Thu Hằng
Không một nước Đông Nam Á nào đồng tình với dự thảo nghị quyết về ngừng bắn và cấm vận vũ khí Miến Điện, lẽ ra được đưa ra biểu quyết ngày 18/05/2021 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc theo đề xuất của Liechtenstein. Cuộc bỏ phiếu bị hoãn vô thời hạn vì « không có đủ số ủng hộ » (48 nước) và cần được thương lượng thêm, chủ yếu với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á.
Thêm một thất bại cho thấy Liên Hiệp Quốc vẫn bế tắc trong hồ sơ Miến Điện và bây giờ chỉ biết trông cậy vào sự hợp tác của ASEAN. Tuy nhiên, chưa bao giờ ASEAN lại cho thấy vai trò lãnh đạo kém hiệu quả, thậm chí là bất lực, như hiện nay, từ cuộc đảo chính ở Miến Điện đến những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Chính ASEAN cũng có phần nào trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tại Miến Điện, theo phân tích của nhà nghiên cứu Richard Heydarian, tại Manila (Philippines), trên báo mạng South China Morning Post (12/05/2021).
Thứ nhất, ASEAN đã bắt tay « hợp tác mang tính xây dựng » với tập đoàn quân sự Miến Điện từ hơn một thập niên nay. Với nguyên tắc « không can thiệp chuyện nội bộ nước thành viên », ASEAN đã gián tiếp giúp hợp pháp hóa giới tướng lĩnh tàn bạo, khi tán thành những cải cách chính trị mang tính hình thức của quân đội, trong đó có việc trao quyền cho một ban lãnh đạo dân sự có tư tưởng cải cách hơn, nhưng lại không tước bỏ đặc quyền của quân đội.
Thứ hai, ASEAN cũng thờ ơ trước các vụ thảm sát người thiểu số theo Hồi Giáo Rohingya gây thảm cảnh di dân từ năm 2009. Thay vì cảnh cáo, trừng phạt tội ác của tập đoàn quân sự, các nhà đầu tư Đông Nam Á và Đông Á ồ ạt chinh phục « thị trường non trẻ » Miến Điện, chủ yếu nằm trong tay quân đội. Liệu quân đội Miến Điện có dám đảo chính nếu như ASEAN đã trừng phạt nghiêm khắc những tội ác của họ trong khá khứ ?
Thứ ba, ngay khi tay của tập đoàn quân sự đã nhuốm máu của hơn 800 người dân Miến Điện, chỉ có vài nước thành viên lên tiếng. Thái Lan và Cam Bốt một mực khẳng định không can thiệp chuyện nội bộ của nước thành viên. Tướng Min Aung Hlaing được ASEAN mời đến họp ở Jakarta (Indonesia) nhưng lại thiếu đại diện của bên dân sự. Cuối cùng, « Đồng thuận 5 điểm », tưởng chừng là một thành công của ASEAN, cũng bị tập đoàn quân sự xem như tờ giấy lộn, chỉ tham khảo khi « ổn định » được tình hình trong nước.
Biển Đông : ASEAN không dám nêu đích danh Trung Quốc
Sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là một hồ sơ cho thấy khả năng hạn chế của ASEAN. Bắc Kinh không bị nêu đích danh trong những văn kiện chính thức của khối liên quan đến Biển Đông. Suốt hai thập niên đàm phán, ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa đúc kết được Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC). ASEAN cũng không lên án hoặc trừng phạt các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở những khu vực có tranh chấp giữa các nước thành viên ở Biển Đông.
Biển Đông trở thành một trong những « điểm nóng » đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bất lực trước sự bành trướng của Bắc Kinh, ASEAN đứng ngoài nhìn lực lượng hải quân của nhiều nước (Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, châu Âu) đến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.
Theo nhà nghiên cứu Richard Heydarian, nguyên nhân sâu xa trong vai trò thiếu hiệu quả của ASEAN là nguyên tắc « đồng thuận », có vẻ tốt đẹp về lý thuyết, nhưng khó áp dụng trên thực tế, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp như cuộc đảo chính ở Miến Điện. Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam cũng thiếu những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa như thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, hay tổng thống Suharto của Indonesia trước đây.
Hai hồ sơ quan trọng trên cho thấy ASEAN cần có một vai trò lãnh đạo cơ bản quyết đoán hơn và một cơ chế tự chủ hơn để định hình một cách hiệu quả khu vực ảnh hưởng riêng trong vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo chiều hướng này, nhà nghiên cứu Philippines nêu hai đề xuất khác, song song với nguyên tắc « đồng thuận ». Thứ nhất, ASEAN có thể sử dụng thường xuyên hơn biện pháp « dựa trên đa số », từng được thử nghiệm trong một số cuộc đàm phán thương mại giữa khối này với các nước khác. Thứ hai, ASEAN cũng nên khuyến khích sự hợp tác song phương giữa các nước thành viên chủ chốt, có cùng mục tiêu, như từng được áp dụng thành công trong hoạt động tuần tra chung và chống khủng bố trong khu vực.