Nga phủ quyết Nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ lên án cuộc tấn công vào Ukraina

Cao Dương

Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu trong cuộc họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại thành phố New York, 25/02/2022. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu về nghị quyết lên án Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu một chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Ukraina. (David Dee Delgado / Getty Images)

Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án Matxcơva vì cuộc tấn công vào Ukraina và loại bỏ Nga như một thành viên thường trực. Trung Quốc, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã bỏ phiếu trắng.

Ngày 25/2/2022, có 11 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết lên án Nga vì cuộc chiến tại Ukraina, và nhằm loại bỏ Nga ra khỏi vị trí thành viên thường trực tổ chức này. Ngoài Nga bỏ phiếu chống lại dự thảo nghị quyết này, thì Trung Quốc, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã bỏ phiếu trắng.

Nga có quyền phủ quyết bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào tại Liên Hợp Quốc (LHQ) vì nước này là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Các thành viên thường trực khác là Mỹ, Anh, Pháp, và Trung Quốc.

Trung Quốc đã vấp phải cơn mưa chỉ trích khi tiến hành gỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với Nga, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang áp đặt các lệnh trừng phạt. 

Ấn Độ và Nga có một lịch sử giao dịch vũ khí lâu dài, mà giao dịch gần đây nhất là vào tháng 12/2021. Nhưng Ấn Độ cũng đang vun đắp quan hệ đối tác an ninh với Mỹ. 

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang xem xét một thỏa thuận hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình với Nga, sau khi một thỏa thuận tương tự với Mỹ đã không đi đến kết quả. 

Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho biết, dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã không xem xét đến việc Kiev liên tục vi phạm các thỏa thuận Minsk. Theo ông, “cách mà chính quyền Maidan, lên nắm quyền do kết quả của một cuộc đảo chính vi hiến ở Kiev vào tháng 2/2014, đã mở ra một cuộc chiến chống lại người dân ở phía đông của đất nước [Ukraina], bao vây các khu dân cư yên bình với đại bác và nhiều hệ thống phóng tên lửa và thả bom xuống cư dân Donetsk và Lugansk”. 

Thỏa thuận Minsk 2 được ký kết vào tháng 2/2015, nhằm giải quyết xung đột kéo dài trước đó giữa Ukraina và phe đòi độc lập ở phía đông là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR). Trong thỏa thuận này có 13 điểm, và 9 điểm trong số đó là về ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến. 

Trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraina, thì DPR và LPR đã nhiều lần cáo buộc Ukraina pháo kích vào khu vực của mình. Còn Ukraina vẫn luôn phủ nhận, và cáo buộc ngược lại rằng chính các phe ly khai đã pháo kích. 

Hiện tại, trong Hiến chương LHQ không có cơ chế loại bỏ một thành viên thường trực ra khỏi Hội đồng Bảo an LHQ. Nghị quyết vừa bị Nga phủ quyết đã kêu gọi sửa đổi Điều 23 của Hiến chương LHQ — vốn đặt ra một danh sách những quốc gia thành viên thường trực — để loại Nga ra. 

Sau khi Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết, những quốc gia đề xuất nghị quyết có thể kêu gọi bỏ phiếu về một biện pháp tương tự trước toàn thể Đại hội đồng LHQ, nơi không tồn tại quyền phủ quyết. Nhưng theo tờ Epoch Times, hiện tại vẫn chưa có thời gian biểu cho một cuộc bỏ phiếu như vậy. 

Cao Dương

Related posts