Tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính của Apple, một lần nữa cho hai nhà máy của họ ở Côn Sơn, Trung Quốc ngừng hoạt động, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện các quy tắc cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt ở nhiều vùng của đất nước để chống lại sự lây lan của biến thể Omicron trong tháng Ba.
Hôm 22/04, Côn Sơn đã báo cáo 23 ca nhiễm virus Trung Cộng mới, tăng so với số ca nhiễm một chữ số vào tuần trước đó.
Chính sách zero COVID-19 mới của Bắc Kinh yêu cầu thực thi các biện pháp cách ly khắc nghiệt, bao gồm cả việc buộc phải phong tỏa toàn bộ những khu dân cư nào có ca nhiễm, thay vì phụ thuộc vào chích ngừa hàng loạt.
Hàng triệu cư dân trong khu vực này hiện đang chính thức bị phong tỏa hay nói cách khác là quản thúc tại gia kể từ khi đợt bùng phát mới này ập đến vào tháng Ba, vì số ca nhiễm mới mỗi ngày đã tăng lên hơn 20,000.
Côn Sơn, thành phố có 2.1 triệu dân ở tỉnh ven biển phía đông Giang Tô, cách trung tâm công nghệ lớn của Thượng Hải 32km về phía đông, nơi đã bị phong tỏa nghiêm trọng trong nhiều tuần.
Thành phố này là nơi có nhiều nhà máy do một số công ty điện tử Đài Loan điều hành.
Thâm Quyến, Thung lũng Silicon của Trung Quốc, đặt 17.5 triệu cư dân của mình trong tình trạng cách ly nghiêm ngặt, sau tuyên bố [áp đặt] chính sách zero COVID của ĐCSTQ vào tháng Ba.
Nam Quảng Đông, một trung tâm công nghệ khác, cũng áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn thành phố trong cùng tháng.
Hai nhà máy Foxconn, đặt tại Điện Phát và Phú Hoằng ở phía bắc Côn Sơn, là hai trong bốn cơ sở sản xuất do công ty Đài Loan điều hành.
Foxconn lần đầu tiên thành lập nhà máy tại Côn Sơn vào năm 1993, sau khi được phép mở rộng hoạt động sang Đồng bằng sông Dương Tử, bao gồm thành phố lớn Thượng Hải, tỉnh Giang Tô và tỉnh ven biển Chiết Giang.
Doanh thu tích lũy của Foxconn từ nhà máy ở Côn Sơn kể từ năm 1993 đã tạo ra khoảng 44.6 tỷ USD cho công ty.
Tất cả các hoạt động tại hai nhà máy này được cho là đã bị tạm dừng kể từ ngày 20/04 theo chỉ thị của chính quyền ĐCSTQ, sau khi nhiều công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Theo các quan chức dân sự địa phương, hàng chục nghìn công nhân sống trong hai khu ký túc xá Côn Sơn đã bị phong tỏa nghiêm ngặt.
Bất chấp các cuộc phong tỏa, Foxconn vẫn có thể tiếp tục hoạt động ở Thâm Quyến hai ngày sau khi ngừng hoạt động ở đó, bằng cách cách ly công nhân của mình với xã hội bên ngoài.
Các nhân viên của công ty ở Thâm Quyến được đưa đi chuyển lại giữa các ký túc xá thuộc sở hữu của công ty đến nhà máy để tránh tiếp xúc với những người không phải là công nhân ở bên ngoài và thực hiện các xét nghiệm COVID-19 định kỳ.
“Hệ thống vòng khép kín” của công ty này sau đó đã được bố trí sang trung tâm sản xuất khác của họ ở Đông Hoản.
Đầu tuần trước, các quan chức ĐCSTQ ở Côn Sơn đã đủ tự tin để cấp phép cho 60 công ty mở lại cơ sở sản xuất của họ, với việc chính phủ địa phương kỳ vọng sẽ giảm bớt các hạn chế đi lại và cho phép các hoạt động sản xuất được tiếp tục.
Chính quyền Côn Sơn, giống như các thành phố khác trong khu vực, trước đó đã thực thi một đợt phong tỏa trên toàn thành phố trong tháng này vì biến thể Omicron và khả năng lây lan virus từ Thượng Hải.
Tuy nhiên, sự kiện Foxconn đột ngột dừng hoạt động nhà máy ở Côn Sơn hồi tuần trước đã khiến các công nhân bất ngờ, một đòn giáng mạnh vào công ty, họ hy vọng rằng “hệ thống vòng khép kín” đổi mới sẽ giúp công ty tiếp tục hoạt động.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/04 với Al-Jazeera, quyền phát ngôn viên Jimmy Huang của Foxconn, cho biết cơ sở chính của công ty vẫn đang hoạt động và họ đang chuyển hoạt động sản xuất sang các địa điểm khác trong nỗ lực giảm bớt chuỗi cung ứng đang suy yếu của công ty.
Ông Huang cho biết: “Do trước đây việc sản xuất đã được khai triển đến các nhà máy dự phòng, sản phẩm chính của nhà máy được đặt tại các kho vận chuyển ở hải ngoại và lượng hàng tồn kho vẫn đủ nên tác động đến hoạt động kinh doanh của công ty là rất hạn chế.”
Apple phụ thuộc vào Foxconn để bù đắp nguồn cung iPhone và iPad, sau khi hai nhà cung cấp Đài Loan khác của họ ở Côn Sơn là Pegatron và Compal Electronics đã tạm ngừng hoạt động.
Chuỗi cung ứng của đại công ty công nghệ Mỹ tại Trung Quốc hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, vì hầu hết các nhà cung cấp thiết bị điện tử quan trọng của họ ở Trung Quốc Đại lục hiện đang phải tạm ngừng sản xuất.
Chiến lược zero COVID-19 của ĐCSTQ đang làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc lao dốc, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng.
Các nhà đầu tư ngoại quốc đã rút tiền của họ ra khỏi thị trường Trung Quốc, với khoảng 7 tỷ USD cổ phiếu sở hữu ngoại quốc tại Trung Quốc được rút ra vào tháng Ba.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đối mặt với sự tấn công mạnh nhất của dịch bệnh trong vòng hai năm trở lại đây, với doanh số bán lẻ trên khắp Trung Quốc giảm 2% trong tháng Ba, giảm 3.5% so với một năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đã tăng lên kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đại dịch hiện nay, lên 5.8%.
Ông Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Ông tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Nhật Thăng biên dịch