Nguyễn Thơ Sinh
Ngày 27/04/2022
Cuối cùng tháng tư đã hạ màn. Đối với thế giới và nhiều người Việt trẻ nó chỉ là một thời khắc của niên lịch, bình thường như bao nhiêu thời khắc khác trong năm. Tỷ như… Cuối tháng hai. Cuối tháng ba. Cuối tháng bảy. Cuối tháng mười hai… Tất cả chỉ là một cột mốc vật lý để người ta tiện bề liên hệ các sự kiện trong cuộc sống. Đại thể họ sẽ bảo, trước 30-04-1975 thế này, hay sau 30-04-1975 thế nọ. Tháng tư đen. Tháng tư đỏ. Vân vân và vân vân.
Một dạo, đặc biệt khi khi Internet chưa xuất hiện, thời gian trôi đi khá ậm ạch. Ngày ấy quỹ thời gian không bị chia năm, sẻ bảy, không có nhiều thứ bắt người ta phải “phân thây” đối phó với chúng. Mọi thứ xem ra không quá multi-track ép người ta phải multi-task để không rơi vào cảnh sợ mình bị tụt hậu – FOMO (fear of missing out). Thế là quỹ thời gian 24h/ngày của một cá nhân bị xáo trộn. Thời gian bị đổ oan là đứa đầy mánh khóe, gian xảo và quỷ quyệt đã lặng lẽ âm thầm bòn rút, bớt xén giá trị của tài khoản thời gian. Để rồi thiên hạ tròn mắt nhìn nhau: Oh my God, không thể nào tin được nữa. Đã cuối tháng tư rồi?
Lịch sử trôi đi, nó tròn như cái bánh xe đá của người nguyên thủy, nghiến lên trục gỗ lăn trên một lộ trình khúc khuỷu gập gềnh. Sao cũng được. Khi cái áo đã cũ, khi tờ giấy trắng không còn tinh khiết song đã bị vày xước bởi những vệt mực, người ta sẽ không mặn mà với việc gìn giữ nó tinh khiết mãi nữa. Bài học ấy hình như ai cũng có ít nhiều liên hệ cá nhân ở những mức độ khác nhau, nhập nhằng song vẫn có thể lần ra manh mối (nếu người ta đủ kiên nhẫn).
Cột mốc 30-04-1975 cuối cùng đã ngủ yên?
Chuyện đúng sai, thôi, không bàn đến nữa.
Có câu: Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, đúng quá phải không thưa quý vị. Thời gian trôi đi. Câu thơ nào còn giữ được nguyên vẹn hình hài một thuở. Chiều trên phá Tam Giang, anh sực nhớ em. Nhớ bất tận (Tô Thùy Yên). Hay: Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về, thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi. Đêm lạc loài. Giấc ngủ mồ côi (Trúc Phương). Những khúc hát. Những vần thơ. Những nụ hôn của thời binh đao khói lửa.
Thế hệ nào cũng sẽ lưu lại dấu vân tay của mình trên dải ngân hà thời gian (vốn) luôn luôn tịnh tiến. Có những thứ thời cha mẹ, ông bà chúng ta sống (được coi) là điểm son cốt lõi, đến thời đại chúng ta chúng đã nhuốm một lớp bụi thời gian khá dày. Rồi đến lượt thế hệ con cháu chúng ta, nghe người lớn kể lại chuyện xưa vài đứa có thể lĩnh hội được đôi điều, đa số nghe truyện mà cứ trố mắt như nghe kinh Phạn. Có đứa còn bật cười hô hố. Ôi. Là thế. Thời gian trôi đi như những bậc đá dẫn lên đỉnh ghềnh chót vót. Ta đã để lại dấu chân của mình đâu đó. Cỗ tràng hạt nào bị đứt dây, tuột hạt, văng vãi tứ tung. Câu kinh nào còn vẳng lại từ cõi sâu thăm thẳm của tấm lòng vị tha, lòng thật muốn quên đi vết thương của gần 50 năm về trước nhưng mãi đến phút sắp sửa chạm tay vào bức tường thời gian bước qua thế giới bên kia mới kịp nhận ra: Ôi. Đúng là… Thế thời. Thời thế. Thời phải thế!
Ba mươi tháng tư lại về. Vâng. Những người Việt một thời lăn lộn với biết bao nếm mật nằm gai, những giây phút sinh tử, những va quật. Máu Việt cộng và máu Lính Cộng hòa tuôn ra từ vết thương ai chẳng đỏ. Rồi người đàn bà gánh gồng thúng mẹt bánh trái phiên chợ quê, gặp Việt Cộng nằm vùng bị truy sát vội vã cứu (dù chồng chị là Lính Quốc gia). Hay ngược lại. Chị ở Thái Bình, gặp lính đặc công trong tình cảnh nguy hiểm đã nhanh chóng che chở (dù chồng chị đang trong diện đi B). Cứ thế. Lịch sử (khi bị lũng đoạn) đã làm ngơ trước những chi tiết rất đỗi tình người, đôn hậu và chứa chan những ân tình cao thượng ấy. Thay vào đó, lịch sử (sau khi được nhào nặn) chỉ đề cao những chiến công, những tấm gương, những kỳ tích, thậm chí phải hư cấu, vẽ vời, tô màu cho thêm phần điển hình hóa. Là thế. Chẳng trách ai được. Tâm lý chiến và các chiến dịch tuyên truyền tẩy não luôn là một trong hai cái vế của cái bản lề thiện ác, tranh giành từng trái tim hồn nhiên để cố đấm ăn xôi trong cái trò khư khư giữ bằng được tấm bài vị đường lối chính sách (vốn) phải được công nhận là bất khả sai.
Ôi. Ba mươi tháng tư. Gần 50 năm rồi đấy. Chợt giật mình. Những đứa trẻ ngày đó đỏ hỏn, da mỏng, đít teo, xám ngoắt, chòi đạp giãy dụa bật ra nhịp thở đầu tiên bởi cuống nhau đã bị cắt (nhịp cầu nối duy nhất giữa thai phụ và đứa trẻ). Sự sống là thế. Nó không phải là một trò đùa tử tế. Tất cả phải đánh đổi về từ khát khao mãnh liệt nhất. Giọt sữa đầu tiên. Và lời ru thiết tha cùng với bao trận sốt cao, sởi, ho, suyễn… Đứa trẻ lớn dần (nếu nó may mắn). Đầy năm (thôi nôi) bỗng trở thành cột mốc quan trọng. Người ta bày ra trên cái mẹt những thứ để đứa nhỏ lựa chọn. Lược. Tiền. Nón. Hoa. Búp bê. Bút chì… Tự nhiên có đứa cầm lên con dao bằng nhựa. Phải chăng ngay từ thuở ấy em đã trở thành đồ tể hay tướng cướp. Còn em nhỏ cầm lên cái lược, không biết sau này em có là thợ cắt tóc hay em sẽ là một nhà sư cả đời lặng thầm dưa cà giữa bốn bức tường kinh kệ?
Cứ thế. Giật mình. Sinh năm 1969. Lúc đó mới 6 tuổi khi Sài Gòn thất thủ. Lớn lên ở Hố Nai, có bao giờ biết đến thế nào là “đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ” hay “đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu…” Chỉ biết hôm đó theo cha chạy giặc. Mẹ và mấy anh chị khác lạc ở đâu không biết. Thằng nhỏ lẽo đẽo chạy theo sau vì ông bố bước quá nhanh. Qua bao nhiêu đường đất nó không biết nữa. Lâu lâu cha ngửa cổ tu nước từ cái bình nhôm có vòi (nhà vẫn gọi là cái tích) sẵn ông hỏi thằng nhỏ có khát nước không (sau này nó tưởng tượng ra như vậy vì nó cho đó là chuyện hợp lý). Nhưng chắc chắn một điều nó không thể quên được vài xác chết co quắp trên đường, những cái xác vô chủ, không người thân lo liệu. Rồi nó gặp một đứa trẻ (chừng 2-3 tuổi gì đó) ngơ ngác ngồi bên cạnh xác chết của mẹ. Màu áo nâu, mái tóc mẹ bị sổ tung, lườn hở, quần tua gấu; những chi tiết ấy đã in hằn trong tâm trí thằng bé sáu tuổi một ấn tượng khó quên. Càng đậm nét hơn là đôi mắt của thằng nhỏ mất mẹ lạc thần ngơ ngác nhìn người qua đường do chẳng quen ai nên chuyện cầu cứu bỗng thành nực cười. Nó không khóc, có lẽ đã không còn sức để khóc nữa. Có thể nó đã cạn nước mắt. Đứa trẻ mất mẹ ấy năm nay đã 50 tuổi đúng. Còn thằng nhỏ lẽo đẽo chạy theo cha năm đó nay đã 53 tuổi.
Vâng. Những con số thống kê. Những mảnh vụn ký ức thảng hoặc được người ta xắp xếp, cố gắng dựng lên một tượng đài trong tâm trí tưởng niệm một biến cố được coi là quan trọng của cuộc đời. Vâng. Bao nhiêu phụ nữ mất chồng, buộc phải bước thêm bước nữa vì không thể gánh vác một đàn con dại. Bao nhiêu kẻ lạc vợ, lạc con, đời viễn chinh lật qua chương khác khi phải ra đi vào phút chót. Trong vòng tay người đàn bà lạ, cũng xong, có những vết thương buộc phải tự tìm cách chữa lành để còn cơ may tồn tại. Bao nhiêu đứa trẻ tự nhiên mất bố, mất mẹ. Bao nhiêu cuộc đổi đời không ai có thể lường trước được. Hình như khái niệm lên voi, xuống chó cũng theo đó mà có cơ hiện diện. Ngần ấy năm trôi qua. Những trại cải tạo mọc lên. Những địa danh nhuốm đỏ những gam màu cày xới. Nhân phẩm được định nghĩa bởi những tiêu chuẩn văn hóa đạo đức mới. Cũng xong. Có vẻ như trước đó người ta đã mơ hồ tiên đoán mọi cái sẽ phải xảy ra như thế. Trò đời mà. Được làm vua, thua làm giặc! Bạc miệng thật đấy nhưng gẫm lại đó là một định luật đúng đắn nhất; chân lý nhất mà cũng tàn khốc nhất. Đọc thêm
Hay mọi cái chỉ là ảo ảnh, chỉ là lung linh mập mờ của cái gọi là lèo lái chữ nghĩa!
Ba mươi tháng tư – Cuộc nội chiến máu đỏ da vàng. Ôi. Trịnh Công Sơn đã nghĩ gì khi viết câu: Đàn bò vào thành phố, đêm buồn vắng buồn hơn… Đâu là giá trị biểu tượng? Đâu là lời tự tình chân phương của người nghệ sĩ cả đời không dám bước khỏi vạch kẻ do chính mình tạo ra? Những vay trả, những nợ nần ba sinh lưu cữu khắc khoải, tấm tức những lời nhạc ướp đẫm hương thiền? Chạy trốn cõi trần thành công (?) hay may mắn tìm ra chiếc chìa khóa hen rỉ để mở vào biển trí huệ bao la canh cửi? Cứ thế, đâu là bạc ròng và đâu là thiếc vụn. Mảnh ký ức nào đã hóa thạch? Và tôi. Và anh. Và những kẻ đã một lần tự vấn: Tại sao cứ để biến cố ba mươi tháng tư dằn vặt mình lâu như thế? Buông đao ư? Cây đao nào chúng ta đang nói đến ở đây. Thành phật ư? Phật ơi, chẳng lẽ cả đời mình con đã chưa từng một lần là phật? Hay ba mươi tháng tư vẫn còn là mảnh đất cỗi cằn gai góc, chưa đủ để hạt giống “buông đao” nảy những chiếc lá mầm “thành phật” đầu đời trong hành trình chữa lành vốn có quá nhiều thác ghềnh trắc trở?
Ba mươi tháng tư. Chính trị chính em? Những va quật đầu tiên khi đất nước thống nhất. Đứa em gái (bị kẹt lại miền Bắc vì ở lại trông bố mẹ cao tuổi không tiện theo đoàn người vào Nam nhân cái đận “táu há mồm”) lần đầu vào thăm anh trai đang sống ở vùng kinh tế mới. Anh trai gặp lại em gái, câu đầu tiên là tiếng chửi thề nghe rất nặng: Đ. mẹ… Lúc thằng này còn có của không thấy đứa đ. nào vác mặt vào, giờ vác mặt vào làm cái đ. gì! Nghe anh trai nạt nộ, cô em gái bật khóc: Vào là vào làm sao được. Những tưởng đã không bao giờ còn được gặp lại anh chị và các cháu… Em nghèo thật, nhưng em thà nghèo tình nghèo nghĩa, không nghèo vì đĩa xôi đầy. Sao anh lại nỡ lòng mắng nhiếc em như thế.
Hóa ra đau. Ông anh thất chí. Trước ba mươi tháng tư ông đâu có thế. Chẳng giàu có nứt vách đổ tường gì, song với cái chân chạy xe lam (Lambro) chở hàng cho mấy bà buôn đồ quân-tiếp-vụ, nuôi thêm dăm con lợn nái ông có thể mua được hơn ba mươi lạng vàng thủ thân. Ba mươi tháng tư về. Đi kinh tế mới. Đất cát mấy mùa đầu do đốt rẫy phá rừng ngô quả nào cũng dài, cũng to, hạt mẩy. Qua vài năm sau, mưa rửa trôi chất dinh dưỡng, đất nhanh chóng bị sa mạc hóa. Phân tro không có. Hạt ngô có nảy mầm nhưng chưa kịp mọc quá đầu gối đã trổ cờ. Những quả bắp chỉ nhỉnh hơn quả ổi cọc, vạch lá chỉ thấy lưa thưa những hạt ngô răng ngựa. Lạc không chịu đơm củ. Khoai đào lên chỉ toàn giãi (rễ). Đói. Phải bán vàng. Ôi lúc đầu vàng rẻ lắm. Hơn ba mươi lạng vàng chỉ vài năm sau đã sạch nhẵn. Khi đứa em gái vào thăm trong nhà chỉ còn hơn bốn chỉ vàng (ông anh thề sẽ không đụng đến vì đó là số tiền để mua ván đóng hòm phòng trong nhà có người lăn ra chết!)
Ba mươi tháng tư…
Nó là thế đấy. Bức tranh vẽ lên ôi cứ thấy nghẹn lòng tấm tức?
Gần 50 năm qua…
Màu cờ vẫn hừng hực một gam màu bất tử. Được và mất hóa ra chỉ là chuyện ai nhìn vào sự kiện này từ góc độ nào. Vâng. Có những góc độ đầy dấu ấn tính toán chọn lọc, những góc độ tiện nghi cho cách lý giải, có nhiều góc độ khả dĩ có thể giúp mình chữa lành một vết thương (vốn cứ ngỡ đã hóa sẹo) lâu lâu bị khơi moi, quá tay một tí lớp da sẽ rách, lại nhuốm máu, lại đau…
Chạnh lòng nghĩ đến những người bạn Ukraine. Tuy không hẳn là y chang bổn cũ so sánh với Vietnam War. Nhưng cũng là máu đổ đạn bay. Cũng là những khốc liệt của đổ nát. Ôi. Máu. Những xác người. Làm sao người ta có thể quên được mùi thịt người cháy xém? Cứ thế. Bom dội. Đất rung. Hóa ra chỉ có con người là ác độc với đồng loại. Thú vật nào có thế? Hay đây chỉ là những ví von ẩn dụ lạc quẻ khi so sánh giữa lương tâm con người và hành vi bản năng loài vật.
Rồi cứ thấy buồn. Vâng. Hóa ra ba mươi tháng tư chỉ là một ngày. Năm 1975 cũng chỉ là một thời khắc. Tương tự, hai mươi bốn tháng hai cũng chỉ là một ngày. 2022 cũng chỉ là một thời khắc. Với người Ukraine 22/4/2022 của họ có khác nhiều so với 30/04/1975 của Việt Nam? Còn người Việt sống từ vĩ tuyến 17 trở vào, 24/4/2022 của Ukraine có bẽ bàng như ký ức của những ngày cuối tháng tư năm 1975 thuở ấy của họ hay không…
Nguyễn Thơ Sinh