Liên quan đến sự việc Bệnh viện quận Bình Tân thu 36 triệu đồng tiền viện phí của người mắc COVID-19 tử vong. Trao đổi với báo Tuổi Trẻ trưa 19/8, bác sĩ Võ Tuấn Trường – giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Bình Tân cho rằng, số tiền mà người nhà bệnh nhân mắc COVID-19 phải chi trả, là chi phí bệnh viện “tạm thu”, và đơn vị sẽ liên lạc chi trả lại tiền viện phí khi được ngân sách nhà nước chi trả.
BS Trường nói: “Thực ra chúng tôi cũng có cái khó về mặt tài chính. Qua sự việc này, chúng tôi xin rút kinh nghiệm để chủ động giải quyết cho người nhà bệnh nhân”.
Trước câu hỏi: Ông có thể nói rõ “cái khó” đó là gì không? Bởi theo nguyên tắc, các loại bệnh truyền nhiễm nhóm A đều được Nhà nước chi trả?
Giám đốc Bệnh viện giải thích: Bệnh viện được Sở Y tế TP.HCM cho phép chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 ngày 29/7. Sau đó chúng tôi có trình Sở Y tế kế hoạch nhằm sớm có quyết định công nhận bệnh viện điều trị COVID-19 (một phần – PV).
Khi chưa có quyết định chính thức từ Sở Y tế, chúng tôi rất khó giải quyết về mặt nguyên tắc tài chính cho người bệnh.
Do đó bệnh viện “tạm thu cái này”, khi nào được công nhận và được giải quyết về mặt tài chính, sẽ liên lạc trả lại tiền viện phí do ngân sách nhà nước chi trả cho người nhà bệnh nhân.
Ngoài ra, Giám đốc bệnh viện cũng thừa nhận, nhiều người cũng đã phải đóng tạm ứng khi nhập viện và bị thu viện phí sai tương tự.
“Đúng vậy đó. Nói thật là có nhiều ca như thế lắm rồi, chứ không phải riêng ca này. Khi chưa có quyết định chính thức, bệnh viện “tạm thu”, sau này sẽ làm việc trả lại cho bệnh nhân. Chúng tôi đều đã hẹn các gia đình bệnh nhân như vậy.
Từ cuộc họp trưa nay (19/8), trước mắt chúng tôi quyết định tạm ứng ngân sách của đơn vị để giải quyết cho người bệnh, rồi sau này sẽ có đề nghị cấp trên quyết toán sau” – Bác sĩ Trường nói.
Liên quan đến vấn đề hỏa táng, theo hướng dẫn của TP.HCM về việc lo mai táng và chi phí mai táng cho người mắc COVID-19 tử vong, nguyên tắc từ nguồn ngân sách nhà nước chuyển, Sở Y tế sẽ “rót” tiền về cho bệnh viện và bệnh viện phải có trách nhiệm liên hệ với đơn vị mai táng lo hậu sự cho người mất. Nhưng thực tế bệnh viện lại nhắn tin cho người nhà tự liên hệ cơ sở mai táng và tự chi trả phí?
Bác sĩ Trường giải thích: Chi phí mai táng, theo quy định của TP giao cho bên phía quân sự quận. Tuy nhiên ngày bệnh nhân tử vong (16/8) việc này chưa triển khai chính thức được.
Do đó phía người nhà có liên hệ với một cán bộ bệnh viện, xin số liên hệ của cơ sở mai táng. Chi phí này giữa thân nhân người bệnh với cơ sở mai táng tự thỏa thuận với nhau, chứ không phải là bệnh viện.
Nói về hướng giải quyết và trách nhiệm của bệnh viện, Bác sĩ Trường khẳng định, do khó khăn về mặt tài chính nên bệnh viện chưa triển khai “dứt điểm” được. Đây là cái mà bệnh viện cần phải rút kinh nghiệm để từ bây giờ có thể giải quyết được cho bệnh nhân luôn.
Tức nếu phần nào thuộc ngân sách nhà nước chi trả, bệnh viện sẽ tạm thời không thu phần đó của người bệnh và sẽ tính toán sau. Còn những phần nào mà bệnh viện đã thu của người bệnh, chúng tôi sẽ gửi lại cho người nhà hoặc bệnh nhân.
Liên quan đến việc hậu sự cho bệnh nhân COVID-19 tử vong, theo Dân Trí, trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, thành phố đã thống nhất sẽ chi trả toàn bộ chi phí làm hậu sự cho bệnh nhân mất do COVID-19. Mức chi dự kiến là 17 triệu đồng cho mỗi trường hợp.
“Đối với tất cả trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 qua đời, ngân sách thành phố sẽ chi trả cho người dân. Sau khi bệnh nhân không may tử vong, bệnh viện sẽ liên hệ với cơ sở mai táng, thực hiện các thủ tục, tiến hành hỏa táng và giao tro, cốt cho người thân”, ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin.
Hiện Việt Nam đã vượt mốc 10.000 ca nhiễm một ngày. Số ca nhiễm cộng đồng trong nước ngày 19/8 là 10.639 ca, ghi nhận tại 37 tỉnh, thành, cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến nay.
TP.HCM vẫn ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước, với 4.425 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại TPHCM lên 164.342. Ngày 19/8, ghi nhận 380 ca tử vong, riêng TP.HCM 307 ca.
Như vậy, từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận tổng số 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ số ca nhiễm trên một triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 169 (bình quân một triệu người có 3.180 ca nhiễm).