Tin VN sáng thứ Năm: Vải thiều sẽ xuất khẩu 30 nước thay vì phụ thuộc Trung Quốc

Hội An

Ảnh tổng hợp.

Đà Nẵng: Cán bộ xin ra khỏi Đảng, thôi việc ngày càng tăng

Dantri – ‘Tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, xin ra khỏi Đảng, cán bộ, công chức xin nghỉ thôi việc có xu hướng tăng ở Đà Nẵng’, đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị đảng bộ thành phố Đà Nẵng tổ chức vào ngày 28/6.

Theo báo cáo tại hội nghị, ngoài thực trạng nói trên, tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên Đà Nẵng cũng chưa được khắc phục; công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên đạt rất thấp so với kế hoạch… Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đặt ra một số vấn đề khó khăn khi cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách. Kinh tế thành phố phục hồi nhưng chưa đồng đều và gặp nhiều thách thức, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Căn cứ vào điều luật nào mà UBND phường cấm người dân tắm Hồ Tây

Dantri – Từ rất nhiều năm, như một thông lệ cứ mỗi đợt nắng nóng tại Hà Nội diễn ra, rất nhiều người dân lại tìm tới các bãi tắm tự phát khu vực ven Hồ Tây (thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ) để giải nhiệt. Tuy nhiên, năm nay chính quyền phường Quảng An đã không cho người dân tiếp tục tắm tại khu vực này.

Cụ thể như cắm biển cấm tắm, bơi lội, dựng barie cứng để ngăn người dân xuống tắm. Quyết liệt và triệt để hơn, chiều 27/6, lực lượng chức năng đã phát loa, yêu cầu người dân dừng mọi hoạt động dưới nước và di chuyển lên bờ, rời khỏi bãi tắm. Rất nhiều người dân dù chấp hành nhưng trong tâm vẫn thấy bất bình, không phục các hành động này từ phía cơ quan chức năng.

Một người nói: “Sao phải cấm cơ chứ? Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm với mạng sống của mình cơ mà. Theo ý kiến của tôi, chỉ nên đặt biển cảnh báo nguy hiểm, còn dám làm dám chịu!”.

Một người khác cũng bất bình: “Như vậy thì các làng quê có ao làng, chính quyền thôn/xã cũng ra thông báo cấm thì trẻ tập bơi ở đâu? Không cho trẻ tập bơi sao chúng biết bơi được? Có phải ai cũng có nhiều tiền để vào bể bơi hàng ngày đâu, mà đâu phải nơi nào cũng có bể bơi để người dân đến tắm?”.

Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn được duy trì hoạt động tắm, sinh hoạt vui chơi cộng đồng tại Hồ Tây và mong muốn UBND phường Quảng An có giải pháp đáp ứng chứ không ngăn cấm người dân. 

“Căn cứ vào điều luật nào mà UBND phường Quảng An cấm người dân bơi tại đây? Nếu cấm thì khi người dân vi phạm sẽ căn cứ vào điều khoản nào để phạt? Mức phạt ra sao?”, một người dân đặt vấn đề. 

Trước bức xúc của nhiều người, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị cho rằng, việc UBND phường Quảng An cấm người dân tắm là việc làm chưa thuyết phục, nếu không muốn nói là vi phạm pháp luật.

Luật sư dẫn Hiến pháp năm 2013 cho biết: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên khác… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Theo luật sư Lực, đúng là trên thực tế việc tắm Hồ Tây của người dân là có nguy hiểm nhưng nguy hiểm ở góc độ người dân tắm không sử dụng thiết bị bảo hộ chứ không phải đơn thuần là việc tắm ở Hồ Tây gây nguy hiểm.

“Trong trường hợp này, UBND phường Quảng An cần vận động tuyên truyền ý thức an toàn, thay biển báo ‘cấm tắm’ bằng biển ‘cấm tắm khi không mang theo thiết bị bảo hộ’ thì sẽ hợp lý và mang tính vì người dân hơn. Hiện nay không gian công cộng, phúc lợi công tại Hà Nội chưa tương xứng với kỳ vọng của nhân dân, trong khi đó Hồ Tây là một không gian công cộng, mang lại phúc lợi công một cách tự nhiên cho người dân”, luật sư Lực chia sẻ.

Quyền được hưởng thụ, sử dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên là quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Cơ quan chức năng cần có định hướng, bảo đảm quyền này của người dân phù hợp với quy định pháp luật chứ không nên đơn thuần ngăn cấm.

Vải thiều sẽ được xuất khẩu đi 30 nước thay vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Trao đổi với Tuoitre, ông Trương Văn Năm, phó chủ tịch huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), cho biết, ngoài thị trường Trung Quốc, vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ được xuất khẩu đến 30 nước như Nhật Bản, Mỹ…

Ông cho biết: “Nhiều tập đoàn đã ký kết với huyện trong tiêu thụ. Với 100 triệu dân, chỉ cần mỗi người tiêu thụ 1 cân thì cơ bản giải quyết được bài toán tiêu thụ vải thiều”.

Cụ thể, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã ký kết với huyện Lục Ngạn tiêu thụ vải thiều tới khoảng 3 triệu công nhân lao động. Ngoài ra, các tổ chức công đoàn, các hội phụ nữ cũng có chương trình ký kết với huyện. Về lâu dài, quả vải sẽ “tìm đường” xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Là hộ dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Chu Xuân Ba (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) chia sẻ vải chất lượng cao có giá nhỉnh hơn vải thông thường từ 5.000 – 7.000 đồng/kg do quả ngọt, mẫu mã đẹp, an toàn cho cả người trồng và người mua.

Theo ông Ba, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khâu tiêu thụ vải thiều năm nay sẽ gặp khó khăn, còn 7-8 năm nay, thương nhân Trung Quốc thu mua hết quả vải ở vườn nhà ông.

Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, ông mong muốn được Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp, thời gian kéo dài 5-7 năm thay vì vay từng năm như hiện nay; tạo thuận lợi cho xe container xuất khẩu vải thiều nhanh chóng; hỗ trợ đầu tư kho lạnh chứa vải thiều; mở sạp hàng trên sàn thương mại điện tử…

Nắm bắt ý kiến người dân, phó chủ tịch huyện Lục Ngạn cho hay: “Huyện đã tham mưu với tỉnh Bắc Giang và có cơ chế hỗ trợ bà con, nhất là các cơ sở sản xuất đá, xốp và xây dựng các lò sấy vải. 

Tính đến ngày 27-6, vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ chủ yếu lại thị trường phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Quả vải cũng được xuất sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Đến nay, huyện Lục Ngạn tiêu thụ gần 15.600 tấn trong nội địa và gần 17.000 tấn xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 97%). Giá bán vải sớm dao động từ 14.000 – 28.000 đồng/kg, vải thiều từ 15.000 – 25.000 đồng/kg.

Mỹ đang là thị trường số 1 của nhiều loài thủy sản thế mạnh của Việt Nam

Tuoitre – Ngày 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ghi nhận xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm đạt 27,88 tỉ USD tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, và Mỹ là thị trường số 1. Trong đó, nhóm mặt hàng xuất khẩu chính là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%), tôm, cá tra, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, gạo,…

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với giá trị 4,97 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2021 và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng nông – lâm – thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc là: rau quả, cao su, sắn (khoai mì), gạo, thủy sản,…

Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 22,1 tỉ USD sản phẩm nông nghiệp. Như vậy,  thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 5,75 tỉ USD, gấp 2 lần so với 6 tháng năm 2021.

Related posts