1-8-2022
Loa phường xoá bỏ cá nhân
Thành tựu vĩ đại nhất của cách mạng tư sản dân quyền là giải phóng cá nhân. Trước cách mạng tư sản dân quyền, người dân không có cá nhân, chỉ là bầy đàn công cụ dưới sự chăn dắt và sử dụng của chủ nô, lãnh chúa. Chỉ có cá nhân của lãnh chúa, chủ nô. Đến cách mạng tư sản dân quyền bắt đầu từ nước Pháp năm 1789, rồi lan ra nhiều nước châu Âu, kết thúc chế độ phong kiến, mở ra chế độ tư bản ở châu Âu, con người mới được nhìn nhận là những cá thể tách ra khỏi bầy đàn. Cá nhân có mặt trong cuộc đời là bước tiến vĩ đại của lịch sử loài người. Cá nhân có mặt trong cuộc đời cũng vĩ đại như ngọn lửa trong cuộc sống loài người.
Mọi nhà nước dân chủ tư sản, dù là nhà nước tư bản hoang dã thì việc đầu tiên là xây dựng luật pháp bảo đảm sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội. Quyền con người, quyền công dân ra đời từ đó.
Tách ra khỏi bầy đàn, mỗi cá nhân đều có cuộc sống riêng, có năng lượng sống riêng, có khát vọng riêng và có nhu cầu riêng của đời sống văn hoá tinh thần phải được xã hội nhìn nhận và bảo đảm bằng luật pháp.
Được nhìn nhận, mỗi cá nhân đều mang hết trí tuệ, tài năng khẳng định sự có mặt của mình trong cuộc đời và đóng góp cho cuộc đời, cho xã hội, đưa xã hội phát triển không ngừng, tạo ra những nền văn minh sáng lạn.
Cá nhân được giải phóng khỏi bầy đàn. Con người có mặt trong cuộc đời với tư cách là những cá nhân sáng tạo, không còn là bầy đàn công cụ của những cá nhân chủ nô, lãnh chúa nữa. Văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, văn minh tin học ra đời từ đó.
Ở Việt Nam, sự ra đời của Tự Lực Văn Đoàn cũng là một sự kiện vĩ đại không phải chỉ của lịch sử văn học Việt Nam mà còn là sự kiện vĩ đại trong tiến trình đi tới văn minh của dân tộc Việt Nam vì Tự Lực Văn Đoàn là đòi hỏi, là ghi nhận, là khắc vào lịch sử Việt Nam dấu ấn sự ra đời của cái Tôi, của cá nhân, báo hiệu sự ra đời của văn minh công nghiệp, văn minh đô thị ở Việt Nam.
Pháp xâm lược Việt Nam chỉ nhằm mục đích khai thác, vơ vét tài nguyên thuộc địa Việt Nam cho nước Pháp làm công nghiệp hoá. Nhưng vào khai thác tài nguyên thuộc địa Việt Nam, tư bản Pháp cũng mang vào Việt Nam tư tưởng triết học Tự do – Bình đẳng – Bác ái của cách mạng tư sản dân quyền Pháp và mang vào Việt Nam hơi thở, sức sống của xã hội công nghiệp Pháp.
Triết học Tự do – Bình đẳng – Bác ái vào Việt Nam đã tạo ra một thế hệ trí thức mới, thế hệ trí thức công nghiệp đầu tiên của xã hội phong kiến, xã hội nông nghiệp Việt Nam. Lớp trí thức ý thức về cái Tôi, đòi hỏi cái Tôi của cá nhân phải được nhìn nhận và khẳng định sự có mặt trong cuộc đời.
Những trí thức có lí trí mạnh mẽ, có trách nhiệm kẻ sĩ trước thời cuộc trở thành chính khách làm chính trị dẫn dắt đất nước tìm con đường không đổ máu thoát khỏi thân phận thuộc địa, giành độc lập, hoà nhập với thế giới văn minh đi vào văn minh công nghiệp. Xin nhắc lại cách mạng tư sản dân quyền vào Việt Nam đã tạo ra lớp trí thức tư sản dân quyền kiên trì con đường giành độc lập không đổ máu, không chấp nhận cách mạng bạo lực. Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời bởi những trí thức như vậy.
Những trí thức giầu lí trí làm chính trị thì những trí thức tài hoa giầu sáng tạo sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn. Văn Đoàn của cái Tôi, của cá nhân tách ra khỏi bầy đàn đưa xã hội nông nghiệp Việt Nam chưa có cá nhân, chưa có cái Tôi ngập ngừng bước vào văn minh của cái Tôi, văn minh công nghiệp, văn minh đô thị.
Hơi thở, sức sống của xã hội công nghiệp Pháp vào Việt Nam cũng tạo ra những nghiệp chủ công nghiệp, những nhà công thương ở qui mô công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, lớp tư sản dân tộc đầy tài năng và nồng nàn lòng yêu nước hăm hở đưa xã hội Việt Nam vào xã hội công nghiệp, hoà nhập cùng dòng chảy nhân loại đang hối hả công nghiệp hoá.
Nhưng bão táp cách mạng tháng tám 1945 nổ ra đã xoá bỏ cá nhân, chặn đứng dòng chảy tiến hoá. Trong xã hội phong kiến cổ hủ, trì trệ và nông nghiệp thô sơ, ngưng đọng Việt Nam, cá nhân đã tách ra khỏi bầy đàn chỉ là số ít lẻ loi. Số đông vẫn là bầy đàn chưa có cá nhân. Những người cộng sản đã kích hoạt sức mạnh đám đông chưa có cá nhân thành dòng thác cách mạng vô sản giành chính quyền của trí thức dân tộc cho đảng cộng sản.
Đưa những nông dân chưa có cá nhân lên lập chính quyền cách mạng và chính quyền đó được làm đẹp, được lí tưởng hoá bằng tên gọi Chính Quyền Nhân Dân nhưng tinh hoa của nhân dân là trí thức dân tộc và tư sản dân tộc, những người giầu trí tuệ và giầu của cải, những cá nhân sáng chói và sừng sững trong lịch sử Việt Nam đều không thể có mặt trong chính quyền nhân dân.
Chính quyền nhân dân chỉ là những con người chưa có cá nhân lập tức vô hiệu và xoá bỏ những cá nhân lừng lững, xoá bỏ thế hệ trí thức dân tộc và xoá bỏ đội ngũ tư sản dân tộc. Vì chưa có cá nhân của luật pháp dân chủ, của văn minh công nghiệp, những con người có quyền lực của chính quyền nhân dân liền hiện nguyên hình là những lãnh chúa, chủ nô cộng sản còn tồi tệ hơn lãnh chúa chủ nô phong kiến. Những Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tất Thanh Cang, Nguyễn Dức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long… là minh chứng.
Chưa có cá nhân, chỉ có lãnh chúa chủ nô và bầy đàn nô lệ, xã hội trở về thời phong kiến. Và xã hội Việt Nam đã chuyển từ phong kiến trung cố sang phong kiến cộng sản. Thân phận con người bầy đàn trong phong kiến cộng sản còn bi thảm, ai oán hơn cả thân phận bầy đàn trung cổ. Bầy đàn trung cổ công khai, rõ ràng, sòng phẳng với lịch sử. Còn bầy đàn trong phong kiến cộng sản phải mang cái mặt nạ tự do dân chủ.
Coi người dân chỉ là bầy đàn, không có cá nhân nhưng trong thời đại dân chủ, nhà nước lãnh chúa chủ nô cộng sản vẫn phải nhuộm màu dân chủ cho Hiến pháp tước đoạt quyền dân. Tạo ra màu mè dân chủ ở điều 25 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Rồi vội vã làm ngay luật Hình sự 2015 hình sự hoá quyền tự do ngôn luận của người dân bằng những điều luật hình sự vi Hiến, điều 109. điều 117. điều 331.
Để có màu mè dân chủ, phải viết vào Hiến pháp: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”. Điều 28, Hiến pháp 2013.
Thứ dân chủ màu mè bánh vẽ đó chỉ mang lại thân phận bầy đàn của người dân thêm cay đắng, bi thảm, ai oán mà thôi. Kiến nghị bằng những văn bản thống thiết đều chìm vào im lặng hư vô, người dân phải kiến nghị bằng hành động, bằng biểu tinh thì công an vung dùi cui, vung roi điện giáng xuống đầu dân và quát vào mặt dân: Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo!
Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo! Người dân chỉ là bầy đàn do đảng và nhà nước chăn dắt. Bầy đàn, không có cá nhân thì cũng không có quyền con người, không có quyền công dân! Không được ý kiến, không được kiến nghị, không được biểu tình gì hết, hiểu chưa! Thê thảm quá!
Coi người dân chỉ là bầy đàn, đảng và nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cứ thản nhiên đặt loa phường trên đầu dân, bắt người dân từ ông xe ôm đợi khách bên vỉa hè đến ông nhà văn đêm đêm thức với trang sách, bắt từ bà bán rau đến ông bác sĩ về nhà nghỉ ngơi sau ca trực đêm ở bệnh viện, đều phải nghe chung tiếng loa phường vang vang xộc vào phòng ngủ, xộc vào không gian riêng tư.
Đặt loa phường trên đầu dân, chính quyền nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vừa ngạo mạn coi người dân chỉ là bầy đàn không có cá nhân, không cần quan tâm đến con người cá nhân, không cần quan tâm đến quyền con người, coi xã hội chỉ là trại gia súc, chủ chăn gia súc muốn áp đặt điều gì thì áp đặt.
Vừa chứng tỏ nền tảng văn hoá, kiến thức xã hội thực sự của quan chức nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quá thấp kém, vẫn thoả mãn với thứ văn hoá bầy đàn, vẫn chưa hề có cá nhân, chưa hề biết đến giá trị văn hoá phổ cập của thời đại.
Vừa là sự thú nhận thất bại thảm hại của tuyên truyền nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Một hệ thống truyền thông nhà nước khổng lồ ngốn hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân nhưng không đến được với dân. Người dân không đọc báo, không nghe đài của truyền thông nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa thì nhà nước đặt loa phường trên đầu, buộc phải nghe, buộc phài chịu đựng tuyên truyền nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!