Tin thế giới sáng thứ Ba

Indonesia bất ngờ cấm xuất khẩu than sang Trung Quốc

Hạ Uyên

Hình ảnh min họa từ video của Arirang News.

Vào ngày 31/12/202, Chính phủ Indonesia bất ngờ tuyên bố rằng, từ ngày 01 tháng 1 đến ngày 31 tháng 1, sẽ dừng xuất khẩu than sang Trung Quốc để giảm bớt sự thiếu hụt nguồn than trong nước, dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Indonexia.

Theo trang Kumparan, các quan chức Indonesia cho biết, nguồn than cung cấp cho sản xuất điện gia dụng ở Indonesia rất khan hiếm. Nếu không ngừng xuất khẩu than thì có thể xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng ở Indonesia.

Gần đây Trung Quốc và Indonesia xảy ra nhiều tranh chấp về việc Indonesia thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Nguồn than mà Indonesia dừng bán cho Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng khó lường đến nguồn cung điện của Trung Quốc.

Có thể đây là một biện pháp điều chỉnh xuất khẩu thông thường của chính phủ Innodesia, nhưng lại tác động rất lớn đến Trung Quốc. Ở Trung Quốc, than không chỉ dùng để người dân sưởi ấm trong mùa đông, mà nhiệt điện cũng tiêu thụ lượng than rất lớn. Trong khi đó, than của Indonesia chiếm 60% lượng than nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu nguồn cung than của Indonesia bị cắt, người dân Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt thòi lớn nhất.

Theo số liệu chính thức của Indonesia, nước này có thể sản xuất 644 triệu tấn than vào năm 2022. Mức tiêu thụ nội địa của Indonesia ước tính chỉ vào khoảng190 triệu tấn. Do đó, việc Indonesia lo ngại thiếu hụt than gây ra ngạc nhiên với giới quan sát.

Covid-19: Liên Âu cho xuất khẩu vac-xin không cần xin phép trước

Minh Tri

Từ ngày 01012022, các hãng dược châu Âu có thể xuất khẩu vac-xin mà không cần xin phép trước. Trong ảnh : vac-xin ngừa Covid-19 AstraZeneca, sản phẩm hợp tác Anh-Thụy Điển. REUTERS – DADO RUVIC

Châu Âu vẫn là tâm dịch Covid-19 của thế giới. Tại châu Âu, số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng vọt trước đợt sóng biến thể Omicron, với khoảng 5 triệu ca nhiễm trong một tuần qua. Tổng số ca nhiễm vượt ngưỡng biểu tượng 100 triệu người, tính từ đầu dịch. Dù cho tình hình dịch bệnh vẫn hoành hành, kể từ ngày 01/01/2022, các hãng bào chế tại Liên Hiệp Châu Âu đã có thể xuất khẩu vac-xin ngừa Covid-19 mà không cần xin phép trước.

Cho đến hiện tại, để xuất khẩu vac-xin ra ngoài khu vực Liên Hiệp Châu Âu, các hãng dược phải có được sự chấp thuận của nước thành viên xuất xứ và tiếp đến là Ủy Ban Châu Âu. Ngoài mục tiêu bảo đảm nguồn dự trữ vac-xin trong khu vực, việc thiết lập hệ thống xin phép này còn nhằm kiểm soát các hãng bào chế có thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng. Vụ hãng dược AstraZeneca không xuất khẩu được 250 ngàn liều vac-xin cho Úc là một ví dụ điển hình. Bruxelles từng cáo buộc hãng dược này đã không tuân thủ các đơn đặt hàng của Liên Hiệp.

Kể từ hôm qua, quy trình xin phép trước này đã kết thúc. Quyết định của Bruxelles là một thay đổi lớn. Trả lời ban tiếng Pháp đài RFI, giáo sư ngành kinh tế y tế, Frédéric Bizard, trường ESCP, nhấn mạnh là quyết định này mở ra một hướng phân phối tốt hơn các loại vac-xin cho toàn thế giới, đặc biệt cho các nước nghèo :

« Người ta sẽ không thể nào thoát được đại dịch này, hoặc có một xác suất người ta không thể ra khỏi dịch bệnh nhanh chóng, nếu không có một tầm nhìn mang tính quốc tế hiệu quả nhất có thể trong việc phân phối vac-xin.  

Việc cải thiện phân phối vac-xin là điều có thể làm được, nếu như các khách hàng lớn như Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ đặt ra các điều kiện, không phải để hạn chế xuất khẩu, mà là đặt điều kiện khi mua vac-xin. Chẳng hạn, một liều vac-xin bán châu Âu phải đi kèm theo một liều vac-xin bán cho các nước có thu nhập thấp.  

Đối với những nước nghèo, các hãng dược đã cam kết bán với giá rẻ. Rõ ràng là nếu như không có kiểu thỏa thuận như thế với những nước mua với giá cao, các hãng dược sẽ không muốn bán cho các nước nghèo với giá rẻ. »

Bị một số nước tố cáo giữ vac-xin cho riêng mình, Liên Hiệp Châu Âu cho biết đã xuất khẩu hơn một tỷ liều vac-xin cho thế giới, tức chiếm hơn một nửa lượng vac-xin sản xuất được. Liên Hiệp Châu Âu còn cam kết trao tặng 700 triệu liều từ đây đến giữa năm 2022 cho những nước nghèo nhất nhằm đạt mục tiêu 70% dân số thế giới phải được tiêm ngừa.

Covid-19: Quốc Hội Pháp xem xét dự luật “chứng nhận vac-xin”

Thanh Hà

Kể từ thứ Hai, 03/01/2022, tại Pháp, trẻ em từ 6 tuổi trở lên bắt buộc đeo khẩu ở nơi công cộng. © ANNE-CHRISTINE POUJOULAT/AFP

Sau bốn ngày liên tiếp với hơn 200.000 bệnh nhân Covid-19 một ngày, Quốc Hội Pháp hôm nay 03/02/2022 bắt đầu xem xét dự luật thay thế chứng nhận âm tính với virus corona bằng chứng nhận vac-xin. Chính phủ gia tăng áp lực nhắm vào hơn 5 triệu người trên 12 tuổi, vẫn chưa tiêm chủng.

Vào lúc học sinh, sinh viên trở lại nhà trường trong bối cảnh biến thể Omicron lan mạnh, đe dọa làm tê liệt từ trường học đến bệnh viện, và nhiều lĩnh vực kinh tế khác, chính phủ ban hành một số quy định mới được áp dụng ngay từ hôm nay : Trẻ em từ 6 tuổi trở lên (thay vì 11 tuổi) phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng ; chính phủ khuyến khích các công ty cho nhân viên làm việc từ nhà nhưng đổi lại thì nới lỏng các điều kiện cách ly trong trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Ngay cả những ca dương tính cũng chỉ bị cách ly 7 ngày thay vì 10 như trước đây. Biện pháp này nhằm tránh để các hoạt động kinh tế bị tê liệt vì thiếu nhân công.

Cũng hôm nay, Quốc Hội Pháp xem xét dự luật mới “tăng cường các công cụ đối phó với khủng hoảng y tế”. Luật về chứng nhận vac-xin có hiệu lực từ ngày 15/01/2022 và một tháng sau đó thì tất cả những ai có chứng nhận này đều đã phải hoàn tất đủ ba mũi tiêm. Cũng theo luật mới, khoảng cách giữa liều vac-xin thứ hai và mũi tiêm nhắc lại được thu ngắn xuống còn 3 tháng thay vì 5 như quy định trước đây. Ngoài ra, dự luật mới về y tế dự trù siết chặt các biện pháp trừng phạt: Cho mượn hoặc dùng chứng nhận vac-xin của người khác thì có thể bị phạt 1.000 euro thay vì 135 euro như hiện nay và nếu dùng giấy chứng nhận giả, đương sự có thể lãnh án 5 năm tù và bị phạt 75.000 euro.

Chính phủ đang rất lo ngại, bởi theo các dự phóng, rất có thể từ nay đến cuối tháng chỉ nội trong ngành giáo dục, “tối thiểu, một phần ba giáo viên, giáo sư sẽ phải nghỉ bệnh vì nhiễm Covid-19 hoặc có tiếp xúc trực tiếp với những ca dương tính”. Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran cho biết “những chuyển biến trong tháng Giêng năm nay sẽ phải được theo dõi rất kỹ” nhất là trong bối cảnh “áp lực hiện rất lớn đối với hệ thống bệnh viện”. Số người phải nhập viện không thuyên giảm. Trung bình trong 7 ngày qua, mỗi ngày Pháp vẫn ghi nhận thêm 160.000 bệnh nhân Covid-19 và cứ trên 100 người đi xét nghiệm thì có 16 ca dương tính với virus corona thay vì 8 người như một tuần trước đây.

Covid-19: Số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng theo chiều “thẳng đứng”

Trọng Nghĩa

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại phố Broadway trong bối cảnh biến thể Omicron lan mạnh, New York, Hoa Kỳ, ngày 27/12/2021. REUTERS – ANDREW KELLY

Đà lây lan thần tốc của Covid-19 dưới tác động của biến thể Omicron tiếp tục gây lo ngại khắp nơi. Tại Hoa Kỳ, dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất. Hôm 02/01/2021, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn chính của Nhà Trắng trong lãnh vực y tế đã báo động về tình trạng số ca nhiễm mới tại Mỹ đang gia tăng theo một đường “gần như thẳng đứng”.

Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CNN, ông Anthony Fauci cảnh báo là Hoa Kỳ “đang ở giữa một làn sóng (dịch bệnh) rất mạnh”, với một đà gia tăng các ca nhiễm nhanh “chưa từng thấy”, trung bình gần 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Đối với cố vấn về Covid-19 của Nhà Trắng, tình hình có thể dẫn đến nguy cơ số ca nhập viện tăng vọt khiến hệ thống y tế quá tải. Tuy nhiên, ông Fauci cũng cố trấn an khi khẳng định rằng trước mắt các ca nhập viện không tăng dữ dội.

Pháp đưa Mỹ vào danh sách đỏ của các nước bị hạn chế du lich

Trong tình hình các ca nhiễm mới tăng kỷ lục ở cả Mỹ lẫn Pháp, Paris vừa quyết định đưa Hoa Kỳ vào “danh sách đỏ” các nước mà công dân sẽ bị kiểm tra y tế nghiêm ngặt khi nhập cảnh Pháp.

Kể từ ngày 01/01/2022, những người chưa chích ngừa, hay tiêm ngừa chưa đầy đủ đến từ Mỹ sẽ phải cách ly 10 ngày dưới sự giám sát của nhà chức trách Pháp sau khi nhập cảnh. Quy định mới này nghiêm khắc hơn nhiều so với quy định cũ khi du khách “chỉ” phải cách ly 7 ngày và không bị kiểm soát.

Những du khách Mỹ đã có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ cũng sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính 48 tiếng đồng hồ trước chuyến bay.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bị nhiễm Covid
Như một dấu hiệu phản ảnh đà lan mạnh của dịch Covid tại Mỹ, ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa bị xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trong một thông cáo công bố hôm qua, 02/01/2022, Lầu Năm Góc cho biết là ông Austin đang có những triệu chứng “nhẹ”, và sẽ bị cách ly ở nhà trong 5 ngày tới.

Thông cáo nhắc lại rằng bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cả liều bổ sung (hay tăng cường), “có nghĩa là tình trạng nhiễm bệnh của ông nhẹ hơn nhiều so với những trường hợp khác”.  

Ông Austin nhân dịp này nhắc nhở: “Vac-xin vẫn có hiệu quả và sẽ vẫn là một yêu cầu quân y cho nhân viên bộ Quốc Phòng. Tôi tiếp tục khuyến khích tất cả những ai có đủ điều kiện là nên tiêm liều tăng cường”.

Joe Biden : Mỹ và đồng minh “đáp trả mạnh mẽ” nếu Nga xâm chiếm Ukraina

Thanh Hà

Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky từ phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, Washington, ngày 09/12/2021. AP – Susan Walsh

Tổng thống Hoa Kỳ một lần nữa trấn an đồng nhiệm Ukraina trước nguy cơ Matxcơva tấn công Kiev. Trong cuộc điện đàm hôm Chủ Nhật 02/01/2022, tổng thống Joe Biden nhắc lại Mỹ và đồng minh sẽ “đáp trả mạnh mẽ” trong trường hợp Nga xâm chiếm Ukraina.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Volodymyr Zelensky, nguyên thủ Mỹ cam kết về nguyên tắc Washignton sẽ “không làm bất cứ điều gì nếu không có sự đồng thuận” của Ukraina. Giới quan sát coi đây là một tín hiệu mạnh cho thấy Hoa Kỳ dành một chỗ đứng cho Ukraina trong các vòng đàm phán liên quan đến tương lai quốc gia này.

Ngoài ra, Joe Biden ủng hộ các biện pháp làm hạ nhiệt tình hình tại vùng Donbass, đông Ukraina, và những sáng kiến nhằm thúc đẩy trở lại thỏa thuận bốn bên Minsk. Theo thỏa thuận này, dưới sự bảo trợ của Pháp và Đức, Kiev cam kết cải tổ chính trị, đổi lại thì Matxcơva chấm dứt các biện pháp hỗ trợ phe thân Nga chủ trương đòi ly khai với Ukraina.

Về phía Kiev, sau cuộc trao đổi với Joe Biden, tổng thống Zelensky trên Twitter tuyên bố “đánh giá cao sự hỗ trợ không mai một mà Hoa Kỳ dành cho Ukraina”. Đôi bên đã đề cập đến những “hành động chung giữa Ukraina và Mỹ cũng như với các đối tác của Kiev nhằm duy trì hòa bình tại châu Âu, tránh để tình hình xấu đi thêm”.

Nga và Mỹ chuẩn bị đàm phán về hồ sơ Ukraina trong hai ngày 9 và 10/01/2022 tại Genève, Thụy Sĩ, dưới sự chủ trì của thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, Wendy Sherman và đồng cấp Nga, Serguei Riabkov. Đến này 12/01/2022, Nga – Mỹ sẽ gặp lại nhau trong khuôn khổ đối thoại giữa Matxcơva và đại diện của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, trước khi diễn ra hội nghị giữa Nga với Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE được dự trù vào ngày 13/01/2022.

Chính phủ Mỹ muốn gia hạn Trạm Vũ trụ Quốc tế đến năm 2030

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS : Ảnh minh họa. © NASA/Roscosmos/Handout via REUTERS

Đúng vào ngày cuối cùng của năm 2021, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) thông báo chính phủ Mỹ đã cam kết sẽ kéo dài hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), thêm 6 năm nữa. Quyết định của chính phủ Mỹ có ý nghĩa địa chính trị quan trọng, bởi Trạm ISS là hợp tác quốc tế chưa từng có giữa nhiều cường quốc và khối quốc gia, trong có Nga, vốn được coi là đối thủ với phương Tây trong nhiều lĩnh vực.

NASA thông báo tuổi thọ của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có thể sẽ được kéo dài đến năm 2030. Bà Nathalie Tinjod, phụ trách quan hệ quốc tế của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, giải thích về ý nghĩa địa chính trị của quyết định này:

“Thông báo này có ý nghĩa quan trọng về mặt địa chính trị, vì ISS là đối tác quốc tế lớn nhất trong hợp tác không gian, giữa Mỹ, Nga, Canada, Nhật và Châu Âu”, và mối quan hệ đối tác lớn như vậy nếu được bảo tồn sẽ có thể giúp cho việc cải thiện mức độ tin cậy giữa Nga và phương Tây trong các hoạt động trên Trái đất, “không dễ để người Nga và người Mỹ có thể hợp tác với nhau. Đây cũng là một thông điệp cho thấy ISS vẫn là một công cụ của ngoại giao không gian, một hợp tác cần phải được bảo vệ.”

Quyết định của chính phủ Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của các đối tác. Trên trang blog của NASA, lãnh đạo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, ông Nel Binson cho biết Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Canada, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Vũ trụ Nga (SSCR) đã thỏa thuận tiếp tục duy trì ISS trong phần còn lại của thập niên. Tập đoàn vũ trụ Nga Roscosmos từng đề xuất rời bỏ dự án vào năm 2025 để xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình, nhưng gần đây đã gửi một module phòng thí nghiệm đa năng mới lên ISS.

Được phóng vào năm 1998, Trạm Vũ trụ Quốc tế, nặng 419 tấn và dài 100 mét, hiện đã 20 năm tuổi, đã giúp đạt được những tiến bộ to lớn trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau. Tổng cộng có 16 quốc gia tham gia ISS. Một phi hành đoàn gồm sáu phi hành gia đảm nhiệm thường trực các hoạt động trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Sau quyết định từ Nhà Trắng, ngân sách để tiếp tục duy trì ISS thêm 6 năm nữa phải chờ Quốc Hội Mỹ phê chuẩn.

Putin và Erdogan thảo luận về yêu cầu của Nga đối với NATO

Phan Minh

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) trong một lần tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại khu nghỉ mát Sotchi, bên bờ Biển Đen của Nga, ngày 29/09/2021. AP – Vladimir Smirnov

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm vào hôm qua 02/01/2022 về những yêu cầu mà Matxcơva đưa ra đối với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nguyên thủ hai nước đã thảo luận các biện pháp nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Còn điện Kremlin cho biết lãnh đạo hai nước đã khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác cùng có lợi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, theo AFP, Matxcơva nói rõ là tổng thống Putin và Erdogan cũng đề cập đến các vấn đề quốc tế, bao gồm cả những đề xuất thiết lập các thỏa thuận chính thức nhằm bảo đảm an ninh của Liên bang Nga, cũng như tình hình ở Kavkaz và những vấn đề giải quyết các cuộc khủng hoảng Syria và Libya.  

Gần đây, căng thẳng cũng có gia tăng giữa Matxcơva và Ankara xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina, khi ông Putin chỉ trích đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho quân đội Ukraina các máy bay không người lái vũ trang, được sử dụng để chống lại lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina.  

Đổi lại, trong bối cảnh phương Tây lo lắng trong nhiều tuần qua về khả năng Nga xâm lược Ukraina khi Matxcơva bị cáo buộc đang điều quân tới khu vực biên giới nước này, Ankara tuần trước đã chỉ trích điện Kremlin đưa ra những yêu cầu “đơn phương” với NATO.  

Mặc dù là đối thủ của Nga trong nhiều hồ sơ quốc tế, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, lại có quan hệ khá gần gũi với Nga trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, đầu tư, dịch vụ, du lịch, thậm chí cả vũ khí, kỹ thuật quân sự và chương trình không gian. Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là khách hàng NATO duy nhất mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, và đã bị Mỹ và NATO kịch liệt phản đối. 

Tổng thống Hàn Quốc muốn thúc đẩy hòa bình với Bắc Triều Tiên

Phan Minh

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong buổi phát biểu chúc mừng năm mới ngày 03/01/2022. REUTERS – YONHAP NEWS AGENCY

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ sử dụng những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình để thúc đẩy một bước đột phá ngoại giao với Triều Tiên, bất chấp sự im lặng từ phía Bình Nhưỡng về những nỗ lực của nguyên thủ Hàn Quốc hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Hôm nay, 03/01/2022, nhân dịp năm mới, trong bài phát biểu cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống sẽ kết thúc vào tháng 5 tới, ông Moon Jae-in thừa nhận Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để cải thiện quan hệ liên Triều cho dù có nhiều thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm qua.

Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ: “Tôi hy vọng chính quyền tiếp theo vẫn sẽ tiếp tục đối thoại với Bình Nhưỡng.” Và cho biết thêm là Hàn Quốc sẽ nỗ lực đến cùng để bình thường hóa quan hệ liên Triều, hướng tới hòa bình bền vững. Theo nguyên thủ Hàn Quốc, nếu Seoul và Bình Nhưỡng nối lại đối thoại và hợp tác, cộng đồng quốc tế sẽ hưởng ứng.    

Về phần mình, trong bài phát biểu vào đêm giao thừa, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un không đề cập gì đến lời kêu gọi của ông Moon về việc chính thức tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 hay các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, bị đình trệ với Hoa Kỳ.  

Ông Moon đã nhiều lần họp thượng đỉnh với ông Kim, trong đó có một lần ở Bình Nhưỡng, trong thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán giữa hai bên vào năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán song phương bị đình trệ do bất đồng giữa hai nước khi cộng đồng quốc tế yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, còn Bình Nhưỡng kêu gọi Washington và Seoul giảm bớt các lệnh trừng phạt và từ bỏ các “chính sách thù địch” khác.

Kênh đào Suez Ai Cập đạt doanh thu kỷ lục trong năm 2021

Phan Minh

Một tầu chở hàng đi qua thị trấn Ismailia, kênh đào Suez, Ai Cập ngày 30/03/2021. AP – Ayman Aref

Theo đô đốc Oussama Rabie, chủ tịch, giám đốc Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA), trong năm 2021, kênh đào Suez đã phá nhiều kỷ lục, như kỷ lục về số lượng tàu qua lại, kỷ lục về trọng tải và trên hết là kỷ lục về doanh thu, với hơn 6 tỷ USD.

Hôm 02/01/2022, phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez cho biết cụ thể doanh thu trong năm 2021 đạt mức 6,3 tỷ đô la Mỹ (5,54 tỷ €), so với 5,6 tỷ vào năm 2020.

Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti cho biết thêm:

“Hơn hai mươi nghìn tàu chở gần một tỷ ba trăm nghìn tấn hàng hóa tương đương gần mười phần trăm thương mại thế giới, đã đi qua kênh đào Suez. Kỷ lục này sẽ còn cao nữa nếu kênh đào không bị đóng cửa một tuần vào tháng 3/2021 vì một tàu container bị mắc kẹt và cản trở tuyến đường thủy quốc tế này.

Nhưng quan trọng hơn đối với các nhà chức trách Ai Cập, đó là khoản tiền 5 tỷ rưỡi euro mà các con tàu phải trả khi đi qua đây, tăng 13% so với năm 2020, chiếm gần 3% tổng sản phẩm quốc gia của Ai Cập. Điều này đủ để trấn an các nhà chức trách Ai Cập, khi họ tăng 6% phí qua lại đối với hầu hết các tàu vào năm 2022.

Tuy nhiên, con số này vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với mức tăng gấp đôi doanh thu từ giờ đến năm 2023 được dự kiến trong quá trình mở rộng kênh đào Suez tốn kém hơn 7 tỷ euro vào năm 2015.”

Related posts