Việt Nam: Chính quyền muốn quản lý tiền chùa?

BBC

Người Việt ưa cúng tiền cho chùa chiền
Chụp lại hình ảnh, Người Việt ưa cúng tiền cho chùa chiền

Dự thảo “quản lý” tiền công đức của nhà nước Việt Nam có thể gây tác động lớn.

Tiền công đức là tiền, tài sản của tín đồ, khách thập phương cho, tặng, góp cho đình, chùa, nhà thờ…

Mới đây, dự thảo “Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” được Bô Tài Chính ban hành và báo chí Việt Nam đưa tin.

Dự thảo này có đoạn: “Thông tư này hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.”

Nếu được thông qua, “đây là văn bản pháp luật đầu tiên về vấn đề quản lý thu, chi tiền công đức.”

Những người “cúng dường” đối mặt với câu hỏi: “Góp tiền cho chùa hay cho nhà nước?”

Mọi ý kiến đều phản đối?

Trên trang đăng dự thảo nói trên của Bộ Tài Chính, hiện có tất cả 32 ý kiến, và tất cả đều cho thấy sự phản đối.

Một người tên Phạm Thị Quyên viết: “Chùa là nơi tín ngưỡng tâm linh, không phải là một doanh nghiệp, vì vậy tiền công đức, cúng dường của các tín đồ gửi về đây là cho nhà Chùa toàn quyền sử dụng phục vụ lợi ích phật sự, hoằng Pháp, giúp con người hướng tới Chân-Thiện- Mỹ.”

“Nhưng các cấp chính quyền không biết vì lý do gì đòi quyền quản lý khoản tiền người khác cho vào Chùa, điều này là xâm phạm vào tài sản của cá nhân, tổ chức.”

“Đồng tiền tôi hay bất cứ tín đồ nào cúng dường vào Chùa là dùng với mục đích phục vụ cho nhà Chùa, cho Sư trụ trì, chứ không phải là một khoản thuế nộp thông qua Chùa, mà các cấp chính quyền yêu cầu quản lý khoản mục này.” Bà Quyên nhấn mạnh.

Rồi kết luận: “Nhà chùa không phải một doanh nghiệp cổ phần của nhà nước nên không thể đòi quyền quản lý tài sản của nhà Chùa. Từ những điều bất hợp lý trên tôi xin đề nghị hủy bỏ phần dự thảo thu chi với khoản tiền công đức của các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là nhà Chùa”.

Người tên Đào Thị Thu Thanh viết một ‘thư ngỏ’ dài cho Bộ trưởng Bộ Tài Chính và các ban ngành liên quan. Với ý chính:

”Tôi là phật tử. Tôi không đồng ý Bộ Tài Chính quản lý tiền công đức tại các chùa, vì tiền công đức là lòng thành của Phật tử, thể hiện sự thành kính đối với tôn giáo mà họ tin theo, được đóng góp một cách tự nguyện, không chịu bất cứ một ép buộc nào. Các Phật tử đóng góp tiền công đức vào chùa là do lòng tin kính của Phật tử đối với Tam Bảo ,đối với Chư tăng. Chúng tôi có lòng tin kiên định bất thối chuyển về tôn giáo Đạo Phật đã được ghi lại trong kinh sách : “Chỉ có cúng dường vào Tam Bảo, nơi có Chư Tăng tu hành phạm hạnh mới mang lại phúc báu cho mình”.

”Chúng tôi tự nguyện góp tiền công đức vào chùa để nuôi dưỡng Chư Tăng, để Chư Tăng làm các việc hoằng dương Phật Pháp với mong muốn tô bồi phúc báu cho gia đình. Chức năng này thì không có một cơ quan Nhà nước nào làm được. Nên Nhà nước không thể quản lý thu chi đối với tiền công đức của Phật tử chúng tôi.”

Bà giải thích: ”Đối với nhà nước : chúng tôi đã làm các nghĩa vụ đóng thuế, đóng phí theo quy định. Phần thu nhập sau khi nộp thuế chúng tôi dùng để trang trải cuộc sống hàng ngày , báo hiếu cha mẹ, và dành ra phần nhỏ để biếu cho Chư Tăng thông qua hình thức công đức vào chùa.”

Và khẳng định: “Tiền này Bộ Tài Chính không có quyền quy định các chùa đưa về kho bạc quản lý như vậy được.”

Đình, chùa Việt thường treo cờ
Chụp lại hình ảnh, Đình, chùa Việt thường treo cờ

Cần bảo đảm ‘công khai, minh bạch’?

Lý do ban hành dự thảo này được báo chí Việt Nam nêu là “đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.” Họ cũng đề cập đến những mâu thuẫn, tranh luận và sai phạm.

Báo điện tử Chính phủ viết: “Để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ, cơ quan, đơn vị quản lý di tích thành lập Tổ tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ.”

“Quy định này ra đời xuất phát từ việc có nhiều tranh luận, mâu thuẫn và cả sai phạm liên quan đến dòng tiền công đức “không được kiểm toán” tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng” theo VnExpress.

Vấn đề này thậm chí đã từng được Quốc hội Việt Nam thảo luận từ khóa trước.

Tiền chùa, còn gọi là tiền thập phương đóng góp được ước tính là rất lớn, nhưng không có số liệu kiểm toán công khai.

Phải chăng nơi nào nhiều tiền và có vẻ không rõ ràng thì nhà nước cần quản lý số tiền đó?

Và để “tiếp nhận” tiền thì từ nay, chùa, nhà thờ sẽ bình bầu thêm “Tổ tiếp nhận các khoản dâng cúng”?

“Nhà chùa” nghĩ gì?

Theo tờ Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhận định dự thảo này của Bộ Tài chính “không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo”, đồng thời “đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, là nhà thờ đạo Công giáo đã được kiểm đếm danh mục di tích”.

Tuổi Trẻ cũng trích đăng ý kiến của vị Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh này: “dự thảo này chỉ phù hợp áp dụng đối với việc quản lý các lễ hội và di tích bình thường, không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo)…”

“Vì vậy, Ban trị sự Quảng Ninh đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, nhà thờ dù đã được kiểm đếm danh mục di tích.”

Đại Đoàn Kết Online thì kết luận bằng chính ý kiến của vị này: “Đề nghị Bộ Tài chính hủy bỏ phần dự thảo quản lý đối với các di tích là cơ sở tôn giáo, nhất là tiền công đức tại cơ sở di tích tôn giáo…”

Trước đó, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương cho rằng: “Vấn đề này còn mập mờ, mơ hồ…”

Nhà thờ Lớn ở Hà nội
Chụp lại hình ảnh, Nhà thờ Lớn ở Hà nội

Ý kiến của “thập phương”

Nhiều ý kiến trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt chỉ trích cả “nhà nước” lẫn “nhà chùa”. Có thể vì nhiều năm, “nhà nước” vướng mắc nhiều bê bối tham nhũng, cố ý làm sai… của các quan chức, trong khi “nhà chùa” cũng lắm tai tiếng.

Danh khoản Châu Ngô viết: “Nếu biết tiền công đức của chùa nào mà nhà nước quản lý thì Phật tử sẽ không bỏ tiền vào hòm công đức của chùa đó.”

Vũ Ba thì bình luận: “Giờ thì không còn tiền chùa nữa tiền vào túi tay Nhà Nước thì lại xin cho, rồi sẽ có kế toán nhà Chùa và Doanh nghiệp Chùa.”

“Ngày xưa xây chùa là toàn dân đóng góp rồi chọn nơi linh thiêng để dựng. Bây giờ chùa là thương mại cần chọn nơi đắc địa thì lợi nhuận mơi cao. Vây tiền vào túi ai thì quá rõ, ai góp tiếng đó cũng rõ mà.” Là ý kiến của danh khoản Ninh Nguyen.

Thuong Duc viết: “Không có cách quản lý thì tiền công đức chui hết vào mồm sư mà sư đã đi tu cần gì đến tiền gái sư còn chẳng thèm thịt sư cũng chẳng ăn thì tiền là cái gì, nhà nước quản lý là phải rồi.”

Với dự thảo này, nhà nước có thể còn nhận nhiều chỉ chỉ trích từ nhiều phía. Xung đột lợi ích giữa nhà chùa và nhà nước sẽ được phân xử như thế nào? Ai xử? Điều này phụ thuộc nhiều vào hệ thống luật pháp Việt Nam.

Nó cũng phụ thuộc vào tiếng nói của các Phật tử, khách thập phương… nhiều người vốn đã nhiều năm quen cúng tiền vào cửa Phật.

Được biết, các di tích thuộc di sản thế giới tại Việt Nam, di tích thuộc sở hữu tư nhân không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo này. Nhà thờ thuộc tôn giáo khác, dường như không phải là đối tượng chính.

Related posts