Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ban hành một danh sách “các yêu cầu” mới đối với chính phủ Úc nếu nước này muốn khôi phục bang giao song phương.
Điều này diễn ra trong khuôn khổ chiến dịch gây cảm tình mới của Bắc Kinh nhằm lấy lòng chính phủ Công Đảng Úc, đồng thời tuyên bố chính phủ của cựu Tổng thống Morrison là “nguyên nhân căn bản” khiến mối bang giao xấu đi.
Hôm 08/07, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Bali, Indonesia.
Đây là cuộc gặp cao cấp đầu tiên giữa các bộ trưởng Úc và Trung Quốc trong gần ba năm. Mối bang giao song phương đang lao dốc không phanh sau khi Bắc Kinh tiến hành một cuộc chiến thương mại chống lại các nhà xuất cảng Úc nhằm trả đũa việc cựu Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.
Ngoại trưởng Wong cho biết bà hoan nghênh cuộc thảo luận, vốn đi sâu vào các vấn đề về “thịnh vượng, an ninh, và ổn định của khu vực.”
Bà nói trong một tuyên bố, “Chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn và lắng nghe cẩn thận các ưu tiên và các mối quan tâm của nhau. Tôi đã nêu lên những mối lo ngại của Úc về một loạt các vấn đề song phương, khu vực, thương mại, và lãnh sự.”
“Chúng tôi có những điểm không giống nhau, nhưng điều đó nằm trong những lợi ích của cả hai quốc gia chúng tôi để mối bang giao được ổn định.”
Tân chính phủ Công Đảng Úc thiên tả đang bước trên một giới tuyến mỏng manh để cố gắng phân biệt chính sách ngoại giao của mình với chính sách ngoại giao của chính phủ tiền nhiệm. Một điểm khác biệt là sự hỗ trợ cởi mở hơn của chính phủ đối với hành động biến đổi khí hậu; một điểm nữa là họ cũng đề cao việc “lắng nghe” những mối quan tâm của các quốc gia khác.
Bốn điều kiện của Bắc Kinh đối với Úc
Trong khi đó, Bắc Kinh hưởng ứng cuộc gặp gỡ khi nói rằng Ngoại trưởng Wong không có ý định “làm tăng thêm sự khác biệt giữa đôi bên,” cũng như không cố gắng “kiềm chế Trung Quốc.”
Hơn nữa, theo một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “nguyên nhân căn bản” của những khó khăn trong mối bang giao song phương trong vài năm qua là việc chính phủ cựu Thủ tướng Morrison coi Bắc Kinh là địch thủ hoặc là mối đe dọa.
Ông hy vọng Úc có thể “nắm bắt cơ hội hiện tại” để cải thiện bang giao và vạch ra bốn hành động cần thực hiện:
- Coi Trung Quốc là “đối tác thay vì đối thủ;”
- Tìm kiếm điểm chung giữa cả hai quốc gia đồng thời gác lại những bất đồng;
- Để Úc tránh bị “bất kỳ bên thứ ba nào thao túng” — ám chỉ Hoa Kỳ.
- Xây dựng sự ủng hộ tích cực và thực tế của công chúng.
Danh sách này được đưa ra theo sau một văn bản gồm “14 điểm bất bình” bị rò rỉ từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra đến các hãng thông tấn Úc, trong đó có các yêu cầu cụ thể như lật ngược lệnh cấm 5G đối với Huawei, và bãi bỏ luật can thiệp ngoại quốc của quốc gia này.
Bắc Kinh cố gắng tận dụng việc chuyển đổi chính phủ
Tuy nhiên, theo ông Michael Shoebridge, giám đốc quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, chiến dịch gây cảm tình của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ khó mà được Úc chấp thuận.
Ông nói với The Epoch Times, “Bắc Kinh rõ ràng đang muốn chính phủ tiền nhiệm hứng chịu hết và đổ lỗi cho họ về mối bang giao này. Nhưng chính phủ mới tỏ ra khá tinh tường và nói rằng, ‘À, thực ra, đó là cách hành xử có tính hệ thống của chính phủ Trung Quốc và các cơ quan của họ [đó mới là vấn đề].’”
Ông Shoebridge cho biết ĐCSTQ cũng đang cố gắng tận dụng nỗ lực của chính phủ Công Đảng Úc, đó là muốn trở nên khác biệt với chính phủ tiền nhiệm.
“Họ hy vọng rằng điều đó có thể là một mũi nhọn chính trị.”
Ông Lincoln Parker, Chủ tịch Chi nhánh Chính sách Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Đảng Tự Do, cho biết Úc nên đưa ra danh sách các yêu cầu của riêng mình để đáp trả.
Ông nói với The Epoch Times, “Đứng đầu danh sách là phải thả tất cả các tù nhân chính trị Úc, rút quân khỏi quần đảo Solomon và không can thiệp vào các quốc đảo Thái Bình Dương. Thứ ba là bãi bỏ tất cả các loại thuế bất hợp pháp đối với hàng hóa và dịch vụ. Dừng hành vi trộm cắp công nghệ, gián điệp, và cưỡng bức trên quy mô lớn. Ngừng sử dụng lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ, bồi thường cho COVID-19, và yêu cầu thứ bảy là công nhận chủ quyền của Đài Loan.”
Lập trường chính trị của chính phủ liên bang có vẻ không mềm mỏng
Ông Pat Conroy, Bộ trưởng Công Đảng Úc về Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương, cho biết chính phủ vẫn sẽ theo đuổi các vấn đề quan trọng về lợi ích quốc gia với Bắc Kinh.
Hôm 11/07, ông nói với ABC Radio, “Có những vấn đề quan trọng mà chúng tôi cần giải quyết, chẳng hạn như tình trạng phong tỏa thương mại, chẳng hạn như việc giam giữ một số công dân Úc và chúng tôi đang nỗ lực giải quyết vấn đề đó.”
“Nhưng đây là một quá trình sẽ mất nhiều thời gian, và chúng tôi cam kết thực hiện cuộc đối thoại đó, tuy nhiên lợi ích quốc gia của chúng tôi không thay đổi.”
Trong khi ông David Littleproud của phe đối lập, lãnh đạo Đảng Quốc Gia, bảo vệ cách giải quyết của chính phủ tiền nhiệm đối với Bắc Kinh, gọi danh sách các yêu cầu này là “chiến dịch tuyên truyền.”
Ông nói với Sky News Australia: “Chúng tôi rất vui khi được thương thuyết, nhưng đó không phải là đưa ra các yêu cầu, đó không phải là cách các vị dương oai diễu võ trong cộng đồng quốc tế. Đây đáng lẽ phải là cuộc đối thoại cởi mở, cuộc đối thoại tôn trọng, tôn trọng chủ quyền của nhau.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và bang giao Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.
Thanh Nhã biên dịch