Cách phòng chống dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) cực đoan của chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần khiến công chúng phẫn nộ biểu tình. Ngày 21/3 ở quận Nam Sơn – Thâm Quyến lại xảy ra cuộc biểu tình lớn.
Những người biểu tình đã hò hét và đập phá các trạm kiểm soát chống dịch khiến người dân không thể ra ngoài. Ngày 24/3, Epoch Times đã phỏng vấn người dân tại quận Nam Sơn.
Phong tỏa cả khu vực không có ca nhiễm
Cô Lin Nan (biệt danh) ở quận Nam Sơn – Thâm Quyến nói rằng hàng xóm của cô đã chết trong khi cơ quan chức năng phong tỏa dịch bệnh, thi thể thối rữa khiến xung quanh ai cũng sợ hãi nhưng cơ quan chức năng giấu không cho biết rõ tình hình:
“Người chết là đàn ông 37 tuổi ở gần nhà chúng tôi, tôi không biết vì sao anh ấy chết. Nhiều người nói rằng anh ấy bị nhốt nên chết, nhưng chúng tôi không biết rõ ràng.”
“Tối hôm đó, ngay sau khi chúng tôi ăn xong, những người mặc quần áo trắng đẩy xe vào và mang anh ấy ra. Nhưng không ai trong chúng tôi được phép ra ngoài. Khi đẩy ra phải đi ngang qua chỗ chúng tôi nhưng chúng tôi không thể thấy vì xe đẩy bị trùm kín.”
“Người ta nói với chúng tôi rằng gia đình anh ấy không thể liên lạc được với anh ấy, có người quen thân đã báo cho ban quản lý, khi đến xem thì thấy điều đó (anh ấy đã chết).”
“Người bên khu chúng tôi không biết anh ta chết như thế nào, có người nói chết đói, có người nói vì uất ức, không ai biết rõ”.
Phát ngôn xúc phạm người dân trong khi xét nghiệm axit nucleic
Lin Nan cho rằng cuộc biểu tình xảy ra vào ngày 21/3 là do nhân viên xét nghiệm axit nucleic xúc phạm người phụ nữ đang dắt đứa bé, khiến dư luận phẫn nộ. Cô nói:
“Xung đột bắt đầu vào thứ Hai (21/3). Chúng tôi đã bị phong tỏa trong một tháng mới được phát cho một ít đồ [lương thực]. Hàng tuần khi mọi người lên tiếng mới phát cho một chút, nếu không họ chẳng phát gì…”
“Chúng tôi phải xét nghiệm axit nucleic, yêu cầu đến từng người một. Có một cô dắt con, khi làm cô ấy đứng cách xa cả mét, người nhân viên làm xét nghiệm yêu cầu cô ấy đứng lại gần…”
“Sau đó người phụ nữ nói chẳng phải khi xét nghiệm axit nucleic cần đứng cách xa một mét sao? Người nhân viên kia mắng mỏ rất khó nghe. Anh ta nói tốt nhất nên nhốt các người vài tháng hoặc thậm chí cả năm không cho ra… Vậy là nổ ra xung đột và nhân viên an ninh phải đến ngăn chặn…”
Bí thư quận Nam Sơn né tránh và gọi cảnh sát
Lin Nan cho biết sau cuộc biểu tình, người dân tiếp tục yêu cầu nhà chức trách dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Bí thư quận Nam Sơn đã đến địa điểm biểu tình và hứa sẽ cho người dân một lời giải thích nhưng ông ta cứ khất lần. Cô kể rằng bí thư quận Nam Sơn đến muộn, hơn 10:00 sáng mọi người đã đến cổng sắt biểu tình, yêu cầu bí thư ra ngoài giải quyết sự việc, nhưng bảo vệ nói rằng vào buổi chiều bí thư mới đến làm việc.
“Chúng tôi đến cổng sắt lúc 14:30 và đợi ông ta, mãi đến hơn 15:00 ông ta mới đến. Chúng tôi nói chuyện suốt hai tiếng đồng hồ. Ông ta nói bây giờ phải đi họp, hẹn trả lời vào buổi tối. Ông ta hẹn lúc 20:00 và bảo tất cả mọi người đợi ở cổng sắt. Nhưng đến 20:00 ông bí thư vẫn ngồi ở nhà hàng thịt nướng cạnh cổng sắt mà không chịu đi ra, phải 30 phút sau mới đi ra.”
“Nhưng ông ta cũng không có phản hồi cụ thể gì. Ông ta trả lời chúng tôi rằng phải quay lại cuộc họp, chuyên gia từ trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trả lời rằng đây là phong tỏa 14 + 7. Chúng tôi đã bị giam trong 14 ngày mà ông ta còn nói không có làm sai gì.”
Lin Nan nói rằng không có trường hợp bị nhiễm COVID-19 nào trong khu vực của cô, nhưng lại bị phong tỏa. Bí thư không những không đáp ứng yêu cầu dỡ bỏ chốt chặn cho người dân mà còn huy động cảnh sát và đe dọa bắt người:
“Bí thư mà không giải quyết được gì, không thể trả lời những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra lại cho gọi nhiều cảnh sát và còn có cảnh sát đặc nhiệm, chặn toàn bộ con đường của chúng tôi.”
“Cảnh sát đến bằng 3 chiếc xe buýt, cũng có vài chiếc xe máy, buổi tối ông ta (bí thư) nói nếu chúng tôi còn chống đối sẽ đưa chúng tôi đi, chúng tôi liền giải tán vì nhiều người sợ bị bắt giam.”
Cuộc sống ngột ngạt vì vật giá quá cao
Lin Nan nói:
“Cánh cổng sắt khu chúng tôi đã đóng vào ngày 23/2 khiến không thể ra ngoài, dù vào ngày 26/2 mới chính thức phong tỏa. Đến lúc 2:30 ngày 12/3 mới được mở trong hai giờ và sau đó lại bị đóng lại. Sau thời gian này lại đóng thêm 14 ngày nữa.”
“Vật giá tại địa phương đang tăng cao, trong khi mọi người không thể ra ngoài làm việc, một số người không thể chịu đựng được và muốn nhảy khỏi tòa nhà.”
“Gọi cho ban quản lý họ không nghe máy, giá cả cao hơn nhiều so với bình thường. Thường một phần rau là gần 3 tệ nhưng bây giờ giá hơn 6 tệ hoặc hơn 7 tệ.”
“Đặt mua đồ ăn mang tới cũng được, nhưng lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để đặt mua mãi, một tháng không có việc làm. Nhiều người còn phải trả tiền nhà và tiền vay mua xe…”
“Việc phong tỏa kéo dài khiến nhiều người rơi vào tình trạng trầm uất. Ngay bên cạnh chúng tôi có một người đàn ông định nhảy khỏi tòa nhà nhưng bị chúng tôi kéo lại. Đêm qua có một người đàn ông đã bị nhốt trong một thời gian dài, ông ta bị cao huyết áp, đã đánh đứa con trai chỉ mới ở tuổi vị thành niên…”
Theo Phụng Hoa, Epoch Times