Người Trung Quốc vẫn nhìn nhận công việc liên quan đến người đã khuất bằng con mắt ái ngại lẫn sợ hãi, coi nghề này liên quan đến xui rủi, tai ương. Tuy nhiên, đi ngược lại định kiến này, ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc gần đây đua nhau tìm việc ở các nhà tang lễ. Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc là một ví dụ. Theo một thống kê năm 2019, hơn một nửa nhân viên trong các nhà tang lễ thành phố sinh sau năm 1980.
Theo nhà nghiên cứu nhân học Chris K. K. Tan, Đại học Nam Kinh, xu hướng chọn việc làm tại các nhà tang lễ một phần phản ánh sở thích cá nhân, nhưng chủ yếu là do suy nghĩ thực dụng của không ít thanh niên Trung Quốc. Với họ, đây là công việc ổn định, được hưởng lương nhà nước trong một thị trường lao động cạnh tranh gay gắt.
Dù thu nhập của nhân viên nhà tang lễ nhìn chung khá thấp, thường dưới 775 USD/tháng, công việc này đi kèm nhiều phúc lợi hấp dẫn với người trẻ. Họ được ưu tiên đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm quốc gia, trợ giá nhà ở, thực phẩm và quan trọng nhất là được bảo đảm công việc trọn đời.
Trong một khảo sát của Tan cùng các cộng sự ở phía nam Trung Quốc, gần một nửa nhân viên nhà tang lễ thành phố được hứa hẹn ký hợp đồng vô thời hạn.
Một số người trẻ Trung Quốc chấp nhận đánh đổi vì họ ngày càng mệt mỏi với môi trường làm việc tư nhân, lịch làm việc và tính cạnh tranh khắc nghiệt. Trước nỗi lo bị các công ty vắt kiệt sức lực rồi đẩy ra đường khi quá 35 tuổi, họ nhận thấy công việc nhà nước hấp dẫn hơn vì tính ổn định và chỉ làm giờ hành chính. Chính những định kiến xã hội lại khiến vị trí viên chức tại các nhà tang lễ ít chịu cạnh tranh.
Để vượt qua những định kiến xã hội, một số người trẻ cố nhìn vào mặt tích cực của nghề. Một cách phổ biến khác để vượt qua nỗi kỳ thị của các nhân viên nhà tang lễ là tập trung vào chuyên môn. Một người trong nghề, 29 tuổi, mô tả với chuyên gia Đại học Nam Kinh rằng không ít khách hàng của anh nghĩ công việc này thiếu đạo đức. Anh khẳng định nếu công việc này dễ kiếm tiền đến thế, bản thân đã không bao giờ có cơ hội được nhận vào làm.
Người này chia sẻ: “Có vài người nói chúng tôi tính phí cao hay muốn móc túi gia đình người đã khuất. Chúng tôi chỉ tính phí theo đúng quy định của nhà nước. Nhà nước cũng quy định lương và chúng tôi phải khai báo tài chính mỗi tháng. Việc tính phí thêm là chuyện không tưởng”.
Chuyên gia Tan nhận định làn sóng người trẻ chấp nhận công việc tại nhà tang lễ còn cho thấy thế hệ trẻ Trung Quốc đang đối diện với nhiều thách thức và rủi ro hơn trong cuộc sống.
“Khi người trẻ phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn với cuộc sống của mình, họ phải tự bươn chải, tìm sự hỗ trợ từ gia đình và bất cứ đầu mối nào có thể để kiếm được công ăn việc làm ổn định. Làm việc trong nhà tang lễ có thể là điều không ai mong muốn, nhưng đây là một nguồn thu nhập đáng tin cậy trong một thế giới bấp bênh hơn bao giờ hết”, Tan bình luận.