Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekara cho biết, Sri Lanka đang xem xét mua các tấm pin mặt trời thông qua một hạn mức tín dụng từ Ấn Độ và Trung Quốc để bù đắp cho việc tăng giá điện. Tổng thống Sri Lanka nói rằng, nước này sẽ mất khoảng 25 năm để thanh toán hết nợ nần.
Chính phủ Sri Lanka đã tăng 75% giá điện vào tháng 8, lần tăng đầu tiên trong 9 năm để bù một phần khoản lỗ lũy kế 616 triệu USD, gây ra sự phản đối giữa các giáo sĩ Phật giáo địa phương, những người đang vật lộn để trả hóa đơn tiền điện của họ.
Theo đó, gần 70% trong số 7,8 triệu hộ gia đình có mức tiêu thụ điện dưới 90 kilowatt/tháng sẽ bị áp mức tăng giá điện cao nhất là 264%, trong khi những hộ gia đình tiêu thụ nhiều hơn sẽ chịu mức tăng giá thấp hơn – khoảng 80%.
Tăng đoàn Ramanya Nikaya cho biết họ sẽ tắt đèn ở tất cả các ngôi chùa trong tỉnh vào Ngày Poya – một ngày lễ của Phật giáo – để phản đối việc tăng chi phí điện năng, tờ Daily Mirror đưa tin.
Phát biểu tại quốc hội hôm thứ Ba (20/9), ông Wijesekara đề xuất sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và lắp đặt các tấm pin mặt trời cho các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là những cơ sở phải thanh toán tiền điện cao hơn.
“Chúng tôi gặp vấn đề về ngoại hối, gây khó khăn cho việc thanh toán hàng nhập khẩu. Một giải pháp mà chúng tôi nghĩ đến là nhập khẩu các tấm pin năng lượng mặt trời thông qua hạn mức tín dụng từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc”, ông nói, theo tờ Press Trust of India.
Công ty điện lực Ceylon Electricity Board (CEB) thuộc sở hữu nhà nước đang nợ nần chồng chất với số tiền lên đến hơn 80 tỷ rupee (225 triệu USD) chi phí nhiên liệu và 46 tỷ rupee (129 triệu USD) khác cho các nhà cung cấp năng lượng tái tạo.
Cắt điện hàng ngày
22 triệu người dân Sri Lanka đã phải vật lộn với việc cắt điện hàng ngày kéo dài hàng giờ, do chính phủ thiếu ngoại tệ trầm trọng để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu.
Ủy ban Tiện ích Công cộng Sri Lanka (PUCSL) cho biết, cơ quan này đã lên lịch cắt điện 80 phút vào thứ Ba và thứ Tư, với lý do sản xuất điện không đủ do thiếu nhiên liệu.
Một vài tuần trước đó, PUCSL đã áp dụng việc cắt điện vào ngày 27/8 và ngày 28/8, sau đó kéo dài đến ngày 29/8 với lý do tương tự. Sri Lanka cũng đã áp dụng hình thức cắt điện kéo dài 13 giờ trên toàn quốc vào tháng 3, theo các báo cáo địa phương.
Chủ tịch Liên minh Kỹ sư CEB Anil Ranjith cho biết trong cuộc họp báo ngày 15/9 rằng, tình trạng cắt điện liên tục của Sri Lanka có thể tiếp diễn trong ít nhất ba năm nếu chính phủ từ chối tăng nguồn cung cấp điện cho quốc gia này.
“Nhu cầu lên đến đỉnh điểm vào ban đêm. Nguồn điện chủ yếu đến từ thủy điện, nhiệt điện và nếu có gió thì từ các nhà máy điện gió. Nếu không có than hoặc dầu, thì chúng tôi buộc phải cắt điện”, tờ Economy Next dẫn lời ông Anil Ranjith.
“Cho đến khi chúng tôi tăng nguồn cung cấp thông qua nhiệt điện, gió, khí đốt tự nhiên hóa lỏng, than đá hoặc năng lượng mặt trời và tích trữ năng lượng, thì việc cắt điện sẽ còn tiếp tục”, ông Ranjith nói thêm.
Thỏa thuận của IMF
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó đã thông qua khoản cứu trợ 2,9 tỷ USD trong khuôn khổ Quỹ Mở rộng 48 tháng mới, nhằm giúp khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô và tính bền vững của nợ nần của Sri Lanka.
IMF cho biết thỏa thuận của tổ chức này với Sri Lanka phụ thuộc vào sự chấp thuận của ban quản lý và ban điều hành IMF, cũng như sự đảm bảo tài chính từ các chủ nợ của Sri Lanka, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tổng thống Ranil Wickremesinghe nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng, Sri Lanka sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với các chủ nợ lớn là Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như các chủ nợ tư nhân.
“Trong khi xem xét về các khoản nợ của mình, chúng tôi cũng phải trả lại những khoản chúng tôi đã vay. Nghĩa là chúng tôi cần 25 năm để trả nợ, tính từ bây giờ cho đến năm 2048. Khi đó chúng tôi đã 100 tuổi, đến lúc đó sẽ là một xã hội thịnh vượng”, ông Wickremesinghe nói trong bài phát biểu của mình.
Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng Năm. Quốc đảo này có 10 tỷ USD nợ song phương tính đến tháng 8, trong đó 44% là nợ Trung Quốc, theo Bộ Tài chính Sri Lanka (pdf). Nhật Bản nắm giữ 32% nợ của Sri Lanka, trong khi Ấn Độ nắm giữ 10%.
Nền kinh tế của đảo quốc Nam Á đã bị tàn phá bởi đại dịch toàn cầu, dẫn đến việc đóng cửa ngành du lịch.
Lượng kiều hối cạn kiệt, cùng với một loạt các đợt cắt giảm thuế đã khiến Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây. Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở Sri Lanka kéo dài suốt nhiều tháng và cuối cùng đẩy quốc gia này đến bờ vực vỡ nợ.Huyền Anh