Lê Trọng Hiệp
Thành ngữ “Bắt cóc bỏ dĩa” diễn tả nhưng việc làm vô ích, chỉ có hình thức, làm cho có, cũng giống bắt con cóc định trên cái dĩa nhưng rồi nó cũng nhảy mất. Câu ngạo đời của cổ nhân này có thể áp dụng vào mọi việc của chế độ cộng sản hiện tại.
Ngày 2-11-2020 báo Nhân Dân đăng bản bài của “Bắt cóc bỏ dĩa” của độc giả Trần Đăng Quang, ngụ tại quận 9, Sài Gòn:
“Đã từ lâu, cơ quan chức năng và chính quyền các địa bàn tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên ra quân lập lại trật tự và văn minh đô thị. Thế nhưng tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn luôn diễn ra.
Theo quan sát của chúng tôi, ở cả khu vực nội và ngoại thành, cứ khi nào cơ quan chức năng, chính quyền địa bàn ra quân, thì người dân mới “miễn cưỡng” chấp hành. Thế nhưng, chỉ sau những đợt ra quân ấy một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường lại diễn ra tràn lan. Tại khu vực trung tâm thành phố, người dân chiếm vỉa hè phía trước nhà mình để buôn bán, gây mất trật tự. Không ít khu phố, góc đường và cả những tuyến phố đi bộ cũng trở thành điểm tập kết bán hàng của nhiều xe hàng rong. Quanh khu vực công viên 23 tháng 9, công viên Tao Đàn, Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, đường Phạm Ngũ Lão, đường Đề Thám…, tình trạng người buôn bán hàng rong, chèo kéo, đeo bám khách du lịch lộn xộn, không chỉ tạo hình ảnh nhếch nhác, mà đôi khi còn làm phiền lòng du khách. Ở hầu hết các tuyến đường, cứ vào buổi chiều mỗi ngày, hàng rong xe đẩy tràn xuống cả lòng đường, gây ùn tắc và làm mất an toàn giao thông.
Điều đáng nói, nhiều địa bàn như quận, phường, tổ dân phố…, đã cắt cử người làm công tác giữ gìn trật tự. Song, việc này vẫn không hề được xử lý dứt điểm và nó chẳng khác nào kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi người dân chủ yếu chấp hành theo kiểu… đối phó.”
Sở dĩ người dân “chấp hành theo kiểu đối phó” vì chính quyền cũng điều hành theo kiểu đối phó. Thí dụ câu chuyện của công dân trẻ Nguyễn Ngọc Mạnh, 31 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đoàn viên và người hùng
Anh Mạnh học xong lớp 12 thì xin đi “lao động xuất khẩu” tại Nhật, làm thời gian thì về nước lấy vợ, không có việc làm nên làm nghề giao hàng thuê, Việt Nam gọi cho… Tây là shipper. Thời buổi online, người người nhà nhà mua hàng qua mạng, công việc của những người như anh là mang hàng từ công ty bán hàng cho người đặt mua. Đây là công việc lao động chân tay, lấy công làm lời.
Khoảng 5 giờ 30 chiều 28.2, bé N.P.H (3 tuổi) ở tòa chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng bất ngờ tự bò ra ban công một của một apartment trên tầng 12, trèo ra bên ngoài lan can. Sau đó, bé gái bám tay vào lan can, treo mình lơ lửng từ độ cao khoảng gần 30 m. Nhiều người ở tòa nhà đối diện phát hiện đã hô hoán.
Đang đổ xe giao hàng gần đó, anh Mạnh đã trèo lên mái che của sảnh tòa nhà và đỡ được khi cháu H. rơi xuống. Cháu bé 3 tuổi sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư, sức khỏe đã dần ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng, không chấn thương sọ não.
Cảnh này được nhiều người quay lại và tung lên mạng xã hội, anh Mạnh trở thành một hiện tượng. Tin trong nước cho hay ngày 1.3.2021 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gởi thư cho anh Mạnh khen ngợi và biểu dương hành động dũng cảm của anh và chuyện này dễ hiểu thôi, điều đáng ngạc nhiên là hành động của Trung ương Đoàn: tự dưng anh shipper lăn lóc ngoài đường trở thành “đoàn viên thanh niên cộng sản”!
Ngày 1.3.2021 báo Nhân Dân đăng bản tin của Ngọc Vy: “Trao Huy hiệu ‘Tuổi trẻ dũng cảm’ tặng đoàn viên Nguyễn Ngọc Mạnh”:
“Chiều 1-3, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” tặng đoàn viên Nguyễn Ngọc Mạnh (trú tại thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) nhằm biểu dương hành động không quản nguy hiểm, cứu sống cháu bé rơi từ tầng cao một tòa chung cư.
Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” là phần thưởng cao quý của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, dành tặng cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi Việt Nam có hành động dũng cảm, lập công xuất sắc trong bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, bảo vệ, cứu người, tài sản của nhân dân và Nhà nước trong những tình huống cấp bách.
Cùng với Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”, anh Nguyễn Ngọc Mạnh còn được Thành đoàn Hà Nội tặng Bằng khen vì thành tích kịp thời cứu người bị nạn.
Trước tấm gương dũng cảm của đoàn viên Nguyễn Ngọc Mạnh, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Người tốt – việc tốt” để lan tỏa thêm nhiều hành động đẹp, việc làm thiết thực, tinh thần quả cảm trong tuổi trẻ Thủ đô.
Đồng chí Chu Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, chia sẻ: “Hành động của anh Mạnh là tấm gương đẹp để thanh niên Thủ đô thi đua noi theo, học tập. Tôi mong rằng, với những việc làm cụ thể, thiết thực, phong trào “Người tốt – việc tốt” sẽ tìm thêm được nhiều đoàn viên, thanh niên với những hành động đẹp, việc làm tốt, tinh thần quả cảm”.”
Trên thực tế, báo Nhân Dân viết láo và Trung ương Đoàn cũng báo cáo láo: anh Mạnh chưa hề là đoàn viên.
Bằng chứng là, cùng ngày, Báo Tuổi Trẻ đăng bản tin của Vũ Thơ “Trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho ‘người hùng’ Nguyễn Ngọc Mạnh”, trong nêu rõ:
“Được biết, ở địa phương, anh Nguyễn Ngọc Mạnh là hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên xã Vĩnh Ngọc. Ông nội anh Mạnh nguyên là Bí thư Đoàn xã Vĩnh Ngọc. Ngoài thời gian dành cho công việc chở hàng, từ trước đến nay, anh Mạnh luôn là một đoàn viên, hội viên tích cực, thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục, thể thao do Đoàn Thanh niên – Hội Liên hiệp thanh niên xã tổ chức, phát động.”
Đoàn là “tổ chức dự bị của đảng”, muốn vào đảng thì phải vào đoàn. Còn “Hội Liên hiệp Thanh niên” là tổ chức chót bẹt, hội viên chẳng có quyền lợi gì trong xã hội cộng sản và tổ chức này được hâm lại là để quản lý con người, chỉ có vậy.
Nhưng họ vẫn cố níu kéo để xây dựng mối quan hệ giữa Đoàn với người hùng, nào là ông nội anh Mạnh từng là bí thư Đoàn tại Xã, anh Mạnh thường xuyên tham gia các cuộc thi đấu thể thao do Đoàn tổ chức.
Đây là một hình thức “thấy người sang bắt quàng làm họ”, còn trên phương diện tổ chức thì chính là trò “bắt cóc bỏ dĩa”.
Nhưng có những chuyện “Bắt cóc bỏ dĩa” mang tầm quốc gia khác, như câu chuyện cũng chính từ Trung ương Đoàn.
Nghị quyết cóc trên dĩa
Ngày 5.2.2021 báo Tiền Phong đăng bài “Quyết tâm sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống” của Lưu Trinh:
“Tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn diễn ra ngày 4.2, các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến về thể hiện quyết tâm sớm ban hành Chương trình hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
[…] Phát biểu tại Hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tiếp tục cập nhật bản chính các Văn kiện sau Đại hội XIII của Đảng để hoàn thiện, xin ý kiến các cơ quan liên quan, nhằm sớm ban hành Chương trình hành động, với tinh thần chủ động, quyết tâm, trách nhiệm của những người trẻ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống…”
Nhưng nếu đảng đưa ra một nghị quyết nào đó liên quan đến việc xây dựng hay bảo vệ đất nước thì nghị quyết đó phải xuất phát ngay từ thực tế cuộc sống. Nghị quyết đó phải chính là cuộc sống, là thực tế xã hội Việt Nam.
Vì đảng xây dựng nghị quyết từ những chuyện đâu đâu ở trên Trờ rơi xuống, trong sự hoang tưởng của những lãnh tụ lẩm cẩm, họ mới cất công kêu gào “sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống”.
Như vậy những nghị quyết mà đảng đưa cập cũng chính là những con cóc bỏ dĩa, không liên quan gì đến cuộc sống, phải “sớm đưa vào cuộc sống”.