An Liên
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không còn hài lòng với việc chỉ kiểm soát tư tưởng của người dân ở Trung Quốc. Nó đã tích cực vươn các xúc tu của mình ra các kênh truyền thông ở nước ngoài. WeChat, ứng dụng truyền thông xã hội Hoa ngữ phổ biến nhất và TikTok, đã cùng đồng hành với Đảng, theo Minh Huệ Net.
Điều đáng báo động là ĐCSTQ đã khá thành công trong việc kiểm soát các hoạt động truyền thông ở nước ngoài, theo bài báo của Sydney Morning Herald ngày 17 tháng 12 năm 2020 với tiêu đề “WeChat đang giúp ĐCSTQ kiểm soát các kênh truyền thông của Úc như thế nào” (How WeChat is helping the CCP control Australian media outlets).
Dựa trên nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) về 24 công ty truyền thông Úc, báo cáo này cho thấy “Có ít nhất bốn công ty truyền thông Hoa ngữ hoạt động tại Úc có quan hệ tài chính với Đảng Cộng sản Trung Quốc và ít nhất 17 công ty có liên đới với bộ phận gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Bắc Kinh”.
ASPI tiết lộ: “Đại diện của các cơ quan truyền thông Hoa ngữ của Tổng Công ty Phát thanh Truyền hình Úc (Australia Broadcasting Corporation) và Dịch vụ Phát thanh Đặc biệt (Special Broadcasting Service) đã tham dự các diễn đàn truyền thông do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, cơ quan tuyên truyền ở nước ngoài của Trung Quốc, tổ chức”.
“Các nguồn tin của cấp cao trong chính phủ thừa nhận rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đối với các hoạt động truyền thông Hoa ngữ ở Úc”.
Bài báo giải thích WeChat đang giúp ĐCSTQ kiểm soát truyền thông ở nước ngoài như thế nào.
Các công ty truyền thông cần đăng ký tài khoản WeChat cho công ty của mình để đăng các bài viết trên ứng dụng WeChat. WeChat đưa ra hai lựa chọn: đăng ký thông qua phiên bản quốc tế của WeChat hoặc thông qua phiên bản sử dụng tại Trung Quốc. Bằng cách giới hạn tài khoản quốc tế chỉ được đăng bốn bài mỗi tháng, WeChat đã “khuyến khích” các công ty nước ngoài đăng ký tài khoản ở Trung Quốc vì ĐCSTQ có toàn quyền kiểm duyệt ở đó.
Theo ASPI, WeChat “có thể đang thúc đẩy những thay đổi quan trọng và độc hại nhất trong lĩnh vực truyền thông Hoa ngữ của Úc.”
Từ lâu, người ta đã coi truyền thông là địa hạt thứ tư của chính phủ, là “đế vương không vương miện”. Truyền thông được xem là nơi phản ánh dư luận, với trách nhiệm và thiên chức cung cấp sự thật cho thế giới.
Hầu hết các quốc gia đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lực của mình, ĐCSTQ đã liên tục đàn áp tư tưởng của người dân và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Nó đã mở rộng quyền kiểm soát đối với các hoạt động truyền thông nước ngoài nhiều năm qua.
Đáng tiếc là, nhiều người, bao gồm cả các chính phủ, đã không nhìn nhận thấu đáo mối nguy hiểm đằng sau xu hướng này.
Giữa tháng 1 năm 2009, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp về tuyên truyền ở nước ngoài. Bộ đã kết luận rằng việc xâm nhập và thao túng các hãng truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại đã có hiệu quả. Từ đó trở đi, cơ quan này đã quyết định chi một lượng cực lớn tiền bạc và nhân lực để thâm nhập vào các hãng truyền thông lớn của phương Tây để phục vụ chiến dịch “tuyên truyền lớn ở hải ngoại” của mình. Sau đó, nhiều hãng truyền thông Hoa Kỳ và Châu Âu đã bắt đầu “tự kiểm duyệt”, thường xuyên che giấu sự thật và không công bố các báo cáo vạch trần các tội ác của ĐCSTQ.
Tháng 9 năm 2020, Bắc Kinh cũng ban hành “Ý kiến về việc đẩy mạnh xây dựng tích hợp truyền thông ngầm”. Tài liệu này nhấn mạnh rằng “tăng cường kết nối giữa giới truyền thông và khán giả, và xây dựng các kênh truyền thông mà công chúng không thể sống mà không có nó.” ĐCSTQ đã tích hợp các kênh truyền thông truyền thống như internet, đài phát thanh, và truyền hình với các kênh truyền thông mới như WeChat và TikTok, đồng thời phổ biến một lượng lớn tuyên truyền tẩy não chính thức trên “các kênh truyền thông tích hợp“ này.
Ứng dụng TikTok, với 400 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày, được coi là phần mềm gián điệp và là công cụ của ĐCSTQ. Chẳng hạn: ĐCSTQ đã khởi xướng một chiến dịch tuyên truyền lớn nhằm che đậy sự thật rằng virus COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán vào cuối năm 2019. Nó đã truyền bá một lượng lớn các video ngắn thông qua các hãng truyền thông chính thức trên TikTok, hoặc tuyên bố sai lệch rằng “Binh lính Hoa Kỳ đã mang chủng virus này đến Vũ Hán hoặc đưa ra các phân tích “có vẻ khách quan và chính xác” để cung cấp cho công chúng những thông tin lệch lạc bị phóng đại.
Ngày 15 tháng 9 năm 2020, tờ Washington Post, trong bài báo “Nguồn gốc Bắc Kinh của TikTok làm gia tăng nghi ngờ kiểm duyệt thông tin khi xây dựng đông đảo người dùng Mỹ” (TikTok’s Beijing roots fuel censorship suspicion as it builds a huge U.S. Audience) chỉ ra rằng Tiktok “có thể chính là một trong những vũ khí hiệu quả nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến thông tin toàn cầu khi đưa kiểm duyệt thông tin kiểu Trung Quốc đến người dùng giới chủ lưu của Hoa Kỳ và uốn nắn cách họ lý giải các sự kiện trong thế giới thực.”
Nhật Bản, New Zealand và các quốc gia khác đã đề xuất cấm TikTok; Hoa Kỳ yêu cầu công ty Trung Quốc này bán lại hoạt động kinh doanh của nó ở Hoa Kỳ cho một công ty của Hoa Kỳ; còn Ấn Độ đã thông báo ngừng sử dụng hàng trăm ứng dụng di động được sản xuất tại Trung Quốc, gồm cả TikTok.
WeChat, với một tỷ người dùng đang hoạt động ở Trung Quốc, là thứ vũ khí thậm chí còn nguy hiểm hơn mà ĐCSTQ sử dụng để kiểm soát dư luận. Năm 2014, Bộ Công an Trung Quốc đã tiếp quản các máy chủ đầu sau (back-end) của WeChat nhằm kiểm soát sát sao hơn nữa. Bộ này cũng đã chặn tất cả các kênh truyền thông xã hội quốc tế khác, buộc người Trung Quốc ở nước ngoài phải giao tiếp với người thân ở Trung Quốc thông qua WeChat.
Mỗi chính phủ đều cần cảnh giác với ý đồ của ĐCSTQ nhằm kiểm soát truyền thông của họ. Người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là người Hoa ở hải ngoại, cần phải hiểu sự nguy hiểm của các công cụ tuyên truyền của ĐCSTQ và hãy tìm kiếm sự thật thông qua các kênh truyền thông khác.
Chỉ có như vậy, mọi người mới duy trì được quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và giữ vững lương tâm của họ.