Vụ nhiều tiếng nổ trên núi ở Quảng Trị: Lãnh đạo xã nói gì sau khi vào kiểm tra?
Chiều 13/11, ông Lê Trọng Tường – Chủ tịch xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho báo Người lao động biết, vừa trực tiếp vào kiểm tra tại thôn Hồ sau khi người dân phản ánh việc xuất hiện nhiều tiếng nổ lớn từ các ngọn núi trên địa bàn.
Báo lao động cho hay, cụ thể, trong sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra của UBND xã Hướng Sơn do ông Lê Trọng Tường dẫn đầu đã vượt qua nhiều điểm sạt lở, chia cắt để tiếp cận thôn Hồ. Đoàn đi bộ và thời gian di chuyển gần 1 giờ. Tại địa bàn thôn này có 85 hộ dân với hơn 300 người dân đồng bào Vân Kiều sinh sống.
Theo lãnh đạo xã Hướng Sơn, căn cứ theo mô tả của người dân thì khu vực xuất hiện tiếng nổ ở rất xa, nằm phía sau dãy đồi núi của thôn Hồ. Chính vì vậy, việc quan sát, tiếp cận vị trí này rất khó khăn.
Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra thì xung quanh thôn Hồ có khoảng 8 điểm đồi núi bị sạt trượt do các đợt mưa lũ vừa qua. Vị trí các điểm sạt trượt này đều nằm xa khu dân cư sinh sống. Trước mắt, UBND xã Hướng Sơn đã yêu cầu chính quyền thôn và người dân tiếp tục theo dõi và sẵn sàng di tản đến khu vực an toàn khi thấy các dấu hiệu bất thường.
Bớt xén bữa ăn học sinh: Hiệu trưởng bị yêu cầu kiểm điểm
Theo báo Người lao động, UBND TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo TP này tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng, Hiệu phó và các cá nhân có liên quan việc để xảy ra sai phạm trong quản lý hoạt động bán trú tại Trường Tiểu học Phước Long 1.
Bên cạnh đó, chấm dứt hợp đồng việc nấu ăn tại bếp ăn của Trường Tiểu học Phước Long 1 đối với hộ kinh doanh Nguyễn Đức Toàn vì không có Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại địa chỉ 03 Bửu Đóa, Phước Long (Trường Tiểu học Phước Long 1).
UBND TP. Nha Trang yêu cầu khẩn trương có biện pháp khắc phục các tồn tại, sai phạm đã nêu, nhanh chóng tổ chức việc ăn bán trú cho học sinh đảm bảo chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng, an toàn và hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: “Tôi không ngại rủi ro, va chạm”!
ĐBQH tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng, người được biết đến với những tranh luận thẳng thắn và gai góc, hôm 13/11 chia sẻ với báo Giao thông rằng ông chấp nhận rủi ro khi đề cập đến những vấn đề nóng trong xã hội.
Ông nói: “Tôi đã từng nói là mình lường trước được có nhiều rủi ro, nhưng tôi chấp nhận sự rủi ro đó. Những phát biểu tại nghị trường của tôi đều mang tính xây dựng, không có gì mang tính chất cá nhân nên tôi không sợ phiền phức”.
Ông Nhưỡng còn cho biết, hiện nay có những đại biểu đóng hai vai, vừa là ĐBQH nhưng cũng đồng thời là người của cơ quan hành pháp. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc những vị đại biểu đó bị cấp trên ‘nhắc nhở’ nếu như đại diện cho cử tri phát biểu những vấn đề gai góc hay động chạm.
Đại tướng Tô Lâm: Người nghiện ma túy rất đa dạng “Trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều
Về ý kiến đại biểu cho rằng, dù tên luật là “phòng, chống ma túy”, nhưng nội dung phòng quá ít, ông Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, khi xây dựng luật này quan điểm chung của ban soạn thảo là đưa nội dung về “phòng” rất lớn.
“Các điều khoản chi tiết đều bao quát việc đó. Ngay cả việc đấu tranh với tội phạm cũng tính đến phòng ngừa mới là chính. Không chỉ là bắt giữ tội phạm mà ngăn chặn, giảm nguồn cung”, ông Tô Lâm nói trên báo Thanh Niên.
Nội dung nhiều người quan tâm là người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, dự án luật đã đặt ra từng bước xử lý khác nhau.
“Người sử dụng trái phép chất ma túy chưa xử lý hành chính, chủ yếu là vận động, giáo dục, mức độ quản lý nhẹ nhất. Người nghiện ma túy thì bắt đầu có các biện pháp, chế tài xử lý hành chính. Còn tội phạm thì rõ ràng xử lý hình sự theo pháp luật”, Bộ trưởng thông tin.
Ông Tô Lâm cho hay, hiện nay, thái độ với người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy trái phép cũng rất khác nhau vì đối tượng này rất đa dạng.
“Trí thức có, cán bộ có, trong nhân dân rất nhiều, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có. Mình đối xử thế nào”, ông Lâm nêu và cho biết, nhiều người cho rằng đây là những người rất đáng thương, cần phải có các biện pháp xã hội, song cũng có ý kiến cho rằng, phần lớn đây là những người có nhân thân xấu, tiền án tiền sự, vi phạm pháp luật khác.
“Người ta gọi đây là con nghiện, con bệnh, tức là coi ở mức độ thấp hơn người khác. Thậm chí, trong gia đình và xã hội cũng xa lánh. Các đại biểu cũng nói là trong nhà mà có vài ba người nghiện thì rất gay go”, ông Tô Lâm nói và khẳng định, thái độ với đối tượng người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy phải rất rõ ràng trong luật này.
Nêu lại ý kiến đại biểu nêu vấn đề giao Bộ Công an quản lý luôn cơ sở cai nghiện, ông Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an không ngại vấn đề này. “Nếu luật cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng làm việc này. Đây là một biện pháp để ngăn ngừa tội phạm. Nếu thấy hiệu quả, Bộ Công an không ngại quản lý vấn đề này”, ông Lâm khẳng định.
Việt Nam có 1.253 ca viêm phổi Vũ Hán
Chiều 12/11, cơ quan chức năng Việt Nam thông báo có thêm 1 ca dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán mới được phát hiện qua đường nhập cảnh.
Bệnh nhân là nữ chuyên gia 28 tuổi người Hungary. Hiện người này đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Tính đến ngày 13/11, Việt Nam có tổng cộng 1.253 ca viêm phổi Vũ Hán, trong đó 1.093 ca đã chữa khỏi. Việt Nam cũng trải qua 72 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.