Dmitri Prokofyev
Ngân Xuyên dịch
Một trong những huyền thoại đẹp nhất xung quanh tên tuổi và số phận của nhà vật lý lỗi lạc Niels Bohr (1885-1962, giải Nobel vật lý 1922) là huyền thoại về tấm huy chương Nobel của ông.
Trong chiến tranh, Đan Mạch, nơi Niels Bohr sinh sống và làm việc, bị nước Đức Quốc xã chiếm đóng trong một chiến dịch quân sự đặc biệt. Quân đội Đan Mạch không sẵn sàng chống lại Wehrmacht. Nhưng người dân – công nhân, nông dân, trí thức – đã tìm mọi cách chống lại kẻ thù. Vì vậy, Niels Bohr từ chối hợp tác với các nhà vật lý của Đệ tam Đế chế, và không ai có thể nói chính quyền chiếm đóng sẽ làm gì với ông.
Niels Bohr quyết định rời đất nước và đến Thụy Điển. Nhưng làm thế nào để mang huy chương vàng Nobel qua biên giới được? Lính Quốc xã bám theo từng miếng vàng theo đúng nghĩa đen, việc mang nó ra khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bị cấm ngặt. Vì thế Niels Bohr đã cho hoà tan tấm huy chương của mình trong nước nước cường toan – một hỗn hợp của axit sulfuric và hydrochloric. Tại đồn biên phòng, không ai chú ý đến chai chất lỏng trong hành lý của nhà khoa học, và Bohr đã mang được “dung dịch vàng” đi an toàn. Và sau chiến tranh, người ta đã chiết xuất lại vàng từ dung dịch đó đúc một một huy chương mới cho Niels Bohr.
Đó là một huyền thoại, tuy đẹp. Còn chuyện thực kịch tính hơn nhiều.
Sau khi Karl von Ossietzky, một chiến sĩ chống phát xít và kẻ thù của Hitler nhận giải Nobel Hòa bình năm 1935, chính quyền Đệ tam Đế chế bắt đầu yêu cầu các nhà khoa học Đức từ chối giải thưởng Nobel.
Nền khoa học Đức vào thời điểm đó đang đứng đầu thế giới, các nhà khoa học Đức thường xuyên được nhận các giải thưởng về vật lý hoặc hoá học khiến nhiều nước phát ghen. Sự thật phần đông trong số họ có nguồn gốc châu Âu, điều này khiến Đức Quốc xã vô cùng tức giận, nói trắng ra về sự tồn tại của khoa học “Do Thái” và “Aryan”. Do sức ép của nhà nước phát xít khi đó, các nhà hóa học người Đức Richard Kuhn và Adolf Butenandt, cũng như bác sĩ Gerhard Domagk, đã buộc phải từ chối giải Nobel.
Thực tế hồi đó các nhà khoa học bất đồng với chế độ không còn có thể ở lại Đức, và Niels Bohr đã dùng viện nghiên cứu của ông ở Copenhagen làm nơi ở và nơi làm việc cho những người bị truy bức. Ngoài ra, Max von Laue và James Frank hai nhà vật lý được giải Nobel vật lý và là những người chống phát xít quyết liệt, đã trao huy chương của họ cho Niels Bohr cất giữ – phòng khi họ bị bắt thì quân Hitler không thể tịch thu được các giải thưởng bằng vàng.
Nhưng vào tháng 4 năm 1940, khi quân lính Wehrmacht diễu hành trên các đường phố ở Copenhagen, Niels Bohr nhận ra chẳng mấy nữa viện ông sẽ bị khám xét. Thế là ông giao cho một cộng sự của mình, nhà hóa học xuất sắc và là người đạt giải Nobel sau này György de Hevesy, giấu các huy chương của đồng nghiệp bằng cách… hòa tan chúng trong axit. Như chính Hevesy sau này nhớ lại, “đây hóa ra là một công việc rất khó khăn, vì vàng là một kim loại không phản ứng.” Hevesy rất tự hào rằng mình đã thực hiện được mệnh lệnh của Niels Bohr: quân Đức đã lục soát viện nghiên cứu từ trên xuống dưới theo đúng nghĩa đen, nhưng… chúng không tìm thấy vàng nào cả.
Còn huy chương của chính Niels Bohr thì ở đâu? Nó không còn nữa – nói đúng hơn là nó không còn ở chính chủ. Vào tháng 3 năm 1940, Niels Bohr đã đề xuất bán huy chương của mình trong một cuộc đấu giá để ủng hộ Quỹ Cứu trợ Phần Lan. Quỹ này được thành lập vào đầu Chiến tranh Mùa đông 1939-1940, sau khi nhà báo Wilhelm Muberg kêu gọi người dân Thụy Điển: “Phần Lan là một quốc gia nông dân. Trước hết, nông dân Phần Lan ngày nay đang đấu tranh cho tự do của họ, cho những người thân của mình, cho đất đai, nhà cửa và quê hương của họ. Người nông dân Phần Lan đang đổ máu hết sức dũng cảm để bảo vệ những giá trị cao đẹp thiết thân! Những người nông dân Thụy Điển không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh này ”.
Trước khi Chiến tranh Mùa đông kết thúc, các chủ đồn điền Thụy Điển và các tổ chức từ thiện của họ đã quyên góp được khoảng 100 triệu Kron Thuỵ Điển (tính theo tiền tệ ngày nay) và trao cho chính phủ Phần Lan. Và sau chiến tranh, các gia đình Thụy Điển đã nhận vào nhà của họ hơn 70.000 trẻ em Phần Lan buộc phải rời bỏ quê hương mình. Trong số chúng có nhiều người sống ở các vùng lãnh thổ đã trở thành một phần của Liên Xô trước chiến tranh.
Niels Bohr đã bán huy chương vàng Nobel của mình để giúp cho những đứa trẻ Phần Lan đó vào ngày 12 tháng 3 năm 1940. August Krogh, người đạt giải Y học, cũng đã bán giải thưởng của mình. Cả hai tấm huy chương này đã một người giấu tên mua và tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Đan Mạch ở Frederiksborg, nơi chúng vẫn được lưu giữ.
Còn hai tấm huy chương của các nhà khoa học Đức hòa tan trong axit đã được “trả lại” cho chủ nhân của chúng vào năm 1950, khi György de Hevesy chiết xuất vàng từ axit và chuyển nó cho Viện Hàn lâm Thụy Điển. Von Laue và Frank đã nhận được các bản sao giải thưởng của họ. Tất cả họ đều là những anh hùng Kháng Chiến – mỗi người trong số họ, với khả năng tốt nhất của mình, đã ngăn cản việc thực hiện các kế hoạch của Hitler.
Vì vậy, quyết định của Dmitry Muratov bán huy chương của mình để góp tiền giúp những đứa trẻ buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình ở Ukraine là có tính biểu tượng sâu sắc. Năm 1940, hai nhà vật lý và y học Đan Mạch đã trao giải thưởng của họ cho những người bị truy bức; ngày nay, vào năm 2022, một nhà báo Nga đang làm việc đó.
Nhưng giải thưởng của Dmitry Muratov – đó là tấm huy chương Nobel Hòa bình đầu tiên trong lịch sử phục vụ cho sự nghiệp hòa bình theo một cách khác thường như thế – phù hợp với tấm gương tuyệt vời mà Niels Bohr và các đồng nghiệp của ông đã từng nêu ra cho thế giới.
(novayagazeta.ru 22/3/2022)
Nguồn: FB Phạm Xuân Nguyên