Đại sứ Đài Bắc: Bắc Kinh đang ‘tạo ra’ cuộc khủng hoảng Đài Loan
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài CBS News, đại sứ Đài Loan tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm ( Hsiao Bi-khim) đã chỉ trích phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới đảo quốc này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo rằng chuyến thăm của bà Pelosi sẽ dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng” và “những người đùa với lửa sẽ bị bỏng”.
Nhưng bà Tiêu chỉ ra rằng các chuyến thăm của Quốc hội Hoa Kỳ tới Đài Loan không phải là một hiện tượng mới mẻ.
Bà Tiêu nói: “Chính phủ Bắc Kinh hiện đang cố gắng tạo ra một cuộc khủng hoảng dựa trên một thực tế đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, và họ đang sử dụng điều này như một cái cớ”.
Vào ngày 02/8, ngày Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Pelosi đến Đài Loan, Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở sáu khu vực xung quanh Đài Loan từ ngày 04/8 đến ngày 07/8. Đây là cuộc tập trận lớn nhất mà Trung Quốc từng tổ chức ở eo biển Đài Loan.
Vào ngày 08/8, Bắc Kinh đã công bố các cuộc tập trận mới gần Đài Loan, bao gồm các hoạt động tấn công trên biển và chống tàu ngầm.
Sau chuyến thăm Đài Loan, bà Pelosi tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không cho phép Trung Quốc cô lập hòn đảo.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS News, bà Tiêu được hỏi về việc Trung Quốc “vận động cơ bắp ngoại giao” sau chuyến thăm của bà Pelosi, bao gồm việc hủy bỏ một số thỏa thuận với Hoa Kỳ.
Bà nói: “Nếu Trung Quốc muốn phát triển với tư cách là một bên liên quan có trách nhiệm trong cộng đồng toàn cầu, thì Bắc Kinh nên quyết định xem liệu sự trẻ hóa của họ có phát triển tỷ lệ thuận với sự tôn trọng của quốc tế hay không”.
Điểm yếu được nhận thức của Mỹ
Bà Tiêu cũng nói về “các mối đe dọa tăng cường” của Trung Quốc đối với Đài Loan, không chỉ ở cấp độ quân sự mà còn thông qua “bộ công cụ kết hợp” về các cuộc tấn công mạng, thông tin sai lệch công khai và cưỡng bức kinh tế.
Bà Tiêu cho biết, bà tin rằng Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã tạo nền tảng vững chắc cho Hoa Kỳ trong việc bảo vệ hòn đảo về mặt quân sự trước Trung Quốc. Tuy nhiên, bà từ chối đưa ra quan điểm về việc liệu Đài Loan có đảm bảo với chính quyền ông Biden rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ đến bảo vệ hòn đảo hay không.
Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về cách chính quyền của ông giải quyết vấn đề Trung Quốc – Đài Loan. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hoà-Wyoming) chỉ ra rằng, ĐCSTQ đang tìm cách hưởng lợi từ sự yếu kém của Mỹ.
“Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh vào thời điểm mà Tổng thống Biden thể hiện sự yếu kém, và họ sẽ tận dụng hết sức mạnh của mình”, ông Barrasso nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox News.
Ông nói: “Khi Trung Quốc hoặc Tổng thống Nga Putin hay bất kỳ ai nhìn thấy điểm yếu, họ sẽ lao vào. Đó là điều đã xảy ra. Tổng thống cần thể hiện vị thế chủ chốt trên trường quốc tế”.
Trong khi đó, bà Pelosi đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không có một nghị sĩ Đảng Cộng hòa nào trong chuyến công du của bà tới Đài Loan. Ngoài bà Pelosi, có năm thành viên trong phái đoàn, tất cả đều là các nhà lập pháp đảng Dân chủ.
Một đảng viên Cộng hòa, Hạ nghị sĩ Michael McCaul của bang Texas, đã được mời, nhưng ông không thể tham gia phái đoàn vì việc cá nhân.
Lam Giang
Hơn 80,000 du khách mắc kẹt vì phong tỏa ở Tam Á, Trung Quốc
Tính từ khi đợt dịch mới nhất bùng phát ở Hải Nam, Trung Quốc đến ngày 7/8, có 1.140 ca dương tính với COVID-19 được báo cáo, 827 trường hợp được xác nhận, trong đó riêng thành phố Tam Á có 689 ca. Hiện tại, thành phố này về cơ bản đã bị phong toả, tất cả các tuyến đường sắt đều bị cấm, và tất cả các chuyến bay buộc phải hủy bỏ. Tính đến chiều ngày 6/8, hơn 80.000 khách du lịch đã bị mắc kẹt tại đây.
Chiều ngày 6/8, cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch ở thành phố Tam Á đã thông báo, từ 6:00 sáng ngày 6/8, thành phố Tam Á sẽ thực hiện quản lý tĩnh tạm thời toàn khu vực, bên cạnh việc đảm bảo các dịch vụ vận hành xã hội cơ bản, phòng chống dịch và các tình huống khẩn cấp khác, toàn bộ thành phố sẽ hạn chế người đi lại, tạm dừng giao thông công cộng trong thành phố. Thời gian khôi phục sẽ được thông báo sau.
Đợt dịch hiện tại ở Tam Á đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành du lịch tại địa phương. Theo trang tin Yicai.com đưa tin, một số danh lam thắng cảnh như Khu Du lịch Văn hóa Nam Sơn, Công viên Rừng Thiên đường Nhiệt đới Vịnh Á Long, Đảo Ngô Chi Châu, v.v, đều đã tạm dừng hoạt động. Các nền tảng ứng dụng và công ty du lịch lớn cũng đã khẩn trương đưa ra các sửa đổi lịch trình và hoàn tiền.
Một số đơn vị lữ hành cho biết, trong mùa cao điểm du lịch hè, các đơn hàng du lịch ban đầu đã được đặt từ đầu tháng Tám đến đầu tháng Chín, hiện các đơn hàng này đều đã được hoàn tiền. “Doanh thu liên quan đến việc bồi hoàn là gần 5 triệu nhân dân tệ.”
Trang tin Hexun.com đưa tin, vào ngày 6/8, tất cả các chuyến bay liên quan đến Tam Á buộc phải hủy bỏ và những chuyến bay đã khởi hành phải quay lại. Cơ quan đường sắt cũng đã cấm mọi hoạt động mua bán vé trong khu vực Tam Á, và người dân không thể rời Tam Á bằng đường sắt. Hiện tại, chỉ có thể vào mà không thể ra khỏi các ga Tam Á, ga Vịnh Á Long, Ga Sân bay Phượng Hoàng và Ga Nhai Châu, thời gian khôi phục lại sẽ được thông báo riêng.
Nhiều du khách nhận thấy chuyến bay của họ đã bị hủy chỉ sau khi đến sân bay. Một số du khách đã làm thủ tục và lên máy bay nhưng họ buộc phải xuống máy bay sau 2 tiếng chờ máy bay cất cánh.
Ngày 5/8, ông Hà Thế Cương (He Shigang), Phó thị trưởng thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, cho biết ước tính có hơn 80.000 du khách đang mắc kẹt tại Tam Á. Kể từ ngày này, số khu vực có nguy cơ cao ở Tam Á sẽ được điều chỉnh lên 95 và số khu vực có nguy cơ trung bình sẽ được điều chỉnh thành 50.
Ngày 6/8, trong Hội nghị phòng chống dịch tại Tam Á, chính quyền đưa ra báo cáo cho biết trong số những người mắc kẹt tại Tam Á có khoảng 32.000 người thuộc khách du lịch mắc kẹt trong khách sạn. Từ 6h ngày 6/8, khách sạn sẽ phục vụ với mức giá ưu đãi giảm 50%.
Tuy nhiên, một số lượng lớn du khách cho rằng, “khách sạn giảm nửa giá” chỉ là mánh lới quảng cáo, nhiều khách sạn cũng nhân cơ hội tăng giá lên rất nhiều, du khách ở lại nhưng không được hưởng chiết khấu thực tế. Đối với những du khách bị mắc kẹt trong khách sạn, họ cần phải tự lo bữa ăn cho mình, một bữa ăn cho hai người có giá 500 nhân dân tệ (khoảng 100 Úc kim), đây là một mức giá không thể chấp nhận được đối với những khách du lịch bình thường.
Theo ảnh chụp màn hình được chia sẻ trên Internet, một số cư dân mạng đã trả gần 120.000 nhân dân tệ (khoảng 25 ngàn Úc Kim) tiền phòng trong 7 ngày.
Theo trang tin The Paper đưa tin, một gia đình gồm 13 người đến từ Thành Đô đã ở lại Tam Á và sống trong khách sạn nghỉ dưỡng nổi tiếng Khách sạn Văn hóa Đông Phương ở Tam Á. Theo ước tính của các du khách, chi phí ăn ở hàng ngày của 13 người trong thời gian ở lại cao tới 26.500 nhân dân tệ (khoảng 5,500 Úc kim). Theo chính sách phòng chống dịch bệnh mới nhất của thành phố Tam Á, họ phải ở lại ít nhất 7 ngày, đồng nghĩa với việc chi phí của gia đình lên tới 180.000 nhân dân tệ (khoảng 37.8 ngàn Úc kim).
Cũng theo The Paper, tại cuộc họp báo vào ngày 6/8, cơ quan chức năng ở Tam Á nói rằng khách du lịch đã hoàn thành xét nghiệm sàng lọc kéo dài 7 ngày (tức xét nghiệm axit nucleic trên ngày 1, 2, 3, 5, 7 trong vòng 7 ngày), nếu âm tính thì có thể rời đảo. Nhưng với bài học kinh nghiệm từ Thượng Hải, không ai chắc chắn rằng sau 7 ngày nữa mình có thể rời khỏi đây một cách thuận lợi hay không.
Tài khoản Wenwu Shijie trên trang 163.com viết rằng đã 3 năm rồi, cũng như trong quá khứ, lại chứng kiến sự hoảng loạn, hoảng sợ và nỗi sợ hãi mơ hồ ở Tam Á. Theo lý mà nói, dù là kiến thức về virus cũng như việc áp dụng thuần thục các chiến lược phòng chống dịch bệnh, thì cũng đều không nên để xảy ra tình trạng này. Nhưng thật đáng tiếc, dù là Tây An, Thượng Hải, hay Tam Á hiện nay, cũng đều như Vũ Hán trước đây, đều hoảng sợ, tiến hay lui cũng đều không có căn cứ.
Wenwu Shijie cho rằng ngành công nghiệp khách sạn ở Tam Á coi hơn 30.000 khách du lịch bị mắc kẹt với nhu cầu cư trú là “rau hẹ” để thu hoạch, có thể cắt được thì cắt hết, giống như giết gà để lấy trứng. Cuối cùng thứ bị tổn hại chính là hình tượng du lịch Tam Á, khiến cho danh tiếng ngành du lịch Tam Á sẽ bấp bênh hơn trong tương lai.
Không chỉ các khách sạn ở Tam Á coi những du khách mắc kẹt như những con cừu chờ làm thịt, mà còn có các hãng hàng không. Nhiều hành khách mắc kẹt cho biết giá vé của chuyến bay về đắt gấp đôi so với lúc họ đến.
Hiểu Vũ, Vision Times
Thủ tướng Caribbean tuyên bố mối quan hệ ‘không thể phá vỡ’ với Đài Loan bất chấp các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc
Quan hệ của đảo quốc Saint Vincent và Grenadines (SVG) với Đài Loan là “bất phá” và sẽ không bị đe dọa bởi “bất kỳ cường quốc nào”, thủ tướng của quần đảo Caribbean cho biết hôm Chủ nhật (07/8) sau cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan.
Thủ tướng SVG Ralph Gonsalves và phái đoàn của ông đã đến Đài Loan trong chuyến thăm sáu ngày vào hôm 07/8, đánh dấu chuyến thăm thứ 11 của ông tới hòn đảo này trên cương vị thủ tướng.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ca ngợi mối quan hệ song phương của hai quốc đảo trong lời phát biểu chào mừng của bà, và ca ngợi ông Gonsalves sẵn sàng thăm Đài Loan vào thời điểm Bắc Kinh đang tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh Đài Loan.
“Những ngày gần đây, Thủ tướng Gonsalves đã bày tỏ rằng các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc sẽ không ngăn cản ông ấy đến thăm Đài Loan. Câu nói này khiến chúng tôi vô cùng xúc động”, bà Thái nói.
Ông Gonsalves cho biết, mối quan hệ song phương giữa quốc gia Caribbean và Đài Loan không phải là “giao dịch” mà dựa trên mối quan hệ giữa người với người và “các nguyên tắc vĩnh cửu”, theo văn phòng của Tổng thống Thái Anh Văn.
Ông nói: “Chúng ta là những quốc đảo. Chúng ta chia sẻ các giá trị chung về bảo vệ và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền”.
Ông Gonsalves bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ” đối với Đài Loan, nói rằng đất nước của ông “sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ hoạt động bên ngoài nào” cản trở quan hệ song phương của họ.
“Như ở bán cầu của chúng tôi, bán cầu Tây, chúng tôi không thích điều đó và chúng tôi không ủng hộ khi bất kỳ người hàng xóm quyền lực nào tìm cách đe dọa hoặc bắt nạt chúng tôi”, ông nói. “Bất cứ nơi nào có sự khác biệt, chúng tôi phải giải quyết chúng một cách hòa bình và văn minh”.
Hai quốc đảo đồng minh đã ký các thỏa thuận song phương về tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự, chuyển giao những người bị kết án, và ý định đi học đại học. Bà Thái cũng bày tỏ ý định làm việc với đảo quốc về những thách thức sau đại dịch.
Nga tạm thời rút lui khỏi hiệp định với Mỹ về cắt giảm vũ khí hạt nhân
Bộ Ngoại giao Nga hôm 8/8 loan báo nước này tạm thời rút lui khỏi Các biện pháp Giảm và Giới hạn hơn nữa các Vũ khí Tấn công Chiến lược, được biết đến với tên gọi hiệp định START Mới. Hiệp định này nhằm giới hạn vũ khí hạt nhân của cả Mỹ và Nga.
Nga nói rằng họ phải tạm thời đình chỉ các hoạt động giám sát hạt nhân vì khó khăn gặp phải do các chế tài của phương Tây đã đang áp lên Moscow từ khi bùng nổ chiến tranh Ukraine. Nga lý giải rằng các chế tài gây khó cho đội ngũ giám sát của Nga xin thị thực và di chuyển tới Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga, trong tuyên bố phát đi hôm 8/8, cho hay: “Mục tiêu của chúng tôi là xóa bỏ tình huống chưa từng có tiền lệ như vậy và đảm bảo rằng tất cả các cơ chế START phải hoạt động nghiệm ngặt phù hợp với các nguyên tắc về bình đẳng và công bằng giữa các bên, như đã được đề cập đến khi hai nước đồng ý ký hiệp định và khi hiệp định này đi vào thực thi”.
“Bây giờ các nguyên tắc này không được duy trì. Vì các biện pháp hạn chế đơn phương chống lại Nga theo đề xuất của Washington, nên tuyến đường hàng không bình thường giữa Nga và Mỹ đã bị gián đoạn, và các quốc gia đối tác và đồng minh của Mỹ đã đóng không phận đối với các máy bay Nga chở đội ngũ giám sát viên nước này tới các địa điểm có thể nhập cảnh vào lãnh thổ Mỹ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.
Hiệp định START Mới được Mỹ và Nga ký vào năm 2010, là bản cập nhật của hiệp định START I. Hiệp định START Mới quy định rằng Nga và Mỹ phải cắt giảm đầu đạn hạt nhân và khả năng tên lửa đạn đạo của mỗi nước, đồng thời cho phép giám sát tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và các căn cứ không quân của nhau.
Theo tờ Meduza, phía Nga cũng viện dẫn đại dịch COVID-19 là một trong các lý do khiến họ phải tạm thời rút lui khỏi hiệp định START Mới. Các hoạt động giám sát hạt nhân đã phải tạm dừng trong năm 2020 do đại dịch sức khỏe và vẫn chưa được nối lại.
Tuy nhiên, Nga nhấn mạnh rằng họ rất mong muốn khôi phục các hoạt động giám sát khi các vấn đề đang bị đình trệ được giải quyết ổn thỏa và rằng việc rút lui này chỉ là biện pháp tạm thời.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các biện pháp mà chúng tôi đang thực thi chỉ là tạm thời. Nga hoàn toàn cam kết tuân thủ tất cả các điều khoản của Hiệp định START, trong đó việc giám sát là công cụ quan trọng nhất để duy trì an ninh và ổn định quốc tế. Chúng tôi đánh giá cao vai trò độc nhất của hiệp định này trong việc cung cấp sự minh bạch và sự tiên đoán trước cần thiết trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ về lĩnh vực hạt nhân và tên lửa tối quan trọng”, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã cảnh báo rằng không bao giờ nên để xảy ra chiến tranh hạt nhân, bởi vì cuộc chiến này sẽ không đem lại chiến thắng cho bất kỳ bên nào, theo hãng tin TASS. Cũng trong bài phát biểu này, ông Putin đã nói Nga vẫn cam kết cắt giảm và kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Hải Đăng (Theo Washington Examiner)
Trung Quốc loan báo tiếp tục tiến hành tập trận quanh Đài Loan
Chế độ cộng sản Trung Quốc hôm 8/8 đã loan báo về các cuộc diễn tập quân sự xâm lược mới quanh Đài Loan, gia tăng áp lực lên vùng trời và vùng biển của quốc đảo.
Thông báo nêu trên của Trung Quốc đến chỉ một ngày sau khi quân đội nước này kết thúc các màn tập trận được cho là lớn nhất từ trước tới nay quanh Đài Loan.
Bộ chỉ huy miền Đông Trung Quốc vốn đảm trách việc giám sát các khu vực gần Đài Loan nói rằng các màn diễn tập quân sự mới sẽ tập trung vào hoạt động chống tàu ngầm và tấn công trên biển. Trong một động thái leo thang chưa từng có tiền lệ, chế độ Bắc Kinh cũng loan báo rằng họ bây giờ sẽ đều đặn tiến hành tập trận quân sự trên Eo biển Đài Loan.
Theo một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ, hành vi gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của chế độ cộng sản nhằm tạo ra “bình thường mới” về hiện trạng Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan đã lên án động thái của đại lục, nói rằng Trung Quốc đang cố tình tạo ra các cuộc khủng hoảng. Đài Bắc yêu cầu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc phải dừng ngay các hành động quân sự thù địch và “lùi lại khỏi bờ vực” xung đột.
“Trước sự bắt nạt của Trung Quốc, Đài Loan sẽ không sợ hãi hay lùi bước, và sẽ càng kiên địch hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như lối sống tự do dân chủ”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, hôm 8/8, Trung Quốc đã điều động 39 máy bay quân sự và 13 tàu hải quân di chuyển vào trong và quanh Eo biển Đài Loan. Chế độ Bắc Kinh cũng cho 21 máy bay quân sự xâm nhập vào khu vực nhận diện phòng không của quốc đảo dân chủ. Tổng cộng từ ngày 5/8 đến 8/8, quân đội Trung Quốc đã điều động hơn 150 máy bay quân sự và hơn 50 tàu hải quân hoạt động quanh Eo biển Đài Loan.
Thời gian ngắn trước khi kết thúc các cuộc tập trận quanh Đài Loan hôm 7/8, khoảng 10 tàu chiến của cả Trung Quốc và Đài Loan đã tập hợp quanh một khu vực gần với đường giới tuyến chia cắt Eo biển Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng việc Trung Quốc mới ban bố khu vực cấm bay quanh quốc đảo đã “bóp nghẹt” không gian huấn luyện bay của Đài Loan và sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các chuyến bay và các tuyến đường hàng không quốc tế trong tương lai gần.
Hải Đăng (Theo Washington Examiner và The Epoch Times)
Tweet ‘mượn ẩm thực nói về chủ quyền’ của Hoa Xuân Oánh phản tác dụng
Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhận được một cơn bão chế giễu trên mạng, sau khi bà mượn ẩm thực để khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Baidu Maps show that there are 38 Shandong dumpling restaurants and 67 Shanxi noodle restaurants in Taipei. Palates don't cheat. #Taiwan has always been a part of China. The long lost child will eventually return home. pic.twitter.com/p50RXund9T
— Hua Chunying 华春莹 (@SpokespersonCHN) August 7, 2022
Bà Hoa đăng trên mạng xã hội vào đêm Chủ nhật (7/8) rằng: “Bản đồ Baidu hiển thị 38 nhà hàng bánh bao Sơn Đông và 67 nhà hàng mì Sơn Tây ở Đài Bắc. Khẩu vị không nói dối. Đài Loan luôn là một phần của Trung Quốc. Đứa trẻ thất lạc lâu năm cuối cùng sẽ trở về nhà.”
Dòng tweet của bà Hoa được đưa ra vào cuối một tuần căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan, khi Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ trước chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình.
Chính phủ Trung Quốc đã đáp lại chuyến đi của bà Pelosi bằng cách hủy một loạt các cuộc đối thoại và thỏa thuận hợp tác với Washington, cũng như triển khai máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa đạn đạo xung quanh Đài Loan.
Tuy vậy, dòng tweet của bà Hoa dường như đã phản tác dụng, khi hàng nghìn người dùng trên Twitter – mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc và chỉ có thể truy cập thông qua phần mềm VPN – đã bình luận phản bác lại luận điểm của bà.
“Có hơn 100 nhà hàng mì ramen ở Đài Bắc, vì vậy Đài Loan chắc chắn là một phần của Nhật Bản”, người dùng Twitter “Marco Chu” viết trả lời bài đăng của bà Hoa.
“Bản đồ Google cho thấy có 17 McDonalds, 18 KFC, 19 Burger Kings và 19 Starbucks ở Bắc Kinh. Khẩu vị không lừa dối. Trung Quốc luôn là một phần của nước Mỹ. Đứa trẻ thất lạc từ lâu cuối cùng sẽ trở về nhà”, Twitter @plasticreceiver đã viết nhại dòng tweet của bà Hoa.
Những người khác tự hỏi đùa rằng liệu logic của bà Hoa có nghĩa là Bắc Kinh có thể đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với các vùng xa hơn khu vực Châu Á Thái Bình Dương hay không.
“Có 29 nhà bán bánh bao trong khu vực Los Angeles lớn, chưa kể đến 89 nhà hàng mì. Nếu sử dụng logic của Hoa, L.A luôn là một phần của Trung Quốc sao?”, nick Terry Adams viết.
Lê Vy