Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Nhóm G7 cam kết đạt mục tiêu 15% “thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu”

Thanh Phương

image.png
Hội nghị các bộ trưởng Tài Chính G7 họp tại Luân Đôn. Ảnh chụp ngày 04/06/2021. Stefan Rousseau POOL/AFP

Sau cuộc họp hai ngày tại Luân Đôn, hôm nay, 05/06/2021, các bộ trưởng Tài Chính của nhóm G7 thông báo một thỏa thuận “lịch sử” về “thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu”, được ấn định là “ít nhất 15%”.

Trong hai ngày qua, bộ trưởng của 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới ( Anh, Pháp, Ý, Canada, Nhật Bản, Đức và Hoa Kỳ ) đã thương lượng với nhau để đạt được thỏa thuận về việc cải tổ thuế doanh nghiệp ở cấp độ thế giới. Cải tổ này chủ yếu nhắm vào các tập đoàn công nghệ số, hiện chỉ đóng những khoản thuế rất thấp trong khi họ thu lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đôla, nhờ họ đặt các cơ sở tại những quốc gia có mức thuế doanh nghiệp rất thấp, thậm chí không đánh thuế doanh nghiệp.

Trong một diễn đàn chung đăng trên nhật báo Anh The Guardian hôm qua, các bộ trưởng Tài Chính Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha nhấn mạnh là các tập đoàn công nghệ số còn đã hưởng lợi từ khủng hoảng y tế toàn cầu, “thu được những khoản lợi nhuận cao chưa từng có so với các khu vực khác”. Trong khi đó, các quốc gia trên toàn thế giới đang cố bù đắp cho ngân sách bị cạn kiệt do phải thi hành những kế hoạch hỗ trợ và phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Thỏa thuận của nhóm G7 dựa trên cải tổ mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đề nghị. Thứ nhất là phân chia hợp lý hơn nguồn thu thuế từ các tập đoàn đa quốc gia. Thứ hai là một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu. Sau khi đề nghị mức thuế 21%, Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 15% để có thể thuyết phục được các quốc gia khác. Theo bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire, mức thuế doanh nghiệp  mà nhóm G7 cam kết hôm nay 15% sẽ là mức tối thiểu và trong những tháng tới Paris sẽ cố thúc đẩy để nâng thuế này lên đến mức “cao nhất có thể được”.

Đài Loan nhận vac-xin ngừa Covid của Nhật, Bắc Kinh bực bội

Trọng Thành

image.png
Vac-xin ngừa Covid Nhật Bản tặng đến một phi trường Đài Loan, gần thủ đô Đài Bắc, ngày 04/05/2021. VIA REUTERS – TAIWAN ECONOMIC AND CULTURAL REP

Nhật Bản quyết định tặng Đài Loan 1,24 triệu liều vac-xin AstraZeneca đúng vào lúc đại dịch Covid bắt đầu bùng phát tại vùng lãnh thổ này từ giữa tháng 5/2021. Quà tặng của Nhật Bản đã đến Đài Loan chiều hôm qua, 04/06. Việc Tokyo tặng vac-xin cho Đài Bắc khiến Bắc Kinh khó chịu.

Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Vương Văn Bân (Wang Wenbin), hôm qua, chỉ trích Đài Loan nhận vac-xin của Nhật Bản trong lúc lại « ngăn chặn các chuyến tàu chở vac-xin từ đại lục ». Hãng tin Nhật NHK cho biết thêm, phát ngôn viên của Văn phòng Đài Loan của chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ ý định tặng vac-xin do Trung Quốc sản xuất cho Đài Bắc, nhưng đảng Dân Tiến cầm quyền tại Đài Loan đã đưa ra hàng loạt lý do để không tiếp nhận vac-xin từ Hoa lục. Việc Nhật Bản tặng vac-xin cho Đài Loan là một hành động có ý nghĩa chính trị quan trọng.

Trước hết, về mặt y tế, đây thực sự là một gánh nặng được trút bỏ. Từ nhiều tuần nay, Đài Loan thiếu hụt vac-xin nghiêm trọng, trong lúc dịch bệnh đang bùng phát. Cho đến nay, chỉ mới có 3% dân Đài Loan được tiêm chủng. Tuy nhiên, cử chỉ của Nhật Bản cũng mang ý nghĩa chính trị hết sức rõ ràng.

Trong những tuần gần đây, trên thực tế Bắc Kinh đã đề nghị cung cấp vac-xin cho Đài Bắc. Tuy nhiên, chính quyền Đài Loan từ chối, khi khẳng định chỉ làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp. Hồi tuần trước, Bắc Kinh đã phản đối kế hoạch của Nhật Bản cung cấp vac-xin cho Đài Loan, và cho rằng chính Trung Quốc phải thực hiện việc này.

Rút cục Nhật Bản đã phớt lờ các cảnh báo của Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật thậm chí còn nói rõ : « Việc biếu tặng vac-xin được tiến hành trên cơ sở tình hữu nghị Nhật Bản – Đài Loan ». Đài Loan cũng còn trông đợi một nguồn hỗ trợ khác : Hoa Kỳ. Hôm qua, Washington hứa sẽ hỗ trợ 7 triệu liều vac-xin cho các nước châu Á, trong đó một phần sẽ dành cho đối tác Đài Loan.

Vac-xin ngừa Covid là một trận tuyến căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc. Cách nay mươi hôm, đích thân tổng thống Thái Anh Văn tiếp tố cáo Bắc Kinh ngăn cản Đài Bắc ký kết các hợp đồng mua vac-xin với nhiều tập đoàn dược phẩm lớn.

Bộ Ngoại Giao Đài Loan cũng lên án chính quyền Trung Quốc gây áp lực với ít nhất một quốc gia (Paraguay), trong số hơn 10 nước có quan hệ chính thức với Đài Bắc, đánh đổi việc cắt đứt quan hệ ngoại giao để nhận được vac-xin của Trung Quốc.

Covid-19 : Pháp ban hành quy định nhập cảnh theo ba nhóm nước

image.png
Quy định nhập cảnh ngừa Covid của Pháp (kể từ ngày 9/6/2021) : Phân loại các nhóm nước theo ba màu, “đỏ”, “cam”, “xanh”. © Chính phủ Pháp

Hôm 04/06/2021, chính phủ Pháp đã công bố bảng phân loại quy định nhập cảnh theo 3 màu “xanh”, “da cam”, “đỏ” cho các quốc gia và vùng lãnh thổ, sẽ được áp dụng kể từ ngày 09/06/2021. Những quy định này là nhằm “đảm bảo sự an toàn dịch tễ, và tránh sự xâm nhập của các biến thể virus Covid-19 vào lãnh thổ Pháp…” theo lời ông Jean-Baptiste Lemoyne, quốc vụ khanh phụ trách du lịch, trên đài RMC.

Những quốc gia được xếp màu “xanh” là những nơi khống chế được sự lây lan của virus và không có sự hiện diện của những biến thể đáng lo ngại (ví dụ như Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản…). Khách du lịch đến từ những khu vực này sẽ được tự do nhập cảnh, với điều kiện trình kết quả xét nghiệm PCR dưới 72 tiếng (với những người chưa chích ngừa). Những người đã được chích ngừa sẽ được miễn trình xét nghiệm này.

Công dân của Liên Hiệp Châu Âu sẽ được tự do di chuyển kể từ 1/7, với chứng nhận y tế xác nhận đã được chích ngừa, hoặc xác nhận âm tính với virus Covid-19 hoặc chứng nhận đã nhiễm virus, nhưng đã hồi phục dưới 6 tháng.

Đối với công dân từ những quốc gia được đánh dấu màu “đỏ” (ví dụ như Nam Phi, Bangladesh, Bolivia, Brazil, …), việc nhập cảnh sẽ bị hạn chế gắt gao, tức là phải có lý do thật cấp thiết mới được vào nước Pháp, kèm theo kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng thể, dù đã được chích ngừa hay chưa. Ngoài ra, thời gian cách ly 7 đến 10 ngày cũng sẽ được áp dụng, tùy theo người nhập cảnh đã được chích ngừa hay chưa.

Với những quốc gia được đánh dấu màu “cam”, ví dụ như Mỹ và Anh Quốc, nơi mà biến thể virus đang là mối quan ngại lớn của những nhà chức trách, du khách nào dù đã được chích ngừa vẫn sẽ phải được xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng thể. Đối với những người chưa chích ngừa, phải có một lý do thật cấp thiết, kèm theo kết quả xét nghiệm âm tính, và phải tự cách ly trong 7 ngày.

Theo lời ông Jean-Baptiste Djebbari, bộ trưởng Giao Thông Pháp, các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn với các nước như Tunisia, các nước Bắc Mỹ, một phần của châu Phi, một số nước Đông Nam Á,… với hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận về các quy định từ nay đến cuối tháng 6 và trong mùa hè tới.

Trước khi có đại dịch, Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Nguồn thu từ ngành này chiếm đến 7,5% tổng sản phẩm nội địa GDP. Tuy nhiên, nguồn thu này đã giảm đến một nửa trong năm 2020. Pháp đã đầu tư 10 triệu euro kể từ đầu tháng 5 cho chiến dịch quảng bá du lịch của mùa hè này, với hi vọng thu hút được khách du lịch đến từ Liên Hiệp Châu Âu.

Chống Trung Quốc, người Indonesia từ chối vac-xin Sinovac

Thụy My

image.png
Một điểm tiêm chủng tại Jakarta, Indonesia. Ảnh chụp ngày 16/03/2021. AP – Tatan Syuflana

Vac-xin Sinovac của Trung Quốc vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, nhưng tại Indonesia, nước mua vac-xin Trung Quốc nhiều nhất, người dân không hề tin tưởng. Dù Indonesia đã nhận được 92 triệu liều vac-xin, hầu hết là Sinovac, cho đến nay có chưa đến 4% người dân chịu chích ngừa. Theo một nghiên cứu mới nhất, tình cảm chống Trung Quốc là một trong những nguyên nhân ngăn trở chiến dịch tiêm chủng.

Dù đó là các video của bộ Y Tế trên Instagram, với lời kêu gọi : ‘’Tôi muốn chắc rằng cha mẹ, ông bà của các bạn được tiêm chủng. Đừng sợ hãi, tất cả hãy cùng đi !’’. Hoặc là việc phạt tiền đối với những ai từ chối chích ngừa…Từ tháng Giêng đến nay, Indonesia làm mọi cách để thúc đẩy người dân đi tiêm chủng, nhưng không mấy thành công.

Bà Sharyn Graham Davies, nhà nhân chủng học chuyên về Indonesia lý giải về tâm trạng ngờ vực này. Bà nói : « Điều làm tôi ngạc nhiên là bình thường người dân Indonesia vẫn đông đảo đi chích ngừa các bệnh sởi, quai bị, Rubella…mà không quan tâm đến xuất xứ của vac-xin. Điều thú vị khi nhận ra lý do của tâm lý hoài nghi lần này, là người Indonesia tin rằng Trung Quốc có tà ý.

Nhưng nếu sự ngờ vực Trung Hoa cộng sản khiến người dân Indonesia từ chối vac-xin Sinovac, tình cảm chống Trung Quốc tại nước này đã có từ lâu.

Chuyên gia Davies nói tiếp : « Từ năm 1965, cộng sản đã bị lên án sau một vụ đảo chính. Bạn có thể kết hợp với sự kiện: con virus corona xuất phát từ Trung Quốc – người Indonesia không thể ra nước ngoài, nhưng họ nhìn thấy từ đầu đại dịch là công nhân Hoa lục vẫn nhập cảnh vào nước họ – và kết quả là tình cảm chống Trung Quốc hiện nay ».

Các nguyên nhân khác được người dân nêu ra, khi trả lời nhóm nghiên cứu của Sharyn Graham Davies, đó là Trung Quốc phải nhập khẩu vac-xin của châu Âu, theo họ điều này chứng tỏ vac-xin Trung Quốc không hiệu quả. Hoặc họ nghi ngờ về thành phần vac-xin không theo tiêu chuẩn Halal của người Hồi giáo ».

Liên Âu cấm phi cơ Belarus bay vào không phận của mình

image.png
Một phi cơ của Belavia, hãng hàng không Belarus. Ảnh minh họa. REUTERS – MAXIM SHEMETOV

Theo hãng tin AFP, trích dẫn các nguồn tin ngoại giao tại Bruxelles, hôm qua, 04/06/2021, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định cấm máy bay của các hãng hàng không Belarus bay vào không phận của khối này. Quyết định nói trên là nhằm đáp lại vụ Belarus buộc một máy bay của hãng Ryanair phải đáp xuống sân bay Minsk hôm 23/03 để bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protassévitch.

Phẫn nộ đang tăng cao tại châu Âu sau khi đoạn video “thú tội” của nhà báo Protassévitch được phát sóng hôm qua. Đoạn video này được cho là quay dưới sự ép buộc. Theo chính phủ Đức, đây “là một hành động đáng xấu hổ” của chính quyền Belarus.

Quyết định cấm Belarus bay vào không phận Liên Hiệp Châu Âu đã được đưa ra bởi đại diện thường trực của 27 nước tại Bruxelles, gồm đại sứ của các quốc gia thành viên Liên Âu. Lệnh cấm được áp dụng kể từ thứ bảy, 05/06/2021. Những biện pháp này còn cần phải được phê duyệt bởi các vụ pháp lý để trở nên chặt chẽ hơn.

Như vậy là kể từ nay, nhà chức trách các nước Liên Hiệp Châu Âu được chính thức yêu cầu cấm tất cả máy bay chở hàng hoặc chở hành khách của Belarus bay qua không phận của mình, cũng như từ chối cho cất cánh và hạ cánh.

Đây được coi là bước đầu tiên trong việc cụ thể hoá những trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với Belarus.Vào tuần sau, 27 nước thành viên sẽ đưa ra thêm các trừng phạt riêng đối với 8 người có trách nhiệm trong vụ chuyển hướng chuyến bay Athènes-Vilnius, và khoảng một chục người khác chịu trách nhiệm về đàn áp chính trị, cụ thể là phong tỏa những tài sản hiện có ở châu Âu của họ và cấm visa nhập cảnh vào Liên Hiệp Châu Âu.

Kể từ đầu phong trào biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống tháng 8 năm ngoái, 88 công dân Belarus đã bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt, bao gồm cả tổng thống Alexander Loukachenko. Ngoài ra, còn sẽ có những trừng phạt theo ngành, ví dụ như lệnh cấm nhập khẩu bồ tạt (kali cacbonat) từ Belarus, hoặc lệnh cấm nhập vào châu Âu khí đốt của Nga trung chuyển qua Belarus.

Related posts