Anh còn nợ em
Ở Việt Nam, người giàu cũng nhiều mà người nghèo còn nhiều hơn. Cứ xem mấy video clips cho thấy những người bị đuổi ra khỏi nhà trọ trong đại dịch Covid, rồi phải tay bồng, tay dắt bầy con nhỏ đi bộ cả trăm cây số về quê để may ra được ‘yên bình’.
Thường thường người nghèo còn bị thêm cái họa mắc nợ. Mắc nợ là việc cực chẳng đã, chứ ai mà muốn mắc nợ… nhưng khi mắc vào rồi thì khó mà gỡ ra. Thi sĩ Tú Xương đã từng than: “Chẳng có cái tội gì hơn cái tội nghèo.”
Cái khó theo nhau mãi thế thôi
Có ai, hay chỉ một mình tôi?
Bạc đâu ra miệng mà mong được?
Tiền chửa vào tay đã hết rồi!
Van nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi
Biết thân thuở trước đi làm quách
Chẳng ký, không thông, cũng cậu bồi! (Tú Xương)
Mỗi thời và mỗi văn hóa có cách đòi nợ khác nhau, họ dùng những chiến thuật ̣để làm cho người nợ sợ, lo, hay bối rối, cuố́i cùng chịu không nổi, phải van xin, bỏ chạy, hay kết thúc đời mình.
Hôm qua xem một video clip ‘tuyệt hảo’ về mánh đòi nợ. Một cô áo quần kiểu ả đào, đem chiếu ngồi trước nhà bị nợ, có dàn xếp một chút ‘bàn thờ’ với hương khói, rồi ‘cầu nguyện’ thật lớn như hát kiểu opera, để nhục mạ con nợ… Rất nhiều người xúm lại xem, vui cười thoải mái trên sự đau khổ của người mắc nợ.
Ở Việt Nam mình mắc nợ thì chông gai hơn nhiều. Nếu bạn không trả thì có giang hồ đến viếng thăm… Chúng rất tàn bạo, dọa nạt đủ kiểu… Nếu không trả thì nhà cửa tan hoang, thân thể rã rời, “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, rồi ngày mai về với cát bụi.”
Ta nợ chính ta một nấm mồ
Nợ đời bằng một tiếng nam mô
Nợ em một câu kinh sám hối
Nợ kiếp nhân sinh nửa giấc mơ! (Viễn Trình)
Thôi thì “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”