Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

(Từ trái sang phải) Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chụp ảnh chung trong hội nghị thượng đỉnh NATO về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, tại trụ sở của liên minh ở Brussels, hôm 24/03/2022. (Ảnh: Henry Nicholls/Pool qua Getty Images)

G7 áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga

Hôm Chủ Nhật (08/05), các lãnh đạo từ nhóm bảy nền dân chủ phát triển G7 đã có cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để nhấn mạnh sự ủng hộ của họ và thể hiện tình đoàn kết trong Ngày Chiến Thắng ở Âu Châu, đánh dấu sự đầu hàng của Đức Quốc Xã vào năm 1945, một ngày trước Ngày Chiến Thắng của Nga (09/05).

Kết thúc cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã ra một tuyên bố chung cam kết ủng hộ Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm trừng phạt các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, cấm các dịch vụ tư vấn quản lý của phương Tây ở Nga và thắt chặt kiểm soát xuất cảng. Ngoài ra, tất cả các nước G7 cũng thông báo họ sẽ loại bỏ dần hoặc cấm nhập cảng dầu từ Nga.

Các nguyên thủ cho biết trong tuyên bố rằng việc cắt nguồn cung dầu của Nga “sẽ ảnh hưởng nặng nề đến huyết mạch chính của nền kinh tế của ông Putin và khiến ông ấy không có được nguồn thu mà ông ấy cần để tài trợ cho cuộc chiến của mình.”

Họ cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng chúng tôi làm như vậy theo cách kịp thời và có trật tự, cũng như theo cách mà thế giới có thể bảo đảm nguồn cung cấp thay thế.”

Nhìn lại Đệ nhị Thế chiến, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự thống nhất trong quyết tâm của họ rằng không được để cho ông Putin chiến thắng.

Tuyên bố của họ cho biết, “G7 và Ukraine sát cánh cùng nhau trong thời điểm khó khăn này và trong nhiệm vụ bảo đảm tương lai dân chủ, thịnh vượng của Ukraine. Chúng tôi vẫn thống nhất trong quyết tâm của mình rằng Tổng thống Putin không được giành chiến thắng trong cuộc chiến nhằm vào Ukraine.”

Đồng thời, “Trong sự tưởng nhớ về tất cả những người đã chiến đấu cho tự do trong Đệ nhị Thế chiến, ngày nay chúng tôi mang ơn họ để tiếp tục chiến đấu cho tự do, cho người dân Ukraine, cho Âu Châu và cho cộng đồng toàn cầu.”

Cuộc họp giữa các lãnh đạo G7 và Tổng thống Zelensky kéo dài khoảng một giờ.


Thống đốc Luhansk xác nhận quân đội Ukraine đã rút lui khỏi Popasna

Quân đội Ukraine đã rút lui khỏi thành phố Popasna, miền đông Ukraine, thống đốc khu vực Luhansk cho biết hôm Chủ Nhật (08/05), xác nhận các tin tức trước đó rằng thành phố đã thất thủ.

Người đứng đầu nước cộng hòa Chechnya thuộc Nga, ông Ramzan Kadyrov, cho biết vào cùng ngày rằng quân đội của ông đã kiểm soát phần lớn Popasna.

Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai nói với đài truyền hình Ukraine rằng quân đội Ukraine đã rút lui để giữ các vị trí kiên cố hơn, đồng thời cho biết thêm, “Mọi thứ đã bị phá hủy ở đó.”

Quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công mới từ tháng Tư dọc theo hầu hết sườn phía đông của Ukraine, với một số cuộc tấn công và pháo kích dữ dội nhất diễn ra gần đây xung quanh Popasna ở khu vực Luhansk.


Liên Hiệp Quốc: 40 người di tản khỏi nhà máy Azovstal đã đến Zaporizhzhia

Một quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết, một đoàn xe buýt chở những người di tản từ thành phố Mariupol thuộc miền đông nam Ukraine — trong đó có khoảng 40 thường dân đang ẩn náu trong nhà máy thép Azovstal — đã đến thành phố Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát vào hôm Chủ Nhật (08/05).

Bà Osnat Lubrani, điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc về Ukraine, cho biết có tám xe buýt đã đến thành phố. Khoảng 40 trong số 174 người di tản trên xe là người được cứu khỏi nhà máy thép.

Bà Lubrani cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc di tản đã đưa hơn 600 người khỏi khu vực này trong 10 ngày qua.

“Tuy nhiên, công việc của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành,” bà nói trong tuyên bố. “Liên Hiệp Quốc biết rằng rất nhiều người muốn gia nhập đoàn xe di tản trong những ngày qua đã không thể làm như vậy.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết với cả hai bên trong cuộc xung đột để chắc chắn rằng những người muốn rời đi có được những bảo đảm để làm điều đó một cách an toàn và theo hướng mà họ chọn.”


Thống đốc: Hàng chục người có khả năng đã thiệt mạng ở trường học Ukraine bị Nga ném bom

Có tới 60 người đã thiệt mạng trong vụ Nga đánh bom một ngôi trường làng ở khu vực Luhansk, miền đông Ukraine, thống đốc khu vực cho biết hôm Chủ Nhật (08/05).

Các lực lượng Nga cũng tiếp tục pháo kích vào nhà máy thép Azovstal, cứ điểm cuối cùng của quân kháng chiến Ukraine ở thành phố cảng Mariupol đổ nát ở phía đông nam, nơi các binh sĩ từ trung đoàn Azov thề sẽ tiếp tục chiến đấu.

Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai cho biết ngôi trường ở Bilohorivka, nơi có khoảng 90 người đang trú ẩn, đã bị trúng một quả bom của Nga hôm thứ Bảy (07/05), khiến tòa nhà bốc cháy trong bốn giờ.

“Ba mươi người đã được di tản khỏi đống đổ nát, trong đó có bảy người bị thương. Sáu mươi người có khả năng đã thiệt mạng,” ông Haidai viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram, đồng thời cho biết thêm rằng hai thi thể đã được tìm thấy.

Ukraine và các đồng minh phương Tây đã cáo buộc quân đội Nga nhắm vào dân thường trong cuộc chiến, điều mà Moscow phủ nhận.


Đệ nhất Phu nhân Jill Biden có chuyến thăm không báo trước tới Ukraine

Đệ nhất Phu nhân Jill Biden (thứ hai bên trái) và phu nhân Tổng thống Ukraine Olena Zelenska (thứ hai bên phải) đến thăm một trường học ở Uzhhorod hôm 08/05/2022, trong chuyến thăm không báo trước tới Ukraine. (Ảnh: Susan Walsh/Pool/AFP qua Getty Images)

Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden đã có chuyến thăm không báo trước tới miền tây Ukraine vào Chủ Nhật (08/05), tổ chức một cuộc gặp bất ngờ vào Ngày của Mẹ với Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine trong bối cảnh Nga xâm lược.

Hôm 08/05, Đệ nhất Phu nhân Jill Biden đã có chuyến thăm không báo trước đến Ukraine và tổ chức một cuộc gặp bất ngờ với người đồng cấp Ukraine Olena Zelenska của bà — nhằm thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine trong bối cảnh Nga xâm lược.

Bà Biden trở thành người Mỹ cấp cao nhất đến thăm Ukraine kể từ khi nước này bị Nga xâm lược khoảng 10 tuần trước.

Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ nói với bà Zelenska: “Tôi muốn đến vào Ngày của Mẹ. Tôi nghĩ điều quan trọng là thể hiện cho người dân Ukraine thấy rằng cuộc chiến tàn khốc này phải dừng lại và người dân Hoa Kỳ đứng về phía người dân Ukraine.”
Bà Biden đã dành khoảng hai giờ ở Ukraine, di chuyển bằng xe đến thị trấn Uzhhorod, cách một ngôi làng biên giới của Slovakia, nơi bà đã tham quan một cơ sở chế biến ở biên giới khoảng 10 phút lái xe.

Bà Zelenska đã cảm ơn bà Biden vì “hành động dũng cảm” của bà, nói rằng: “Chúng tôi hiểu được sự khó khăn để đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đến đây trong thời gian chiến tranh khi các hành động quân sự đang diễn ra hàng ngày, nơi tiếng còi báo động không kích diễn ra hàng ngày — kể cả ngày hôm nay.”
Hai đệ nhất phu nhân đến cùng nhau trong một phòng học nhỏ, ngồi đối diện nhau và chào hỏi nhau trước các phóng viên trước khi gặp riêng. Bà Zelenska cùng các con đã ở một địa điểm không được tiết lộ để bảo đảm an toàn.


Thủ tướng Canada Trudeau đến thăm Ukraine, tuyên bố viện trợ

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (ở giữa) đi cùng Thị trưởng Oleksandr Markushyn (bên phải) ở Irpin, Ukraine, hôm 08/05/2022. (Ảnh: Văn phòng Thị trưởng Irpin qua AP)

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có chuyến thăm không báo trước đến Ukraine và thông báo sẽ viện trợ thêm vũ khí để giúp nước này ứng phó với cuộc xâm lược của Nga.

Hãng thông tấn Ukraine Suspilne và Thị trưởng Irpin Olexander Markushyn đã thông báo về chuyến thăm của ông Trudeau tới Irpin, thị trấn bị thiệt hại do Nga cố gắng chiếm Kyiv vào giai đoạn đầu của cuộc chiến. Ông Markushyn đăng tải hình ảnh của Tổng thống Trudeau lên mạng xã hội, nói rằng nhà lãnh đạo Canada đã chấn động khi tận mắt chứng kiến nhiều ngôi nhà dân bị cuộc chiến này tàn phá.

Ông Trudeau là lãnh đạo gần đây nhất của phương Tây đến thăm Ukraine và tuyên bố hỗ trợ nước này.

Văn phòng của ông sau đó xác nhận chuyến thăm, cho biết trong một tuyên bố rằng “Thủ tướng đang ở Ukraine để gặp Tổng thống Zelensky và tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Canada đối với người dân Ukraine.”


Anh cam kết viện trợ thêm 1.6 tỷ USD cho Ukraine

Hôm Chủ Nhật (08/05), Anh thông báo sẽ chi viện thêm 1.3 tỷ bảng Anh (1.6 tỷ USD) hỗ trợ quân sự và viện trợ cho Ukraine, trong nỗ lực giúp nước này chống lại quân đội Nga.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, và các nhà lãnh đạo khác từ nhóm G7 dự kiến ​​sẽ tổ chức các cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối ngày Chủ Nhật để thảo luận về hành động viện trợ bổ sung này.

Cuộc họp một phần nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa các đồng minh phương Tây vào Ngày Chiến Thắng ở Âu Châu, ngày đánh dấu sự đầu hàng của Đức Quốc Xã vào năm 1945.

Anh cho biết khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine đến từ ngân sách dự trữ mà nước này dùng trong các trường hợp khẩn cấp, bao gồm các thiết bị quân sự trị giá 300 triệu bảng Anh mà Thủ tướng Boris Johnson đã hứa hồi đầu tuần này, chẳng hạn như hệ thống radar nhắm mục tiêu vào pháo binh Nga, thiết bị gây nhiễu GPS và thiết bị nhìn ban đêm.

Chính phủ Anh cho biết đây là tỷ lệ chi tiêu quân sự cao nhất của Anh cho một cuộc xung đột kể từ chiến tranh Iraq và chiến tranh Afghanistan.


Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức gặp Tổng thống Zelensky tại Kyiv

Bà Barbel Bas (thuộc Đảng SPD) đã đến Ukraine và được Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp đón. (Ảnh: -/Dịch vụ Báo chí Văn phòng Tổng thống/dpa)

Hôm Chủ Nhật (08/05), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Quốc hội Đức (Bundestag) vì đã thông qua các nghị quyết hỗ trợ Ukraine, tại cuộc gặp với bà Barbel Bas, chủ tịch của cơ quan này, tại Kyiv.

Ông Zelensky bày tỏ lòng biết ơn trước sự hỗ trợ của Quốc hội Đức trong các lĩnh vực ưu tiên như mua sắm quốc phòng và gia nhập EU.

Cuộc gặp với bà Barbel Bas diễn ra ngay sau khi ông Zelensky gặp thủ tướng Croatia.

Bà Bas thuộc Đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.

Hôm thứ Ba (03/05), ông Zelensky đã gặp lãnh đạo Friedrich Merz của Đảng Liên Minh Dân Chủ Cơ Đốc Giáo (CDU), hiện là người đứng đầu đảng đối lập này và là người thừa kế chính trị của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.


Ukraine cho biết tất cả phụ nữ và trẻ em hiện đã được di tản khỏi nhà máy thép ở Mariupol

Một phụ nữ bế con trong một trại tiếp nhận sau khi đến điểm di tản cho những người chạy khỏi nhà máy Azovstal, Mariupol, Melitopol và các thị trấn xung quanh dưới sự kiểm soát của Nga, ở Zaporizhzhia, Ukraine, hôm 03/05/2022. (Ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Phó thủ tướng Ukraine cho biết hôm thứ Bảy (07/05), toàn bộ thường dân là phụ nữ, trẻ em, và người già đã được di tản khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, bất chấp những gì các sĩ quan quân đội cho biết là Nga vẫn đang tiếp tục tấn công nhà máy này.

“Phần này trong hoạt động nhân đạo ở Mariupol đã được hoàn tất,” Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Nhà máy thép thời Liên Xô này là nơi đóng quân cuối cùng ở Mariupol của các lực lượng Ukraine.


Nga tổ chức diễn tập lễ tổng duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến Thắng

Hôm thứ Bảy (07/05), Nga đã tổ chức một buổi diễn tập cho lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến Thắng 09/05, ngày mà đất nước này đánh dấu sự thất bại của Đức Quốc Xã trong Đệ nhị Thế chiến.

Ngày Chiến Thắng năm nay rơi vào thứ Hai và sẽ không chỉ tôn vinh một cuộc xung đột đã kết thúc 77 năm trước. Nhiều người Nga sẽ nghĩ về hàng ngàn quân sĩ ở nước láng giềng Ukraine. Các biểu tượng ủng hộ quân đội đã phổ biến trên khắp đất nước kể từ ngày 24/02, với chữ cái “Z” xuất hiện trên các biển quảng cáo và biển báo trên đường phố và tàu điện ngầm, cũng như trên truyền hình và mạng xã hội.

Cùng ngày, một tổ hợp hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars đã lăn bánh qua Quảng trường Đỏ trong khuôn khổ cuộc diễn tập ở Moscow, với chiến đấu cơ và trực thăng bay trên đầu, quân đội diễn hành theo đội hình và xe pháo tự hành chạy ầm ầm đi qua.


Ukraine: Nga tiếp tục tấn công nhà máy thép Azovstal

Hôm thứ Bảy (07/05), Bộ chỉ huy quân sự Ukraine cho biết Nga đang tiếp tục tấn công nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.

“Với sự hỗ trợ của pháo binh và hỏa lực xe tăng, (kẻ thù) đang tiếp tục các hành động tấn công,” cơ quan này viết trong một bản tóm lược định kỳ vào buổi tối trên Facebook.

Ukraine cho biết nhiều thường dân vẫn bị mắc kẹt trong nhà máy cùng với quân đội Ukraine. Trước đó trong ngày, hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn nguồn tin từ phe ly khai do Moscow hậu thuẫn ở vùng Donetsk của Ukraine cho biết thêm 50 người đã được di tản khỏi nhà máy thép bị bao vây này.

Đến 16 giờ chiều theo giờ GMT (11 giờ tối thứ Chủ Nhật theo giờ Việt Nam), các ký giả của Reuters vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc những người này đã đến một trung tâm tiếp nhận ở vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát gần Mariupol.


6 hỏa tiễn bắn trúng thành phố cảng Odesa của Ukraine

Hôm thứ Bảy (07/05), phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine nói với đài truyền hình công cộng của Ukraine rằng sáu hỏa tiễn đã bắn trúng thành phố cảng Odesa, thuộc miền nam nước này.

Phát ngôn viên Natalia Humeniuk cho biết bốn quả hỏa tiễn đã bắn trúng một xưởng sản xuất đồ nội thất trong khu dân cư, trong khi hai quả khác đánh trúng một dải đường băng vốn đã bị hư hại. Bà cho biết thêm, thông tin về thương vong đang được xác định.

Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Serhiy Bratchuk của chính phủ khu vực Odesa cho biết bốn hỏa tiễn đã bắn trúng khu vực Odesa và không có thương vong.

Reuters không thể xác minh ngay lập tức các chi tiết của thông tin này.


Đệ nhất Phu nhân Jill Biden gặp gỡ người tị nạn Ukraine ở Romania

Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden đến thăm một trường học ở Bucharest hôm thứ Bảy, ngày 07/05/2022. Một ngày sau, bà gặp phu nhân của Tổng thống Zelensky ở Ukraine.

Ngồi trong lớp học ở thủ đô Bucharest của Romania, Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden đã gặp một nhóm các bà mẹ tị nạn Ukraine và các nhà giáo dục vào thứ Bảy (07/05), ca ngợi sức mạnh và sự kiên cường của những người phụ nữ này.

Bà Biden, người dạy Anh văn và kỹ năng viết tại một trường cao đẳng cộng đồng ở Virginia, đang có chuyến công du tới Romania và Slovakia để gặp gỡ các quân nhân Hoa Kỳ được điều động tại hai quốc gia này cũng như những người tị nạn.

Gần 910,000 người Ukraine đã sang Romania lánh nạn kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược. Các tổ chức thiện nguyện, chính quyền địa phương và các cơ quan chính phủ đang làm việc cùng với hàng ngàn tình nguyện viên để cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn, và phương tiện đi lại cho họ.

Trong khi nhiều người đã đi tới những mảnh đất xa xôi hơn, khoảng 80,000 người vẫn lưu trú tại Romania, chủ yếu là phụ nữ có con nhỏ.


Hỏa tiễn tấn công thành phố cảng Odesa của Ukraine

Hôm thứ Bảy (07/05), phát ngôn viên Serhiy Bratchuk của chính phủ khu vực cho biết một số hỏa tiễn đã bắn trúng thành phố cảng Odesa thuộc miền nam Ukraine.

Ông Bratchuk cho biết các cuộc không kích đã tấn công thành phố sau khi các mục tiêu ở khu vực xung quanh Odesa bị trúng bốn hỏa tiễn trước đó vào cùng ngày.

Ông không cho biết thêm chi tiết về các vụ tấn công mới, nói rằng các dữ kiện thực tế vẫn đang được xác minh.

Reuters đã không thể xác minh ngay các chi tiết của thông tin này.


Lực lượng thân Nga: Thêm 50 người được di tản khỏi nhà máy thép bị bao vây

Các lực lượng thân Nga cho biết, hôm thứ Bảy (07/05), thêm 50 người đã được di tản khỏi nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở Mariupol, nơi rất nhiều thường dân đã bị mắc kẹt trong nhiều tuần cùng với các chiến đấu cơ của Ukraine ẩn náu trong nhà máy từ thời Liên Xô này.

Bộ chỉ huy quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) cho biết trên Telegram rằng tổng số 176 thường dân hiện đã được di tản khỏi nhà máy thép.

Reuters không thể xác minh ngay thông tin trên.

Hôm thứ Sáu (06/05), khoảng 50 thường dân đã được chuyển đi từ nhà máy bị oanh tạc này tới một trung tâm tiếp nhận ở Bezimenne gần đó, thuộc phe ly khai Donetsk, lực lượng đang chiến đấu cùng quân đội Nga để mở rộng quyền kiểm soát của họ đối với phần lớn miền đông Ukraine. Hàng chục dân thường cũng đã được di tản hồi cuối tuần trước.


Chủ tịch Hạ viện Nga: Hoa Kỳ can dự trực tiếp vào cuộc giao tranh ở Ukraine

Hôm thứ Bảy (07/05), nhà lập pháp cao cấp nhất của Nga đã cáo buộc Hoa Thịnh Đốn điều phối các hoạt động quân sự ở Ukraine, mà theo ông là Hoa Kỳ đang can dự trực tiếp vào các hành động quân sự chống lại Nga.

“Về căn bản Hoa Thịnh Đốn đang điều phối và phát triển các hoạt động quân sự, qua đó trực tiếp tham gia vào các hành động quân sự chống lại đất nước của chúng tôi,” ông Vyacheslav Volodin viết trên kênh Telegram của mình.

Hoa Thịnh Đốn và các nước Âu Châu thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kyiv để giúp nước này chống lại chiến dịch tấn công quân sự của Nga.

Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh đã nhiều lần quả quyết rằng, họ sẽ không điều quân trực tiếp tham chiến để tránh trở thành một bên trong cuộc xung đột.

Giới chức Hoa Kỳ tiết lộ, nước này đã cung cấp thông tin tình báo giúp Ukraine đẩy lui các cuộc tấn công của Nga, nhưng bác bỏ việc những thông tin tình báo đó bao gồm cả dữ liệu nhắm bắn mục tiêu chính xác.


Tòa án Fiji ra phán quyết giữ du thuyền Nga ở lại nước này

Một tòa án Fiji đã ra phán quyết rằng chiếc du thuyền trị giá 300 triệu USD được cho là thuộc sở hữu của nhà tài phiệt người Nga Suleiman Kerimov và bị Hoa Kỳ thu giữ bây giờ phải ở lại Fiji.

Tòa phúc thẩm Fiji đã phán quyết rằng du thuyền sang trọng Amadea không thể được chuyển ra khỏi quốc đảo Nam Thái Bình Dương này cho đến khi có kháng cáo chống lại vụ thu giữ được đưa ra, luật sư bào chữa Feizal Haniff, người đang hành động cho chủ sở hữu đã đăng ký của Amadea là Millemarin Investment Ltd, xác nhận trong một thư điện tử.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Suva đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về phán quyết mới nhất của tòa án này.

Trước đó, một tòa án ở Fiji đã ra phán quyết rằng Hoa Kỳ có thể thu giữ siêu du thuyền thuộc sở hữu của Nga này, vài tuần sau khi du thuyền đến nơi và bị cảnh sát địa phương cùng các nhân viên FBI thu giữ vào thứ Năm (05/05).

Các nhà chức trách ở nhiều nước đã thu giữ các tàu và biệt thự sang trọng thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga để tuân theo các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.


Tổng thống Biden: Hoa Kỳ viện trợ thêm 150 triệu cho Ukraine

Hôm thứ Sáu (06/05), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký gói viện trợ vũ khí trị giá 150 triệu USD, bao gồm đạn pháo, radar, và các thiết bị khác cho Ukraine.

Tuy nhiên, ông Biden cho biết nguồn hỗ trợ hiện tại đã “gần như cạn kiệt” và để Ukraine ứng phó thành công với chiến dịch quân sự của Nga, Hoa Kỳ và các đồng minh phải “giữ cho dòng vũ khí liên tục vào Ukraine, mà không bị gián đoạn.” Ông kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng thông qua gói chi tiêu hơn 33 tỷ USD mà sẽ đủ trang trải đến cuối tháng Chín tới.

Ông Biden khẳng định, “Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, cùng với sự đóng góp của các Đồng minh và đối tác của chúng ta, đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine giành chiến thắng trong trận chiến ở Kyiv và cản trở các mục tiêu chiến tranh của ông Putin ở Ukraine.”

Một quan chức Mỹ cho biết đợt hỗ trợ mới nhất này bao gồm 25,000 quả lựu pháo 155mm, radar phản pháo, thiết bị gây nhiễu, thiết bị và phụ tùng thay thế dã chiến.


50 người được di tản khỏi nhà máy thép ở Mariupol

Hôm thứ Sáu (06/05), 50 thường dân đã được di tản khỏi nhà máy thép Azovstal bị bao vây ở Mariupol, Ukraine.

Trong một tuyên bố, Trung tâm Ứng phó Nhân đạo Liên bộ của Nga cho biết trong 50 thường dân này có 11 trẻ em.

Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cũng cho biết, 50 thường dân này đã rời khỏi nhà máy mà không cho biết có bao nhiêu trẻ em.

Cả bà Vereshchuk và phía Nga đều cho biết việc di tản dân thường khỏi Azovstal sẽ tiếp tục vào thứ Bảy (07/05).

Các chiến đấu cơ ẩn náu tại khu phức hợp nhà máy rộng lớn của Ukraine đang nỗ lực cầm cự để ngăn chặn sự tiếp quản hoàn toàn của Moscow đối với thành phố cảng chiến lược này.


Hoa Kỳ cung cấp phần thưởng 15 triệu USD cho thông tin về nhóm tin tặc Conti của Nga  

Hôm thứ Sáu (06/05), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết, Hoa Kỳ sẽ cung cấp phần thưởng lên tới 15 triệu USD cho thông tin về tổ chức mã độc tống tiền Conti (Conti  ransomware group) có trụ sở tại Nga. Nhóm tin tặc này bị cáo buộc đã thực hiện các cuộc tấn công mạng tống tiền trên toàn thế giới.

Ông Price cho biết trong một tuyên bố, FBI ước tính rằng hơn 1,000 nạn nhân của nhóm Conti đã phải trả tổng cộng hơn 150 triệu USD thanh toán cho mã độc.

Ông nói: “Khi đưa ra phần thưởng này, Hoa Kỳ thể hiện cam kết bảo vệ những người có khả năng là nạn nhân của mã độc trên khắp thế giới để không bị tội phạm mạng khai thác.”

Phần thưởng bao gồm 10 triệu USD cho việc xác định danh tính hoặc vị trí của những kẻ cầm đầu tổ chức này và 5 triệu USD cho thông tin giúp ích cho việc bắt giữ bất kỳ ai có âm mưu cùng Conti.

Năm ngoái, FBI cho biết Conti chịu trách nhiệm tấn công 16 mạng lưới y tế và ứng phó đầu tiên ở Hoa Kỳ.

Ông Price lưu ý rằng Conti đã bị cáo buộc thực hiện một cuộc tấn công hồi tháng Tư vào các nền tảng thuế và hải quan của Costa Rica, ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương của quốc gia Trung Mỹ này.

Hồi tháng Hai, tổ chức Conti đã thề sẽ tấn công các đối thủ của Điện Kremlin nếu những người đó đáp trả hành động xâm lược của Nga vào Ukraine.


Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Nga, bày tỏ lo ngại về Ukraine

Hôm thứ Sáu (06/05), trong tuyên bố đầu tiên của mình kể từ khi Moscow xâm lược, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Nga, bày tỏ “lo ngại sâu sắc liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraine,” đồng thời ủng hộ nỗ lực của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình.

“Hội đồng Bảo an bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực của Tổng thư ký trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình,” tuyên bố viết, đồng thời yêu cầu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trình bày tóm lược một lần nữa trước hội đồng bảo an “trong thời gian thích hợp”.

Ông Guterres hoan nghênh sự ủng hộ của hội đồng vào thứ Sáu, nói rằng ông sẽ “không ngừng nỗ lực để cứu vớt những sinh mạng, giảm bớt đau khổ và tìm ra con đường hòa bình.”

Tuyên bố của Hội đồng Bảo an đã được tán đồng bất chấp hành động ăn miếng trả miếng về mặt ngoại giao đang leo thang kể từ khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” hôm 24/02, nhưng ông Guterres lại cho đó là “cuộc chiến vô lý” của Nga.


Hai nước Cộng hòa ly khai tự xưng ở Ukraine bổ nhiệm Đại sứ tại Moscow

Hôm thứ Sáu (06/05), các cơ quan nhà nước Nga báo cáo rằng Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở phía đông Ukraine vừa bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Nga.

Bà Olga Makeeva, phó chủ tịch hội đồng lập pháp của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, đã được chính phủ do Nga hậu thuẫn của vùng lãnh thổ này chọn làm đại sứ. Người đồng cấp của bà từ Cộng hòa Nhân dân Luhansk là ông Rodion Miroshnik, một cố vấn chính sách ngoại giao cho lãnh đạo của vùng lãnh thổ ly khai này.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên án sự bổ nhiệm này, nói rằng bà Makeeva và ông Miroshnik có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt hình sự vì tội phản quốc.

“Đây là một đất nước của những chiếc gương giả dối. Nga đã tạo ra hai nước cộng hòa ảo. Họ đã bổ nhiệm các đại sứ, đều là người của chính họ … Những ‘nhà ngoại giao’ này sẽ phải đối mặt với trách nhiệm nặng nề nhất. Cũng như những kẻ phản bội khác,” ông Oleg Nykolenko viết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Sáu.

Related posts