Theo kết quả một cuộc khảo sát công bố mới đây, gần 60% người Mỹ tin rằng ứng dụng video ngắn TikTok nên bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng, sau khi đại diện TikTok xác nhận dữ liệu người dùng Mỹ có thể bị truy cập ở Trung Quốc.
Trong một cuộc khảo sát do tổ chức Công ước Hành động của các Quốc gia và Tập đoàn Trafalgar thực hiện, 58,6% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ “nỗ lực xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng khi công ty này tiết lộ rằng, nhân viên TikTok ở Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng của Mỹ.”
Trong khi đó, chỉ có 17,8% người được hỏi phản đối điều đó [xóa TikTok] và 23,6% nói rằng họ không chắc chắn.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 7/7 đến ngày 10/7, khảo sát hơn 1.000 cử tri có khả năng tham gia cuộc bầu cử năm 2022, với tỷ lệ sai số khoảng 2,9%.
Kết quả khảo sát được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Buzzfeed News công bố các đoạn ghi âm bị rò rỉ của 80 cuộc họp nội bộ của TikTok cho thấy, ít nhất từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, các kỹ sư ở Trung Quốc đã có quyền truy cập vào dữ liệu của ứng dụng tại Hoa Kỳ.
Theo báo cáo, các nhân viên của Tiktok ở Mỹ đôi khi phải nhờ các đồng nghiệp của họ ở Trung Quốc để xác định dữ liệu ở Hoa Kỳ đang lưu chuyển như thế nào, bởi vì các nhân viên ở Mỹ không được phép truy cập độc lập.
Cuộc khảo sát tháng 7 cho thấy, các đảng viên độc lập (56,9%) và Đảng Cộng hòa (76,8%) có nhiều khả năng ủng hộ các biện pháp loại bỏ TikTok, trong khi chỉ 39,2% Đảng viên Dân chủ đồng ý với đề xuất này.
Những tiết lộ gần đây đã thúc đẩy việc gia tăng giám sát đối với ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. Nhiều quan chức và chuyên gia lo ngại, TikTok có thể bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng để tiến hành hoạt động gián điệp và thu thập thông tin.
Trong một số tuyên bố công khai, TikTok khẳng định rằng họ lưu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ tại địa phương và sẽ không chia sẻ chúng với chính quyền Trung Quốc nếu được yêu cầu.
Tuy nhiên, Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc yêu cầu tất cả các tổ chức và công dân Trung Quốc phải “hỗ trợ, trợ giúp và hợp tác với các nỗ lực của tình báo quốc gia theo quy định của pháp luật”, đồng thời “bảo vệ bí mật của công tác tình báo quốc gia mà họ biết”. Do đó, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải giao bất kỳ dữ liệu nào mà các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu, đồng thời phải phủ nhận đã làm như vậy trước công chúng.
Phát biểu với tờ The Epoch Times, Dân biểu Đảng Cộng hòa Ken Buck (bang Colorado) nhận định: “Không có gì phải ngạc nhiên, TikTok chỉ là một công cụ xâm nhập khác để giúp Trung Quốc cộng sản xâm nhập vào thông tin cá nhân thuộc quyền sở hữu của người Mỹ. Ứng dụng này là mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia của chúng ta, và Hoa Kỳ nên có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn chiến dịch gián điệp của ĐCSTQ.”
Chính quyền Trump trước đây đã nỗ lực cấm TikTok hoạt động tại Hoa Kỳ với lý do gây rủi ro về bảo mật dữ liệu. Nhưng ông Joe Biden sau đó đã đảo ngược biện pháp này, thay vào đó ra lệnh cho Bộ Thương mại đánh giá nền tảng này để xác định xem nó có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không.
Đáng lưu ý, ngoài việc dữ liệu người dùng của Hoa Kỳ bị Bắc Kinh truy cập để tiến hành các hoạt động gián điệp, TikTok còn có thể lợi dụng dữ liệu thu thập được để định hình nhận thức của người Mỹ, hòng đem đến lợi ích cho chế độ Trung Quốc, theo nhận xét của ông Mark Meckler, cựu Giám đốc điều hành nền tảng truyền thông xã hội Parler và là chủ tịch của Công ước Hành động của các Quốc gia, nhóm vận động đã thực hiện cuộc khảo sát.
Ông Meckler mô tả TikTok là một phần của “cuộc chiến kỹ thuật số chống lại Hoa Kỳ” kéo dài của chế độ cộng sản. Ông chỉ ra, khái niệm “chiến tranh tổng lực” của quân đội Trung Quốc tìm cách tận dụng một loạt các phương pháp và đấu trường bên ngoài các lĩnh vực chiến tranh truyền thống, chẳng hạn như phương tiện truyền thông và văn hóa, để có thể đánh bại kẻ thù.
Ông Meckler nhấn mạnh, đây chỉ là một phần trong toàn bộ chiến thuật của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm gây thiệt hại cho Hoa Kỳ bằng cách ảnh hưởng đến văn hóa của những người trẻ tuổi.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)