Nga đã bất ngờ rút quân khỏi Đảo Rắn luôn là chiến trường nóng bóng ở biển phía nam Ukraina. Phía Nga nói đó là một sự nhượng bộ cho việc giải phóng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina, nhưng việc từ bỏ vị trí chiến lược vào lúc này của Nga khiến dư luận hoài nghi về sự thiệt hại nặng nề và khả năng khó duy trì thế làm chủ của người Nga trên hòn đảo nhỏ này, sau khi bị quân đội Ukraina tuyên bố lần đầu tiên sử dụng thành công tên lửa chống hạm Harpoon tấn công đảo Rắn.
Người đứng đầu Cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng Ukraine (DI of Ukraine) Thiếu tướng Kirill Budanov từng cho truyền thông nước này biết lý do vì sao đảo Zmiinyi hay Đảo Rắn trên Biển Đen lại có vị trí cực kỳ quan trọng đối với cả 2 phía trong cuộc chiến. Sau đó trang facebook của Cục tình báo chính Bộ Quốc phòng Ukraina đã đăng lại.
Ông nói: “Đảo rắn cho phép kiểm soát tình hình trên mặt đất và một phần trên không ở miền nam nước ta, vì vậy các lực lượng phòng thủ Ukraine sẽ chiến đấu vì nó. Ukraine sẽ chiến đấu vì Đảo Rắn nhiều nhất có thể”.
Theo ông, hòn đảo này có tầm quan trọng chiến lược đối với cả Ukraine và Nga. Nó cũng đặc biệt đối với kẻ thù bởi vì nó là khu vực duy nhất mà qua đó quân đội có thể cố gắng đổ bộ vào lãnh thổ của vùng Transnistrian bị chiếm đóng của Moldova.
Ông Budanov nó: “Bất cứ ai kiểm soát hòn đảo này đều có thể chặn đường di chuyển của các tàu dân sự trên mọi hướng tới phía nam của Ukraine bất cứ lúc nào, từ đó họ có thể tấn công phần phía tây của Ukraine”.
Điều này đã được khẳng định bởi Phó Cục trưởng Cục Tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, Chuẩn tướng Oleksiy Gromov. Ông giải thích rằng hòn đảo là một trong những nút quan trọng của lãnh thổ của Ukraina và việc giữ nó trong tầm kiểm soát sẽ tạo cơ hội chống lại quân đội Nga trong việc phong tỏa trung tâm cảng Odessa.
“Nếu Nga củng cố vị thế của mình trên Đảo Rắn bằng tên lửa hành trình, hệ thống phòng không và phòng thủ bờ biển, nước này có thể thống trị vùng Tây Bắc Biển Đen”, – báo cáo của tình báo Anh cho biết.
Đảo Rắn là một vùng đất đá ở giữa Biển Đen, dài 615 m và rộng 560 m. Nó là lãnh thổ của Romania cho đến khi nó được bàn giao cho Liên Xô vào năm 1948. Sau đó, nó bắt đầu được sử dụng như một căn cứ radar. Ukraine đã giành được quyền kiểm soát hòn đảo này sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng Romania vẫn tiếp tục tuyên bố lãnh thổ của mình.
Năm 2009, Tòa án Công lý Quốc tế của Liên hợp quốc ra phán quyết rằng Romania sở hữu gần 80% thềm lục địa Biển Đen, nhưng bản thân hòn đảo này vẫn là một phần của Ukraine và phân định lãnh hải của nước này.
Với vị trí và ý nghĩa chiến lược như vậy của Đảo Rắn, việc Nga từ bỏ hòn đảo này có thể coi là một chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến lược đối với Ukraina.