Nicole Hao
Người dân cho biết, hôm 08/01, chính quyền Trung Quốc đã niêm phong nhà của người dân ở Tây An nhưng không bố trí nguồn cung cấp thực phẩm đáng tin cậy. Sau khi bị phong tỏa gần ba tuần, họ cạn kiệt đồ ăn và gần như sắp phát điên.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng đợt bùng phát COVID-19 ở Tây An này đã được kiểm soát kể từ ngày 05/01. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch và đến tận hôm 11/01 thì người dân Tây An vẫn không thể đi đâu ra khỏi nhà.
“Tôi đã bao giờ bị chẩn đoán nhiễm COVID-19 đâu. Tại sao họ lại niêm phong cửa nhà tôi?” cô Thái Gia Dĩnh (Cai Jiaying, hóa danh), một cư dân cư trú tại Khu phức hợp Dung Thượng, Khu phố Trường Diên Bảo, quận Nhạn Tháp, Tây An, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 09/01. “Khu dân cư của chúng tôi đã bị phong tỏa 21 ngày. … Vào lúc bắt đầu [đợt phong tỏa này], tôi đã tự trấn an mình. Mấy hôm sau tôi thấy chán nản, và rồi cảm thấy thất vọng, rồi đến tuyệt vọng. Sáng nay, tôi đã nổi khùng lên”.
Cô Thái nói rằng cô và chồng mới chỉ mua được một ít thực phẩm trong ba tuần qua và không biết khi nào họ có thể mua thêm.
“Tôi e rằng chúng tôi sẽ không còn gì để ăn nữa. Chúng tôi không dám ăn no. Chúng tôi đi ngủ sau bữa ăn lúc 3 giờ đến 4 giờ mỗi buổi chiều. Chúng tôi ngủ nhiều hơn để tiết kiệm thức ăn,” cô Thái nói. Cô cho biết trong nhà giờ chỉ còn có một chén gạo nhỏ, 11 cân bột mì, bảy cốc mì ăn liền, một củ măng, và một ít thịt. “Chúng tôi có thể cầm cự với chỗ đồ ăn này nhiều nhất là một tuần”.
Những cư dân Tây An khác đã kể với The Epoch Times những câu chuyện tương tự trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Phong tỏa liên miên
Hôm 11/01, chính quyền Tây An thông báo rằng 9 khu dân cư trong thành phố đã được hạ xuống thành khu vực có nguy cơ thấp, nơi mọi người có ít cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, và 44 khu dân cư khác vẫn nằm trong các khu vực có nguy cơ cao hoặc nguy cơ trung bình.
Nhà cầm quyền không đề cập đến số lượng khu dân cư trong thành phố, cũng như chi tiết về các chính sách phong tỏa ở các khu vực có nguy cơ khác nhau.
Vào ngày 10/01, chính quyền địa phương đã công bố một tiêu chuẩn khác để phân chia thành phố, được gọi là “Khu vực Đóng cửa”, “Khu vực Kiểm soát”, và “Khu vực Phòng ngừa”. Nói chung, cư dân trong các khu vực Đóng cửa không được phép rời khỏi nhà của họ cho dù họ có khỏe mạnh hay nhu cầu đi ra ngoài cấp bách đến mức nào.
Nhà cầm quyền nói rằng các khu vực có thể được hạ mức nguy cơ nếu không có cư dân nào trong khu vực bị nhiễm virus Trung Cộng hoặc tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 trong 14 ngày qua, và tất cả cư dân đều có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ.
Virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới, là loại virus gây ra bệnh COVID-19.
Sinh kế ở Tây An
Bị khóa kín trong nhà hoặc trong ký túc xá, người dân ở Tây Âu đang sống trong khổ sở.
“Chúng tôi không biết làm cách nào để có được đồ ăn [sau khi chính quyền niêm phong nhà của chúng tôi]. Chúng tôi chỉ còn vài lá cải bắp ở nhà,” cô Từ Tê Như (Xu Qianru, hóa danh), một cư dân sống tại khu phố Trường Diên Bảo, quận Nhạn Tháp nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times vào ngày 09/01. “Chúng tôi liên tục gọi cho ban quản lý tổ dân phố, nhưng không ai bắt máy”.
Căn hộ của cô Từ đã bị niêm phong bởi ban quản lý vào tối ngày 08/01. Cô biết được từ những người hàng xóm của mình rằng tất cả các căn hộ trong khu phức hợp này đã bị niêm phong. “Vài ngàn gia đình trong khu phức hợp của chúng tôi cũng đều bị khóa kín ở trong nhà như chúng tôi … Cuộc sống của chúng tôi thực sự khó khăn,” cô Từ nói thêm.
“Chúng tôi đã ăn hết những đồ ăn còn trong nhà [trong những tuần qua trong thời gian phong tỏa] và chúng tôi không thể mua bất cứ thứ gì. Các ông [quan chức Tây An] có muốn hơn mười ngàn cư dân [trong khu phức hợp này] chết đói không?” anh Dương Hải (Yang Hai), một cư dân của Hằng Đại Thành (Evergrande) trên đường Đại Trại, quận Nhạn Tháp, đã phàn nàn trong một video được đăng trên các nền tảng mạng xã hội hôm 08/01.
Anh Dương đã chia sẻ những bức ảnh chụp khu dân cư, cho thấy nhà cầm quyền nước này đã dùng dây kim loại để phong tỏa khu dân cư và dùng giấy niêm phong ngoài cửa căn hộ.
“Các ông [các quan chức] có đối xử với chúng tôi, người dân, như động vật không?” anh Dương chỉ trích. “Chúng tôi không thể nhận được bất kỳ nguyên liệu nào [thực phẩm] sau khi các cánh cửa bị khóa chặt!”
Sinh viên đại học ở Tây An đã bị nhốt trong ký túc xá từ cuối tháng 12 năm ngoái và không được phép rời khỏi khu này, chưa kể việc về thăm nhà mặc dù một số nhà của họ ở trong thành phố này.
“Chúng tôi có sáu nữ ở chung một phòng … Chúng tôi ở trên giường tầng đơn trong hầu hết thời gian trong ngày,” cô Phúc Hoa (Fu Hua, hóa danh) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 08/01. “Chúng tôi học các chuyên ngành khác nhau và có lịch học khác nhau. [Kể từ khi đợt phong tỏa bắt đầu,] chúng tôi học online tại ký túc xá, và chúng tôi không thể tránh được việc làm ảnh hưởng đến người xung quanh”.
Cô Phúc nói rằng cô ấy cảm thấy thất vọng về đợt phong tỏa này. Cô ấy thậm chí có nguyện vọng được đi cách ly 14 ngày ở trung tâm nếu chính quyền cho cô được về nhà sau khi cô thực hiện cách ly.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Hồng Ân biên dịch