Tin thế giới sáng thứ Tư

Ấn Độ điều nhiều chiến hạm đến Biển Đông

Thụy My

image.png
Ảnh minh họa : Hai chiến hạm của Hải Quân Ấn Độ tại căn cứ hải quân Changi (Singapore) ngày 10/05/2018. REUTERS/Feline Lim

CNN dẫn thông báo của bộ Quốc Phòng Ấn Độ hôm 02/08/2021 cho biết một nhóm tàu tác chiến của nước này đến Biển Đông, trong khuôn khổ các cuộc tập trận Bộ Tứ với Mỹ, Nhật, Úc, kéo dài hai tháng.

Các chiến hạm sẽ lên đường vào đầu tháng, gồm một khu trục hạm tên lửa dẫn đường, hai tàu hộ vệ trang bị hỏa tiễn và một tàu chống tảu ngầm. Tàu chiến Ấn Độ sẽ tham gia một loạt cuộc tập trận trong đó có Malabar 2021 với Hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc.

Trong các cuộc tập trận song phương khác, các chiến hạm Ấn Độ sẽ phối hợp với các lực lượng hải quân các nước ven Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia và Singapore. Theo bộ Quốc Phòng Ấn Độ, sáng kiến này giúp « tăng cường khả năng phối hợp giữa Hải quân Ấn Độ và các nước bạn bè, dựa vào những lợi ích chung trên biển và cam kết bảo vệ tự do hàng hải ».

Biển Đông đã trở thành điểm nóng trong những tuần lễ gần đây. Tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đã đến vùng biển này, trong khi Mỹ và Trung Quốc đều tổ chức các cuộc tập trận.

Chuyên gia Collin Koh ở Singapore nhận định đây là sự hiện diện rõ nét nhất của Hải quân Ấn Độ tại phía đông eo biển Malacca. Cho dù ở bên ngoài giới hạn 12 hải lý của các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng đợt triển khai này cho thấy New Delhi muốn tỏ dấu hiệu tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Tây Thái Bình Dương.

Sau các đụng độ đẫm máu với Trung Quốc tại vùng núi biên giới Himalaya, Ấn Độ đã tích cực tham gia các hoạt động của Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Trung Quốc luôn chỉ trích sự hiện diện của các lực lượng hải quân các nước trên Biển Đông, vốn bị Bắc Kinh coi như « ao nhà ».

Sau gần 20 năm, chiến hạm Đức đến Biển Đông bảo vệ “tự do hàng hải”

Thu Hằng

Lễ tiễn thủy thủ đoàn tàu Bayern Đức tại cảng Wilhelmshaven, đông bắc Đức, ngày 02/08/2021. AFP – SINA SCHULDT

Chiến hạm Đức Bayern đã rời cảng Wilhelmshaven (phía bắc) ngày 02/03/2021 thực hiện hành trình 6 tháng “bảo vệ tự do hàng hải tại những nơi luật pháp quốc tế cho phép”. Đích đến là vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, sau gần 20 năm Đức vắng mặt, nhằm hợp lực với nhiều nước phương Tây gia tăng hiện diện trước những tham vọng chủ quyền ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

Theo AFP, ngoại trưởng Heiko Maas và bộ trưởng Quốc Phòng Đức tham gia lễ ra khơi của tầu Bayern. Trong bài diễn văn, bà Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh đến nhiệm vụ của chiến hạm Bayern là góp phần ổn định tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “vì an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng là an ninh của chúng ta”. Do đó, Đức “muốn nhận một phần trách nhiệm đối với việc tổ chức luật pháp quốc tế” trong khu vực.

Tầu khu trục Bayern dài 139 mét thuộc lớp Brandenburg, là một trong những chiến hạm chủ lực của Đức, với thủy thủ đoàn 200 người. Theo lịch trình, tầu Bayern sẽ hỗ trợ các chiến dịch Sea Guardian của NATO và Atalanta của lượng lượng hải quân Liên Hiệp Châu Âu ở Somalia và giúp thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên.

Hãng tin Anh Reuters cho biết là tầu sẽ đến các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Việt Nam.

Tầu Bayern dự kiến đi qua Biển Đông vào tháng 12/2021. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, một tầu chiến của Đức đi qua vùng biển này. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức khẳng định : “Chúng tôi muốn luật pháp hiện hành được tôn trọng, những tuyến đường hàng hải được tự do qua lại”. Thông điệp này có lẽ nhằm gửi đến Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến hơn 80% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới.

Ngoài Hoa Kỳ, thường xuyên hiện diện trong khu vực, nhiều nước phương Tây đã mở rộng hoạt động ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để cùng Mỹ đối phó với những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Trước đó, chiến hạm Queen Elizabeth của Anh cũng hoạt động ở Biển Đông, tập trận với quân đội Singapore ở eo biển Malacca. Bắc Kinh luôn coi sự hiện diện quân sự của phương Tây là mối đe dọa cho ổn định trong khu vực.

Tướng Mark Milley: Trung Quốc đang trỗi dậy là mối đe dọa mới đối với quân đội Mỹ

Thùy Dương

image.png
Tướng Mark Milley, tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ (P) nghe bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin trả lời các câu hỏi của nhà báo, tại Lầu Năm Góc, Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 21/07/2021. REUTERS – KEN CEDENO

Trung Quốc đang trỗi dậy, cùng với các công nghệ mới trong thời bình là những mối đe dọa mới đối với quân đội Mỹ. Đó là nhận định của tướng Mark Milley, tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ.

Hôm qua 02/08/2021, phát biểu tại hội nghị thường niên Sea Air Space dành cho lực lượng Hải quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển, trong bối cảnh Hoa Kỳ một lần nữa đang cố gắng thoát khỏi hai thập kỷ chiến tranh ở Trung Đông, tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ cảnh báo về « sự thay đổi cơ bản » đầu tiên về « tính chất chiến tranh » tính từ giai đoạn trước Đệ Nhị Thế Chiến, với các công nghệ mới được sử dụng rộng rãi như thiết bị bay tự động, trí thông minh nhân tạo và sự vươn lên của Trung Quốc như một siêu cường.

Theo tướng Milley, cùng với sự trỗi dậy, Trung Quốc đang nhanh chóng đuổi kịp Hoa Kỳ. Ông lưu ý Bắc Kinh đang củng cố vững chắc quân đội Trung Quốc, trong đó có cả nâng cấp Hải quân lên « đẳng cấp thế giới »« Trung Quốc sẽ là tác nhân chính làm thay đổi trật tự quốc tế hiện tại ».

Tham mưu trưởng Milley nhận định, quân đội cần phải làm nhiều hơn nữa để thích ứng với các mối đe dọa hiện đại mà họ đang phải đối mặt, đặc biệt là sự phổ biến thiết bị bay tự động và công nghệ trí thông minh nhân tạo hiện giờ có sẵn cho mọi quốc gia trên thế giới. Tướng Milley nhấn mạnh : « Quốc gia nào làm chủ được những công nghệ đó, kết hợp với các học thuyết của họ, phát triển được thêm nhiều tài năng … thì sẽ có thể có ưu thế lớn, thậm chí là mang tính quyết định vào đầu cuộc chiến sắp tới ».

Tướng Milley nói, ông đã nhận thấy là quân đội cần một hướng đi mới trong tương lai gần, và trước đó, ông đã đề nghị Quốc Hội giữ nguyên ngân sách cấp cho quân đội cho dù lính Mỹ rút khỏi chiến trường Irak và Afghanistan.

Tổng thống Afghanistan: An ninh xấu đi là do Mỹ đột ngột rút quân

Thùy Dương

image.png
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu trước Quốc Hội, Kabul, ngày 21/10/2020. AFP – WAKIL KOHSAR

Tại Afghanistan, lực lượng Taliban đang siết chặt vòng vây 3 thành phố lớn : Herat, Kandahar và Lashkar Gah. Các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Kabul và phe Taliban diễn ra dữ dội. Hôm thứ Hai 02/08/2021, trong một bài phát biểu trước Quốc Hội, tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, cho rằng tình hình an ninh đất nước xấu đi là do Mỹ đã đột ngột quyết định rút quân khỏi Afghanistan.

Từ Kabul, thông tín viên Sonia Ghezali gửi về bài tường trình :

« Tình hình hiện tại là do quyết định đột ngột » của Washington gây ra. Trên đây là tuyên bố của tổng thống Afghanistan trước các dân biểu Quốc Hội hôm thứ Hai (02/08). Tổng thống Ashraf Ghani tố cáo buộc Mỹ « nhập khẩu » một tiến trình hòa bình và đã « hợp pháp hóa » phe Taliban thông qua việc ký một thỏa thuận với lực lượng này ở Doha hồi tháng 02/2020.

Xin nhắc lại đó là một thỏa thuận được ký kết giữa Washington và lực lượng Hồi Giáo toàn thống nhưng không có sự tham vấn và tham gia của chính phủ Afghanistan. Tổng thống Afghanistan thậm chí còn cáo buộc Washington đã thúc đẩy, « sự hủy diệt nước Cộng hòa » (Hồi Giáo Afghanistan).

Quả thực, tại Afghanistan, sự sụp đổ của chính phủ Kabul dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Lực lượng Taliban đang ở cửa ngõ một số thủ phủ tỉnh lỵ. Taliban thậm chí còn vào đến tận trung tâm Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh Helmand ở miền nam đất nước. Các cuộc giao tranh diễn ra dữ dội.

Tổ chức phi chính phủ Y Sĩ Không Biên Giới, tổ chức điều hành một bệnh viện trong thành phố, từ ngày 29/07 đến ngày 31/07 đã điều trị cho 70 bệnh nhân bị thương do chiến tranh. Trong 3 tháng gần đây, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới cho biết đã điều trị cho gần 500 người bị thương do đạn hoặc trái phá. 26% số người bị thương dưới 18 tuổi. Trong một bức thư ngỏ, một nhân viên của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới kể lại có nhiều người đau ốm trên đường đến bệnh viện đã dính đạn và phải nhập khoa cấp cứu vì những vết thương do đạn bắn. Trên khắp cả nước, tình hình mỗi ngày một tồi tệ hơn ».


Mỹ – Anh tố cáo Taliban phạm tội ác chiến tranh

Trong khi đó, đại sứ quán Mỹ và Anh tại thủ đô Kabul tuyên bố Taliban có thể đã phạm các tội ác chiến tranh ở miền nam Afghanistan bởi lực lượng này đã sát hại thường dân để trả thù. Theo Reuters, đại sứ quán Mỹ hôm qua thậm chí còn đòi mở điều tra. Taliban ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của Anh và Mỹ.

Quân đội Nga – Uzbekistan thao dượt gần biên giới với Afghanistan
Cũng trong ngày hôm qua 02/08, quân đội Nga và Uzbekistan bắt đầu đợt thao dượt chung gần biên giới với Afghanistan. Theo hãng tin Nga TASS, Matxcơva cho biết có tổng cộng 1.500 quân nhân của hai nước tham gia diễn tập trong vòng 5 ngày ở căn cứ quân sự Termez tại Uzbekistan. Matxcơva và Tashkent lo ngại tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở nước láng giềng Afghanistan sẽ kéo theo các cuộc xung đột ở vùng biên giới.


Mỹ và Nga tố cáo nhau về việc ép buộc giảm nhân sự sứ quán

Thụy My

Cờ Nga ở bên ngoài trụ sở tổng lãnh sự Nga tại Manhattan, New York, Hoa Kỳ, ngày 02/08/2021. REUTERS – ANDREW KELLY

Đại sứ Nga tại Washington hôm 02/08/2021 tố cáo Hoa Kỳ yêu cầu 24 nhà ngoại giao Nga phải rời nước Mỹ vào ngày 03/08 khi thi thực (visa) hết hạn. Phía Mỹ phản bác cáo buộc « không chính xác », đồng thời tố cáo Nga o ép về nhân sự của đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva.

Trả lời báo Mỹ The National Interest, đại sứ Nga Anatoli Antonov tố cáo Washington « trục xuất » các nhà ngoại giao Nga, khi giới hạn thị thực trong ba năm, theo ông là ngắn hơn so với các nước khác. Ông nói : « Chúng tôi nhận được danh sách 24 nhà ngoại giao phải rời nước Mỹ trước ngày 03/08 », và khẳng định hầu như toàn bộ sẽ không được thay thế vì Washington bất ngờ siết chặt quy định cấp thị thực.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price cho rằng đây là một sự mô tả « không chính xác » về tình hình. Theo ông, Nga biết rằng các thị thực trên sẽ hết hạn sau ba năm, họ có thể xin gia hạn, và sẽ được xét theo từng trường hợp. Ngược lại, ông tố cáo Matxcơva đã buộc Hoa Kỳ phải sa thải 182 nhân viên và vài chục người làm việc hợp đồng trong đại sứ quán Mỹ ở Nga, qua việc cấm các tòa đại sứ sử dụng nhân viên người Nga hay từ một nước thứ ba.

Ông Ned Price tuyên bố, các biện pháp này có tác động tiêu cực đối với các hoạt động của ngoại giao đoàn Mỹ tại Nga về an ninh cá nhân cũng như khả năng trao đổi với phía Nga, và Hoa Kỳ có quyền đáp trả tương xứng. Tuy nhiên ông khẳng định vấn đề thị thực mà đại sứ Nga nêu ra không hề liên quan.

Từ nhiều năm qua, hai bên đã nhiều lần trục xuất các nhà ngoại giao của nhau khiến đôi khi các cơ quan ngoại giao Nga và Mỹ phải làm việc với số nhân sự tối thiểu. Căng thẳng tăng lên do tổng thống Joe Biden hồi tháng Ba gọi đồng nhiệm Nga Vladimir Putin là « kẻ sát nhân », và tình hình đã dịu lại sau cuộc gặp thượng đỉnh mang tính thực dụng giữa hai ông Biden và Putin tại Genève hôm 16/06. Đối thoại chiến lược Mỹ-Nga đã được mở ra vào tuần trước cũng tại Thụy Sĩ.

Báo cáo:  Virus corona Vũ Hán bị rò rỉ từ Phòng thí nghiệm Vũ Hán

Đảng Cộng hòa Hạ viện đã phát hành một phụ lục cho báo cáo Nguồn gốc COVID-19 của họ được công bố vào năm ngoái, kết luận rằng virus corona Vũ Hán bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc và là nguồn gốc của đại dịch COVID.

Ngày 2/8 , Hạ nghị sĩ Michael McCaul, thành viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã công bố báo cáo cập nhật của ban hội thẩm bao gồm các thành viên Đảng Cộng hòa.

“Chúng tôi đang tiếp tục điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Đã đến lúc tôi tin rằng cần loại bỏ hoàn toàn giả thuyết về khu chợ ẩm ướt là nguồn gốc của sự bùng phát. Thay vào đó, như báo cáo này đưa ra, bằng chứng chứng minh rằng Viện Virus học Vũ Hán là nguồn gốc của virus”, Hạ nghị sĩ McCaul cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến Viện Virology Vũ Hán, phòng thí nghiệm đang là tâm của cuộc tranh cãi về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19.

Phần phụ lục của báo cáo trích dẫn nhiều bằng chứng ủng hộ kết luận rằng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, bao gồm các hành động của các quan chức và nhà khoa học Trung Quốc nhằm “che giấu hoặc che đậy” loại nghiên cứu đang được thực hiện tại Viện này. Báo cáo cũng trích dẫn những gì nó đề cập đến là thông tin mới và chưa được báo cáo đầy đủ về các quy trình an toàn lỏng lẻo tại phòng thí nghiệm.

Báo cáo cập nhật viết: “Có nhiều bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 đã vô tình được phát tán từ một phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán vào khoảng trước ngày 12/9/2019. “Virus, hay trình tự di truyền của virus được biến đổi trong phòng thí nghiệm, có thể đã được thu thập một hang động ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2015”.

Báo cáo cập nhật cũng nói rằng các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Vũ Hán, quan chức ĐCSTQ và “khả năng có một số công dân Mỹ” đều “trực tiếp tham gia vào các nỗ lực làm xáo trộn thông tin liên quan đến nguồn gốc của virus và ngăn chặn cuộc tranh luận công khai về khả năng rò rỉ phòng thí nghiệm”.

Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ quan điểm cho rằng virus này đến từ một phòng thí nghiệm và khẳng định nó đã thực hiện một bước nhảy tự nhiên từ động vật sang người. Một báo cáo hồi tháng 3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận rằng virus có thể có nguồn gốc tự nhiên và giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”, mặc dù Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng cần nhiều nghiên cứu hơn nữa, rằng “tất cả giả thuyết vẫn còn trên bàn”, và rằng “chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của virus”.

WHO đã kêu gọi một cuộc điều tra tiếp theo về nguồn gốc của virus, bao gồm các nghiên cứu sâu hơn ở Trung Quốc cùng với các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm, điều mà các quan chức Trung Quốc gần đây đã từ chối. Zeng Yixin, Thứ trưởng Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo gần đây rằng ông rất ngạc nhiên trước yêu cầu của WHO về việc một nhóm trở lại Vũ Hán, gọi động thái này là “không khoa học”.

Vào tháng Năm, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các quan chức tình báo Hoa Kỳ điều tra nguồn gốc của virus ĐCSTQ, bao gồm khả năng rò rỉ trong phòng thí nghiệm và báo cáo những phát hiện của họ trong thời hạn 90 ngày.

Học giả Gordon Chang: Trung Quốc ‘không có hứng’ để đàm phán với Hoa Kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có thể muốn tái thiết quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng chế độ ĐCS Trung Quốc “không có hứng để đàm phán”, theo chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang.

Theo tin từ Newsmax, trong chương trình phát thanh “The Cats Roundtable” WABC hôm 01/08, ông Chang cho biết rằng:

“Hoa Kỳ càng muốn đàm phán với Trung Quốc bao nhiêu thì Trung Quốc không có hứng để nói chuyện với Hoa Kỳ bấy nhiêu. Đó là dấu hiệu của vấn đề ở Bắc Kinh, nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy chúng ta nên ngừng nỗ lực theo đuổi người Trung Quốc. Bởi vì họ không có hứng hoặc không có khả năng có những cuộc đàm phán có ý nghĩa với chúng ta”.

Ông Chang cũng cảnh báo rằng ông Biden có một thách thức tiềm tàng với Trung Quốc liên quan đến con trai Hunter Biden, người vốn đã có giao thương tại Trung Quốc. Tuần này, thông tin về việc mua bán tác phẩm nghệ thuật của Hunter Biden cho thấy người này mối quan hệ sâu với Trung Quốc trong giới kinh doanh nghệ thuật.

Ông Chang nói với người dẫn chương trình John Catsimatidis: “Một điều chúng ta phải quan ngại về Hunter Biden và Trung Quốc là chúng ta biết anh ấy là một người hay gây rắc rối”. 

“Nếu anh ta thực sự làm điều gì đó, tôi chắc chắn rằng Bộ Nội vụ Trung Quốc có các đoạn ghi âm và ghi hình, và chúng có thể được sử dụng để tống tiền”.

“Và chúng ta có thể không bao giờ biết về điều đó vì đây sẽ là cuộc trò chuyện riêng giữa một số nhà ngoại giao Trung Quốc và Tổng thống Biden. Người cha sẽ bảo vệ con trai mình. Chúng ta phải rất quan ngại rằng [điều này] có liên quan đến an ninh quốc gia trong trường hợp này”.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Chang cũng thảo luận về việc chính quyền Trung Quốc ngăn chặn các cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 ở Vũ Hán. Các đợt bùng phát viêm phổi Vũ Hán tại đây đã đã dẫn đến việc phong tỏa, nhưng truyền thông phương Tây gần như không thể tiếp cận do nhà nước Trung Quốc kiểm soát thông tin .

Ông Chang cho biết thêm rằng “Hiện giờ biến thể Delta đang gây khó khăn cho họ”, nhưng ông cũng thừa nhận rằng không thể biết được điều gì đang xảy ra tại Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ rằng họ đã thực sự kiểm soát được nó”, ông Chang kết luận.

Ông Chang cũng nhấn mạnh rằng thông tin và sự minh bạch về sự bùng phát corona virus ở Trung Quốc chưa bao giờ thực sự đáng tin cậy.

Taliban đã hành quyết dã man một diễn viên hài vô tội ngay trước cú bắt tay ‘vì hòa bình’ với Bắc Kinh

Nam diễn viên hài Khasha Zwan đã bị Taliban hành quyết sau khi bị nhóm khủng bố này bắt đi từ nhà riêng của mình. Nhiều nguồn tin cho biết, anh đã bị đánh đập hành hạ dã man, trước khi bị hành quyết một cách tàn nhẫn.

Khasha Zwan, tên thật là Nazar Mohammad, là một diễn viên hài nổi tiếng của Afghanistan.

Theo trang tin Republic World, nhiều nguồn tin cho rằng Taliban đã giết chết Zwan vào thứ Sáu, ngày 23/7 sau khi nhóm khủng bố này đã chiếm được một số khu vực tại Kandahar. Ban đầu, nhóm nổi dậy tuyên bố đã giết nam diễn viên trong một cuộc hành quân.

Tuy nhiên, một video được lan truyền trên mạng xã hội sau đó đã cho thấy cảnh Taliban đã tát vào mặt Khasha Zwan nhiều lần, trước khi hành quyết anh. Các nguồn tin cho biết, Taliban đã bắt nam diễn viên tại nhà riêng và lôi anh đi hành hạ vì cho rằng Zwan làm việc cho cảnh sát Afghanistan.

Trong đoạn video có phân đoạn cho thấy Zwan nói về việc bản thân bị bắt giữ, và một thành viên Taliban chất vấn về mối liên hệ của anh với lực lượng cảnh sát Afghanistan. Tiếp  đó, chính thành viên này đã giết nam diễn viên một cách tàn bạo. Tuy nhiên sau đó đã có thông tin xác nhận rằng, Khasha Zwan hoàn toàn không có liên hệ gì với cảnh sát Afghanistan mà chỉ là một diễn viên hài đơn thuần.

Trong bài đăng trên Twitter để tưởng nhớ Khasha Zwan, Đại sứ Afghanistan tại Sri Lanka là ông M. Ashraf Haidari cho biết, cuộc hành quyết phi pháp của Taliban đã “làm tan vỡ trái tim” của Afghanistan. Ông khẳng định, người dân nước này sẽ không bao giờ tha thứ cho Taliban và bất kỳ kẻ nào đứng sau tài trợ cho nhóm nổi dậy khủng bố này.

Trước hành động giết người vô cớ và sự tàn bạo của nhóm khủng bố Taliban, một nhà báo Afghanistan đã bình luận với Republic TV rằng, nhóm nổi dậy mang tư tưởng bảo thủ cố hữu như từ 100 năm trước, và nhóm này phản đối rất nhiều điều, trong đó bao gồm tự do ngôn luận. Phóng viên này đặc biệt lên án hành vi giết người man rợ của Taliban.

Vụ việc này đã làm dấy lên mối lo ngại cho an nguy của các phiên dịch viên, các phóng viên Afghanistan và gia đình của họ, khi mà Taliban ngày càng thúc đẩy các cuộc tấn công dã man chống lại các phóng viên, nhằm ngăn cản các nhà báo đưa tin về tình hình hỗn loạn tại khu vực này. Các phiên dịch viên, nhà báo và gia đình tại Afghanistan đã tỏ rõ sự lo lắng và có nguyện vọng muốn rời khỏi nước này để né tránh họa sát thân.

Related posts