Phụng Minh
Đài Loan hôm 09/09 đã thông báo về việc mới đưa vào biên chế một tàu chiến mạnh mẽ được chế tạo tại địa phương có khả năng đối phó với các mối đe dọa trên không và trên biển, theo trang Nikkei.
Tàu hộ tống Ta Chiang đang được triển khai tại căn cứ hải quân Tô Úc ở huyện Nghi Lan, phía đông bắc quốc đảo với hy vọng rằng sự hiện diện của con tàu có biệt danh “sát thủ hàng không mẫu hạm” sẽ ngăn chặn áp lực quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Tại buổi lễ đánh dấu việc đưa vào hoạt động, Tổng thống Thái Anh Văn gọi con tàu là một bước tiến trên “con đường tự chủ trong nỗ lực bảo vệ quốc gia của chúng ta, và bằng chứng rằng chúng ta có thể vượt qua bất kỳ khó khăn nào có thể xảy ra”.
Được hỏi về con tàu trong một cuộc họp báo hôm 09/09, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời rằng “nỗ lực của lực lượng li khai Đài Loan nhằm đối đầu quân sự với Đại lục sẽ không có kết quả”.
Tàu Ta Chiang là bản nâng cấp cho dòng Tuo Chiang và là con tàu nội địa đầu tiên của Đài Loan có cả khả năng đối không và chống hạm. Phải mất hơn hai năm để hoàn thành con tàu này.
Tàu hộ tống có 28 tên lửa, bao gồm tên lửa chống hạm Hùng Phong II và III c tên lửa phòng không Hải Kiếm II. Nó có thân tàu kiểu catamaran cho phép di chuyển nhanh, tàng hình, với tốc độ tối đa khoảng 40 hải lý/giờ hoặc khoảng 74 km/h.
Việc triển khai con tàu tới một căn cứ ở bờ biển phía đông của Đài Loan là để đối phó với hoạt động quân sự gia tăng gần đây của chính quyền Trung Quốc trong khu vực.
Các tàu chiến Trung Quốc đã đi vòng quanh từ đất liền sang phía đông của hòn đảo. Ba tàu khu trục tên lửa dẫn đường hôm 05/09 đã đi qua giữa Đài Loan và điểm cực tây của Nhật Bản, đảo Yonaguni, trước khi đi về phía bắc đến Biển Hoa Đông.
Chuyên gia Tô Tử Vân, người đứng đầu bộ phận chiến lược quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan cho biết: “Mục đích chính là khảo sát vùng biển xung quanh để tìm kiếm bước đột phá từ đất liền qua ‘chuỗi đảo đầu tiên’ đến Thái Bình Dương. Chuỗi đảo đầu tiên đề cập đến một khu vực kéo dài từ lục địa Trung Quốc đến các đảo Okinawa của Nhật Bản, Đài Loan và Philippines”.
Ông Tô cũng nghi ngờ Bắc Kinh đang thu thập thông tin với mục đích bao vây Đài Loan từ phía đông – được coi là một mắt xích phòng thủ yếu – cho một cuộc tấn công tiềm năng.
Để đối phó với mối đe dọa này, đòi hỏi một sự triển khai nhanh chóng các tàu đến phía đông của Đài Loan. Cho đến gần đây, Đài Bắc có rất ít năng lực để tự chế tạo các tàu chiến tiên tiến của mình, thay vào đó phải dựa vào việc mua từ các đối tác nước ngoài, chủ yếu là Mỹ.
Năm 2017, Washington đã cắt giảm việc bán vũ khí cho Đài Loan do lo ngại về quan hệ với Bắc Kinh.
Với sự xuống cấp của hệ thống máy bay chiến đấu và tàu chiến, bà Thái Anh Văn đã làm lại chiến lược mua sắm vũ khí của Đài Loan sau khi lên nắm quyền vào năm 2016, tìm cách đóng các tàu chiến tại quê nhà – như tàu Ta Chiang – để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Bắc.