Hoa Kỳ trừng phạt 4 quan chức bị cáo buộc giúp Nga hủy diệt Ukraine

Mimi Nguyen Ly

Quốc kỳ Nga trên nóc đại sứ quán Nga ở Kyiv, Ukraine, vào ngày 18/09/2016. (Ảnh: Gleb Garanich/Reuters)

Hôm thứ Năm (20/01), chính phủ Hoa Kỳ đã trừng phạt bốn quan chức Ukraine mà họ cáo buộc có liên quan đến các hoạt động do chính phủ Nga hậu thuẫn nhằm gây bất ổn cho Ukraine.

Sự việc này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ cảnh báo sẽ có những hành động tiếp theo nếu Nga tiến hành một cuộc xâm lược vào Ukraine. Nga đã điều khoảng 100,000 quân đến biên giới với Ukraine, nhưng lại phủ nhận việc họ đang lên kế hoạch tấn công. Các quan chức Nga đang yêu cầu bảo đảm bằng văn bản rằng NATO sẽ từ bỏ bất kỳ hoạt động quân sự nào ở Đông Âu và Ukraine, nhưng các thành viên của liên minh này đã từ chối đưa ra những lời hứa như vậy.

Trong một thông cáo, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cáo buộc rằng bốn quan chức Ukraine đã “đóng nhiều vai trò khác nhau trong chiến dịch ảnh hưởng toàn cầu của Nga nhằm gây bất ổn cho các quốc gia có chủ quyền.” Các lệnh trừng phạt này có nêu tên hai thành viên hiện tại của quốc hội Ukraine, ông Taras Kozak và ông Oleh Voloshyn, cũng như hai cựu quan chức chính phủ, ông Volodymyr Oliynyk và ông Vladimir Sivkovich.

Chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc rằng cả bốn người này đều đã tham gia vào các nỗ lực làm sai lệch thông tin của cơ quan an ninh liên bang của Nga (FSB) để tạo cớ cho một cuộc xâm lược tiềm tàng nữa vào Ukraine.

“Nga đã sử dụng các chiến thuật kết hợp, bao gồm tung thông tin sai lệch và các chiến dịch gây ảnh hưởng khác, để gây bất ổn cho Ukraine trong nhiều năm,” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố. “Năm 2020, các quan chức của Điện Kremlin đã đưa ra một bản kế hoạch hoạt động thông tin toàn diện được thiết kế một phần nhằm làm suy giảm khả năng hoạt động độc lập của nhà nước Ukraine; những cá nhân được chỉ định ngày hôm nay đã đóng những vai trò quan trọng trong chiến dịch đó.”

Ông Kozak, người kiểm soát một số kênh tin tức ở Ukraine, bị cáo buộc đã khuếch đại những câu chuyện sai sự thật nhằm bôi nhọ những người thân cận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và cáo buộc gian dối rằng ông quản lý yếu kém, theo Bộ Tài chính.

Trong khi đó, ông Voloshyn bị cáo buộc đã câu kết với các thủ phạm người Nga để làm hại các quan chức chính phủ Ukraine, và cũng được cho là đã bắt tay với ông Konstantin Kilimnik mang quốc tịch Nga, người trước đó từng bị trừng phạt vì cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020, Bộ Tài chính cho biết.

Ông Kozak và ông Voloshyn là thành viên trong đảng chính trị của ông Viktor Medvedchuk, đồng minh nổi bật nhất của Điện Kremlin ở Ukraine. Ông Medvedchuk đã bị quản thúc tại gia vào năm ngoái (2021) trong một vụ án phản quốc. Trước đó, Hoa Kỳ đã trừng phạt ông Medvedchuk vào năm 2014 vì vai trò của ông trong việc phá hoại chủ quyền của Ukraine.

Ông Sivkovich, người trước đây từng là Phó thư ký hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine, bị cáo buộc đã hợp tác với các nhà hoạt động tình báo Nga vào năm 2021 trong các hoạt động gây ảnh hưởng để hỗ trợ Ukraine chính thức nhượng Crimea cho Nga để đổi lấy việc rút bớt các lực lượng do Nga hậu thuẫn. Vào năm 2014, quân đội Nga đã chiếm khu vực Crimea của Ukraine và sau đó sáp nhập vào bán đảo Biển Đen.

Ông Oliynyk, người đã từng trốn khỏi Ukraine để tị nạn ở Nga, năm ngoái bị cáo buộc đã làm việc với FSB để thu thập thông tin về cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

“Hoa Kỳ đang hành động để vạch trần và chống lại chiến dịch gây ảnh hưởng và tung thông tin sai lệch nguy hiểm và đe dọa của Nga ở Ukraine,” Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi cam kết thực hiện các bước để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động gây bất ổn của họ.”

Các biện pháp trừng phạt đó có nghĩa là tài sản và quyền nắm giữ tài sản của bốn cá nhân này ở Hoa Kỳ hoặc thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của các cá nhân Hoa Kỳ đều sẽ bị phong tỏa và phải được báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) của bộ này. Tất cả các giao dịch liên quan đến các tài sản bị phong tỏa này hoặc bốn cá nhân này cũng đều bị cấm.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi tại Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc để bắt đầu năm thứ hai tại chức của ông hôm 19/01/2022. (Ảnh: Mandel Ngan/Getty Images)

Các biện pháp trừng phạt này được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Joe Biden nói rằng ông tin Nga “sẽ chuẩn bị tấn công” vào Ukraine. Ông Biden cũng cảnh báo Tổng thống Nga Putin rằng Nga sẽ phải trả “giá đắt” bằng những sinh mạng bị mất và có thể bị hạn chế quyền truy cập vào hệ thống ngân hàng toàn cầu nếu họ làm điều đó.

Hôm thứ Tư (19/01), Đảng Cộng Hòa và các quan chức Ukraine đã chỉ trích bình luận của ông Biden nói rằng ông có thể đã chiêu mời một cuộc xâm lược hạn chế của Nga bằng cách nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng bằng một phương thức đáp trả có chừng mực trong trường hợp có “một cuộc xâm lược nhỏ”. Các quan chức chính phủ ngay lập tức cố gắng làm rõ bình luận của ông, và bản thân ông Biden cũng đã làm vậy hôm thứ Năm.

“Tôi đã nói rõ hoàn toàn với Tổng thống Putin,” ông Biden nói hôm thứ Năm. “Ông ấy không hiểu lầm: bất kỳ, bất kỳ đơn vị nào của Nga được tập hợp để di chuyển qua biên giới Ukraine, thì đó chính là một cuộc xâm lược.”

Ngay trước khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được công bố, ông Zelensky đã nói trên Twitter, “Chúng tôi muốn nhắc nhở các cường quốc rằng không có cuộc xâm lược và quốc gia nào được coi là nhỏ. Cũng như không có thương vong và không có nỗi đau vì mất mát những người thân yêu nào là nhỏ bé cả.”

Hôm thứ Tư, ông Biden cho biết nhóm của ông đang xem xét các biện pháp trừng phạt khả thi nhằm vào hệ thống ngân hàng Nga để hạn chế khả năng “giao dịch bằng dollar.”

Hôm thứ Năm, Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, một thành viên Đảng Dân Chủ ở New Hampshire, người đồng dẫn đầu phái đoàn lưỡng đảng tới Ukraine vào cuối tuần trước, nói với các phóng viên rằng bà hiểu chính phủ vẫn đang phân tích tác động đối với các quốc gia khác sẽ ra sao nếu Nga bị cấm tham gia SWIFT, một hệ thống ngân hàng giúp lưu thông dòng tiền trên khắp thế giới.

Tuần trước (10-16/01), Tòa Bạch Ốc đã cảnh báo rằng Nga đã đồn trú các lực lượng đặc nhiệm trong và xung quanh Ukraine, có thể là nhằm mục đích tạo tiền đề cho một cuộc xâm lược.

Cô Mimi Nguyen Ly là một biên tập viên phụ trách phân công công việc và là phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có chuyên môn về thị lực. Quý vị có thể liên lạc với cô tại mimi.nl@epochtimes.com.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts