Trung Quốc đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nhằm làm suy yếu đồng đô-la Mỹ thống trị nền tài chính toàn cầu, trang Nikkei cho hay.
Trong nhiều năm, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển một loại tiền kỹ thuật số dường như chỉ nhằm mục đích sử dụng trong nước. Sự ra đời của đồng “nhân dân tệ điện tử”, hiện vẫn đang được thử nghiệm, sẽ giúp Trung Quốc không dùng tiền mặt trong khi trao cho ngân hàng trung ương quyền kiểm soát tập trung chặt chẽ đối với tiền kỹ thuật số.
Tuy nhiên, một diễn biến mới đã xuất hiện vào ngày 16/7: Sách trắng của chính phủ Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường tài chính khi nói rằng Trung Quốc đang thăm dò các khoản thanh toán xuyên biên giới cho đồng nhân dân tệ điện tử.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hiện nay dường như là bước mới nhất trong một loạt các bước kéo dài hàng thập niên để quốc tế hóa tiền tệ của Trung Quốc và cuối cùng là kiềm chế sự thống trị toàn cầu của hệ thống thanh toán bằng đồng đô-la.
Theo một số báo cáo chính thức, Tòa Bạch Ốc coi tiền điện tử mới của Trung Quốc là một nỗ lực có thể làm suy yếu đồng đô-la Mỹ.
Trong khi đó, tương lai của đồng bạc xanh với tư cách là bá chủ không thể tranh cãi trong nền tài chính toàn cầu đang bị đặt dấu hỏi khi Mỹ đang có kế hoạch tốn kém để chi trả cho các chương trình kích thích kinh tế của họ.
Các quốc gia khác, lo sợ rằng dự trữ đô-la Mỹ của họ sẽ bị giảm sút, có thể tìm kiếm các giải pháp thay thế. Điều này hầu hết áp dụng cho Trung Quốc, quốc gia có dự trữ đô-la Mỹ lớn nhất ở nước ngoài.
Tình hình hiện nay có nét tương đồng một cách kỳ lạ với 50 năm trước khi vào tháng này, khi kỷ nguyên tài chính toàn cầu hiện nay được tạo ra bởi tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Richard Nixon. Vào tháng 8/1971, ông đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi tiêu chuẩn vàng quốc tế và cho phép đô-la phá giá.
Ngày nay, một kỷ nguyên mới trong kinh tế toàn cầu đang ló dạng mà không thể đoán trước được như kỷ nguyên trước.
Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, một phần để hạn chế bất kỳ tác động nào đối với nền kinh tế của chính nước này khỏi việc gia tăng căng thẳng với Washington. Ngoài ra, Trung Quốc đang đáp trả lo ngại rằng Washington đang vũ khí hóa đồng USD để áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.
Sự kết thúc của hệ thống tiền tệ Bretton Woods vào năm 1971 đã mở đường cho một hệ thống tỷ giá hối đoái chỉ được xác định bởi các tác nhân thị trường. Hệ thống này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và đồng đô-la vẫn là đồng tiền ưu việt của thế giới, nhờ sự phụ thuộc toàn cầu vào nền kinh tế Hoa Kỳ, sự tin tưởng các các thể chế của Hoa Kỳ và vai trò của Hoa Kỳ như một siêu cường toàn cầu. Hệ thống này đã mang lại ảnh hưởng to lớn về kinh tế và chính trị cho Hoa Kỳ.
Nhưng giờ đây, các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với một khúc quanh khác. Theo các nhà đầu tư và các nhà kinh tế, ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc, chủ yếu là liên kết thương mại với một số quốc gia châu Á và châu Phi, cũng có thể thúc đẩy việc chấp nhận đồng nhân dân tệ là đối thủ chính của đồng tiền Mỹ.
Theo Michael Hasenstab, người điều hành Quỹ trái phiếu toàn cầu Templeton, cách tiếp cận kỹ thuật số của Trung Quốc “sẽ đẩy nhanh việc nâng giá đồng nhân dân tệ trên trường thế giới”.
Trung Quốc sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đồng nhân dân tệ để đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc và sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhân dân tệ của nước ngoài. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc định giá dầu thô, quặng sắt và các hàng hóa khác cũng như trong việc giải quyết các giao dịch.
Một thập niên trước, hầu như không có giao dịch thương mại nào của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, nhưng vào năm 2019, con số đó là 14% đối với hàng hóa và 24% đối với dịch vụ, theo Ngân hàng trung ương Trung Quốc PBOC. Tuy nhiên, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đang ở vị trí thứ năm với một khoảng cách xa 2,5% cổ phiếu bất chấp những bước tiến gần đây, tụt hậu so với đồng bạc xanh, đồng euro, đồng yên và đồng bảng Anh.
Dù vậy, theo IMF, đồng USD vẫn là vị vua không thể tranh cãi của nền tài chính toàn cầu, chiếm 59,5% dự trữ toàn cầu trong ba tháng đầu năm.