Hạ viện Mỹ thông qua việc hủy quy chế ‘tối huệ quốc’ với Nga, Belarus

Bình luận • 12:27, 18/03/22 19 lượt xem    

Hạ viện Mỹ thông qua việc hủy quy chế 'tối huệ quốc' với Nga, Belarus
Trái) Tổng thống Mỹ Joe Biden Alexandria, Virginia, ngày 28/5/2021. (Mandel Ngan / AFP qua Getty Images); (phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Cung điện Tauride, ở Saint Petersburg, Nga, ngày 27/4/2021. (Alexei Danichev / Sputnik / AFP qua Getty Images)

Hạ viện Mỹ ngày 18/3 thông qua dự luật đình chỉ quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, nhằm trừng phạt Moscow khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Dự luật nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng, với 424 phiếu thuận và chỉ 8 phiếu chống. Cả 8 phiếu phản đối đều đến từ các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, theo CNN.

Biện pháp này yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ cố gắng đình chỉ sự tham gia của Nga vào Tổ chức Thương mại Thế giới và ngăn chặn việc Belarus gia nhập tổ chức này. Dự luật đang chờ Thượng viện xem xét.

Việc Hạ viện thông qua dự luật này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ hỗ trợ Ukraine một cách mạnh mẽ hơn.

Vào tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ cùng các đồng minh quyết định tước bỏ quy chế “tối huệ quốc” của Nga, tức hủy bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường với Moscow, Reuters đưa tin.

“Tối huệ quốc” là nguyên tắc then chốt của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Theo nguyên tắc này, một thành viên WTO cần phải đảm bảo đối xử công bằng với các nước khác về phương diện thuế quan và quy định pháp lý. Quốc gia chủ nhà có nghĩa vụ trao cho mọi quốc gia thành viên của WTO những ưu đãi về thương mại tối thiểu ở mức tương đương với bất cứ quốc gia thành viên nào khác của WTO.

Cũng trong ngày 11/3, Tổng thống Biden cho biết sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới với Nga, như cấm nhập khẩu rượu vodka, kim cương, thủy sản. Đồng thời, Mỹ sẽ dừng xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ phẩm sang Nga.

Mất đi đãi ngộ “tối huệ quốc” đồng nghĩa với việc một số hàng hóa nhập khẩu từ Nga sẽ chịu mức thuế cao.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết tội ác chiến tranh đã xảy ra tại Ukraine và Washington đang thu thập bằng chứng để chứng minh điều này. Nga cũng đang tìm kiếm bằng chứng của họ.

“Việc cố ý nhắm vào dân thường là tội ác chiến tranh”, ông Blinken nói tại buổi họp báo hôm 17/3 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông cũng bổ sung rằng “khó có thể kết luận rằng Nga không nhắm vào dân thường” khi nhắc lại các sự việc như Nga oanh tạc trường học, bệnh viện và nhà hát – những nơi mà người dân đang ẩn náu, từ đó cho rằng đây là một phần trong “danh sách rất dài các vụ tấn công vào địa điểm dân sự khắp Ukraine”.

Tổng thống Biden kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga

Tổng thống Joe Biden đã công bố vòng trừng phạt mới nhất mà Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt đối với Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự hiện đã kéo dài hàng tuần của Nga ở Ukraine.

Trong một bài diễn văn hôm thứ Sáu (11/03), Tổng thống Biden cho biết, ông sẽ ký dự luật của lưỡng đảng nhằm hủy bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Nga với Hoa Kỳ, khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc kinh doanh với phương Tây.  Tổng thống Joe Biden công bố các biện pháp kinh tế mới chống lại Nga trong Phòng Roosevelt ở Nhà Trắng hôm 11/03/2022. (Ảnh Getty Images)

Ông Biden cho biết, hành động chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga được thực hiện với sự hợp tác của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Liên minh Châu Âu.

“[Tổng thống Nga Vladimir] Putin phải trả giá”, ông Biden nói. “Ông ấy không thể theo đuổi một cuộc chiến đe dọa đến chính nền tảng của hòa bình và ổn định quốc tế, và sau đó yêu cầu sự giúp đỡ tài chính từ cộng đồng quốc tế”.

Ông Biden cũng cho biết, Hoa Kỳ đang cấm nhập cảng các mặt hàng như hải sản, rượu vodka, và kim cương từ Nga. Hoa Kỳ cũng cấm xuất cảng hàng hóa xa xỉ vào Nga và tăng danh sách các cá nhân Nga bị trừng phạt.

Những biện pháp mới nhất này là bổ sung cho lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với nhập cảng năng lượng từ Nga cũng như các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với các hệ thống tài chính Nga và các cá nhân trong vòng tròn nội bộ của ông Putin.

Ông Biden đã ca ngợi về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt này, lưu ý tới việc đồng Rúp bị giảm giá trị, thị trường chứng khoán Nga tiếp tục đóng cửa, và tài sản bị tịch thu từ các nhà tài phiệt Nga.

Sau thông báo của Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ra một tuyên bố cho biết Hạ viện đã sẵn sàng với dự luật để thu hồi PNTR khỏi Nga, dựa trên lệnh cấm dầu Nga được thông qua hôm thứ Tư (09/03)

“Khi Hạ viện trở lại làm việc vào tuần tới, chúng tôi sẽ xem xét dự luật để chính thức hóa việc thu hồi này, và chúng tôi hy vọng rằng dự luật đó sẽ nhận được một cuộc bỏ phiếu với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng”, tuyên bố của bà Pelosi viết. “Cuộc chiến tranh vô cớ, được tính toán trước của ông Putin là một cuộc tấn công vào người dân Ukraine và là một cuộc tấn công vào nền dân chủ”.

Được một phóng viên hỏi vào hôm thứ Sáu, ông Biden nói rằng mặc dù ông không thảo luận về thông tin tình báo, nhưng ông Putin sẽ “phải trả một cái giá đắt nếu sử dụng vũ khí hóa học”.

Tổng thống Biden và các quan chức chính phủ khác đã nhiều lần nói rằng, họ không muốn leo thang cuộc xung đột ở Ukraine thành một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Nga và Hoa Kỳ không có ý định gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.

Hoa Kỳ đã tăng viện trợ trực tiếp cho Ukraine trong hai tuần qua với 107 triệu USD và Quốc hội đã thông qua một kế hoạch chi tiêu trong đó có 13.6 tỷ USD viện trợ cho quốc gia này. Hoa Kỳ cũng tiếp tục gửi viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine, vì cuộc xung đột này đã khiến khoảng 2 triệu người Ukraine trở thành người tị nạn.Huyền Anh

Related posts