Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) sắp hết nhiệm kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài ngày, bà tuyên bố rằng “sẽ không” xin lỗi người dân Hông Kông vì những sự cố xảy ra trong nhiệm kỳ của mình.
Ngoài ra, kể từ khi bị Hoa Kỳ trừng phạt vào tháng 8/2020, chính phủ luôn trả lương cho bà bằng tiền mặt. Lương hưu sau khi rời nhiệm sở của bà cũng sẽ được trả bằng tiền mặt, nhưng bà Lâm nhấn mạnh rằng cuộc sống của bà sẽ không bị ảnh hưởng.
Bà Carrie Lam sẽ không yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với bà và hy vọng một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ biết mình sai và sửa chữa chúng.
Tháng 8/2020, chính quyền Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm bà Carrie Lam. Tháng 11 cùng năm, trong một cuộc phỏng vấn, bà Carrie Lam cho biết, do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, bà không thể có tài khoản ngân hàng. Vì vậy bà phải giữ số lương khổng lồ bằng tiền mặt ở nhà, khiến “tiền chất thành đống” trong nhà.
Ngày 14/6, bà Carrie Lam sắp mãn nhiệm đã được Bloomberg phỏng vấn trên TV. Phóng viên hỏi bà, phải chăng hiện các dịch vụ ngân hàng vẫn chưa được khôi phục và bà vẫn phải sử dụng tiền mặt. Bà Carrie Lam nhấn mạnh rằng bà không có thẻ tín dụng trong 2 năm qua, bà cũng không tiêu tiền, và nhắc lại rằng “Tôi vẫn có thể sống sót”.
Lương hàng năm của bà Carrie Lam cao tới 5,21 triệu đô la Hồng Kông (HKD khoảng 663.743 USD). Người ta ước tính thận trọng rằng tổng thu nhập của bà trong 5 năm sẽ vượt quá 25 triệu HKD (khoảng 3.184.950 USD). Sau khi rời nhiệm sở, bà vẫn còn 6,25 triệu HKD (khoảng 796.237 USD) thù lao theo hợp đồng. Tất cả đều được trả bằng tiền mặt, tương đương với 6.250 tờ HKD với mệnh giá 1.000 đồng.
Phóng viên đã hỏi, liệu tiền lương hưu của bà ấy (số tiền nhận được hàng tháng) có còn được trả bằng tiền mặt sau khi bà rời khỏi chính phủ hay không. Bà Lâm nói là “có thể”, nhưng mô tả lương hưu là một số tiền nhỏ, vì bà đã trở thành một quan chức chính trị được bổ nhiệm hơn một thập kỷ trước, và lương hưu không được tính dựa trên lương hàng tháng của một công chức.
Bà Carrie Lam cho biết, dù không có tài sản ở Hồng Kông, nhưng bà tin rằng mình sẽ được hưởng thụ một cuộc sống sau khi về hưu.
Khi được hỏi liệu bà có nộp đơn yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay không, bà Carrie Lam trả lời một cách dứt khoát rằng “chắc chắn là không”. Bà cũng nhấn mạnh rằng sẽ chỉ xin lỗi chồng và con trai, vì bà muốn phục vụ người dân Hồng Kông và xây dựng nơi này trở thành một phần của Trung Quốc, nên gia đình bà đã phải hy sinh rất nhiều khi hỗ trợ bà ấy.
Bà Lâm còn cho biết bà không muốn đến Hoa Kỳ, không có tài sản ở Hoa Kỳ và gia đình của bà đã bị tổn thương. Bà hy vọng một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ nhận ra rằng các lệnh trừng phạt là sai và sửa chữa nó.
Khi được hỏi về cách đối phó với đợt đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) thứ 5 và tác động của nó đối với Hồng Kông, bà Carrie Lam nói rằng ngay cả khi số người chết của đợt dịch thứ 5 là gần 10.000 người, dưới ảnh hưởng của các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh, trong nhiệm kỳ của mình, bà vẫn có thể tích cực phục hồi tầm quan trọng và vị thế của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm quốc tế.
Tuy nhiên, bà Carrie Lam thừa nhận rằng nếu chính phủ có các biện pháp chống dịch chủ động hơn ngay từ giai đoạn đầu, để bảo vệ người cao tuổi, đặc biệt là các viện dưỡng lão, có lẽ sẽ có ít ca tử vong hơn trong đợt dịch thứ 5.
Bà cũng hiếm khi thừa nhận rằng khi các quốc gia khác thực hiện chính sách mở cửa, Hồng Kông vẫn thực hiện những biện pháp cách ly bắt buộc tại các khách sạn được chỉ định. Điều này đã làm suy yếu vị thế của Hồng Kông, với tư cách một trung tâm tài chính quốc tế một cách tương đối.
Nhưng bà nhấn mạnh rằng khi dịch bệnh giảm bớt, các biện pháp phòng chống dịch khác cũng sẽ được thả lỏng theo, Hồng Kông được cho là sẽ dần dần trở lại đúng quỹ đạo.
Về làn sóng di cư và thất thoát dân số gần đây, bà Lâm không cho rằng nguyên nhân là do chính sách của chính phủ, đồng thời nhấn mạnh Hồng Kông vẫn có tính cạnh tranh, và dòng dân cư đổ về chính xác là lý do khiến Hồng Kông trở nên hấp dẫn.
Phóng viên lại chỉ ra rằng 2 con trai của bà Carrie Lam đang có kế hoạch sống ở nước ngoài, điều này đã phản ánh sự suy thoái của Hồng Kông.
Nhiệm kỳ của Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) sẽ kết thúc vào ngày 30/6 năm nay.
Trong chiến dịch của người Hồng Kông chống Dự luật Dẫn độ vào năm 2019, một phóng viên đã hỏi bà Carrie Lam rằng bà cảm thấy thế nào khi bị buộc tội “bán đứng Hồng Kông”. Câu hỏi khiến bà Carrie Lam rướm lệ và đáp rằng bà “sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông, đã hy sinh cuộc sống cá nhân không ít vì Hồng Kông.”
Ông Stephen Ng, một doanh nhân lãnh đạo cấp cao người Anh tại Hồng Kông, là “đồng môn” của Carrie Lam tại Đại học Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bà Carrie Lam như bị “ma quỷ dẫn dắt đi lên tàu của bọn cướp biển”, bà không bán mình cho Hồng Kông mà là cho Đảng Cộng sản Trung Quốc!
Ông hình dung quá trình này là “leo lên tàu cướp biển, hối hận thì đời đã sắp tàn”, “muốn quay lại cũng rất khó, rất khó”.
Bình Minh (t/h)