Jenny Li
Trung Quốc đang củng cố chính sách dịch bệnh zero COVID dành cho Tết Nguyên Đán sắp tới của Trung Quốc nhằm cắt giảm luồng di chuyển của người dân và bảo đảm thế vận hội diễn ra suôn sẻ. Những người lao động thời vụ xa nhà đang bị đe dọa bỏ tù nếu họ “ác ý” về quê, và một số chính quyền địa phương đã khuyến khích việc trình báo về những người có tiếp xúc gần với các ca nhiễm bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp tài chính.
Hôm 20/01/2022, chính quyền thành phố Tân Thành ở tỉnh Sơn Đông đã tuyên bố thưởng 100–500 nhân dân tệ (16–78 USD) cho những người trình báo thông tin liên quan đến việc ngăn ngừa và kiểm soát biến thể Delta và sự lây truyền biến thể Omicron. Thông tin được coi là có giá trị bao gồm những người giữ lại thông tin về lịch sử lưu trú cá nhân khi đi đến các vùng khác và ra ngoại quốc, những người che giấu việc di chuyển của cá nhân khi tiếp xúc gần với ca nhiễm bệnh, trường hợp nghi nhiễm, người nhiễm bệnh không có triệu chứng, người đi bí mật ra ngoài khi bị giám sát tại nhà; và những người tụ tập tại các cuộc tụ họp, tại đền chùa, và các buổi lễ.
Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng những cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn vì Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh chỉ còn hai tuần nữa sẽ khai mạc. Theo đó, người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ban hành chỉ thị vào ngày 04/01/2022, nhấn mạnh rằng thế vận hội này phải được vận hành một cách ổn định.
Tuy nhiên, kể từ ngày 24/01, các ca nhiễm mới tại địa phương đã được phát hiện ở Bắc Kinh. Hôm 17/01, ông Thái Kỳ (Cai Qi), Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, đã yêu cầu tăng cường “chính sách zero” để “bảo đảm thành công của Thế vận hội Mùa Đông” và yêu cầu người dân “ăn Tết ở Bắc Kinh và không được rời thành phố trừ khi cần thiết.” Lễ hội quan trọng này của Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 30/01 đến ngày 06/02 theo quy định chính thức về ngày lễ.
Họa sĩ Bắc Kinh Trương Nhạc (Zhang Le, bí danh) nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ sẽ không ngần ngại làm bất cứ điều gì cần thiết, bất kể thiệt hại về quyền lợi của người dân, vì giữ thể diện trong Thế vận hội Mùa Đông. “ĐCSTQ chưa bao giờ đối xử với người dân như những con người. Trong quá khứ, đảng này sử dụng một hệ thống nhà tù có lưới điện… và bây giờ họ dùng chính sách zero để đóng băng dòng người lưu động.”
Tháng trước, hơn 80,000 cư dân quận Bình Cốc ở Bắc Kinh, nơi Trương Nhạc sinh sống, đã được yêu cầu làm xét nghiệm acid nucleic, được cho là do có tiếp xúc gần với các ca nhiễm bệnh.
Theo họa sĩ Trương, chính sách zero của ĐCSTQ lợi bất cập hại. Việc xét nghiệm acid nucleic trên diện rộng không những không đạt được mục tiêu “xóa sổ virus” mà còn làm tăng khả năng lây nhiễm.
Hôm 20/01, ông Đổng Hồng (Dong Hong), huyện trưởng huyện Đan Thành, thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, cho biết tại một cuộc họp rằng những người về quê sẽ bị “cách ly và giam giữ”. Đoạn video về những phát ngôn của ông đã lan truyền trên mạng và gây ra sự phẫn nộ trong công chúng.
Ông Đổng sau đó đã giải thích thêm rằng bất cứ ai không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch và trở về nhà với “ác ý” sẽ bị cách ly trước khi bị tạm giam. Nhưng câu nói đó đã càng khiến dư luận phẫn nộ hơn.
Họa sĩ Trương nói: “Tại sao lại gọi việc người dân trở về quê nhà của họ là ác ý? Về quê ăn Tết, đoàn tụ với thân nhân họ hàng là phong tục của người Trung Quốc. Năm nào cũng vậy. Bản thân việc gọi phong tục đó là ‘về quê có ác ý’ tự nó đã là vô nhân đạo và phi lý rồi!”
Để hạn chế làn sóng về quê, chính quyền địa phương ở một số vùng cũng đã thuyết phục người dân không về quê trong dịp Tết Nguyên Đán bằng cách phát hành trợ cấp, phiếu giảm giá tiêu dùng, và cung cấp chỗ đậu xe miễn phí.
Hôm 08/01, chính quyền thành phố Hợp Phì của tỉnh An Huy đã phát một khoản tiền thưởng cho những người ở lại Hợp Phì từ ngày 26/01 đến ngày 09/02/2022, với mức 1,000 nhân dân tệ (khoảng 157.97 USD)/người, theo hãng thông tấn nhà nước CCTV.
Tại thành phố Ninh Ba của tỉnh Chiết Giang, trợ cấp tiêu chuẩn cho những người không trở về là 100–500 nhân dân tệ (16–78 USD)/người/ngày. Chính quyền thành phố Thiệu Hưng đã thưởng 500-1,000 nhân dân tệ (78–158 USD) cho nhân viên ở lại; và chính quyền thành phố Ôn Châu đã tặng 50,000–100,000 nhân dân tệ (7,898–15,800 USD) cho các doanh nghiệp như một động lực để giữ nhân viên ngoại tỉnh ở lại làm việc.
Theo họa sĩ Trương, việc ĐCSTQ ngăn không cho người dân về quê ăn Tết là vi phạm các nguyên tắc tiến triển của bệnh truyền nhiễm, vì virus Omicron đã được quốc tế phát hiện là tương đương với bệnh cúm, với tỷ lệ tử vong rất thấp.
Dưới sự ngăn chặn dòng người nghiêm ngặt của ĐCSTQ, các ga tàu trở nên vắng lặng và trống trải. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hôm 17/01 thường là ngày đầu tiên của làn sóng về quê ăn Tết, nhưng sảnh chờ của ga Tây Bắc Kinh “có vẻ hơi vắng”. Lối vào của ga Nam Bắc Kinh cũng vắng tanh, không có hành khách xếp hàng đông đúc như những năm trước. Tại khu vực tập kết xe buýt ở quảng trường phía bắc của ga Nam Bắc Kinh, hành khách trên sân ga cũng chỉ thưa thớt.
Tại ga Trịnh Châu, một trung tâm giao thông, có rất ít hành khách trên quảng trường phía đông và quảng trường phía tây thì đã bị đóng cửa. Làn đường xe hơi vắng tanh, trong vòng vài trăm mét chỉ có vài người đi bộ qua lại.
The Guardian đưa tin dẫn lời bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết vào ngày 22/01 rằng cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với đại dịch ngày càng ngày càng giống như một gánh nặng, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và toàn cầu.
Cô Jenny Li đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2010. Cô đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền, và quan hệ giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cô đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và hải ngoại.
Việt Phương biên dịch