ĐCSTQ gia tăng kích động dân tẩy chay các thương hiệu làm Bắc Kinh ‘khó chịu’

Thiện Phong

Bị xúc phạm vô cớ, những nhân viên làm việc trong các cửa hàng trực tuyến của các thương hiệu bị Bắc Kinh tẩy chay chỉ còn biết khóc. (Nguồn : ảnh chụp màn hình video)

Chính quyền Trung Quốc gần đây tiếp tục kích động người dân tẩy chay các thương hiệu nổi tiếng thế giới vì làm Bắc Kinh ‘khó chịu’. Các công ty như Nike, Adidas hay Uniqlo đã bị ảnh hưởng rất lớn. Không những thế, nhân viên làm việc trong các cửa hàng trực tuyến của những thương hiệu này cũng bị tấn công, theo Vision Times.

Sau các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Canada, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh, chính quyền Trung Quốc bất ngờ có những hành động chống trả, đầu tiên họ nhằm vào H&M – nhà bán lẻ thời trang, phụ kiện của Thụy Điển.

H&M bị tẩy chay ở Trung Quốc sau khi người dân được thông báo rằng thương hiệu Thụy Điển không mua bông sản xuất ở Tân Cương để phản đối hành vi đàn áp nhân quyền đối với người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu tự trị này

Sau đó, nhiều nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc đã gỡ bỏ H&M, nhiều cửa hàng H&M bị đóng cửa, ngoài ra các ngôi sao nổi tiếng quảng cáo cho H&M cũng phá bỏ hợp đồng.

Vào 25/3, cơn bão tẩy chay này còn lan rộng sang các thương hiệu khác từng thể hiện sự không đồng tình với hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các “nạn nhân” có thể được kể tới là Burberry, Adidas, Nike, New Balance, Converse, Puma, Uniqlo, Tommy Hilfiger…

Những nhân viên làm việc cho các thương hiệu này cũng trở thành mục tiêu của cơn bão tẩy chay ở Trung Quốc. Ví dụ: Một bản ghi lại cuộc trò chuyện được lan truyền trên Internet cho thấy một cư dân mạng đã gọi đến dịch vụ chăm sóc khách hàng trực tuyến của H&M và hỏi cô ấy có phải là người Trung Quốc không?. Sau khi nhận được câu trả lời “có”, anh ta bắt đầu thuyết phục cô thôi việc, nói rằng “Phục vụ cho công ty này không khác gì kẻ phản bội đất nước”.

Một video khác cho thấy một nhân viên quản lý làm việc trong cửa hàng trực tuyến của Nike, đã bị nhiều cư dân mạng dùng những lời thô tục, thiếu văn hóa mắng chửi. Các nhân viên của Adidas cũng gặp phải những vấn đề tương tự, nhiều nhân viên bị mắng chửi vô cơ đến mức phát khóc.

Ngoài ra trên mạng còn xuất hiện nhiều video đốt giày Nike, giống hệt hành vi tẩy chay hàng Nhật, đập phá xe Nhật khi cơn bão chống Nhật đổ bộ vào Trung Quốc vài năm trước.

Related posts