Trong bản tin sáng thứ Tư 4/8, Bộ Y tế cho hay Việt Nam có thêm 4.267 ca COVID-19 ghi nhận trong nước.
Họ được phát hiện tại TP.HCM (2.365), Bình Dương (1.032), Tây Ninh (194), Đồng Nai (164), Long An (146), Đà Nẵng (93), Bình Thuận (77), Vĩnh Long (60), Cần Thơ (37), Phú Yên (28), An Giang (24), Bình Định (23), Đồng Tháp (14), Bạc Liêu (4), Đắk Nông (4), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1).
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại Sài Gòn lên 105.095, Bình Dương 20.445, Long An 7.169, Đồng Nai 5.459, Đồng Tháp 3.419, Tây Ninh 1.951, Phú Yên 1.467, Cần Thơ 1.281, Đà Nẵng 1.173, Vĩnh Long 1.034, Bình Thuận 816, An Giang 366, Bình Định 243, Lạng Sơn 132, Đăk Nông 101, Lâm Đồng 54, Bạc Liêu 40.
Hiện, Việt Nam có 174.461 ca nhiễm gồm 2.328 trường hợp nhập cảnh và 172.133 bệnh nhân trong nước.
Số ca nhiễm mới từ 27/4 đến nay là 170.563, trong đó, 48.057 bệnh nhân đã được công bố khỏi COVID-19.
Phó Thủ tướng: Báo động tình trạng dịch “tấn công” hệ thống chợ, siêu thị
Báo VnExpress đưa tin, tại Hà Nội, chợ đầu mối Long Biên với 1.200 hộ kinh doanh bị phong tỏa từ chiều 3/8, do phát hiện ca F0 (trú ngõ 187 Hồng Hà) đến giao hàng cho một số tiểu thương. Chính quyền phường Phúc Xá phát thông báo khẩn, tìm người đến ngõ 187 Hồng Hà và chợ Long Biên từ ngày 18/7 đến 3/8. Những người đã đến hai địa điểm trên được khuyến cáo tự cách ly y tế tại nhà và liên hệ ngay với cơ quan y tế quận hoặc CDC Hà Nội.
Chính quyền đã lấy mẫu xét nghiệm 150 tiểu thương và nhân viên Ban quản lý chợ; các hộ khác được thông báo khai báo y tế tại địa phương.
Long Biên là chợ đầu mối thứ tư của Hà Nội bị phong tỏa do liên quan các ca nhiễm nCoV. Trước đó, chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đã lần lượt bị phong tỏa.
Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại các khu vực nhiều nguy cơ như chợ đầu mối, công ty cung cấp thực phẩm…
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội tối 3/8 đã thông báo khẩn, tìm những người đã đến siêu thị VinMart Yên Sở (Tầng 1 tòa nhà The Two, tổ dân phố số 11, Khu đô thị Gamuda Gardens, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) từ ngày 23/7 đến ngày 1/8.
Sáng 3/8, CDC Hà Nội cập nhật 55 địa điểm liên quan các nhân viên Công ty Thực phẩm Thanh Nga, gồm 41 cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ ; 5 khách sạn, tòa nhà; 1 bệnh viện và 8 hệ thống bán lẻ.
Trên báo Dân Trí, theo Phó Thủ tướng, qua phân tích dịch tễ ở nhiều địa phương, tình trạng lây nhiễm dịch qua hệ thống phân phối rất đáng báo động; là nguy cơ lớn làm bùng phát dịch trên diện rộng.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị… (đặc biệt ở các khu đô thị có đông dân cư).
Đếm ca COVID-19 không còn ý nghĩa lớn, ‘F0 nặng, tử vong mới là vấn đề của TP.HCM’
Tại Sài Gòn, tại họp báo sáng 3/8, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, đếm ca COVID-19 không còn ý nghĩa lớn, ‘F0 nặng, tử vong mới là vấn đề’.
“Thành phố xác định khi chuyển sang chiến lược điều trị thì việc đếm ca dương không còn ý nghĩa lớn nữa, mà quan trọng là đếm bao nhiêu ca khỏi, chuyển nặng và số ca tử vong để có biện pháp trong điều trị, ngăn chặn ca chuyển nặng và tử vong. TP đang tập trung tăng cường năng lực và đề nghị Bộ Y tế làm thêm việc này”, Phó bí thư Phan Văn Mãi nói được báo Zing đăng tải.
Cũng tại cuộc họp này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay, một trong những lo lắng thời gian qua của TP.HCM là tình trạng lây nhiễm trong khu phong tỏa. Ông Đức nhận định sau khi thành phố siết chặt lại các biện pháp, số ca dương tính mới được phát hiện thuộc nhóm này có dấu hiệu giảm.
Liên quan đến thông tin một triệu liều vắc-xin Vero Cell (Trung Quốc) mà TP.HCM vừa tiếp nhận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sáng 3/8, sau khi Bộ Y tế thẩm định đạt chất lượng, vắc xin Vero Cell của Công ty Sinopharm (Trung Quốc) sẽ được thành phố tiêm trên tinh thần tự nguyện, người đồng ý tiêm thì mới tiêm.