Thủ tướng Merkel: Có thể Đức đã “quá ngây thơ” với Trung Quốc
Thùy Dương
Có thể ban đầu Đức đã quá ngây thơ với Trung Quốc trong một số lĩnh vực hợp tác, nhưng cũng không nên vì sự gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh mà bỏ hợp tác với Trung Quốc. Đây là phát biểu của thủ tướng Đức Angela Merkel trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters, được đăng ngày 17/11/2021.
Reuters nhắc lại chính sách cởi mở của Berlin đối với Bắc Kinh trong 16 năm dưới thời thủ tướng Merkel đã giúp Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức, bất chấp mối lo ngại gia tăng về việc Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh và về nguy cơ gián điệp kinh tế.
Mặc dù thừa nhận Đức từng quá “ngây thơ” trong hợp tác với Bắc Kinh, thủ tướng mãn nhiệm Angela Merkel vẫn khuyến cáo Đức nói riêng và châu Âu nói chung nên tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, đôi bên cần học hỏi thêm về nhau, bởi vì theo bà Merkel, việc cắt đứt hoàn toàn hợp tác sẽ “không phù hợp và đáng tiếc”.
Bà Merkel đã có 12 chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong cương vị thủ tướng Đức. Từ năm 2016, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức, khiến nước này bị chỉ trích là lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và quá dễ dãi với Bắc Kinh về một số vấn đề như nhân quyền. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Reuters, mặc dù bảo vệ quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc, nước Đức gần đây cũng đã nỗ lực đa dạng hóa các trao đổi với châu Á.
Mỹ thêm Nga vào danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo
Chi Phương
Hoa Kỳ hôm 17/11/2021, thông báo đã thêm Nga vào “danh sách đen” các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về quyền tự do tôn giáo.
Thông cáo báo chí ngày hôm qua của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nêu ra danh sách « cần quan tâm đặc biệt về quyền tự do tôn giáo » dựa vào các phân tích trong báo cáo thường niên của bộ Ngoại Giao Mỹ. Ông Blinken khẳng định Hoa Kỳ “sẽ không né tránh các cam kết ủng hộ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng” cho tất cả mọi người và ở mọi quốc gia. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính quyền vẫn đe dọa, tống giam, thậm chí là giết người chỉ vì họ quyết định sống với niềm tin của họ.
Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, trong báo cáo thường niên công bố cuối tháng 04/2021, đã khuyến nghị đưa Nga vào “danh sách đen” vì đã thực hiện một chính sách theo chủ nghĩa cực đoan để hạn chế các “hoạt động ôn hòa của các nhóm tôn giáo thiểu số”.
Về phần mình, ngoại trưởng Mỹ đặc biệt đề cập đến việc bắt giữ những tín đồ Nhân Chứng Giê-Hô-Va. Họ đã bị chính quyền tra tấn, tống giam và chiếm đoạt tài sản vì đức tin tôn giáo mà Moscow cho là cực đoan và cần phải nghiêm cấm.
Vụ việc diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Nga trong nhiều hồ sơ quốc tế. Cụ thể là trong những ngày gần đây, Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga về các hoạt động quân sự ở biên giới Ukraina, hoặc về sự “ảnh hưởng” của nước này với Belarus trong cuộc khủng hoảng di cư ở cửa ngõ Liên minh châu Âu. Hoa Kỳ cũng lên án mạnh mẽ vụ Nga bắn tên lửa phá vệ tinh gây « nguy hiểm và thiếu trách nhiệm ».
Covid-19: Nhiều nước châu Âu siết chặt các biện pháp chống dịch
Thùy Dương
Dịch Covid-19 không ngừng lây lan mạnh ở châu Âu. Nga lại một lần nữa ghi nhận số ca tử vong cao nhất tính từ trước tới nay. Tại Đức, số người nhiễm virus corona liên tục tăng mạnh, khoa điều trị tích cực của nhiều bệnh viện không còn chỗ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng. Hàng loạt quốc gia như Thụy Điển, Bỉ, Ireland, Áo… đều thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch.
Ngày 17/11/2021, trong khi số ca nhiễm mới thường nhật lại vượt quá 36.600 ca, tập trung nhiều nhất ở thủ đô Matxcơva, tại thành phố Saint-Pétersbourg và vùng Samara, số ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ lên tới 1.247 người.
Trong khi đó, tại Đức, hôm nay 18/11/2021, Quốc Hội bỏ phiếu thông qua khẩn cấp một dự luật cho phép tái lập các biện pháp hạn chế để kìm hãm đà lây lan của virus corona. Theo luật này, đông đảo người lao động sẽ quay trở lại phương thức làm việc từ xa và phải có chứng nhận y tế mới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tính trung bình, trong tuần này, mỗi ngày Đức ghi nhận 30.000-50.000 ca nhiễm Covid-19 mới. Hôm qua, thủ tướng Angela Merkel nhận định tình hình nghiêm trọng đến mức « đáng báo động » và kêu gọi triển khai nhanh nhất có thể chiến dịch tiêm liều tăng cường.
Tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020, bệnh viện thành phố Freising, bang Bayern, phải chuyển bệnh nhân Covid-19 sang Merano, Ý, để chữa trị – « một quyết định chưa từng có » của quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Âu. Với tỉ lệ 550 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày, Bayern hiện là một trong những vùng bị dịch nặng nhất trong cả nước.
Nhìn sang Thụy Điển, hôm qua chính phủ thông báo lần đầu tiên, kể từ ngày 01/12, sẽ áp dụng chứng nhận tiêm chủng đối với những người tham dự các sự kiện quy tụ hơn 100 người. Về phần Ireland, nước này áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế từ ngày mai 19/11. Còn tại Bỉ, kể từ thứ Bảy 20/11, các biện pháp hạn chế cũng được thắt chặt, nhất là quy định đeo khẩu trang và làm việc từ xa. Bỉ hiện là nước có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu, chỉ sau các nước vùng Baltic và Áo.
Nhìn sang Áo, sau khi chính quyền thông báo thắt chặt biện pháp hạn chế đối với những người chưa chích ngừa Covid-19, người dân đổ xô đi tiêm chủng, cho dù là miễn cưỡng. Từ Vienna, thông tín viên Isaure Hiace cho biết thêm chi tiết:
“Tuần trước, khi có một số thông báo về biện pháp hạn chế sự di chuyển của những người chưa tiêm chủng và về việc phong tỏa họ, hơn 128.000 người ở Áo đã đi chích ngừa Covid-19 mũi đầu tiên. Nước Áo chưa từng ghi nhận con số cao đến như vậy tính từ tháng Bảy.
Mike, khoảng 30 tuổi, miễn cưỡng đi tiêm hôm thứ Tư 17/11. Anh nói : « Tôi không muốn tiêm phòng, nhưng người ta đã làm mọi cách để thúc đẩy chúng tôi đi chích ngừa. Nếu không tiêm, chúng tôi không thể đi mua sắm ở trung tâm thương mại, không thể đến nhà hàng. Tôi vẫn còn trẻ, tôi chưa có con và tôi tự hỏi sau 5-6 năm nữa mình sẽ thế nào. Tôi không biết. Nhưng tôi đi tiêm ngừa, vì tôi buộc phải làm thế ».
Hôm qua, thứ Tư, đa phần người dân Vienna đến trung tâm tiêm chủng là những người đi tiêm mũi tăng cường. Có một số người đưa con đi chích ngừa. Hiện giờ Vienna đã cho phép sử dụng vac-xin Pfizer-BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, mặc dù Cơ quan Dược phẩm Châu Âu chưa « bật đèn xanh ».
Cô Elisabeth đưa con gái 5 tuổi đi tiêm. Cô than thở : « Việc phải tiêm phòng cho trẻ em vì người lớn không chịu chích ngừa khiến tôi cảm thấy phiền lòng. Tôi không biết đó có phải là quyết định đúng đắn hay không, nhưng dù sao thì tôi vẫn cứ làm. Thật đáng xấu hổ khi có những người trưởng thành có thể được tiêm thì lại không chích ngừa. Chắc là chúng tôi sẽ lại bị phong tỏa một lần nữa và đó là lỗi của những người chưa tiêm chủng. Có đủ vac-xin, nhưng mọi người lại không chịu đi tiêm. Thật là đáng xấu hổ.”
Cho đến nay mới có 65% dân số Áo tiêm đủ hai mũi. »
Belarus thông báo đàm phán với Liên Âu về khủng hoảng nhập cư
RFI
Chính quyền Belarus ngày 16/11/2021 thông báo sẽ đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở vùng biên giới chung với Ba Lan. Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu đính chính rằng đó chỉ mới là “các cuộc thảo luận sơ bộ”, “đàm phán kỹ thuật” với Minsk.
Do không thừa nhận tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko tái đắc cử trong cuộc bỏ bầu cử tháng 08/2020, Liên Hiệp Châu Âu cho đến gần đây vẫn từ chối nói chuyện với nhân vật này. Nhưng trước thảm cảnh di dân ở biên giới Belarus và Ba Lan, một thành viên Liên Âu, dường như Bruxelles không có cách nào khác là phải nói chuyện với Minsk, nhưng luôn khẳng định đó là các cuộc thảo luận “kỹ thuật”.
Trong tuần qua, thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Belarus Loukachenko đã hai lần điện đàm về hồ sơ di dân. Tuần trước, thủ tướng Đức cũng đã điện đàm với tổng thống Vladimir Putin, kêu gọi nguyên thủ Nga gây áp lực với chính quyền Belarus. Tuy nhiên, tổng thống Putin cho rằng Liên Âu nên nói chuyện thẳng với Minsk về hồ sơ này.
Từ vài tuần qua, hàng nghìn người di cư, chủ yếu đến từ Trung Đông đã kéo đến tập trung dọc theo biên giới Belarus-Ba Lan trong thời tiết băng giá, với hy vọng được vào Liên Âu.
Phương Tây cáo buộc chính quyền Loukachenko dàn dựng, gây ra khủng hoảng di dân nhằm trả đủa các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi nước này đàn áp các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử năm 2020.
Trong khi đó, lực lượng kiểm soát biên giới chung của Liên Âu (Frontex) cho rằng Liên Âu cần phải chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng di cư tương tự. Fabrice Leggeri, lãnh đạo Frontex nói: “Đây không phải là lần đầu tiên Liên Âu đối mặt với những mối đe dọa liên quan đến an ninh và bị ảnh hưởng về địa chính trị, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác vì những tình huống như thế có thể xảy ra hết sức bất ngờ”.
Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng sách nhiễu tàu tiếp liệu Philippines
Thanh Hà
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 18/11/2021 mạnh mẽ tố cáo hành động “bất hợp pháp” của ba tàu hải cảnh Trung Quốc hôm 16/11 đã chận đường, phun vòi rồng vào hai tàu tiếp liệu Philippines đang trên đường đến bãi Cỏ Mây ( Second Thomas Shoal ), Trường Sa, thuộc vùng có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Hãng tin Pháp AFP trích lời ngoại trưởng Locsin bày tỏ “phẫn nộ và với những lời lẽ mạnh mẽ nhất để phản đối” về sự cố nói trên với đại sứ Trung Quốc tại Manila.Vụ việc xảy ra khi tàu tiếp liệu của Philippines đang trên đường đến bãi Cỏ Mây, tiếp tế lương thực cho các hòn đảo này.
Manila cho biết không một ai bị thương trong sự cố này, tuy nhiên, công tác của hải quân Philippines đã bị gián đoạn. Trên mạng xã hội Twitter, ngoại trưởng Teodoro Locsin xem đây là hành động “bất hợp pháp” từ phía Trung Quốc, và điều này “không thể chấp nhận được” do Trung Quốc “không được quyền thực thi pháp luật chung quanh những khu vực được hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa Philippines và Hoa Kỳ bảo vệ”. Ông Locsin cũng cho biết thêm trong vụ đó, tàu hải cảnh Trung Quốc đã “lùi bước”. Theo hãng tin Anh Reuters, Bắc Kinh hiện chưa có phản ứng về căng thẳng lần này.
Trước khi xảy ra vụ tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines tại bãi Cỏ Mây, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon ghi nhận sự hiện diện khác thường của 49 tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc gần đảo Thị Tứ và 19 tàu khác tại Cỏ Mây. Ông Esperon đã nói đến thái độ “rất hung hăng” của các dân quân biển Trung Quốc.
Bải Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia cùng đòi hỏi chủ quyền. Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh về tranh chấp chủ quyền lãnh hải tăng thêm một nấc trong năm nay, với vụ hàng trăm tàu dân quân biển xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hồi mùa xuân vừa qua.