Du Uyên
“Sài Gòn bị bệnh”, “Sài Gòn tội nghiệp”, “Sài Gòn cô độc”, “Sài Gòn trọng thương”… là những câu/tựa đề bài viết mà tôi đọc được nhiều nhất trong tháng qua ở các báo/trang mạng xã hội, khi cúm Vũ Hán trở lại – ăn hại hơn xưa ở vùng đất này. Vậy là từ “dễ thương”, Sài Gòn bỗng trở nên “đáng thương””trong mùa dịch!
Một điểm chung, đa số tác giả các bài viết có tinh thần hay ý nghĩa tương tự như trên lại không phải là người Sài Gòn. Không biết những người Sài Gòn khác thấy sao trước các bài viết như vậy? Chứ riêng tôi và nhiều thị dân khác (mà tôi thân quen) thấy rất là… phản cảm trước những bài viết “than khóc”, trách cứ, tủi thân trên.
Nếu nói về hai chữ “đáng thương” hay “trọng thương” thì quả tình thành phố này “đáng thương”/”trọng thương” chắc mấy chục năm qua chứ có phải riêng mùa dịch dã này đâu? Nó “đáng thương” từ khi mất cái tên, từ khi nhìn từng dấu ấn lịch sử của thành phố bị đập bỏ, phá nát, từ khi nhìn dân tình từ ba miền đổ về đem tệ nạn/thói xấu tật hư về trộn lẫn, từ khi nhìn người ta “đào Nam đắp Bắc” – nhìn tám mấy phần trăm thuế má từ vùng đất này chạy đi đâu mất hút, từ khi trở nên nổi tiếng chỉ vì ngập một điểm mỗi khi mưa về – đó là ngập toàn thành phố… Tại sao không ai/không báo nào viết “Sài Gòn bị bệnh”, “Sài Gòn tội nghiệp”, “Sài Gòn cô độc”, “Sài Gòn trọng thương”… mấy chục năm qua? Có phải vì không được quyền viết? Hay cái sự “dễ thương” của Sài Gòn đã lấn áp hết những cái “đáng thương” của thành phố ngày càng đông đúc và chật chội này?
Còn người Sài Gòn? Không phải người Sài Gòn không hay chữ, không phải người Sài Gòn không cảm nhận được mình đang “tội nghiệp”, “cô độc”, bị “trọng thương”, “bị bệnh”… mà do, người Sài Gòn bận lắm. Bận “dễ thương”, bận giúp nhau, bận “giúp cả thế giới”, chống chọi với dịch nhưng vẫn phải “giải cứu” khoai lang, “giải cứu” vải thiều”, “giải cứu” những người từ các tỉnh khác đến thành phố này mưu sinh và kẹt lại…Bận suy nghĩ coi nên nấu cơm tặng người nghèo hay nghe lời “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh” coi “người đối diện với mình như là một F0”(người nhiễm cúm Vũ Hán) để giảm dịch? Làm vậy thì khỏe thân đó, nhưng bao nhiêu người nghèo, người khổ ngoài kia sống ra sao qua mùa dịch này – khi gói cứu trợ của nhà nước vẫn bặt tâm. Người Sài Gòn từ lâu đã quen gánh vác trách nhiệm lớn và chia sẻ rồi, ngay cả lúc gặp khó khăn, nguy cấp cũng không có trong đầu ý nghĩ mình cần được “giải cứu” hay than khóc, nên không có lý do gì phải ngồi xuống mà bi lụy, khóc than. Ðối với người Sài Gòn: còn thương nhau, còn giúp nhau thì Sài Gòn còn khỏe, còn đáng yêu. Cho nên hãy “thương Sài Gòn”, thay vì nói “Sài Gòn đáng thương”.Xem thêm: Dải Gaza vùng đất của hận thù
Ðôi khi thị dân cũng hơi dỗi hờn đôi chút vì xưa giờ thấy nơi nào bị gì cũng ráng giúp, nào là cứu lũ Miền Trung, hạn miền Tây, bão miền Bắc… nhưng tới khi bản thân bị “bệnh” thì toàn nhận được những “công văn” cảnh cáo sẽ cách ly, cấm cửa… Nhưng sau tất cả, Sài Gòn vẫn hào hiệp, vẫn “giải cứu”, vẫn “cứu trợ”. Tại Sài Gòn bao nhiêu năm qua, không có ai vì nói tiếng Bắc mà bị “chém” tô phở giá gấp 7 lần, không có ai vì nói tiếng Trung mà bị thị dân bán tô mì quảng thiếu miếng thịt, không có tiệm nào chửi khách hàng mà “trụ dai” hết…
Sự tử tế, sự dễ thương được tiếp nối một cách tự giác như “lệ làng” vậy đó! Vừa qua, một số người mang danh “nghệ sĩ lớn” tại Việt Nam hiện nay, thấy đồng nghiệp mình bị bóc trần là từ thiện dỏm, liền đăng đàn nói mốt không dám làm từ thiện nữa. Người Sài Gòn không “có tật” nên không “giật mình” như vậy, họ tử tế một cách… cố chấp lắm!
Quả tình, thay vì nói “Sài Gòn bị bệnh”, “Sài Gòn tội nghiệp”, “Sài Gòn cô độc”, “Sài Gòn trọng thương”… tôi nghĩ nên thay chữ “Sài Gòn” bằng chữ “dân tộc này” thì có thể đúng hơn. Vì đôi khi, chúng ta “đáng thương” mà cứ nghĩ mình “dễ thương”!
Trong khi cả thế giới nói về việc toàn dân được chích vaccine miễn phí ra sao thì Việt Nam lên báo nước ngoài với tiêu đề “chính phủ Việt Nam xin tiền người dân cho quỹ vaccine COVID-19” ra sao, hoặc chính phủ Việt Nam đã đi xin các nước hỗ trợ vaccine COVID-19 ra sao.
Hãng thông tấn Pháp AFP đăng bài viết hôm 8-6 với hàng tít “Vietnam begs public for ‘vaccine fund’ donations after virus surg”, tạm dịch: “Việt Nam xin công chúng đóng góp cho ‘quỹ vắc xin’ sau khi số ca nhiễm virus tăng mạnh”. Bản tin này được trang tin France24.com cũng của Pháp, i24 News của Israel, The Straits Times của Singapore và một số báo nước ngoài khác đăng lại trong cùng ngày. Trước đó ít ngày, trang tin Anh Sky News và trang uk.finance.yahoo.com có các bài tường thuật với tít nói rằng “chính phủ Việt Nam gửi tin nhắn trên diện rộng tới các công dân để hỏi xin tiền mặt cho quỹ vaccine”.
Ðiều lạ là, rất ít cư dân mạng Việt Nam quan tâm đến việc trên, họ còn coi việc “góp tiền mua vaccine” là một niềm “tự hào” vì đã “giúp đất nước”, chứ không cho đó là sự yếu kém của chính phủ và sự thiệt thòi cho bản thân mình – những người đã đóng thuế. Nhiều bài báo trong nước đăng bài nói về “trào lưu” mới của giới trẻ Việt hiện nay là “Khoe tin nhắn đóng góp quỹ vaccine Covid-19”. Nghĩ chuyện bị bóc lột là một việc làm “dễ thương”, đáng “tự hào” cũng là một sự “đáng thương” của đa số người dân Việt hiện nay, quý vị có thấy như vậy không?
Rất xin lỗi, sẽ không có “pháp luật” nào đứng ra bảo vệ ông, vì ở đất nước chúng tôi hiện nay, việc này trở thành hiển nhiên. Ðây không phải là lần đầu tiên việc này xảy ra. Rất nhiều năm qua, mỗi lần đội banh Việt Nam đá thua trận là có một ông trọng tài phải khóa tài khoản mạng xã hội vì «cư dân mạng» Việt tràn vô trang cá nhân trọng tài mắng. Rảnh rang, họ tràn vào trang cá nhân các cầu thủ của đội banh đối thủ mắng luôn. Ðây là một trong những nguyên nhân «giúp» dân mạng Việt «danh dự» được đứng trong top 5 nước kém văn minh nhất trên internet xếp sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi, do Microsoft công bố. Có bao nhiêu cư dân mạng Việt Nam vô tội thấy mình đáng thương khi bị xếp hạng chung với những «đồng bào» kém văn minh kia?
Ngoài “nổi tiếng” vì “quỹ vaccine”, vì tấn công trọng tài, thì tuần qua, cư dân mạng Việt còn nổi tiếng khắp mạng xã hội tiktok thế giới vì đã “tràn” vào trang cá nhân của người mẫu quốc tịch Ukraine “oanh tạc” vì cô này dám phê phán việc ăn và bán thịt chó của nhiều người Việt. Các vị cư dân mạng Việt vào “tấn công” cô người mẫu này với lý lẽ “ăn thịt chó là một nét văn hóa của người Việt Nam” nên hãy “tôn trọng văn hóa Việt Nam”. Không biết từ bao giờ, ăn thịt chó trở thành “nét văn hóa của Việt Nam”?
Có lẽ vì vậy mà ngày 12-6, sự việc tiền vệ người Ðan Mạch – Christian Eriksen bị đột quỵ ở giữa trận Ðan Mạch – Phần Lan lại trở thành đề tài cho rất nhiều tác giả Việt viết về sự văn minh trong thể thao.
Dân Việt, ai ai cũng có vẻ ngạc nhiên vì khi xảy ra sự việc, tất cả các cổ động viên trên sân banh lúc đó đều ngồi im hoặc hô vang tên cầu thủ để cổ động, không thấy ai live stream, la hét hay nhanh tay chụp hình để đưa lên mạng xã hội. Họ ngạc nhiên vì các đồng đội của cầu thủ Christian Eriksen đã dàn hàng ngang để bảo vệ sự riêng tư của đồng đội mình. Họ ngạc nhiên vì báo chí ở sân cỏ lúc đó không sấn tới “tác nghiệp” như cách mà giới truyền thông xứ ta vẫn làm. Từ việc này, nhiều người buồn bã nghĩ lại cách truyền thông Việt và người dân xứ “Ðông Lào” ứng xử với chính đồng bào mình khi họ không may nhiễm cúm Vũ Hán: bị “truy vết”, tìm kiếm hình ảnh, chia sẻ thoải mái trên mạng xã hội chuyện ăn chơi, sinh hoạt cá nhân của bệnh nhân (ví như họ đi massage, hát hò, đi khách sạn với bạn, ăn uống…) Một người bạn của tôi đã viết: Xứ “giãy chết” sao ngộ quá? Ở Việt Nam, khi dương tính với virus cúm tàu, lập tức mày không còn là con người. Mày biến thành «đối tượng», (thậm chí thành virus). Chúng sẽ truy lùng, truy nã, truy bắt mày. Chúng nói chúng làm vậy vì chúng (biết) nghĩ đến “người khác”. Dĩ nhiên mày không phải là “người khác”. Chúng mới là?”
Và đáng buồn nhất ở chỗ, nhiều người Việt coi đây là việc hiển nhiên. Họ hùa theo, “tự hào” vì bản thân đã góp một tay vào “công cuộc” chống dịch của nước nhà. Như vậy, có đủ “đáng thương” chưa? Hay là “dễ thương”?