Mari Yoshihara
Trần Thị NgH dịch
Mari Yoshihara là một học giả người Mỹ, giáo sư nghiên cứu tại đại học Hawaii, Manoa, chuyên về lịch sử văn hóa Mỹ và quan hệ Mỹ-Á, là tác giả của “Nhạc sĩ âm nhạc cổ điển: Châu Á và Mỹ gốc Á”(2007), “Lenny yêu dấu: Những bức thư từ Nhật và hành trình làm nên nhà soạn nhạc bậc thầy thế giới” (2019), cùng một số tác phẩm viết bằng tiếng Nhật. Cô cũng là nghệ sĩ piano nghiệp dư.
Ngày 21 tháng 10, 2021 Bruce Xiaoyu Liu của Montreal ăn mừng sau khi được vinh danh là người đạt giải nhất giải dương cầm Chopin thứ 18 tổ chức ở Warsaw, Ba Lan.
Thứ tư tuần trước tôi thức dậy sớm hơn thường lệ để xem phần cuối vòng chung kết giải Chopin, được phát trực tiếp từ Ba Lan đến máy điện toán của tôi ở Honolulu.
Tôi đã không theo dõi phần trình diễn của những tuần trước – nghe triền miên từ ngày này sang ngày khác 87 thí sinh trình diễn không gì khác ngoài Chopin quả là ngán ngẩm, thậm chí đối với những người hâm mộ nhiệt tình – nhưng căn cứ vào những gì đã xem thì tôi cũng chọn ra được một vài cái tên ưa thích trong số 12 thí sinh lọt vòng chung kết.
Tôi vừa xem các phần trình diễn vừa ăn sáng, khán giả trực tuyến – lên đến khoảng 50 ngàn người – râm ran bàn tán với tốc độ kinh hoàng.
Những người tự phong cho mình là “cảnh sát điều tra sai phạm” chỉ ra những nốt nào bị thiếu, những người khác thì bình luận về cách biểu cảm và phần đồng diễn với giàn nhạc, rồi tranh luận liệu cách thể hiện của người đàn có đúng với tinh thần Chopin chăng. Họ nhận định bằng nhiều thứ tiếng – tiếng Anh, theo yêu cầu của Nhạc Viện Chopin, nhưng cũng có cả tiếng Ba Lan, Nga, Ý, Đức, Nhật, Hàn và Tàu.
Phần trình diễn xuất sắc và đầy mê hoặc của Bruce Liu, Concerto cung Mi thứ, kết thúc kỳ thi. Khán giả được cho biết trong khoảng hai tiếng nữa sẽ có công bố tên những người thắng giải. Trong khi nhiều khán giả trực tuyến quay trở lại với công việc của mình, làm lặt vặt gì đó hoặc ngủ, thì một số đông vẫn cứ tiếp tục chia sẻ với nhau những đánh giá và phỏng đoán. Họ phải chờ đến mấy tiếng đồng hồ sau, vì các giám khảo phải cân phân lâu hơn thời gian đã định.
Cuối cùng, vào lúc 2 giờ sáng Warsaw, những người thắng giải được xướng danh, ban giám khảo trao sáu giải cho tám thí sinh: giải nhất cho Bruce Xiaoyu Liu của Canada; về sát nút có Alexander Gadjiev của Ý và Sovenia, cùng Kyohei Sorita đồng hạng đại diện Nhật; giải ba về tay Martin Garcia Garcia đại diện Tây Ban Nha.
Aimi Kobayashi bấy lâu nay đã có một lượng fan hùng hậu ở quê nhà Nhật Bản lẫn toàn cầu từ khi cô xuất hiện trong kỳ thi tổ chức năm 2015, lần này được xếp thứ tư đồng hạng cùng Jakub Kuszlik của Ba Lan. Leonora Armellini người Ý đứng thứ năm, và J.J. Jun Li, công dân Canada, đứng thứ sáu.
Không giống những lần thi được tổ chức trước đây, quyết định chọn lựa người thắng giải vốn thường gây tranh cãi gay gắt giữa các giám khảo – ồn ào có vụ Ivo Pogorelic bị loại sau vòng ba năm 1980 khiến giám khảo Martha Argerich rút lui để phản đối – kết quả lần này không gây nhiều ngạc nhiên. Khán giả khắp nơi trên thế giới chúc mừng những người thắng giải và ca ngợi tài năng của tất cả các thí sinh cũng như tâm huyết họ đã dành cho âm nhạc.
Không lạ gì khi truyền thông quốc tế có những ý kiến khác nhau về cuộc tranh tài và kết quả kỳ thi. Báo chí Canada hãnh diện chào mừng chiến thắng của nghệ sĩ Canada xuất thân từ Montreal. Tin tức Việt Nam nhấn mạnh người đoạt giải nhất chính là học trò của nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, người Châu Á đầu tiên chiếm giải nhất Chopin năm 1980, đồng thời cũng là thành viên trong ban giám khảo của kỳ thi năm nay. https://www.youtube.com/embed/mdil14Fwwfs
Ở Nam Hàn, nơi Seong-jin Cho đã trở thành cái tên quen thuộc từ khi anh chiếm giải nhất trong giải Chopin lần trước (2015), giới truyền thông đã sôi nổi phổ biến nhiều bình luận về phần trình diễn của Lee Hyuk ở vòng chung kết của giải Chopin năm nay. Truyền thông Nhật tập trung vào giải thưởng dành cho Sorita và Kobayashi, không quên nhắc đi nhắc lại nhiều lần đây là giải thưởng cao nhất dành cho nghệ sĩ dương cầm tính từ hồi Mitsuko Uchida về nhì năm 1970.
Những sự kiện quốc tế và các cuộc tranh tài quan trọng, từ Thế Vận Hội đến các giải Nobel đều có khuynh hướng đưa tin sốt dẻo ca ngợi ý nghĩa dân tộc và sự cống hiến. Không có gì sai trong việc cổ vũ cho tài năng và sự thành đạt khi công dân của đất nước mình được thừa nhận trên sàn đấu quốc tế. Nhưng chúng ta sẽ thấy gì nếu đặt cuộc tranh tài và kết quả của nó trên một bình diện rộng hơn?
Trước hết việc các nghệ sĩ dương cầm Châu Á chiếm phân nửa số giải rõ ràng đã trở thành trào lưu trong vài chục năm qua.
Riêng năm nay, 55 trong số 87 thí sinh được chọn dự giải Chopin đều đến từ Châu Á, con số này có cao hơn so với những giải gần đây. Cụ thể trước đó trong kỳ tranh tài dương cầm quốc tế mang tên Nữ Hoàng Elisabeth tổ chức cũng trong năm nay ở Brussels, 26 trong số 58 thí sinh là người Châu Á, và trong giải dương cầm quốc tế mang tên Leeds(đông Yorkshire) tổ chức ở Vương Quốc Anh, số thí sinh Châu Á là 27/62.
Có quan niệm khá phổ biến cho rằng người Châu Á đã trở thành “đại diện điển hình” trong lĩnh vực nhạc cổ điển. Thật vậy, nhiều nhạc viện và khoa âm nhạc ngày nay thật khó sống còn, nếu không có sinh viên Châu Á, nhất là Trung Hoa.
Có khoảng 30% thành viên của giàn nhạc giao hưởng New York là người Châu Á, trong đó hai phần ba thuộc nhóm vĩ cầm. Trên thế giới, các nhạc sĩ Châu Á làm nhiều việc khác nhau như trình diễn độc tấu, chơi trong các giàn nhạc giao hưởng và thính phòng, dạy nhạc, sáng tác và trình diễn tự do.
Trong thập niên 1960 các nhạc sĩ Nhật bắt đầu xây dựng sự nghiệp có tính chất quốc tế ở Mỹ và Châu Âu. Khoảng thập niên 1980 đến phiên các nhạc sĩ Nam Hàn cũng làm như thế. Trong các thập niên này, nhiều nhạc sĩ Châu Á với lai lịch đa dạng đã trở thành ngôi sao quốc tế – như trường hợp nhạc trưởng Seiji Ozawa, nghệ sĩ cello Yo-Yo Ma, nghệ sĩ piano Mitsuko Uchida, và các nghệ sĩ violon Kyung-wha Chung, Sarah Chang và Midori. Trong thập niên 2000, nhạc cổ điển ở Trung Hoa thăng hoa, dẫn đầu là những nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Yundi Li, Lang Lang và Yuja Wang, điều này đã khiến Trung Hoa trở thành một trong những thị trường và lò đào tạo quan trọng về âm nhạc cổ điển.
Những yếu tố này cho thấy điều kiện kinh tế xã hội đã định dạng những khát vọng văn hóa và nỗ lực nghệ thuật của con người. Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Hong Kong và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tất cả đều xây dựng kinh tế hỗ trợ cho hạ tầng cơ sở của nền công nghiệp âm nhạc và lò đào tạo âm nhạc cấp cao. Trừ San Jittakarn – nghệ sĩ dương cầm đầu tiên người Thái tham dự cuộc thi – và Nguyễn Việt Trung, người Ba Lan gốc Việt, còn lại tất cả thí sinh gốc Á trong kỳ tranh giải Chopin lần này đều xuất thân từ Đông Á.
Tuy nhiên, rất nên nhận thức rằng lịch sử dai dẳng và toàn cảnh thênh thang về vấn đề di dân cũng như giao thoa văn hóa đã làm nên một chân dung nhạc cổ điển như hiện nay. Trong giải dương cầm Chopin nói riêng và trong thế giới âm nhạc nói chung, đối với các nhạc sĩ thì nơi chôn nhau cắt rốn của họ không giống như đất nước trong đó họ lớn lên, không giống cả trong cách giáo dục âm nhạc hay chỗ họ cư ngụ hiện nay.
Hơn nữa, nhiều “nhạc sĩ Châu Á” là những người có cha mẹ hay ông bà di tản sang Mỹ, Canada hoặc Châu Âu vì mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhằm có được nền học vấn đàng hoàng hơn, hoặc họ tị nạn chiến tranh hoặc họ trốn chạy do bị ngược đãi vì lý do chính trị. Cũng có các nhạc sĩ thừa kế di sản pha trộn. Nhiều người sinh ra và lớn lên ở Châu Á đã rời quê nhà để nâng cao trình độ âm nhạc của mình ở nước ngoài – như trường hợp Sorita học nhạc ở Nga và Ba Lan, còn Kobayashi học ở Mỹ. Trong thời gian này họ vẫn duy trì tương quan cá nhân và sinh hoạt nghề nghiệp ở quê nhà. Nhiều nhạc sĩ từ Nga và Châu Âu cũng có quá trình, hành trình và nhân thân phức tạp.
Tất cả những điều này cho thấy nhạc cổ điển – vốn trước đây được coi là lãnh địa của nghệ thuật cao cấp phương Tây – nay không còn là một khu vực khép kín thuộc văn hóa Âu Châu nữa. Những gì người ta hiểu về “nhạc cổ điển” đó là nó đã được bắt đầu từ thế kỷ thứ 18 ở Châu Âu rồi phát triển vào thế kỷ thứ 19 qua sự lớn mạnh của xã hội trưởng giả và công nghiệp hóa.
Thậm chí vào thời ấy, qua lịch sử về các đế chế, về chiến tranh, cách mạng, giao thương và di dân, các nhạc sĩ sáng tác và nhạc sĩ trình diễn – bao gồm cả Chopin – băng qua lằn ranh địa lý, tìm cảm hứng từ những con người và những vùng miền khác của địa cầu và chia sẻ âm nhạc với quần chúng ở những nơi đó. Thế rồi nhiều người trên thế giới đâm ra yêu thích nhạc cổ điển và coi nó như đương nhiên thuộc về mình – kho trời chung mà vô tận của mình riêng, Cao Bá Quát (chú thích thêm của người dịch).
Tuy nhiên những quy tắc cũ rích điều hành lĩnh vực này làm cho tính chất phi biên cương và yếu tố pha trộn trở nên u tối. Nhiều người cổ vũ cho chủ nghĩa tuyệt đối và thuyết phổ quát của nhạc cổ điển, tin rằng nó vượt lên trên ý niệm văn hóa, quốc gia hoặc chủng tộc. Những năm tháng học nhạc nghiêm ngặt và dày công tập luyện nhằm đạt tay nghề cao và thấu hiểu nghệ thuật khiến người ta đặt niềm tin nơi chế độ đãi ngộ nhân tài – nói cách khác, vấn đề nằm ở âm thanh phát ra từ nhạc cụ chứ không phải từ lai lịch hay nhân thân hay gì gì của người biểu diễn.
Dù vậy, các nguyên tắc như thế đôi khi va chạm với những giá trị về nhạc cổ điển, vốn cũng quan trọng không kém. Là một lĩnh vực đặt nặng vấn đề chính thống và tính xác thực, các nhà phê bình và khán giả thường mặc định ranh giới cho những gì không chuẩn xác và không đúng với ẩn ý mà nhà soạn nhạc muốn thể hiện.
Điều này đặc biệt đúng trong giải Chopin, được tổ chức thường kỳ nhằm tôn vinh các sáng tác của Frédéric Chopin như một thứ tài sản ưu việt của văn hóa Ba Lan. Không giống như phần lớn các kỳ thi âm nhạc khác, trong đó người dự thi phải thể hiện sự tinh thông của mình về âm nhạc qua nhiều thời kỳ và nhiều thể loại, giải Chopin là tất cả những gì về Chopin và không gì khác ngoài Chopin.
Có vài giải đặc biệt cho phần trình diễn xuất sắc mazurka và polonaise (các điệu vũ dân gian Ba Lan), hai thể loại sáng tác gắn kết chặt chẽ với Chopin và Ba Lan. (Giải mazurka năm nay về tay Jakub Kuzslik của Ba Lan, không có giải cho polonaise.)* https://www.youtube.com/embed/AMP5qgci6_E
Dĩ nhiên, ý kiến về việc cho thế nào là “đúng” hay “chuẩn xác” khi trình bày, xử lý tác phẩm của các nhà soạn nhạc thay đổi theo thời gian và theo tiến hóa trong kiến thức về nhạc học. Phong cách trình diễn cũng thay đổi tùy nhạc cụ mà nhạc sĩ sử dụng – Fazioli, sản phẩm dương cầm tương đối mới trên thị trường, đã ghi điểm son trong kỳ thi này, tín hiệu cho thấy có thêm biến chuyển trong lĩnh vực nhạc cổ điển – chưa kể địa điểm và bối cảnh biểu diễn.
Không có tiêu chuẩn gì đặc biệt hay cứng nhắc để dựa theo đó mà đánh giá phê bình phần trình diễn tác phẩm của nhà soạn nhạc này hay nhà soạn nhạc khác. Việc 17 giám khảo phải mất nhiều thời gian để quyết định ai là người thể hiện đạt nhất âm nhạc của Chopin cho thấy không dễ gì có sự nhất trí giữa những vị mà chính bản thân họ cũng có nhiều khác biệt về văn hóa và lai lịch âm nhạc.
Nhiều người lo nhạc cổ điển là một bộ môn nghệ thuật có lẽ đang giẫy chết vì khán giả ngày càng già đi và số người thưởng thức cũng dần teo tóp, rồi một số nhân vật làm công việc giám sát cứ bo bo bám lấy những lý tưởng lỗi thời về thiên tài và văn hóa da trắng. Những người khác thì băn khoăn qua nhiều cách thức khác nhau, họ sử dụng cụm từ hoa mỹ “hiểm họa da vàng” để đánh động rằng người Châu Á đang thống lĩnh âm nhạc cổ điển.
Qua tài năng vượt bậc của các nghệ sĩ khác nhau về gốc gác, nơi sinh trưởng và lò đào tạo; sự sâu sắc và mức độ chuyên nghiệp của họ, cùng sự am tường của các giám khảo; khán giả thế giới quan tâm và nôn nóng muốn chứng kiến những thành tựu về âm nhạc trên sàn diễn quốc tế; giải Chopin này cho thấy âm nhạc Chopin vẫn cứ sống mãi với thời gian và được nhiều người ưa thích, đơn giản vì nó mang lại cho cuộc đời nhiều giá trị tinh thần.
Và nó sẽ còn tiếp tục phát triển nếu – có lẽ nếu – thế hệ tiếp nối của các nhạc sĩ, của những người thắng giải và những người dự giải Chopin 2021, tìm cách giao lưu với các thành phần khán giả thế giới qua âm nhạc của họ và qua nhiều cách thức khác nhau. Chẳng những tài năng và kỹ năng xuất sắc của những người dự thi mà cả tầm nhìn cùng các tổ chức âm nhạc đầy sáng tạo đã soi rọi cho vấn đề càng thêm minh quang.
Trong số những người được khán giả ưa thích nhưng không vào được chung kết có Hayato Sumino, với thân thế độc đáo bao gồm chẳng những bằng tốt nghiệp khoa tin học của đại học Tokyo mà còn nổi tiếng là một nhạc sĩ điện tử chuyên về pop và jazz, có đến 840.000 người theo dõi trên kênh YouTube. Sorita là người sáng lập có tầm nhìn táo bạo định hướng mới cho nhạc cổ điển. Anh cũng thành lập một giàn nhạc thính phòng, một cơ sở ghi âm và một công ty khởi nghiệp.
Những người này và những nghệ sĩ khác có tiếng nói riêng của họ trên phím đàn và cả trong đời sống, góp thêm màu sắc cho văn hóa âm nhạc thế giới.
Mari Yoshihara
Oct.27/2021
* Alexander Gadjiev, hạng nhì, cũng là người đoạt giải Krystian Zimerman dành cho người chơi sonata hay nhất trong kỳ thi (chú thích của Da Màu)