TT Zelensky cáo buộc Nga về tội ác chiến tranh trong hố chôn tập thể tại Izium
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Sáu (16/9) cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở phía đông bắc Ukraine và nói rằng còn quá sớm để nói rằng cục diện cuộc chiến đang xoay chuyển, mặc dù các lực lượng của ông đã giành lại được một số phần lãnh thổ trong tháng này, theo hãng tin Reuters.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói rằng kết quả của cuộc chiến với Nga, hiện đã bước sang tháng thứ bảy, phụ thuộc vào việc đất nước ông nhận được nhanh chóng các loại vũ khí cần thiết.
Ông so sánh tình hình ở các khu vực mới giải phóng ở phía đông bắc Ukraine tương tự như thảm kịch đẫm máu từng xảy ra ở Bucha, một thị trấn gần Kyiv, nơi ông cáo buộc lực lượng Nga đã phạm nhiều tội ác chiến tranh với những hố chôn người tập thể. Moscow đã bác bỏ các cáo buộc.
“Tính đến ngày hôm nay, có 450 người chết trong hố chôn (ở Izium, vùng Kharkiv phía đông bắc). Nhưng có những hố chôn người khác, với rất nhiều người. Họ bị tra tấn, thậm chí toàn bộ gia đình, ở một số vùng lãnh thổ nhất định”, ông Zelensky nói.
Khi được hỏi liệu có bằng chứng về tội ác chiến tranh không, ông nói: “Tất cả chúng ở đó… Có một số bằng chứng, và các đánh giá đang được tiến hành, Ukraine và quốc tế, và điều này rất quan trọng đối với chúng tôi, để thế giới công nhận điều này.”
Nga thường xuyên phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong thời gian nước này gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine, và trước đây từng nói rằng các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với họ là một chiến dịch bôi nhọ của phương Tây.
Thống đốc vùng Kharkiv, Oleh Synhubov, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu tại một trong những hố chôn ở thành phố Izium rằng một số thi thể được khai quật tại đó bị trói hai tay sau lưng.
Moscow chưa đưa ra bình luận nào về khu chôn cất tập thể ở Izium, nơi từng là thành trì tiền tuyến của Nga trước khi Ukraine phản công khiến lực lượng của họ phải tháo chạy.
Tổng thống Zelensky cũng lặp lại lời kêu gọi của mình đối với các nước phương Tây và những nước khác để nhanh chóng tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ông nói: “Chúng tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ nhiều hơn, chúng tôi muốn Hàn Quốc giúp đỡ nhiều hơn.”
Ông cũng đề cập đến “những rào cản tâm lý nhất định” ở Đức trong việc cung cấp thiết bị quân sự vì quá khứ phát xít của nước này, nhưng cho rằng những nguồn cung cấp đó là rất quan trọng để Ukraine có thể tự vệ trước cái mà ông gọi là “chủ nghĩa phát xít” của Nga.
Ông nói ông tin chắc rằng nguồn cung vũ khí nước ngoài cho Ukraine sẽ giảm nếu Kyiv không tiến hành cuộc phản công nhanh chóng và việc giành được lãnh thổ sẽ gây ấn tượng với các nước khác.
Ông nói: “Tôi nghĩ đây là một bước rất quan trọng có ảnh hưởng hoặc sẽ ảnh hưởng đến quyết định của một số quốc gia khác.”
Mặc dù ca ngợi cuộc phản công nhanh chóng của Ukraine, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc nào đó. Ông nói: “Còn sớm để nói về việc chấm dứt cuộc chiến này.”
TT Zelensky cho biết ông sẽ chỉ ủng hộ ý tưởng mở lại hoạt động xuất khẩu amoniac của Nga thông qua Ukraine, một sáng kiến do Liên hợp quốc đề xuất, nếu Moscow trao trả tù binh Ukraine cho Kyiv.
Xuân Lan (theo Reuters)
Nhiều quan chức thân Nga bị giết chỉ trong 1 ngày trên khắp Ukraine
Nhiều quan chức do Nga cài cắm tại các lãnh thổ chiếm được của Ukraine đã bị giết chỉ trong một ngày, với việc Kyiv đang tăng cường nỗ lực tái chiếm những vùng lãnh thổ này, theo các báo cáo.
Vào sáng thứ Sáu (16/9), các nhà chức trách cho biết Ukraine đã tấn công các tòa nhà chính phủ ở khu vực Kherson bị Nga chiếm đóng ít nhất 5 lần bằng Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, khiến ít nhất một người thiệt mạng và những người khác bị thương.
Ekaterina Gubareva, phó lãnh đạo trong chính quyền do Nga thành lập ở Kherson, cho biết vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, một cuộc họp đang được tiến hành giữa những người đứng đầu thành phố và các quận, huyện của thành phố.
Bà gọi vụ tấn công là “một hành động khủng bố thấp hèn” và nói rằng người đứng đầu Bộ Lao động đã bị thương, và tài xế của bà đã chết.
Khu vực này đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ đầu tháng Ba. Tuy nhiên, Ukraine đang tiến hành một cuộc phản công trong khu vực.
Trong một diễn biến khác vào thứ Sáu, ở phía bên kia đất nước, Sergei Gorenko, tổng công tố viên của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine và Ekaterina Steglenko, cấp phó của ông, đã thiệt mạng do một vụ nổ bom tại văn phòng của họ, hãng thông tấn nhà nước Interfax của Nga đưa tin. Nguyên nhân của vụ nổ vẫn chưa rõ ràng.
Và trong một vụ khác cũng vào ngày thứ Sáu, tại thành phố Berdyansk bị chiếm đóng bên trong vùng Zaporizhzhia, Oleg Boyko, một “phó thị trưởng phụ trách nhà ở và dịch vụ cộng đồng” do người Nga bổ nhiệm và vợ của ông là Lyudmila, người đứng đầu ủy ban bầu cử địa phương liên quan đến lãnh thổ, đã thiệt mạng, Interfax đưa tin.
Moscow cáo buộc Kyiv đã thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các quan chức do Nga bổ nhiệm.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Mykhailo Podolyak, cho biết Kyiv không thực hiện vụ đánh bom ở Luhansk và cho rằng vụ nổ là một nỗ lực để loại bỏ các nhân chứng cho tội ác chiến tranh của Nga, hoặc nó là kết quả của một cuộc tranh chấp nội bộ của mafia.
Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận về các vụ khác.
Một số quan chức Nga được bố trí tại các thành phố bị chiếm đóng của Ukraine đã bị giết trong những tuần gần đây khi tổn thất của Nga ngày càng gia tăng và Ukraine tìm cách chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng.
Lê Vy (theo Newsweek)
Ông Tập không tham dự bữa tối cùng ông Putin tại Uzbekistan
Các nguồn tin Chính phủ Uzbekistan tiết lộ, do cân nhắc đến chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc, nên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vắng mặt trong bữa tối của các nhà lãnh đạo 11 nước bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra vào tối ngày 15/9.
Ông Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan và Uzbekistan từ ngày 14 đến 16/9 và tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức tại Samarkand, Uzbekistan. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong vòng 3 năm, và cũng được coi là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của ông trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo nguồn tin của Reuters, ông Tập Cận Bình là người duy nhất vắng mặt trong bữa tối thượng đỉnh SCO, Uzbekistan giải thích rằng phía Trung Quốc nói rằng đó là do chính sách phòng chống dịch bệnh.
Theo báo cáo, trong bức ảnh chụp chung tại bữa tối được công bố vào tối ngày 15/9, có thể thấy lãnh đạo nhiều quốc gia bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều tham dự, nhưng ông Tập Cận Bình đã không tham dự.
Một nguồn tin từ Chính phủ Uzbekistan xác nhận việc ông Tập Cận Bình vắng mặt trong bữa tối, đồng thời cho biết, phái đoàn Trung Quốc giải thích đó là vì chính sách phòng chống dịch.
Về việc này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của giới truyền thông.
Được biết, vào chiều ngày 15/9 theo giờ địa phương, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp song phương với ông Putin tại Uzbekistan. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng cùng với Nga ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, kết nối trao đổi với nhau.
Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cung cấp sự hỗ trợ về nhiều phương diện cho hội nghị thượng đỉnh lần này. Theo báo chí Trung Quốc Đại Lục đưa tin, ngày 26/8, Trung Quốc đã vận chuyển 63 xe Hongqi (Hồng Kỳ) xuất cảnh tại hải quan Urumqi (Trung Quốc), chuyển đến Uzbekistan làm phương tiện chở các nguyên thủ quốc gia của các nước tham dự thượng đỉnh.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 12/9 đưa tin, ông Tập Cận Bình, người đang tìm kiếm tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCSTQ tại Đại hội 20, đã bị dư luận Trung Quốc chỉ trích về chính sách “tiêu tiền lớn” để viện trợ nước ngoài trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, “tiêu tiền lớn” rốt cuộc là bao nhiêu? Gần đây, một số phương tiện truyền thông tiết lộ rằng Trung Quốc đã cung cấp một số khoản vay khẩn cấp bí mật cho các quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng tài chính lên tới 32,8 tỷ USD, và đây chỉ là một phần rất nhỏ của dự án “Vành đai và Con đường”.
Đổng Lâm San, Vision Times
Kyrgyzstan báo cáo giao tranh ác liệt với Tajikistan, 24 người thiệt mạng
Hôm thứ Sáu (16/9), Kyrgyzstan đã báo cáo “các trận giao tranh dữ dội” với nước láng giềng Trung Á Tajikistan và cho biết 24 người đã thiệt mạng.
#Kyrgyzstan – #Tajikistan: Clashes have broken out between the Tajik and Kyrgyz militaries along the contested Kyrgyz-Tajik border over the past 48h. A ceasefire was reportedly attempted, which Kyrgyzstan now claims Tajikistan has broken. https://t.co/WuWU3klfhZ pic.twitter.com/FshXFJnJ1J
— POPULAR FRONT (@PopularFront_) September 16, 2022
Kyrgyzstan cho biết có giao tranh ở tỉnh Batken phía nam giáp với vùng Sughd phía bắc của Tajikistan.
Theo hãng tin Reuters, cả hai quốc gia đều đang cáo buộc nhau tái khởi động chiến sự ở khu vực tranh chấp, mặc dù đã có thỏa thuận ngừng bắn.
Kyrgyzstan cho biết, lực lượng Tajik sử dụng xe tăng, thiết giáp chở quân và súng cối đã tiến vào ít nhất một ngôi làng của Kyrgyzstan và nã pháo vào sân bay của thị trấn Batken và các khu vực lân cận.
Đổi lại, Tajikistan cáo buộc lực lượng Kyrgyzstan đã pháo kích vào một tiền đồn và bảy ngôi làng bằng “vũ khí hạng nặng”.
Trong một tuyên bố, cơ quan biên phòng Kyrgyzstan cho biết các lực lượng của họ đang tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công của Tajikistan.
Bộ Y tế Kyrgyzstan sau đó cho biết 24 công dân đã thiệt mạng và 87 người bị thương, theo hãng thông tấn Interfax của Nga. Báo cáo không cho biết có bao nhiêu thương vong đến từ quân đội.
Kamchybek Tashiev, người đứng đầu ủy ban quốc gia Kyrgyzstan về an ninh quốc gia, được hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời nói rằng thương vong của quân đội là “rất cao.”
“Tình hình rất khó khăn và về những gì sẽ xảy ra vào ngày mai, không ai có thể đưa ra bất kỳ đảm bảo nào,” ông nói.
Bộ Tình trạng khẩn cấp Kyrgyzstan cho biết hơn 136.000 dân thường đã được sơ tán khỏi khu vực xung đột, Interfax cho biết.
Trước đó trong ngày, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov và người đồng cấp Tajik Emomali Rakhmon đã đồng ý ra lệnh ngừng bắn và rút quân tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Uzbekistan, văn phòng của Japarov cho biết.
Các vấn đề biên giới Trung Á phần lớn bắt nguồn từ thời Liên Xô khi Moscow cố gắng phân chia khu vực giữa các nhóm có khu định cư thường nằm giữa các dân tộc khác.
Cả hai nước Kyrgyzstan và Tajikistan đều có các căn cứ quân sự của Nga. Trước đó, vào thứ Sáu, Moscow đã thúc giục hai bên chấm dứt các hành động thù địch.
Các cuộc đụng độ xảy ra vào thời điểm quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine, cũng như xung đột cũng xảy ra ở hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác là Armenia và Azerbaijan.
Một nhà phân tích khu vực Trung Á, Alexander Knyazev, cho biết các bên không có ý chí muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình và các tuyên bố lãnh thổ đã kích động thái độ gây hấn ở tất cả các cấp.
Ông cho biết chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình của bên thứ ba mới có thể ngăn chặn xung đột thêm nữa bằng cách thiết lập một khu vực phi quân sự.
Nhật Minh (theo Reuters)
Bộ trưởng Litva: Văn phòng Đài Loan là một ‘bước rất quan trọng’
Việc mở văn phòng thương mại Litva tại Đài Loan là một “bước đi rất quan trọng” đối với cả hai nền dân chủ, và cả hai đang có xu hướng hợp tác kinh tế tốt, một vị thứ trưởng của quốc gia Baltic cho biết hôm thứ Sáu (16/9).
Trung Quốc, quốc gia vẫn luôn tuyên bố Đài Loan thuộc lãnh thổ của riêng mình, đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania và gây áp lực buộc các công ty đa quốc gia cắt đứt liên kết với quốc gia có 2,8 triệu dân sau khi họ cho phép Đài Loan mở đại sứ quán trên thực tế ở Vilnius.
Văn phòng tương ứng ở Đài Bắc sẽ bắt đầu hoạt động “trong tương lai gần nhất”, Bộ Kinh tế và Đổi mới Litva thông báo hôm 16/9, mặc dù Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định cơ quan này đã hoạt động hiệu quả.
Phát biểu với báo giới tại Đài Bắc, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Đổi mới của Litva Karolis Zemaitis cho hay, công tác chuẩn bị cho việc khai trương văn phòng đang diễn ra rất khẩn trương.
Ông nhấn mạnh: “Tất nhiên đây là một bước rất quan trọng đối với chúng tôi, đối với cả hai nền dân chủ.”
Văn phòng Thương mại Litva ở Đài Bắc này trực thuộc Bộ Kinh tế và Đổi mới và do ông Paulius Lukauskas, cựu cố vấn của Thủ tướng Ingrida Simonyte đứng đầu.
Trung Quốc đã nhiều lần lên án việc Lithuania thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, đảo quốc dân chủ mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Đài Bắc.
Tháng trước, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thứ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Litva Agne Vaiciukeviciute vì ông đã đến thăm Đài Loan.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có cảnh báo ông không nên đến Đài Loan hay không, Thứ trưởng Zemaitis, người dẫn đầu một phái đoàn gồm 28 người đến thăm đảo quốc dân chủ trong tuần này cho biết, ông không liên hệ với “bất kỳ đại diện nào của Trung Quốc”.
Gần đây, Đài Bắc đang nỗ lực khuyến khích đầu tư của Đài Loan vào Litva và nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ nước này.
Ông Zemaitis nhận định: “Tôi cho rằng hiện chúng tôi đang phối hợp rất tích cực để đạt được kết quả kinh tế tốt nhất có thể cùng với những người đồng cấp Đài Loan, và tôi nghĩ chúng tôi đang trên đà phát triển rất tốt.”
“Tất nhiên khi nói đến đa dạng hóa thị trường tổng thể, điều quan trọng trên toàn cầu đối với nhiều quốc gia bao gồm cả châu Âu, tôi nghĩ rằng đây luôn là một quá trình đòi hỏi cần có một thời gian nhất định.”
Minh Ngọc (Theo Reuters)
TT Putin nhắn nhủ châu Âu: Nếu muốn khí đốt, hãy mở Nord Stream 2
Reuters đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Sáu (16/9) phủ nhận việc Nga có bất cứ liên quan gì đến cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, và nói rằng nếu Liên minh châu Âu muốn có thêm khí đốt, họ nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngăn chặn việc mở đường ống Nord Stream 2.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan, ông Putin đã đổ lỗi cho điều mà ông gọi là “chương trình nghị sự xanh” về cuộc khủng hoảng năng lượng, đồng thời khẳng định Nga sẽ thực hiện các nghĩa vụ năng lượng của mình.
“Điểm mấu chốt là nếu các vị có nhu cầu, chỉ cần dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 – với công suất lên đến 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Chỉ cần nhấn nút và mọi thứ sẽ diễn ra,” ông Putin nói, đề cập đến điều kiện Moscow cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Nord Stream 2 là dự án đường ống khí đốt dài 1.230 km, được xây dựng nhằm tăng gấp đôi dòng chảy khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức thông qua đường biển Baltic, gần như song song với Nord Stream 1. Dự án này đã hoàn thành từ tháng 9/2021, nhưng Đức đã ra lệnh cho cơ quan giám sát của nước này đình chỉ quá trình chứng nhận chỉ vài ngày trước khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.
Giá khí đốt của châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với đầu năm trong bối cảnh nguồn cung của Nga giảm. Lạm phát gia tăng trong năm nay khiến người tiêu dùng đối mặt nhiều khó khăn và buộc một số ngành công nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Châu Âu đã cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moskva. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, phương Tây đã phát động một cuộc chiến tranh kinh tế và các lệnh trừng phạt đã cản trở hoạt động của đường ống Nord Stream 1, khiến giá khí đốt tăng vọt.
Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia, bao gồm cả Bulgaria và Ba Lan, vì những nước này từ chối thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng rúp cho Moscow.
Hồi đầu tháng này, tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom tuyên bố, đường ống Nord Stream 1 – tuyến đường cung cấp chính của châu Âu, sẽ ngừng hoạt động do tuabin tại một trạm nén bị rò rỉ dầu động cơ.
Nhật Minh (T/h)