Các nhà quản lý hàng đầu của Bắc Kinh gấp rút cứu vãn niềm tin của thị trường khi các nhà đầu tư bắt đầu hoang mang bán cổ phiếu Trung Quốc trong nhiều ngày liên tiếp, đẩy các chỉ số chính xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Chỉ số công nghệ Hang Seng của Hồng Kông đã mất khoảng 22% kể từ thứ Sáu (11/03), cổ phiếu ở Thượng Hải và Thâm Quyến cũng có mức giảm hàng ngày lần lượt là 5% và 4%.
Cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng không khá hơn. Cổ phiếu liên quan đến công ty hoạt động tại Trung Quốc đại lục (China Concept stock) đã lỗ khoảng 277 tỷ USD trong ba ngày, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và Chỉ số Rồng vàng Trung Quốc của NASDAQ đã giảm 75% lũy tích so với mức đỉnh điểm hồi tháng Hai năm ngoái (2021).
Hôm 16/03, Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) của chính quyền này đã chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính, kêu gọi các cơ quan chính phủ đưa ra các chính sách thân thiện với thị trường và thận trọng khi đưa ra các biện pháp có thể gây tổn hại thị trường.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cũng đã triệu tập một cuộc họp cùng ngày để chuyển tải sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cuộc họp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ứng kịp thời với “các xu hướng thị trường nóng” và để “phục hồi niềm tin” – nhắc lại một cụm từ mà ông Lưu đã nêu ra trong cuộc họp Nội các. Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc họp riêng biệt để đáp lại lời kêu gọi của ông Lưu.
Bản tóm tắt cuộc họp của các cơ quan quản lý chứng khoán có đoạn viết: “Sự biến động thị trường trong ngắn hạn không và sẽ không thay đổi sự tăng trưởng lành mạnh trong dài hạn của nó.”
Hàng loạt các bảo đảm chính thức được đưa ra khi cổ phiếu Trung Quốc chao đảo trong bối cảnh bất ổn định do các cuộc phong tỏa COVID-19 của Trung Quốc, sự bất bình quốc tế ngày càng tăng về mối quan hệ của Bắc Kinh với Nga, và cuộc trấn áp quy định tiếp tục ở cả Hoa Kỳ và trong nước, bao gồm nguy cơ nhiều công ty đại lục bị hủy niêm yết từ các sàn giao dịch của Hoa Kỳ.
Nhưng một học giả Trung Quốc liên kết với một học viện quốc gia nổi tiếng đã tìm cách đổ lỗi về những tai ương thị trường của nước này cho Hoa Kỳ.
Ông Trương Minh (Zhang Ming), phó giám đốc Viện Tài chính & Ngân hàng thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết trong một bài luận hôm thứ Ba (15/03) rằng mặc dù cuộc chiến Ukraine đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu, nhưng điều đó không thể giải thích cho sự sụt giảm nghiêm trọng của cổ phiếu Trung Quốc, đặc biệt là những cổ phiếu niêm yết tại Hoa Kỳ.
Ông Trương tuyên bố rằng các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là những người đến từ Hoa Kỳ, đã “bán khống cổ phiếu Trung Quốc trên khắp các thị trường.”
Ông nói: “Trong bối cảnh rộng lớn của cuộc xung đột Nga-Ukraine, việc bán khống cổ phiếu Trung Quốc đã trở thành một lựa chọn ‘đúng đắn về mặt chính trị’ đối với một số nhà đầu tư tại Wall Street.
Tuần trước, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư lần đầu tiên nêu đích danh 5 công ty Trung Quốc, bao gồm cả nhà điều hành KFC Yum China Holdings, có thể bị hủy niêm yết do không đáp ứng các yêu cầu kiểm toán theo luật pháp Hoa Kỳ. Hành động này đã gây ra một đợt bán tháo lớn đối với các biên nhận ký thác tại Mỹ (ADR) của các công ty Trung Quốc.
Các nhà quản lý Hoa Kỳ từ lâu đã tìm cách tiếp cận tất cả các giấy tờ kiểm toán đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh đã từ chối cung cấp các dữ liệu như vậy với lý do bí mật nhà nước. Một luật năm 2020, Đạo luật Buộc các Công ty Ngoại quốc Chịu trách nhiệm, cho các công ty Trung Quốc ba năm để cho phép Hoa Kỳ kiểm tra trước khi đối mặt với việc bị hủy niêm yết.
Yêu cầu các quan chức cao cấp của Trung Quốc đưa ra những bảo đảm công khai về triển vọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc là một cách mà ông Trương đề xướng để xoa dịu các nhà đầu tư đang lo lắng. Lời khuyên khác của ông bao gồm việc nới lỏng các biện pháp quản lý và ngăn chặn việc các nhà đầu tư ngoại quốc rút lui, chẳng hạn như áp thuế đối với các giao dịch tài chính để hạn chế dòng vốn bất thường.
Với việc Bắc Kinh hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng là 5.5% trong năm nay, các nhà hoạch định chính sách của họ thực sự đã không mất nhiều thời gian để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán tăng trở lại sau các nhận xét trên. Các cổ phiếu công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent Holdings và Alibaba Group lần lượt tăng 23% và 27%. Ngay cả những cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quản lý sâu rộng của Trung Quốc năm ngoái cũng phản ứng tích cực. Chẳng hạn, Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ Phương Đông mới đã tăng 37%.
Ông Stephen Innes của SPI Asset Management cho biết trong một bản tin: “Những thông báo này không có nhiều ý nghĩa riêng lẻ, nhưng về mặt tổng quan, chúng hàm ý rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không ngồi yên.”
Bất chấp lời hứa của các quan chức về việc hỗ trợ niêm yết ở ngoại quốc, sự đối kháng đối với Hoa Kỳ dường như vẫn dai dẳng.
Trong một bài báo gần đây được đăng tải rộng rãi trên các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, ông Trương Vân Đông (Zhang Yundong), cựu giám đốc Cục quản lý và giám sát thị trường Thâm Quyến, đã kêu gọi nền tài chính Trung Quốc “đi theo con đường riêng của mình” và phá bỏ “sự mê tín đối với mô hình tài chính của Hoa Kỳ.”
Ông tiết lộ sự nghi ngờ sâu sắc đối với vốn nước ngoài, nói rằng Trung Quốc nên thiết lập một hệ thống giám sát thời gian thực đối với cổ phiếu ngoại quốc và hạn chế một cách có chiến lược các quỹ đầu cơ ngoại quốc vào thị trường Trung Quốc.
Bà Eva Fu là một nhà văn ở New York cho The Epoch Times tập trung vào các mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo và nhân quyền. Liên hệ với bà Eva tại eva.fu@epochtimes.com
Vân Du biên dịch