Lam Giang
Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), kế hoạch mua Twitter của ông Elon Musk đã thu hút sự ủng hộ của một loạt các tỷ phú, trong đó có một nhà tài trợ có liên kết với một nhà tài phiệt Do Thái gốc Nga.
Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk đã thu hút rất nhiều quỹ đầu tư và những nhân vật nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Trong số đó cũng có những nhà đầu tư khá bí ẩn.
Vy Capital – một quỹ đầu tư có trụ sở tại Dubai đã cam kết chi 700 triệu USD cho thương vụ này. Với số tiền trên, Vy Capital là đơn vị góp vốn lớn thứ ba, chỉ sau CEO Oracle Larry Ellison và quỹ Sequoia Capital, theo Bloomberg.
Tuy nhiên những thông tin về quỹ đầu tư này khá hạn chế. Theo hồ sơ pháp lý và những người quen thuộc với vấn đề, khối tài sản của Vy Capital đã tăng lên hơn 5 tỷ USD dưới thời nhà sáng lập kín tiếng Alexander Tamas.
Trước khi thành lập Vy Capital, Tamas đã làm việc với nhiều nhà đầu tư tên tuổi. Ông từng hợp tác với tỷ phú người Israel gốc Nga Yuri Milner và có mối quan hệ với Elon Musk. Ông Tamas cũng đầu tư vào hãng tên lửa SpaceX và công ty nghiên cứu não bộ Neuralink của tỷ phú giàu nhất thế giới.
Đại diện của ông Tamas từ chối yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Ông Tamas trước đây từng là đối tác của công ty đầu tư DST Global vào năm 2008. Công ty này được thành lập bởi tỷ phú người Israel gốc Nga, nhà đầu tư mạo hiểm và nhà vật lý Yuri Milner.
Theo tờ Forbes, ông Milner sinh ra ở Moscow, có cha là người Ukraine gốc Do Thái và mẹ là người Nga gốc Do Thái, sở hữu khối tài sản ước tính 7.3 tỷ USD và là một trong những nhà đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới. Ông từng là người ủng hộ đầu tiên cho trang mạng xã hội Facebook và Twitter thông qua DST.
Ông Milner đã bán những cổ phần đó và sau đó đầu tư vào Spotify và Airbnb.
Trang web chính thức của doanh nhân này nói rằng, ông “không đến Nga kể từ năm 2014” và “không có tài sản ở Nga” cũng như chưa bao giờ “gặp gỡ ông Vladimir Putin, dù dưới hình thức cá nhân hay theo nhóm”.
Trong khi đó, ông Tamas có cổ phần lớn nhất tại Vy Global Growth, cùng với ông John Hering, nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành của công ty an ninh mạng toàn cầu, Lookout Inc, theo một hồ sơ chứng khoán.
The Epoch Times đã liên lạc với ông Tamas để đưa ra bình luận.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với Viện Berggruen, ông Tamas đã ca ngợi ý tưởng cho phép những suy nghĩ và ý kiến gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những nền tảng như vậy có tác dụng phụ tiêu cực, ví như nó sẽ tăng kết nối những cá nhân có chung quan điểm cực đoan đến với nhau.
Ông Tamas nói: “Điều mà tôi cho rằng sai lầm chính là việc các nền tảng truyền thông xã hội chi phối những gì chúng ta có thể và không thể xem. Trừ khi mọi thứ rõ ràng như màu đen và màu trắng. Chẳng hạn như lời kêu gọi bạo lực sẽ bị quy thành màu đen, và sẽ bị xoá, bị cấm. Và nếu có người nói điều gì đó mà đi ngược với quan điểm của phần đông. Tôi không cho rằng rằng nền tảng truyền thông xã hội nên quyết định về những gì được xem”.
Sự ủng hộ mới nhất của tỷ phú này diễn ra khi thương vụ mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD của ông Musk bị tạm dừng, trong bối cảnh bất đồng về số lượng tài khoản tự động hoặc tài khoản “bot” tồn tại trên nền tảng này.
Vài tuần trước, tỷ phú Elon Musk đã cáo buộc Twitter cho phép một số lượng đáng kể tài khoản “bot” trên nền tảng này và yêu cầu công ty công bố dữ liệu chính xác liên quan đến số lượng tài khoản bot.
Trong một bài đăng trên Twitter liên quan đến các tài khoản giả mạo hoặc spam vào hôm 13/05, ông Musk đã chia sẻ một bản tin của Reuters từ đầu tháng Năm cho biết, theo một ước tính của Twitter, các tài khoản giả mạo hoặc spam chiếm dưới 5% người dùng tích cực hàng ngày có thể kiếm tiền từ họ trong quý đầu tiên.
Ông Musk cho biết, con số tài khoản Twitter giả mạo có thể lên đến 90% và sẽ không thực hiện thỏa thuận trừ khi Twitter cung cấp một con số chính xác.
Tỷ phú Elon Musk, đã gửi một bức thư tới trụ sở Twitter tại San Francisco hôm 06/06, cáo buộc Twitter ‘chống lại và cản trở’ khả năng lấy thông tin về các tài khoản giả mạo từ trang web truyền thông xã hội này, nói thêm rằng đó là một sự ‘vi phạm’ các điều khoản trong thỏa thuận hồi tháng Tư của họ.
Nội dung trong bức thư viết: “Ông Musk bảo lưu tất cả các quyền có được từ đó, bao gồm quyền không hoàn thành giao dịch và quyền chấm dứt thỏa thuận sáp nhập”.
“Là chủ sở hữu tiềm năng của Twitter, ông Musk rõ ràng có quyền nhận dữ liệu được yêu cầu, cho phép ông chuẩn bị cho việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh của Twitter sang quyền sở hữu của mình, tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cho giao dịch của mình”, nội dung trong thư viết. “Để đạt được cả hai mục tiêu đó, ông ấy cần phải hiểu biết đầy đủ và chính xác về giá trị cốt lõi của mô hình kinh doanh của Twitter cũng như cơ sở người dùng tích cực của công ty này”.
“Ông Musk không bị buộc phải giải thích lý do yêu cầu dữ liệu của mình cũng như không cần phải tuân theo bất kỳ điều khoản mới nào – mà công ty áp đặt lên quyền hạn căn cứ trên hợp đồng của ông – về những dữ liệu được yêu cầu. Tại thời điểm này, ông Musk tin rằng Twitter đang từ chối tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận sáp nhập một cách minh bạch, điều này làm dấy lên thêm những đồn đoán rằng công ty đang lo ngại ông Musk sẽ phát hiện ra sự thật về những dữ liệu đó”.
Sau khi bức thư này được công bố trên trang web của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, cổ phiếu của Twitter đã giảm 1.5%.
Lam Giang
Theo The Epoch Times