Huy Sao, anh có một hiên trăng, tôi cũng có một hiên trăng vậy. Bên chiếc bàn tròn thấp nhỏ dưới hiên nhà, một đêm trăng sáng tôi ngồi đọc anh, đọc những câu chuyện, những bài thơ anh viết từ trái tim nặng trĩu tình quê. Anh “viết dưới hiên trăng”, tôi “đọc dưới hiên trăng”. Sao không? Tôi nghĩ cách ấy dễ làm người đọc và người viết gần nhau hơn.
Tôi chắc ai cũng có riêng cho mình một hiên trăng nào trong tâm tưởng để đợi chờ trăng lên, đợi chờ bóng trăng qua thềm. Tôi chắc ai cũng giữ riêng cho mình một vầng trăng cổ tích, một bóng trăng lung linh của một mùa trăng nào xa vời vợi.
Tôi cũng chắc, không chỉ riêng tôi mà nhiều người cũng muốn được ghé thăm mái hiên trăng của Trần Huy Sao.
Lê Hữu
(*)Viết Dưới Hiên Trăng, Tập truyện, thơ Trần Huy Sao, nxb Hiên Trăng, CA, 2019