- Nguyễn Minh
Trong 10 tháng đầu năm 2020, 4,7 tỷ USD kiều hối đã chuyển về Saigon. Dự kiến trong cả năm, tổng kiều hối chuyển về khu vực này sẽ còn tăng, lên mức 5,5 tỷ USD.
Truyền thông trong nước vừa dẫn số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết trong 10 tháng qua, tổng lượng kiều hối đổ về TP này ước khoảng 4,7 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với mức 4,2 tỷ USD của 9 tháng đầu năm, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) trên thế giới.
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Saigon, dự kiến cả năm nay, kiều hối về TP sẽ vào khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2019, tổng lượng kiều hối chuyển về Saigon là 5,3 tỷ USD.
Lượng kiều hối nói trên về TP chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ và châu Âu và phần lớn chảy vào sản xuất kinh doanh thay vì bất động sản, chứng khoán và tiết kiệm – ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho hay.
Theo đánh giá của ông Minh hồi đầu tháng 10/2019, những năm gần đây, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 8%-10% mỗi năm.
Tính trên cả nước, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra số liệu cho thấy lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Năm 2019, kiều hối về Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, năm 2018 là gần 16 tỷ USD. Trước đó, năm 2017 là 13,8 tỷ USD, năm 2016 là 11,88 tỷ USD.
Tại Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào cuối năm 2018, Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Báo cáo đưa ra số liệu cho biết kiều hối chuyển về Việt Nam chiếm 6-8% GDP hàng năm trong các năm 2006 – 2017, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chỉ chiếm 1-2% GDP).
Trong tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất với 55%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Những nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu.
Người Việt kiều chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm tới 80 – 90% lượng kiều hối gửi về nước. Xuất khẩu lao động chiếm một tỷ lệ nhỏ (6 – 7%) tổng lượng kiều hối, nhưng đang gia tăng theo đà gia tăng nhanh của xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, theo nhận định của UNDP.
Theo đánh giá của UNDP, kiều hối về Việt Nam tăng đều đặn và có quy mô nhiều gấp 4 lần khối lượng ODA năm 2016 và tương đương với lượng FDI năm 2017. Đến cuối năm 2016, kiều hối gửi về TP.HCM chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam. Trong đó 70% được chuyển vào hoạt động kinh doanh và 20% được chuyển vào lĩnh vực bất động sản.
Nguyễn Minh