Vũ Dương
Mới đây, có nguồn tin Lào buộc phải giao phần lớn quyền kiểm soát mạng lưới điện quốc gia cho một công ty Trung Quốc để tránh vỡ nợ.
Mấy năm trở lại đây, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, khiến nhiều quốc gia vì điều này mà đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Khi các khoản nợ không trả được, Trung Quốc sẽ chớp lấy cơ hội cướp đoạt tài nguyên chiến lược của quốc gia đó.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào, một quốc gia nghèo khó ở Đông Nam Á, có phân tích cho rằng giao dịch này sẽ khiến quốc gia đất liền với 7 triệu dân này càng phải phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh.
Theo Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, vào ngày 1/9 Tập đoàn Điện lực Quốc gia Lào đã ký một thỏa thuận cổ đông mạng lưới điện với Công ty TNHH lưới điện miền Nam Trung Quốc (China Southern Power Grid), nhưng không tiết lộ chi tiết tỷ lệ sở hữu của các bên.
Ba nguồn tin nội bộ đã tiết lộ với Reuters rằng Lào sẽ giao phần lớn quyền kiểm soát Tập đoàn Lưới điện Truyền tải Quốc gia Lào (EDLT) mới thành lập cho công ty Trung Quốc.
Dự án xuất khẩu điện là cốt lõi trong kế hoạch phát triển của Lào. Nước này đã đầu tư lượng lớn ngân sách vào các dự án thủy điện trong nỗ lực tạo ra “bình ắc-quy năng lượng sạch ở Đông Nam Á”, nhưng rất nhiều trong số đó được tài trợ bởi Trung Quốc. Tuy nhiên, những dự án này và một dự án đường sắt cao tốc mới ở Trung Quốc đã đẩy Lào vào vực thẳm rủi ro nợ nần.
Vào tháng 6, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mức nợ của Lào sẽ tăng từ 59% GDP trong năm 2019 lên tối đa 68% vào năm 2020. Cơ quan xếp hạng Moody’s vào tháng 8 cũng cảnh báo Lào có thể sẽ có một vụ vỡ nợ lớn trong ngắn hạn.
Moody’s cho biết Lào sẽ cần trả khoản nợ khoảng 1,2 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2020, nhưng theo dữ liệu của ngân hàng trung ương, dự trữ ngoại hối của nước này trong tháng 6 chỉ ở mức 864 triệu đô-la Mỹ.
Vào năm 2019, một báo cáo nghiên cứu được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Lowy (Lowy Institute), một tổ chức tư vấn của Úc, tiết lộ rằng nợ của Lào đối với Trung Quốc đã chiếm 45% GDP của nước này.
“Ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã sử dụng sáng kiến “một vành đai một con đường” để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, giới chức Hoa Kỳ đã phản đối mạnh mẽ sáng kiến này, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence từng thẳng thừng chỉ trích rằng đó là con đường không thể quay đầu hòng trói chặt các nước khác. “Ngoại giao bẫy nợ” chính là chiêu bài mở rộng sức ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng lên án sáng kiến “một vành đai một con đường” khi cho phép các nước đối tác vay tiền từ ĐCSTQ để chi trả cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của các nhà thầu Trung Quốc mà các nước đối tác đó căn bản không có khả năng chi trả. Khi các nước đối tác không có khả năng hoàn trả nợ, Bắc Kinh sẽ nhân cơ hội này để cướp đoạt nguồn tài nguyên chiến lược của họ.
Trên thực tế, cộng đồng quốc tế từ sớm đã cảnh báo về những rủi ro trong các khoản vay mà dự án “một vành đai một con đường” sẽ mang đến cho Lào. Vào tháng 3/2018, một báo cáo nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development) của Washington đã chỉ ra rằng việc Trung Quốc cấp vốn cho dự án “một vành đai một con đường” là bẫy nợ đối với 8 quốc gia, lần lượt là Lào, Montenegro, Djibouti, Maldives, Tajikistan, Kyrgyzstan, Pakistan và Mông Cổ.
Theo báo cáo của Reuters, Lào đã gặp khó khăn trong việc chi trả cho các công ty Trung Quốc trong các dự án thủy điện. Hai nguồn tin nội bộ tiết lộ với Reuters rằng Bắc Kinh đang xem xét trì hoãn một phần của tổng khoản nợ.
Tuy nhiên, động cơ đằng sau cách làm này đã thu hút nhiều sự nghi ngờ. Vào năm 2018, một báo cáo của Viện chính sách “Trung tâm An ninh Mỹ mới” (Center for a New American Security) đã chỉ trích rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng biện pháp xóa nợ để đổi lấy việc mở rộng cơ sở quân sự hoặc sở hữu nguồn tài nguyên thương mại chiến lược hòng làm xói mòn chủ quyền của những nước này.
Giáo sư Nhật Bản Toshiro Nishizawa từng đưa ra lời khuyên cho chính phủ Lào về việc cần ổn định tài chính. Ông tin rằng, vụ việc lần này sẽ khiến Lào phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế, đây đã là điều không thể tránh khỏi.
Brian Eyler, giám đốc dự án Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng Lào đã giuasp Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong dự án xây dựng “bình ắc-quy Đông Nam Á”. Điều này giúp Lào mau chóng bước trên đường ray trở thành “nước chư hầu” của Trung Quốc.
Không phải là trường hợp cá biệt
Sri Lanka là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh, nhưng nó cũng đẩy quốc gia Nam Á nhỏ bé này rơi vào vũng lầy nợ nần. Tổng nợ của Sri Lanka đã từng lên tới 64 tỷ USD, chiếm khoảng 95% tổng thu nhập tài chính của chính phủ.
Vào tháng 12/2017, Sri Lanka đã phải giao 15.000 mẫu đất (tính theo mẫu Anh) xung quanh cảng hàng hải Hambantota và các vùng phụ cận cảng này cho ĐCSTQ thuê do không đủ khả năng trả nợ. Thời hạn thuê dài tới 99 năm.
Giao dịch này đã cho phép ĐCSTQ kiểm soát một vùng rộng lớn lãnh thổ dọc tuyến đường thủy có vị thế chiến lược quan trọng về thương mại và quân sự, nơi chỉ cách bờ biển của Ấn Độ chỉ vài trăm dặm.
Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch