Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Người dân chạy tìm nơi trú ẩn, đằng sau là một ngôi nhà đang bốc cháy trong trận pháo kích ở thành phố Irpin, ngoại ô Kyiv, hôm 04/03/2022. (Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty Images) Tây Dương

Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến tình hình về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine kể từ ngày 06/03/2022.


Ukraine tuyên bố tướng thứ hai của Nga thiệt mạng

Cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết, một tướng Nga đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh xung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nơi mà các lực lượng Nga đã cố gắng chiếm giữ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Cơ quan này xác định người thiệt mạng là Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, 45 tuổi, và cho biết ông đã chiến đấu với các lực lượng Nga ở Syria và Chechnya và từng tham gia đánh chiếm Crimea vào năm 2014.

The Epoch Times chưa thể xác nhận cái chết của vị tướng này một cách độc lập. Nga chưa đưa ra bình luận nào.

Một vị tướng khác của Nga đã bị thiệt mạng trước đó trong cuộc giao tranh. Một tổ chức sĩ quan địa phương ở Nga đã xác nhận cái chết ở Ukraine của Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, tướng chỉ huy Sư đoàn Dù số 7 của Nga.

Ông Sukhovetsky cũng tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.


Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ không sử dụng lính nghĩa vụ ở Ukraine

Hôm thứ Ba (08/03), Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ không sử dụng bất kỳ lính nghĩa vụ nào ở Ukraine.

“Tôi nhấn mạnh rằng những người lính nghĩa vụ không tham gia vào các cuộc chiến và sẽ không tham gia. Và sẽ không có thêm một lệnh điều động nào cho quân trừ bị nữa,” ông Putin nói trong một thông điệp trên truyền hình nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ.


Hoa Kỳ gửi thêm quân, xe tăng đến Âu Châu 

Hôm 07/03, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ đã ra lệnh khai triển thêm 500 binh sĩ tới Âu Châu để tăng cường lực lượng đã đồn trú sẵn ở đó.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn, “Những nhân viên bổ sung này đang được bố trí, hiển nhiên là để phản ứng với môi trường an ninh hiện tại do cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraine, và chắc chắn là để giúp củng cố và tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của liên minh NATO.”

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh điều động sau khi nói chuyện với Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley và người đứng đầu Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ, Tướng Tod Wolters, một quan chức quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ nói với các phóng viên trong một cuộc gọi với điều kiện ẩn danh.


Bulgaria có thể tìm kiếm ngoại lệ đối với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU đối với khí đốt và dầu của Nga

Hôm thứ Hai (07/03), Thủ tướng Kiril Petkov cho biết, Bulgaria ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Nga như một biện pháp để ngăn chặn cuộc xâm lược của họ vào Ukraine, nhưng có thể sẽ tìm kiếm một ngoại lệ đối với việc cấm nhập cảng dầu và khí đốt tự nhiên của Nga nếu một đề nghị như vậy được đề ra.

Ông Petkov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, “Bulgaria sẽ ủng hộ tất cả các loại biện pháp, bởi vì chúng tôi thực sự phản đối chiến tranh, nhưng hai mặt hàng này (dầu và khí đốt), có lẽ chúng tôi sẽ yêu cầu một ngoại lệ… Hiện tại chúng tôi không có các giải pháp thay thế, chúng tôi quá phụ thuộc.”

Ông cho hay, “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ người dân Ukraine, chúng tôi ủng hộ gói trừng phạt đầu tiên, thậm chí chúng tôi cũng cởi mở với các biện pháp trừng phạt khác, chỉ riêng hai lệnh trừng phạt này, sẽ rất khó cho chúng tôi với tư cách là một nền kinh tế và một quốc gia.”

Là thành viên của cả EU và NATO, Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom của Nga, trong khi nhà máy lọc dầu duy nhất của họ, do Lukoil của Nga sở hữu, cung cấp hơn 60% nhiên liệu được sử dụng trong nước.

Đức, nước mua dầu thô lớn nhất của Nga, đã bác bỏ kế hoạch cấm nhập cảng năng lượng, một lập trường mà ông Petkov ủng hộ.


Tổng thống Macron: Đàm phán kết thúc chiến tranh sẽ không diễn ra trong những tuần tới

Hôm thứ Hai (07(03), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không mong đợi một cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh ở Ukraine sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Ông cho biết ông đã nói với nhà lãnh đạo Nga rằng một lệnh ngừng bắn phải diễn ra trước khi có bất kỳ cuộc đối thoại thực sự nào, nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã từ chối, khiến các cuộc đàm phán thường xuyên của họ “gặp khó khăn”.

“Tôi không nghĩ rằng sẽ có một giải pháp thương lượng thực sự trong những ngày và tuần tới,” ông Macron nói tại một diễn đàn ở Poissy, ngoại ô phía tây nam của Paris, trong cuộc vận động tranh cử đầu tiên để gia hạn nhiệm kỳ của mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư tới.

Ông nói rằng ông Putin đang phạm phải một “sai lầm lịch sử” với cuộc chiến đọ sức của ông ấy với “những người anh em” Ukraine. Ông Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng người dân của tất cả các quốc gia… “và bảo đảm rằng không quốc gia nào, không dân tộc nào bị sỉ nhục.”


Đức từ chối lời kêu gọi cấm dầu Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz bác bỏ lời kêu gọi cấm dầu và khí đốt của Nga, nói rằng năng lượng nhập cảng từ Nga là “cần thiết” đối với Đức.

“Hiện tại, nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động sản xuất nhiệt, di chuyển, cung cấp điện và công nghiệp của Âu Châu không thể được bảo đảm bằng bất kỳ cách nào khác. Do đó, nguồn này có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công và cuộc sống hàng ngày của công dân chúng ta,” ông nói trong một tuyên bố.

Ông nói thêm: “Đó là lý do tại sao việc để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp năng lượng với Nga tiếp tục hoạt động là một quyết định tự chủ từ phía chúng tôi.”

Ông cho hay, Âu Châu đã cố ý tránh trừng phạt các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.


Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán thứ ba

Hôm thứ Hai (07/03), các phái đoàn Nga và Ukraine đã tập hợp cho vòng đàm phán thứ ba tại Belarus.

Một nhà đàm phán Ukraine tại các cuộc đàm phán với Nga cho biết một số tiến triển đã đạt được trong việc thỏa thuận về hậu cần cho việc di tản dân thường, nhưng trên quy mô rộng hơn, các cuộc đàm phán vẫn chưa có kết quả.

Trong một tuyên bố qua video được đăng tải trên mạng xã hội, nhà đàm phán Mykhailo Podolyaks cho biết hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về lệnh ngừng bắn.

Các nhà đàm phán Nga cho biết họ không có những diễn biến tích cực để báo cáo sau các cuộc đàm phán với Ukraine và cảnh báo không nên kỳ vọng vòng tiếp theo sẽ mang lại kết quả cuối cùng.

Các cuộc đàm phán “không hề dễ dàng. Còn quá sớm để nói về điều gì đó tích cực,” nhà đàm phán Vladimir Medinsky nói sau cuộc hội đàm. “Hy vọng rằng lần tới chúng ta có thể tiến một bước dài hơn.”

Nga mong đợi một vòng đàm phán khác với Ukraine sẽ diễn ra trong tương lai gần, nhà đàm phán Nga Leonid Slutsky nói với đài truyền hình nhà nước Nga. Ông cho biết ngày diễn ra cuộc đàm phán có thể được xác định vào thứ Ba (08/03).


Ba Lan sẽ không gửi chiến đấu cơ đến Ukraine

Hôm thứ Hai (07/03), các quan chức chính phủ Ba Lan cho biết Ba Lan chưa, và sẽ không gửi chiến đấu cơ của họ đến Ukraine để hỗ trợ Ukraine phòng thủ chống lại Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Marcin Przydacz cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Radio Zet rằng: “Chúng tôi sẽ không mở các phi trường của mình và phi cơ của Ba Lan sẽ không chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine… Phi cơ của Ba Lan sẽ không chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine.”

Một phát ngôn viên khác của chính phủ, ông Piotr Mueller, nói rằng quyết định cung cấp phi cơ vẫn đang được thảo luận trong NATO, nhưng cho biết thêm rằng “ở giai đoạn này, có vẻ như một quyết định như vậy sẽ không được đưa ra,” theo một bản dịch tuyên bố của ông, do truyền thông Ba Lan đưa tin.

Các bình luận này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi Hoa Kỳ giúp Kyiv có thêm chiến đấu cơ để chống lại sự xâm lược của Nga và duy trì quyền kiểm soát không phận của mình.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Thịnh Đốn đang xem xét một đề nghị theo đó Ba Lan sẽ cung cấp cho Kyiv các chiến đấu cơ thời Liên Xô và đổi lại sẽ nhận các phi cơ F-16 của Mỹ để bù đắp cho tổn thất của họ.


Điện Kremlin tuyên bố hành động quân sự của Nga ‘trong chớp mắt’ sẽ dừng lại nếu Ukraine đáp ứng các điều kiện

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang yêu cầu Ukraine dừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để trở nên trung lập, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk là các lãnh thổ độc lập.

Ông Peskov nói với Reuters rằng Nga đã nói với Ukraine rằng họ sẵn sàng dừng hành động quân sự “trong chớp mắt” nếu Kyiv đáp ứng các điều kiện của họ.

Đó là tuyên bố thẳng thắn nhất của Nga từ trước đến nay trong số các điều kiện mà nước này muốn áp đặt đối với Ukraine để cho ngừng cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hiện đã bước sang ngày thứ 12.

Ông Peskov cho biết Ukraine đã biết về các điều kiện. “Và họ đã được thông báo rằng toàn bộ sự việc này có thể được dừng lại trong chớp mắt.”

Về vấn đề trung lập, ông nói: “Họ nên sửa đổi hiến pháp để theo đó Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định gia nhập bất kỳ khối nào. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách thay đổi hiến pháp.”

Phát ngôn viên Điện Kremlin khẳng định Nga không tìm cách đưa ra thêm bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với Ukraine.

“Chúng tôi thực sự đang hoàn tất việc phi quân sự hóa Ukraine. Chúng tôi sẽ hoàn tất việc này. Nhưng vấn đề chính là Ukraine dừng hành động quân sự. Họ nên dừng hành động quân sự của mình và sau đó sẽ không ai khai hỏa nữa,” ông nói.

“Họ nên sửa đổi hiến pháp của họ, theo đó Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định gia nhập bất kỳ khối nào. Chúng tôi cũng đã nói về cách họ nên công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và họ cần công nhận rằng Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Và chỉ thế thôi. Chiến dịch quân sự sẽ dừng lại trong chớp mắt,” ông Peskov nói với Reuters.

Việc ông Peskov đưa ra các yêu cầu của Nga diễn ra trong bối cảnh các phái đoàn từ Nga và Ukraine chuẩn bị gặp nhau vào thứ Hai (07/03) cho vòng đàm phán thứ ba nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Cuộc xâm lược được phát động từ ngày 24/02 này đã gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất ở Âu Châu kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và khiến toàn thế giới phẫn nộ.


Ukraine từ chối các hành lang dẫn tới Nga và Belarus

Hôm thứ Hai (07/03), một quan chức cao cấp của Ukraine đã từ chối đề xướng của Nga về việc di tản dân thường từ đất nước bị bao vây này sang Nga và Belarus.

“Đây là một lựa chọn không thể chấp nhận được để mở các hành lang nhân đạo,” Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk cho biết tại một cuộc họp.

Theo đề xướng của Nga, các lựa chọn duy nhất cho dân thường chạy khỏi Kyiv và các vùng ngoại ô của thủ đô này là tới Gomel ở nước láng giềng Belarus. Thường dân ở Kharkiv và Sumy ở miền đông Ukraine sẽ phải chạy nạn đến thành phố Belgorod của Nga.

Belarus là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Putin.

Chính phủ Ukraine đang đề nghị tám hành lang nhân đạo, bao gồm một hành lang từ cảng Mariupol ở phía nam, cho phép dân thường đi đến các khu vực phía tây Ukraine, nơi không có pháo kích của Nga.

“Chúng tôi yêu cầu Liên bang Nga ngừng thao túng và lạm dụng lòng tin của các nhà lãnh đạo Pháp, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ấn Độ,” bà Vereshchuk nói.

Related posts