Hải Lam
Sau khi bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm G7 đã tổ chức cuộc họp trực tiếp đầu tiên tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Cuộc họp sẽ tập trung thảo luận cách đối phó với lập trường ngày càng cứng rắn của ĐCSTQ và thành lập một mặt trận chung.
Hãng tin AP đưa tin vào ngày 4/5, ngoại trưởng các nước Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản đã tập trung tại London, Vương quốc Anh để có một cuộc gặp mặt trực tiếp kéo dài hai ngày. Cuộc họp sẽ thảo luận về những thách thức ngoại giao của Trung Quốc, Iran và Nga, cũng như cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria, và tình hình hỗn loạn ở Ethiopia và Afghanistan.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng cuộc gặp này cho thấy chính sách ngoại giao G7 đã trở lại. G7 tin tưởng vào việc giữ cho thương mại tự do, mở cửa xã hội, bảo vệ nhân quyền và dân chủ, cũng như bảo vệ và thúc đẩy lợi ích công cộng.
Vào ngày 3/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng mục tiêu của Mỹ không phải là cố gắng kiềm chế chính quyền Bắc Kinh, mà là duy trì trật tự quốc tế. Ông hứa sẽ hợp tác với Vương quốc Anh để gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh về việc ĐCSTQ đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông và “cuộc diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ngoại trưởng Anh cho rằng cánh cửa cải thiện quan hệ với Trung Quốc đang rộng mở, nhưng còn tùy thuộc vào cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh.
Nhật Bản và Trung Quốc có quan hệ căng thẳng trong lịch sử, nhưng họ không đứng vào hàng ngũ các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ đối với chính quyền Bắc Kinh vì lo ngại ảnh hưởng quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc.
Ý luôn được coi là một trong những quốc gia thân thiện với Trung Quốc nhất ở châu Âu và nước này cũng đã ký sáng kiến “Vành đai và Con đường” với chính quyền Bắc Kinh vào năm 2019. Nhưng vào tháng 3 năm nay, Ý và Liên minh châu Âu cũng đã triệu tập đại sứ ĐCSTQ và bày tỏ lo ngại về tình hình của người Duy Ngô Nhĩ.