Tạp chí Phố Wall ngày 26/4 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với các quan chức để đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế của đất nước vượt xa Hoa Kỳ trong năm nay, ngay cả khi nền kinh tế của nước này đang tăng trưởng chậm lại do đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng gần đây.
Trong các cuộc họp vài tuần qua, ông Tập nói với các quan chức kinh tế và tài chính cấp cao rằng việc bảo đảm nền kinh tế ổn định và tăng trưởng là rất quan trọng vì phải chứng tỏ rằng hệ thống độc đảng của Trung Quốc là một giải pháp thay thế vượt trội cho nền dân chủ tự do của phương Tây, và rằng Hoa Kỳ đang suy giảm cả về chính trị và kinh tế.
Nguồn tin cho biết, để đáp lại lời kêu gọi của ông Tập nhằm phục hồi tăng trưởng, các cơ quan chính phủ Trung Quốc đang thảo luận về kế hoạch đẩy nhanh các dự án xây dựng lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, năng lượng và thực phẩm, cũng như phát hành phiếu giảm giá cho các cá nhân để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Nền kinh tế Hoa Kỳ vượt xa nền kinh tế Trung Quốc trong quý cuối cùng của năm 2021, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái so với 4 % của Trung Quốc. Tổng thống Biden vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên trong 20 năm, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế Trung Quốc, điều này đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi giữa các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh.
Ông Vương Nhất Minh (Wang Yiming), thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết Trung Quốc nên áp dụng các chính sách vĩ mô “mạnh mẽ hơn” để phòng tránh tác động của đại dịch.
ông Vương nói với những người tham dự tại một diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh trong tuần này: các nhà chức trách nên “bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II có thể trở lại hơn 5%, điều này đặc biệt quan trọng để tạo nền tảng cho đất nước đạt được mục tiêu kỳ vọng là 5,5%. GDP của Trung Quốc đã tăng 4,8% trong quý đầu tiên, mặc dù nhiều nhà kinh tế nói rằng con số đó có khả năng đã được phóng đại.
Việc ông Tập thúc đẩy các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn khiến các quan chức Trung Quốc đối mặt với một thử thách lớn trong năm nay để giữ cho nền kinh tế phát triển và đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%, một con số mà các quan chức đã nhiều lần khẳng định sẽ đạt được bất chấp các dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Đảng Cộng sản trong nhiều thập niên, các chỉ thị của ông Tập có rất nhiều trọng lượng, ngay cả khi chúng mơ hồ.
Mặc dù vậy, nhiều nhà kinh tế vẫn nghi ngờ rằng mục tiêu này có thể không đạt được vì Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách “Không COVID”. Chính sách này đang làm tổn hại đến chi tiêu của người tiêu dùng và sản xuất công nghiệp trong một nền kinh tế đang phải vật lộn với sự sụt giảm bất động sản và lượng hàng xuất khẩu đang giảm.
Theo nguồn thạo tin, đồng thời, các quan chức Trung Quốc đang đề xuất các cuộc họp với các nhà đầu tư và công ty nước ngoài để trấn an những người bị ảnh hưởng bởi cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân.
Bắc Kinh cũng đang đảo ngược các chính sách của mình trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như bất động sản, để thúc đẩy nền kinh tế. Trong những tuần gần đây, một số chính quyền địa phương đã nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà, trong khi Trung Quốc cũng đã từ bỏ kế hoạch mở rộng thử nghiệm thuế bất động sản, một phần trong nỗ lực khôi phục niềm tin trong lĩnh vực này.
Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trong quý đầu tiên nhưng các đợt phong tỏa ảnh hưởng đến thương mại, chi tiêu bán lẻ và sản lượng của nhà máy vào tháng 3. Nhiều nhà kinh tế đã giảm kỳ vọng của họ về mức độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay.
Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc và là trung tâm tài chính, thương mại, vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt. Hàng triệu người phải ở nhà, nhà máy phải đóng cửa, làm gián đoạn lưu lượng hàng hóa đến và đi từ cảng của thành phố, một trong những bến cảng nhộn nhịp nhất thế giới.
Trong khi đó, việc Nga xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Moscow đã khiến giá hàng hóa tăng vọt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu về lúa mì, dầu mỏ, kim loại và các hàng hóa khác. Lạm phát phi mã đang ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và Châu Âu, làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất của Trung Quốc. Kết quả là nhiều nhà kinh tế hoài nghi mục tiêu 5,5% của chính phủ Trung Quốc.
Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Washington think tank, cho biết: “Với mục tiêu 5,5%, họ đã tự đặt ra cho mình một số khó khăn thực sự. “Họ thực sự có một chút ràng buộc,.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, xuống còn 4,4% so với 4,8% trước đó, với lý do áp lực ngày càng tăng do COVID-19 và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Đối với nhiều nhà kinh tế, vẫn chưa rõ sự tăng trưởng của Trung Quốc được cho là đến từ đâu. Các doanh nghiệp phải đối mặt với giá cả tăng cao và nhu cầu trong nước và nước ngoài suy yếu. Bất động sản đã từng là một động lực tăng trưởng đáng tin cậy trong quá khứ, nhưng sự bùng nổ kéo dài nhiều năm đã khiến lĩnh vực này gặp khó khăn và nợ xấu. Và người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi chính sách “Không COVID” của Bắc Kinh, nên không thể chi tiền cho việc đi lại, ăn uống và các dịch vụ khác.
Ngô Mộc Loan (吴木銮 Alfred Wu), một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết lợi ích kinh tế của việc ông Tập thúc đẩy tăng trưởng lớn hơn có thể gây tranh cãi, nhưng lợi ích chính trị là rất rõ ràng. Ông Ngô nhận định: “Mong muốn có GDP cao hơn so với Hoa Kỳ không giúp nền kinh tế lành mạnh nhưng chắc chắn giúp đảng duy trì sự cai trị của mình.”