Đình chỉ 2 ngày bảo vệ dân tát tài xế công nghệ
Thanh Niên – Chiều 22/7, mạng xã hội và giới tài xế công nghệ bức xúc chia sẻ khắp nơi đoạn clip ghi lại cảnh 2 bảo vệ dân phố tát 1 tài xế công nghệ. Theo thông tin đăng tải, sự việc xảy ra tại chung cư Miếu Nổi, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.Trong đoạn clip, có nhiều câu chửi tục của bảo vệ dân phố, kèm câu: “Nhớ mặt tao nha mày. Vô P.3 này là ** tụi mày”. Tài xế công nghệ sau khi bị bảo vệ dân phố tát một cái vào mặt đã phản ứng: “Mấy anh đừng tưởng mặc áo dân phòng rồi thích làm gì thì làm”. Một người bảo vệ dân phố khác tiến lại, tiếp tục tát mạnh vào mặt rồi chỉ tay thẳng mặt tài xế này rồi tiếp tục nói những câu khó nghe: “Bước ra, tao với mày luôn”.
Sau 4 giờ đăng tải, đoạn clip có đến 12.000 lượt chia sẻ cùng hàng trăm bình luận bức xúc của cư dân mạng và giới xe ôm công nghệ.
Chiều tối 22/7, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND P.3, xác nhận sự việc xảy ra trên địa bàn phường vào chiều cùng ngày. Cả 2 bảo vệ dân phố và tài xế công nghệ sau đó được đưa về công an để làm rõ.
Ông Trung cho hay, qua báo cáo được biết, tài xế công nghệ vào khu vực phong tỏa cách ly để lấy đồ, bảo vệ dân phố hướng dẫn tài xế chỗ để xe để khử khuẩn, không cho vào trong thì tài xế công nghệ không hài lòng, xảy ra cự cãi nhau. Sau khi đôi co qua lại, bảo vệ dân phố đã có hành vi như trong clip ghi lại. Tại phường, 2 bảo vệ dân phố đã xin lỗi tài xế công nghệ.
“Hai bảo vệ dân phố cũng nóng nảy, lúc này có thể vì lực lượng nào cũng mệt rồi. Phường đã tạm đình chỉ 2 ngày đối với 2 bảo vệ dân phố để tiếp tục làm rõ, không đình chỉ lâu hơn vì lúc này các lực lượng đang thiếu người. Phường cũng tìm người quay clip vì khi quay mà cắt đi phần tài xế công nghệ chửi bới bảo vệ dân phố. Ai cũng nóng và có nguyên nhân mới dẫn tới sự việc như vậy”, Chủ tịch UBND P.3 thông tin.
Phó chủ tịch phường xin lỗi nam công nhân đi mua “bánh mì”
NLĐ – Trước bức xúc của dư luận, ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hoà, TP Nha Trang, ngày 22/7 đã đến công trình Dự án Vega City gặp anh Trần Văn Em – là công nhân bị Tổ công tác của phường Vĩnh Hòa tạm giữ xe và giấy tờ cá nhân trong clip “mua bánh mì không phải là lương thực thiết yếu” gây xôn xao những ngày qua.
Ông Thọ đã nói chuyện và xin lỗi anh Em về cách hành xử, giải quyết của ông trong vụ việc vừa qua. Bản thân ông cũng đã nhìn nhận, tự kiểm điểm những sai sót trong quá trình thực hiện công tác phòng chống dịch, coi đây là bài học sâu sắc của cá nhân.
Trao đổi với báo chí trong nước, anh Trần Văn Em cho biết: “Thực ra, không ai tránh khỏi những lỗi sai. Ai cũng mong có cơ hội để sửa đổi. Tôi cũng mong muốn mọi chuyện sẽ kết thúc tại đây để ổn định cuộc sống”.
Làm rõ vụ người đàn ông đạp đổ bàn làm việc của nhân viên y tế ở huyện Nhà Bè, Sài Gòn
NLĐ – Cũng trong ngày hôm qua (22/7), đoạn clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh một người đàn ông quát “Biến” rồi hung hăng đạp đổ bàn làm việc của lực lượng y tế được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Lúc này, người quay clip lên tiếng: “Có gì từ từ nói chứ anh đá như vậy là sai rồi đó”. Nhiều người xung quanh khuyên nên bình tĩnh nhưng người đàn ông vẫn la hét đầy bức xúc: “Sao có thể bình tĩnh được! Mọi người sợ dịch bệnh, tôi cũng sợ chứ! Bao nhiêu người đến nhà tôi. Tại sao ngoài đường không làm?”.
Một người gần đó giải thích vì gió lớn nên nhân viên y tế đã chuyển bàn làm việc đến trước nhà người đàn ông trên. Tuy nhiên, ông ta vẫn tiếng tục lớn tiếng thể hiện sự phản đối: “Gió hay không thì cũng phải có cách. Văn phòng ban quản lý có sao không làm?”.
Người đăng tải đoạn clip viết: “Sự việc là do đội bảo vệ và ban quản lý có ca nghi nhiễm Covid-19 nên tổ chức lấy mẫu ở cuối đường cho dân dễ tập trung. Nhưng ở khu vực đó là đất trống lớn không có cây xanh, chiều gió giật rất mạnh, nắng gắt nên đội y tế mới chọn căn nhà bỏ hoang làm điểm làm. Trong lúc chuẩn bị làm, chị vợ nhà ấy có ra nhắc không được để bàn hành chính trước cửa, sau đó đội mới dọn xuống đường để làm thì ông này tới đạp đổ liền mà không hề nói năng gì, cũng không cần biết đó là mẫu bệnh hay không”.
Cùng ngày, ông Lê Quốc Khanh – Chủ tịch UBND xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Sài Gòn – xác nhận vụ việc trên xảy ra tại địa phương. Tuy nhiên, thực hư câu chuyện ra sao vẫn chưa được xác định.
Doanh nghiệp gồng mình gánh phí xét nghiệm khi áp dụng ‘3 tại chỗ’
Baomoi – Các doanh nghiệp cho biết có thể lo được chi phí ăn ở, tổ chức làm việc tại chỗ. Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần là rất khó, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cứ 7 ngày, một doanh nghiệp sản xuất với 500 công nhân thực hiện “3 tại chỗ” sẽ phải mất khoảng 75 triệu đồng cho chi phí xét nghiệm (150.000 đồng/kit test). Nếu doanh nghiệp có 1.000-2.000 công nhân số tiền đó sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Thực tế, hiện nay để duy trì sản xuất theo quy định “3 tại chỗ”, bên cạnh chi phí sinh hoạt cho công nhân, doanh nghiệp còn nặng gánh thêm khoản tiền xét nghiệm lớn.
Bà Đặng Thị Phương Ninh – Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) – cho biết, công ty đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho 850 công nhân, nhằm đảm bảo đơn hàng xuất khẩu và các sản phẩm thủy hải sản, nông sản cho thị trường nội địa.
Tuy nhiên, giám đốc công ty này cho rằng chi phí xét nghiệm đang khiến doanh nghiệp tốn một khoản tiền rất lớn.